Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2012

RINH TỪ ANH BA SÀM

Trí thức
Posted by basamnews on 27/01/2012
Người dịch: Trong khi xã hội chúng ta đang phải đối diện với hàng loạt các vấn đề sôi động liên quan đến đời sống cá nhân và cộng đồng, xuất hiện trên các diễn đàn thông tin nhiều bài viết và những tranh luận xoay quanh khái niệm vị thế và trách nhiệm của người trí thức trong xã hội hiện nay. Dĩ nhiên xã hội không chỉ thuộc về những người được cho là trí thức – khái niệm còn phải xem lại – mà nó là của tất cả những thành viên sống và thuộc về nó. Nhưng dù vậy, vẫn tồn tại trong xã hội những  nhóm “tinh hoa” có khả năng dẫn dắt hướng đi cho đám đông. Để thêm tính sinh động cho diễn đàn, chúng tôi dịch và giới thiệu bài viết của Pierre Berlan về giới trí thức Pháp thế kỷ XX.

Trí thức

Pierre Berlan
Thuật ngữ trí thức xuất phát từ tiếng La-tinh intellectualis (« cái liên quan đến trí tuệ, trí óc », gần với từ intellĭgĕre (« nhận thức được », « nắm bắt được », « hiểu biết được »).

Tính từ này trở thành danh từ dưới ngòi bút của Clémanceau trong thời điểm xảy ra vụ Dreyfus *. Với nhan đề « Tuyên ngôn của các trí thức », tờ báo L’Aurore (Bình minh) của ông công bố ngày 14 tháng 1 năm 1898 đoạn viết như sau : « Những người ký tên kháng nghị chống lại sự vi phạm pháp luật của bản án năm 1894 và phản đối những bí ẩn xung quanh vụ Esterhary, vẫn kiên trì yêu cầu xét lại ». Xuất hiện trong bản danh sách, đứng đầu có Émile Zola * và Anatole France *. Tiếp theo là Marcel Proust *, Gabriel Monod, Léon Blum, Lucien Herr… Danh từ này được Barrès sử dụng lại để chế nhạo các nhà văn, giáo sư và bác học theo phe Dreyfus.
Sau vụ Dreyfus, danh từ « nhà trí thức » được sử dụng rộng rãi để chỉ những người dấn thân trong lãnh vực chung bảo vệ các giá trị, đặc biệt trên các vấn đề tinh thần và chính trị, bằng cách dựa trên danh tiếng của mình.
Như vậy hình ảnh nhà trí thức hiện đại ra đời ở Pháp vào giai đoạn đầu thế kỷ XX.  Từ đó, hình ảnh nhà trí thức đồng hành cùng những sự kiện quan trọng trong lịch sử đất nước. Họ đã ký những tuyên ngôn, những kiến nghị, công bố các tạp chí, tổ chức các cuộc biểu tình, tuần hành hay các uỷ ban bảo trợ. Mounier với tạp chí Esprit, Sartre * với les Temps modernes, Mauriac và tập sổ tay Bloc-notes de France-Observateur, mỗi người đều phân tích, đánh giá và nhận định các sự kiện.  Các trí thức ủng hộ phái Cộng hoà Tây Ban Nha chống lại Franco*, họ chống lại liên minh phát xít của những năm 1930. Vichy và sự chiếm đóng của Đức đã làm xáo trộn các nền tảng, và một số người như Brasillach đã chọn hợp tác. Sau 1945, các trí thức nổi dậy chống lại các cuộc chiến tranh thực dân tại Đông Dương và Algéri. Họ lo ngại về sự đe dọa của vũ khí hạt nhân. Năm 1950, Frédéric Joliot-Curie *, Louis Aragon *, Simone Signoret *, Marcel Carné và nhiều người khác cùng ký bản kêu gọi Stockholm, kiến nghị phỏng theo cộng sản chống lại vũ khí hạt nhân. Sartre gắn bó với Đảng Cộng sản Pháp, trong khi đó Raymond Aron đả kích chủ nghĩa độc tài Staline. Năm 1951, Picasso * phác họa Massacre en Corée (Cuộc tàn sát ở Triều Tiên), bức họa được đặt hàng bởi Đảng Cộng sản Pháp nhằm mục đích tố giác chủ nghĩa Đế quốc Mỹ ở Châu Á. Ngay năm 1955, tạp chí Esprit đã tỏ ra phẫn nộ trước sự tra tấn của quân đội Pháp tại Algéri. Simone Beauvoir * dấn thân trong phong trào phụ nữ và liên kết vơí những thành viên hỗ trợ Mặt Trận giải phóng quốc gia (F.L.N). Năm 1961, họ ký tuyên ngôn 121 với mục đích chấm dứt chiến tranh Algéri. Căn hộ của Sartre bị Tổ chức quân đội mật phá nổ, Malraux bắt đầu phong trào dân chủ văn hóa bên cạnh tướng Charles de Gaulle *. Sự kiện tháng Năm 1968 diễn ra : Sartre biểu tình trước nhà máy Renault de Billancourt. Họ chống lại chiến tranh tại Việt Nam. Sau đó vào cuối những năm 1980, sự kiện sụp đổ của chủ nghĩa Cộng sản, xảy ra chiến tranh ở Bosnia, xuất hiện những người không giấy tờ tùy thân… danh sách dài thêm với những thông cáo phản kháng, những kiến nghị, những ủy ban và tụ họp. Chừng ấy những hoạt động và sự kiện đã góp phần và tham gia vào sự hình thành căn tính quốc gia trong suốt chiều dài của thế kỷ XX.
Như vậy, trên bình diện thế giới, Pháp luôn được xem như miền đất tiêu biểu của giới trí thức. Hầu như không cần thiết phải nói đến các nhà trí thức Pháp tại Đức hay tại Mỹ. