Thứ Tư, 29 tháng 5, 2013

"MỘT GÓC NHÌN KHÁC"







Chủ nhân blog "Một góc nhìn khác" sau khi dược trả tự do liệu có thể kiện một vài tờ báo khi đưa tin một cách khảng định: "Trương Duy Nhất đã có hành vi vi phạm điều 258 Bộ luật hình sự "?

"Nếu anh đến giúp tôi thì hãy về đi. Nhưng nếu anh thấy cuộc đấu tranh của tôi có gì đó thiết thân đến sự sống còn của chính con cháu các anh thì có lẽ chúng ta có thể làm việc chung với nhau"
Đây là lời của của một nữ thổ dân Australia (Không phải của Nhất) được Nhà xã hội học David C. Korten dẫn đề khi đăng Phụ lục Tuyên ngôn Manila 1989 tại "Hội nghị tư vấn liên vùng về sự tham gia của nhân dân vào công cuộc phát triển bền vững" trong cuốn "Hành động tự nguyên và chương trình nghị sự toàn cầu".

***
.

Thông thường, ngoài trường hợp phạm pháp quả tang, mọi loại tội phạm đều chỉ được kết luận sau quá trình điều tra của các cơ quan hữu quan và được cơ quan Tư pháp phân xử (các hình thức Tòa án). Việc cơ quan công quyền tạm giữ một công dân để điều tra không phải là đương nhiên  người đó có tội, dù có thể "có dấu hiệu" phạm tội, và tất nhiên người đó chưa thể là tội đồ khi chưa được xét xử và tuyên án !

Những phát biểu của TDN trên trang blog "Một góc nhìn khác" thể hiện chính kiến cá nhân và quan điểm của tác giả. Những ý kiến đó có thể cao ngạo, xác đáng hay không, đúng hoặc sai hoàn toàn không suy suyển gì đến lợi ích của các tổ chức, công dân được đề cập, cũng không xâm hại đến lợi ích của Nhà nước. Điều này thực dễ chứng minh.

 Vả lại, mọi người luôn có quyền phát biểu, một loại quyền tất yếu và phổ quát trong thế giới hiện đại, thậm chí luôn được khuyến khích ở các thể chế chính trị dân chủ. Thế nên, nếu chỉ vì những ý kiến khác biệt và sốc trên trang nhật ký mở của mình , mà Blogger TDN bị bắt thì có thể đã có một sự nhầm lẫn nào đó bên cơ quan công quyền ?

***





Thứ Tư, 22 tháng 5, 2013

THƯ GỬI TỔNG THỐNG MỸ

Pari, ngày 18-6-1919

Kính gửi Ngài Tổng thống Cộng hoà Hợp chủng quốc, Đại biểu ở Hội nghị Hoà bình.

Yêu sách của Nhân dân An Nam (1919)

Từ ngày Đồng minh thắng trận, tất cả các dân tộc bị lệ thuộc đều chứa chan hy vọng rằng theo những lời cam kết chính thức và trịnh trọng mà các cường quốc Đồng minh đã tuyên bố với toàn thế giới, trong cuộc đấu tranh của Văn minh chống Dã man, thì tiền đồ một thời đại công lý và chính nghĩa nhất định là phải đến với họ. 



