Nếu quan sát và phân tích những hiện tượng sa đọa học đường trong thời gian gần đây ở mọi mặt của nền giáo dục, sẽ thấy cả tỷ nguyên nhân. Sự nhận định chủ quan và khách quan ở mọi quan điểm, từ các nhà hàn lâm đến những ý kiến dân dã đời thường, tựu trung đều dẫn đến một kết luận: cần thay đổi, cần chấn hưng nền giáo dục và phải làm mạnh mẽ...kẻo quá muộn.
Nhưng bắt đầu từ đâu và làm thế nào, vẫn dừng ở mức chung chung và lùng bùng, dù, Đại hội XI ĐCSVN cũng đã xác định, nếu không chấn hưng được nền giáo dục, đừng mơ tưởng đến những mục tiêu cho phát triển xã hội.
Xác định những công tác "găng", mà nếu không xúc tiến và làm tốt thì mọi công tác trong thiết kế, mọi biện pháp tiến hành, dù chi tiết và kỹ lưỡng, cũng không thể hoàn thành, dù nhiệt huyết và tích cực với cả mọi công nghệ , phương tiện nghe nhìn tràn trề.
Vậy, những vấn đề cốt tử để chấn hưng được nền giáo dục VN hiện nay là gì? Trả lời tốt và đúng câu hỏi này là bức thiết trước tiên để vạch ra lộ trình chấn hưng có hiệu quả .
Trong mọi sự phát triển, cho dù có sách-chiến lược cùng các công cụ chính sách hỗ trợ, dù tốt, đúng, đẹp đến mấy cũng sẽ vô ích, thậm chí còn lạc lối nếu không thiết chế được một chế độ trách nhiệm và giám sát trách nhiệm.
Chế độ dân chủ tập trung của một xã hội không phải là xấu, nhưng nó chỉ thực sự tốt khi trình độ văn hóa xã hội ở một mức rất cao. Nhận thức và ý thức phổ quát về chân thiện mỹ của mọi giai tầng xã hội phải ở mức song hành cùng sự phát triển cực cao của khoa học kỹ thuật, đồng thời, mỗi cá nhân cũng luôn cân bằng được các nhu cầu vật chất và tinh thần đúng qui luật. Nhắc lại điều này để nhận chân cái gọi là "trách nhiệm tập thể", "cha chung không ai khóc" trong thể chế chính trị VN hiện thời.
Thử nhìn lại những người đã mang trọng trách trong sự nghiệp giáo dục VN kể từ 1976 đến nay, các Bộ trưởng phụ trách bộ trồng người ? Sẽ là rất võ đoán nếu kết luận họ là những kẻ bất tài, đức kém khi nhìn vào thực trạng giáo dục ở các giai đoạn đã qua và cả hiện tại. Và điều cần nhấn mạnh, hầu như "đồng chí nào" cũng đã hoàn thành nhiệm vụ Đảng giao và xứng đáng sự phó thác của nhân dân với đầy đủ các danh hiệu cao quí.
Rõ là chẳng có vị nào có trách nhiệm và chịu trách nhiệm một cách cụ thể. Cũng hẳn là, vị tân bộ trưởng giáo dục nào, khi được bổ nhiệm sau mỗi kỳ Đại hội ĐCS đều phải trình bày, it ra là các kế sách rất hay ho.
Và bây giờ, cả xã hội gánh chịu.
Một vấn đề cực bức thiết mang tính cơ sở kỹ thuật thuần túy được mổ sẻ: "cách dạy và cách học" hiện thời.
Đúng vậy, cho dù mọi phương tiện vật chất rất đầy đủ, nhưng đó cũng chỉ là những yếu tố khách thể của vấn đề, dạy và học tốt hay không phụ thuộc phần lớn vào ý thức của giáo viên và học sinh, chủ thể của vấn đề.
Dư luận cho rằng, đời sống giáo viên quá thấp ảnh hưởng thiết thân tới giáo viên; công nghệ thông tin phát triển chóng mặt, gió lành, gió độc trong thế giới phẳng tung hoành búa xua ảnh hưởng trong nếp sống và cách học của tuổi học trò... Những điều này là cần quan tâm song thực chất chỉ là phần thân và ngọn của vấn đề, không phải cái gốc.
Bởi, cân đối được mức sống giáo viên không là khó, sự kết hợp giáo dục tốt giữa Nhà trường-Gia đình-Xã hội trong giáo dục trẻ vị thành niên để trải khắp cộng đồng không hề đơn giản, nhưng không thể là bất thể, vì điều kết hợp dạy dỗ những "nhân vật nối dõi" này luôn hiện hữu trong tâm thức xã hội, ở từng phụ Huynh, giáo viên và Nhà nước.
Một công cụ cơ bản và quan trọng nhất trong giáo dục chắc chắn là Sách hướng dẫn và Chương trình học liệu hàm chứa, và không quá tí nào nếu nói Hướng dẫn và Chương trình ở bậc tiểu học là tối quan trọng, thế thì Bộ sách giáo khoa tiểu học hiện thời thế nào?
Là tối quan trọng bởi ở lứa tuổi hình thành tư duy này của một con người sẽ hình thành các nhân cách , tính cách cá nhân, tài năng và nhân phẩm. Số phận một xã hội là sự tích hợp của các số phận cá nhân, điều đó không cần bàn cãi.
Và, sẽ không thể có giáo án tốt(để dạy) và nền nếp tư duy để nhận thức tốt (cho học) nếu không có một Bộ sách giáo khoa chuẩn.
Vậy, phải chăng, muốn Chấn hưng giáo dục thì những việc "cần làm ngay" là đây:
1. Thượng tầng kiến trúc: Phải xác định trách nhiệm cá nhân để giao đúng người đúng việc. Từ đó mới hoạch định đúng đắn về mọi mặt khác cho giáo dục, từ chiến lược chính sách nói chung đến cách thức tổ chức bộ máy từ cơ sở tới trung ương và các thiết chế giáo dục khác.
2. Cơ sở hạ tầng: Một Bộ sách giáo khoa chuẩn phải được cấp thiết ban hành, trước mắt là Bộ giáo khoa tiểu học.
3. Một Hội đồng giáo dục hoặc Uỷ ban giáo dục cần được thành lập với đủ quyền lực không phụ thuộc và không phải làm theo Chỉ thị, định hướng của bất cứ Tổ chức chính trị nào trên quan điểm duy nhất của khoa học giáo dục: Vun đắp tính nhân bản và tài năng cho các thế hệ tương lai.
Thực hiện tốt 3 việc trên, các vấn đề khác, chắc chắn sẽ tuần tự nhi tiến với sự cố gắng của toàn xã hội.
Bác ơi, mục tiêu của giáo dục là đào tạo con người mới xhcn mà chứ đâu phải con người bình thường, như vậy thì quá đạt rồi, bác còn muốn gì nữa.
Trả lờiXóaAi dám hù tui đây nhỉ? :)
Xóa