Trong khi chờ cho nguyên tắc dân tộc sẽ từ lĩnh vực lý tưởng chuyển vào lĩnh vực hiện thực do chỗ quyền tự quyết thiêng liêng của các dân tộc được thừa nhận thật sự, nhân dân nước An Nam trước kia, nay là xứ Đông – Pháp, xin trình với các quý Chính phủ trong Đồng minh nói chung và với Chính phủ Pháp đáng kính nói riêng, những yêu sách khiêm tốn sau đây:
1. Tổng ân xá cho tất cả những người bản xứ bị án tù chính trị;
2. Cải cách nền pháp lý ở Đông Dương bằng cách cho người bản xứ cũng được quyền hưởng những đảm bảo về mặt pháp luật như người Âu châu; xoá bỏ hoàn toàn các toà án đặc biệt dùng làm công cụ để khủng bố và áp bức bộ phận trung thực nhất trong nhân dân An Nam;
3. Tự do báo chí và tự do ngôn luận ;
4. Tự do lập hộihội họp;
5. Tự do cư trú ở nước ngoài và tự do xuất dương;
6. Tự do học tập, thành lập các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp ở tất cả các tỉnh cho người bản xứ;
7. Thay chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật;
8. Đoàn đại biểu thường trực của người bản xứ, do người bản xứ bầu ra, tại Nghị viện Pháp để giúp cho Nghị viện biết được những nguyện vọng của người bản xứ.
Đưa ra những yêu sách trên đây, nhân dân An Nam trông cậy vào chính nghĩa thế giới của tất cả các cường quốc và đặc biệt tin vào lòng rộng lượng của nhân dân Pháp cao cả, tức là của những người đang nắm vận mệnh của nhân dân An Nam, của những người, do chỗ nước Pháp là một nước Cộng hoà, nên được coi là những người bảo hộ cho nhân dân An Nam. Khi nhân dân An Nam nhắc đến sự “bảo hộ” của nhân dân Pháp, thì không lấy thế làm hổ nhục chút nào mà trái lại còn lấy làm vinh dự: vì nhân dân An Nam biết rằng nhân dân Pháp đại biểu cho tự do và công lý, và không bao giờ từ bỏ lý tưởng cao cả của mình là tình bác ái toàn thế giới. Vì thế, nghe theo tiếng nói của những người bị áp bức, là nhân dân Pháp sẽ làm tròn nhiệm vụ của mình đối với nước Pháp và đối với Nhân loại.
Thay mặt nhóm những người yêu nước An Nam NGUYỄN ÁI QUỐC
Tài liệu tiếng Pháp, bản chụp
lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

Cơn ớn lạnh trong một ngày 40 độ


by
Người dịch: Đan Thanh

Cách đây một tuần, tác giả bài này có bình luận về những thay đổi không thể chối cãi diễn ra gần đây trong văn hoá chính trị Việt Nam, và kết luận mà không cần giả định nào về tương lai, rằng nền chính trị Việt Nam đã bước vào một giai đoạn mới. Và hôm nay tôi vẫn giữ quan điểm của tôi, là Việt Nam đang ở một vị thế mới và người Việt Nam đang cất lên tiếng nói chính trị của họ.
Giờ đây có những dấu hiệu cho thấy là chiếc giày còn lại đã rơi (thành ngữ chỉ một việc không tránh khỏi đã xảy ra, một kết cục đã đến), bởi vì chỉ trong có nửa tháng sau khi Hội nghị 7 của Ban Chấp hành Trung ương bế mạc, chúng ta đã chứng kiến một loạt diễn biến cho thấy một nỗ lực “đàn áp” có thể đang diễn ra thật sự.
Tin mới nhất, chỉ vừa cuối tuần trước, là sẽ không có tin tức nào không bị kiểm soát,
cho đến khi BBC, CNN và các hãng tin nước ngoài khác chịu tuân thủ yêu cầu về giấy phép hoạt động ở Việt Nam, như quy định trong Nghị định 20. Các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình cáp quốc doanh đã vừa chấm dứt hoạt động (thành ngữ: rút phích cắm, chỉ sự kết thúc một kế hoạch, cắt đứt một nguồn sống…) của những hãng tin ngoại quốc.
Điều này xảy ra chỉ vài ngày sau khi hai thanh niên bị kết án tù rất nặng vì tội dán cờ của “các chế độ cũ” (dán cờ phía dưới một khẩu hiệu đối đầu với hành vi cư xử của Trung Quốc trên Biển Đông Nam Á), và một ngày sau kỷ niệm sinh nhật của ông Hồ Chí Minh, khi thanh niên trên khắp Việt Nam diễu hành với các khẩu hiệu, bảng chữ tuyên xưng niềm yêu kính và ngưỡng mộ theo đúng chỉ thị của họ đối với các cống hiến vĩ đại của ông Hồ.
Tuy nhiên, cách cư xử của đảng cầm quyền ở Việt Nam có vẻ mâu thuẫn với các nguyên tắc được nêu trong Tuyên ngôn Độc lập của ông Hồ, theo đó, ông mượn một câu từ Quyền con người để nói rằng “tất cả mọi người đều sinh ra tự do và có quyền bình đẳng”.
Ở đâu đó có những nhận định rằng dập tắt các kênh tin tức là một nỗ lực của các cơ quan chức năng có liên quan nhằm làm tăng khả năng truy cập vào các trang này và kiếm tiền nhanh cho một số người có khả năng dịch tốt, bằng cách bắt buộc các chương trình truyền hình quốc tế phải có phụ đề ở một tỷ lệ nội dung nào đó.
Một khả năng khác, đã được bóng gió ở trên, là đây thật ra là sự bắt đầu của những kế hoạch hưởng ứng lời kêu gọi thắt chặt kiểm soát, như đã được nêu ra trong phiên họp toàn thể gần đây của đảng. Khả năng thứ ba và gây tò mò nhất, cũng lại chỉ là suy đoán, là chấm dứt hoạt động của các kênh tin tức ngoại quốc chủ yếu vì những nỗ lực muộn màng của nhà nước hoặc của các quan chức nhà nước cụ thể nào đó nhằm làm giảm bớt khó khăn của ban lãnh đạo đảng trước các công dân của họ và trước thế giới, khi mà họ vừa có bản án quá nặng đối với hai người trẻ. Người ta có thể hình dung cảnh một quan chức cao cấp phun phì cả nước trà khi đang xem truyền thông quốc tế đưa tin về bản án, và sau đó là một cú phôn ngắn gọn, vào lúc khuya, với một giọng khàn khàn: “Chấm dứt đi!”.
Bản án, không còn nghi ngờ gì nữa, được sự tán thành của các phần tử thủ cựu canh giữ trong đảng, có quyền trấn áp, và cũng phải thừa nhận là nó được sự ủng hộ của một số đáng kể dân số – những người đánh đồng lá cờ vàng với bạo lực thời chiến và xung đột dân sự. Nhưng bản án quá nặng và không có lợi gì cho hình ảnh quốc gia, ở trong nước cũng như nước ngoài.
Bây giờ đang là thời điểm thú vị ở Việt Nam. Văn hoá chính trị đã phát triển và đang có sự bất mãn đáng kể ngay trong nội bộ đảng, về việc làm thế nào giải quyết tình hình hiện nay. Chuyện phe phái trong đảng tất nhiên là chẳng phải cái gì mới mẻ. Và sự đa nguyên trong nội bộ đảng đó, nếu nó đi xa hơn, thật sự có thể có lợi cho quá trình dân chủ hoá, cho dù dưới hình thức nào. Tất nhiên, đa số dân chúng Việt Nam hy vọng có một kết quả như thế.
Hôm thứ hai tại Hà Nội nóng tới 40 độ C. Nhưng một cơn gió lạnh vừa tạt qua. Đấy là điềm gở về một mặt trận đang đến gần hay một cú thở hắt ra của quá khứ, chúng ta sẽ chờ xem.
JL

Thứ Sáu, 10 tháng 5, 2013

Công dân Việt Nam không được nhập cảnh vào Việt Nam?

Đông A
 
Gần đây xuất hiện một số trường hợp công dân Việt Nam đang định cư ở nước ngoài không được nhập cảnh vào Việt Nam. Tôi thấy đây là vấn đề đáng quan tâm và có tìm hiểu một số văn bản pháp luật, cụ thể là:

1. Nghị định số 136/2007/NĐ-CP của Chính phủ : Về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam
2. Thông tư 21/2011/TT-BCA ngày 25 tháng 04 năm 2011 Quy định về trình tự, thủ tục thực hiện các quyết định chưa cho nhập cảnh, chưa được xuất cảnh, tạm hoãn xuất cảnh

Sau khi tìm hiểu tôi thấy Nghị định số 136/2007/NĐ-CP không có một điều khoản nào quy định những trường hợp cấm công dân Việt Nam đang định cư ở nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam. Thông tư 21/2011/TT-BCA cũng không có  một điều khoản nào quy định những trường hợp cấm công dân Việt Nam đang định cư ở nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, mặc dù thông tư này có mục giải thích từ ngữ về khái niệm chưa cho nhập cảnh: là việc cơ quan, người có thẩm quyền quyết định không cho phép người nước ngoài, người Việt Nam mang hộ chiếu nước ngoài và công dân Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.

Như vậy theo hiểu biết của tôi, cơ quan nhập cảnh chưa cho công dân Việt Nam (người đang mang hộ chiếu Việt Nam và không có quyết định bị tước quốc tịch Việt Nam) bất kể đang định cư ở nước ngoài hay không, nhập cảnh vào Việt Nam là hành vi hành chính trái pháp luật. Tôi cho rằng những người bị cấm nhập cảnh này có thể ủy quyền cho luật sư ở Việt Nam khởi kiện hành vi hành chính này ở tòa án hành chính, và tôi tin sẽ thắng kiện ở một phiên tòa công minh. Kể từ ngày 1/7/2012 công dân Việt Nam có quyền khởi kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của các cơ quan công quyền ra tòa án hành chính ngay lập tức mà không cần phải thông qua khâu khiếu nại trước như trước đây (theo Luật Khiếu nại năm 2011, khoản 1, điều 7).

Nhân đang đọc Người và cảnh Hà Nội của Hoàng Đạo Thúy, thấy có câu này: "... bất chấp điển lệ mà chế độ của mình đặt ra thì đó là tự mình phá chế độ của mình, khó mà kìm hãm được cái đà trượt trên cái dốc suy tàn, đổ, mất". Chỉ có vi phạm điển lệ mà Hoàng Đạo Thúy đã nhận xét như vậy, nếu vi phạm chính pháp luật của chế độ mà mình đặt ra, và không xét xử sự vi phạm đó thì cái đà suy tàn, đổ, mất đã tới chân, và không thể cứu vãn được nữa rồi.

Alan Phan - Con gà hay quả trứng?

Nguồn: https://danluan.org/tin-tuc/20130509/alan-phan-con-ga-hay-qua-trung

 

T/S Alan Phan
Chia sẻ bài viết này

"Tôi thích lợn. Chó coi chúng ta như thánh. Mèo khinh khi chúng ta. Chỉ có lợn là đối xử với chúng ta trên tinh thần bình đẳng” (Winston Churchill)

Anh Việt Kiều Bất Đắc Dĩ

Ngày 30/4/1975, Thomas Nguyễn Filmore mới lên 8. Mẹ làm một quầy bún riêu cạnh bến cảng Tân Thuận. Cậu phụ mẹ bán hàng, rửa chén, thu tiền. Ngày lich sử đó, giòng người tấp nập bu về các cảng, tìm đường di tản. Ham vui, cậu bé tuôn theo đám đông, hiếu kỳ lăng xăng khắp nơi, nghe và nhìn. Đang đứng cạnh một con tầu, đạn pháo bay vào, Thomas cùng với mọi người chạy lên tàu lo tìm chỗ ẩn nấp. Không ngờ con tàu khởi hành thật nhanh và khi nhìn lại bến cảng, cậu bé 8 tuổi ngồi khóc sướt mướt trong lo sợ.
Sau 9 tháng quanh vài trại tỵ nạn, một gia đình Công giáo Mỹ bảo lãnh cậu đem về Indiana nuôi. Cậu tốt nghiệp đại học năm 1991, làm thủ tục xin đoàn tụ với gia đình cha mẹ ruột ở Việt Nam và tìm được việc khá tốt với Sears ở Chicago. Lấy cô vợ y tá người Mỹ gốc Hàn Quốc vài năm sau dó, sinh được hai đứa con gái, đứa đầu đang chuẩn bị vào đại học. Nói tóm lại, một đứa trẻ nghèo gần như bụi đời ở Việt Nam, vì sự đẩy đưa của định mệnh, giờ được sống “giấc mộng Mỹ” như bao người Mỹ khác trong tầng cấp trung lưu.
Tuần rồi, Thomas cùng gia đình đi nghỉ chơi ở Á Châu. Sau Trung Quốc, vợ cậu và 2 con ghé Hàn Quốc thăm bà con ngoại; còn cậu một mình một ngựa về Việt Nam lần đầu sau 38 năm xa cách. Sau 3 ngày ở Hà Nội và 2 ngày ở Đà Nẵng, cậu vào Saigon, thăm lại con hẽm xưa nơi cậu sinh ra và loanh quoanh ở các điểm đến quen thuộc của du khách. Cậu tìm đến nhà gặp tôi vì là “cháu họ xa bên ngoại” và cũng tò mò xem ông chú Alan sống đói khổ thế nào bên này.

Góc nhìn của Thomas Nguyễn…

Ấn tượng lớn nhứt của con là sao dân mình nghèo quá vậy? Ngay cả khi so với dân nghèo ở Trung Quốc hay Hàn Quốc. Hẽm nơi con sống trước 75 dường như không thay đổi chút nào.
Gia đình con biết ơn mấy người Cộng Sản này lắm. Không có họ làm sao có 30/4 để gia đình con được đổi đời, được Mỹ cho vào tỵ nạn, được học hành đến nơi đến chốn. Không có họ, giờ này chắc con vẫn còn bán bún riêu qua ngày.
Con đọc lịch sử Việt Nam, thấy hồi 75, Cộng Sản được dân miền Bắc ủng hộ 100%, còn miền Nam chắc cũng đươc hơn 50%, nên họ thắng là đúng rồi. Chính người dân chọn lựa mấy người Cộng Sản này, nên bây giờ có nghèo đói hay mất nhân quyền thì cũng là do sự chọn lựa của họ thôi. Có gì đâu mà than phiền? Như lấy chồng, ngu chọn thằng chồng vũ phu, vô trách nhiệm, lỡ rồi thì cắn răng chịu đựng thôi.
Chuyện chánh trị Mỹ con còn không có thì giờ theo dõi, nói gì chuyện xa xôi tận Việt Nam. Hết giờ làm việc thì thư giãn với thể thao, làm vườn, mua sắm, lo cho con đi họp phụ huynh hay đưa bọn nó đi đá bóng, bowling…rồi mỗi năm cả nhà đi vacation 4 tuần…Chuyện đi bầu bỏ phiếu cũng quên luôn 3 năm rồi.
Con cũng muốn quê hương Việt Nam mình tốt đẹp giàu có…nhưng đó là chuyện của dân ở đây. Hai đứa con của con là dân Mỹ 100%. Đến quê mẹ Hàn Quốc chúng nó còn chê bai đủ điều, nói gì đến Việt Nam. Nội vụ dân Hàn ăn thịt chó mà chúng coi là tội ác ngang hàng với giết người, khủng bố…đòi đem ra Tòa Án Quốc Tế… thì Việt Nam làm gì có cửa.
Mẹ con đưa con danh sách gần 20 gia đình bà con cần đi thăm giúp đỡ. Mới tới có 6 gia đình đã bị lột sạch tiền mặt, cả chiếc Iphone của con…Ai cũng xin xỏ, sợ quá… thôi còn 2 ngày đi chơi rồi bay về Seoul đón vợ con…
Tuần rồi thăm cũng nhiều địa danh ở đây chứ. Hạ Long, Lăng Cô, Sơn Trà, Hội An, Củ Chi…Không có gì đặc biệt. Lần tới qua Á Châu, chắc tụi con chỉ đi chơi Thái Lan, Mã Lai…

Đồng Chí Trung Kiên Của Cách Mạng

Ngày 30/4/1975, DK chưa chào đời. Năm nay, DK vừa mới 28 tuổi, cái tuổi đẹp nhất của đời người. Không quá ngây thơ, và vẫn còn sức khỏe, tham vọng, nhiệt huyết…để nhìn tương lai qua cặp kính mầu hồng. DK lại sinh ra dưới một vì sao may mắn. Bố Mẹ đều là đảng viên cao cấp tại trung ương, gia đình sung túc, quyền thế, danh vọng…Năm 18, Bố Mẹ gởi DK qua du học bên Anh. Sáu năm sau, anh đỗ bằng Thạc Sĩ Tài Chánh, về nước và Bố Mẹ đưa con vào làm ở một ngân hàng quốc doanh. Sau 2 năm, DK đầu quân cho một ngân hàng ngoại và được cử sang Hong Kong làm việc.
Sếp của DK là người Canada gốc Hong Kong, bạn hơn 20 năm của tôi. Dù hiện tại, tôi không có làm ăn gì với ngân hàng của ông ta, nhưng biết DK thích gặp Việt Kiều, ông đem DK theo trong nhiều bữa ăn xã giao của bọn tôi. DK thuộc loại ít nói, không biết “khôi hài đen” kiểu mấy ông già. Lần sau cùng, ông sếp và cả nhóm bị chuyện đột xuất, không đến được, nên chỉ có tôi và DK trong bàn ăn. Tôi hơi ngạc nhiên khi DK “xả bầu tâm sự”…

Góc nhìn của DK…

Cháu vừa xem trên YouTube bài phỏng vấn chú về tiền của ông Lại Văn Sâm. Cháu không đồng ý chút nào. Tiền là một vũ khí nguy hiểm hơn cả bom hạt nhân mà các nhà cầm quyền tư bản đang sử dụng để tàn phá mọi gốc rễ của xã hội và văn hóa trên toàn cầu.
Lương cháu ở ngân hàng cũng tốt, nhưng Bố Mẹ cháu lại gởi thêm 5 nghìn USD mỗi tháng để tiêu xài thêm.Ông bà không biết những đồng tiền này có thể làm cháu sa đà vào ma túy, rượu chè, đàng điếm…Họ cứ nghĩ là có tiền là có hạnh phúc…
Ngày xưa, khi cháu vừa lớn, đất nước còn nghèo đói, người người yêu thương đùm bọc nhau. Cả các cán bộ cao cấp như bố mẹ cháu vẫn suy tư hàng đêm tìm cách xóa đói giảm nghèo, mang hạnh phúc cho người dân. Bây giờ, đồng tiền thay đổi cả xã hội. Đi đâu cũng phong bì đi trước. Giá trị con người được định sẵn bằng số tiền mặt cất giấu, bằng vàng, bằng BDS, bằng hàng hiệu… Cả bố mẹ cháu cũng thế. Sống với mẹ cháu hơn 40 năm, đùng 1 cái, ông bố dọn ra ở riêng với con hầu bàn, trẻ hơn cháu. Mẹ cháu thì cờ bạc suốt ngày. Tiền và tiền…là điều duy nhất họ chia sẻ với nhau.
Cháu ghét bọn Anh, bọn Mỹ, bọn Đức, bọn Pháp, bọn Nga, bọn Úc…Bọn da trắng này rất xảo quyệt, đạo đức giả, ích kỷ và ngu xuẩn. Đi học, sống và làm việc với bọn này là một cực hình. Bọn chúng là đám thực dân mới, nham hiểm vô cùng…mà toàn dân, ai cũng coi chúng như cha…Nếu cháu có quyền, cháu đuổi hết bọn nước ngoài ra khỏi xứ. Mình hy sinh vài ba triệu người để dành độc lập, tại sao bây giờ lại để cho bọn nó vào làm “sếp lớn”? Đuổi cả bọn tay sai chó săn cho tụi da trắng là những thằng Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore…Cả những thằng Việt Kiều nữa…(xin lỗi chú..)
Mình phải rút khỏi WTO, sống theo đúng tư tưởng HCM và chủ nghĩa Mác Lê. Không xét lại như bọn Tàu. Cháu rất ngưỡng mộ dòng họ Kim của Bắc Triều Tiên. Dân xứ họ nghèo nhưng cả thế giới phải thán phục vì sự cá biệt độc lập của họ. Dù Việt Nam có phải ăn cơm trộn bo bo…nhưng mình sẽ rất hãnh diện khi ngẩng cao đầu với thế giới.
Quốc hữu hóa tất cả tài sản để chia đều cho mọi người dân theo nhu cầu. Tịch thâu cả trăm ngàn BDS đem phân phát miễn phí cho mọi hộ dân nghèo sẽ là phát súng đầu tiên đập tan tư sản. Đổi tiền để không ai có hơn 1 trăm nghìn. Tịch thâu hết vàng, đô la…Cấm tất cả doanh nghiệp tư nhân. Xã hội sẽ bình đẳng toàn diện và không còn cảnh người bóc lột người…. Đây sẽ là giấc mơ và lý tưởng của Bác Hồ, Bác Mao… khi họ làm cách mạng. Các đảng viên bây giờ tha hóa hết rồi.

Góc nhìn của Alan…

Mỗi ngày tôi ghi nhận nhiều chia sẻ của đủ mọi sắc dân và giới tính, kể cả những “con lợn” hai chân. Thomas và DK hơi đặc biệt, có lẽ vì hoàn cảnh môi trường sống tạo nên những tư duy khác người. Tuy nhiên, không thể nói góc nhìn của 2 bạn này không phổ thông trong xã hội. Thực ra, mọi góc nhìn đều phức tạp và có những nguồn gốc đa dạng. Chỉ cần 2 người Việt, ở 2 bối cảnh khác nhau, là chúng ta đã có bao nhiêu là câu hỏi và trả lời để suy ngẫm.
Đó là lý do tại sao ở những quốc gia dân chủ, họ đành chọn “quyết định của đa số” làm công thức sau cùng để đưa ra chính sách và luật lệ. Dĩ nhiên các quyết định này có thể sai và ngu xuẩn, có thể bị ảnh hưởng bởi đồng tiền hay lợi thế, nhưng đây là góc nhìn thực sự của dân, dù không là toàn dân. Khi chấp nhận luật chơi này, mọi chuyện đều có thể giải thích và tiến hành, dù phức tạp đến đâu.
Cái nguy hiểm lớn nhứt trong trò chơi chánh trị này là sự hấp dẫn của những chủ nghĩa “một chiều” vì chúng rất đơn giản. Như Thomas, khi quá bận rộn với cơm áo gạo tiền, ít người muốn động não thêm vào những chuyện nhiêu khê như chánh trị hay xã hội. Còn những nhân vật rảnh rang, dư thì giờ và tiền bạc như DK, lại quá hăng hái tìm giải pháp “chống ngoại chống nội cứu nước” (có thể ông già Alan cũng là một trường hợp?).
Tuy nhiên, cái khác biệt lớn của Alan và DK (hay các bác Mao, Kim) là Alan không hoang tưởng mình là cái rốn của vũ trụ hay đỉnh cao của nhân loại…để cho rằng tư duy của mình thích hợp cho mọi người trong xã hội từ cô chân dài cho đến bác xe ôm, từ ngài trọc phú đến bà mẹ quê. Và nếu người nào không nghe hay làm theo ta là phải đi tù rục xương.
Dân chủ thực sự là tôn trọng cái khác biệt của tha nhân. Miễn họ không làm hại đến xã hội hay cá nhân nào, miễn là họ hành xử theo luật pháp, chúng ta phải đứng lên bảo vệ quyền lợi của họ, dù rất ghét điều họ cổ võ. Sự đa dạng trong một cộng đồng dù chỉ có vài chục người là điều tự nhiên. Không chấp nhận định luật căn bản này thì chắc chắn không có sống chung hòa bình, đừng nói đến hòa giải hòa hợp.
Winston Churchill nói rằng Lòng can đảm thể hiện khi chúng ta đứng dậy và tuyên cáo sự thật. Nhưng chúng ta cũng cần phải có can đảm để ngồi xuống và lắng nghe.
Alan Phan

Thứ Năm, 9 tháng 5, 2013

Sự thật sau 'làn sóng' kỳ thị lao động xứ Nghệ

Vietnamnet
Cập nhật: 02:00 | 09/05/2013
Với tư cách là người trực tiếp làm công tác nhân sự cho doanh nghiệp từ những ngày đầu tiên của khu công nghiệp từ những năm 1996, 1997, tôi nghĩ rằng mình cần lên tiếng, đơn giản là nói lên sự thật những gì mình đã trải qua...
Kính gửi các anh chị trong ban biên tập báo điện tử VietNamNet!
Tôi tên là Nguyễn Văn Tuấn, sinh năm 1970, tại Hải Phòng, hiện đang công tác tại TP.HCM.
Thưa các anh chị, trong mấy ngày qua, tôi có đọc được loạt bài viết phản ánh tình trạng lao động người Nghệ An bị phân biệt, không được nhận vào làm ở các khu công nghiệp tại TP.HCM. Tình trạng này đã diễn ra từ khoảng hơn 10 năm trước. Chuyện này cũng được báo chí nói đến nhiều, tuy nhiên, hầu hết các báo đều không nêu ra được nguồn gốc vấn đề, mặt khác tạo dư luận không hay trên các diễn đàn mạng và trong đời sống.
Đối tượng bị phân biệt không chỉ là người lao động Nghệ An mà thậm chí là cả người Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đang công tác, học tập trong mọi lĩnh vực.
Với tư cách là người trực tiếp làm công tác nhân sự cho doanh nghiệp từ những ngày đầu tiên của khu công nghiệp từ những năm 1996, 1997; tôi nghĩ rằng mình cần lên tiếng, đơn giản là nói lên sự thật những gì mình đã trải qua. Vào khoảng thời gian 15, 16 năm trước, doanh nghiệp may xuất khẩu của chúng tôi là một trong những doanh nghiệp đầu tiên của khu công nghiệp. Toàn bộ lãnh đạo, đốc công đều là người Đài Loan. Tôi là một trong số ít người Việt trong ban lãnh đạo, làm công tác quản lý tuyển dụng và đời sống lao động.

Thời điểm đó, lao động chúng tôi tuyển vào làm chủ yếu từ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, một số tỉnh phía Bắc và Miền Tây. Sau một thời gian làm việc, bắt đầu có những mâu thuẫn giữa công ty và anh chị em công nhân. Chủ yếu đó là 3 vấn đề: Làm thêm giờ, cúp lương và đánh đập công nhân. 
Khi những mâu thuẫn đó trở nên sâu sắc thì bãi công, biểu tình diễn ra. Và trong hoàn cảnh đó, anh chị em công nhân người Nghệ An là những người đoàn kết lại sớm nhất, kêu gọi được nhiều anh chị em các tỉnh khác nhất để tiến hành bãi công, đòi quyền lợi từ chủ lao động. 
Thậm chí, anh chị em công nhân người Nghệ An còn kêu gọi được cả đồng hương đang làm ở các xí nghiệp, phân xưởng khác tiến hành bãi công rầm rộ. Sự việc này không chỉ diễn ra một vài lần.
Nếu xét vị trí công việc của mình cũng như lòng trung thành với doanh nghiệp trả lương cho mình, chắc chắn tôi không thể chấp nhận việc tổ chức bãi công, đình công, “làm loạn”, gây thiệt hại cho doanh nghiệp như thế của lao động Nghệ An.
Nhưng là một người Việt Nam, tôi cảm thấy tự hào về hành động của họ. Đó là số ít những lao động dám đứng lên. Nhờ có những hành động như vậy mà đầu tiên là quyền lợi của công nhân được đảm bảo. 
Mặt khác, những quản lý, đốc công người Đài Loan ít nhiều có sự kiêng dè với công nhân Việt Nam. Hành vi đánh đập công nhân hầu như không còn. Và quan trọng nhất là quản lý người Đài Loan cũng không dám coi thường lao động Việt Nam như trước đây nữa.
Nhưng những hệ lụy cũng từ đó mà gây ra cho lao động Nghệ An. Các doanh nghiệp bắt đầu rỉ tai nhau: “phải coi chừng".
Như vậy, có thể nói việc kỳ thị đối với lao động Nghệ An từ phía doanh nghiệp là bắt nguồn từ việc đó là những người lao động dám đứng lên, đoàn kết đòi quyền lợi chính đáng cho công nhân. Những lời đồn đại, rỉ tai nhau giữa các doanh nghiệp cứ như thế tiếp diễn cho đến tận hôm nay. Sự kỳ thị làm người ta bắt đầu bới móc thậm chí là bịa đặt ra những điều xấu xa để có cớ “an toàn” nhằm loại bỏ lao động người Nghệ An.
Tôi không nói lao động người Nghệ An hoàn toàn tốt nhưng có những cái nhất mà tôi rút ra được sau hơn 15 năm làm việc trực tiếp với công nhân ở khu công nghiệp.
Lao động Nghệ An là những người: học việc nhanh nhất, cần cù lao động nhất, mang được nhiều tiền về quê nhất, trung thành nhất và đoàn kết nhất.
Tuy nhiên nói đi cũng phải nói lại, lao động Nghệ An là những người vừa đoàn kết nhất lại vừa chia rẽ nhất. Tôi thấy một trường hợp phổ biến đó là khi tất cả đều là công nhân thì người lao động Nghệ An đoàn kết, tương trợ, yêu thương nhau hết mực. Nhưng khi có những cá nhân trong số đó có năng lực, cần cù hơn được cất nhắc lên vị trí cao hơn thì chính lao động Nghệ An lại là những người chia bè, kéo cánh để nói xấu, thậm chí là chống đối chính đồng hương của mình.
Trên đây là những gì tôi đã trải qua và đúc rút được trong những năm làm công tác nhân sự ở các khu công nghiệp phía Nam. Tôi không hi vọng giải oan hay đòi công bằng gì cho người Nghệ An, thứ nhất vì tôi biết định kiến là thứ khó thay đổi, và hơn hết là vì tôi tin bản chất của người Nghệ An phải tự thể hiện ra bằng hành động để “minh oan” cho mình.
Cuối cùng, xin chúc các anh chị trong ban biên tập báo điện tử VietNamNet luôn mạnh khỏe để ngày càng có nhiều bài viết hay phục vụ độc giả, nhân dân.
(From Tranhung09)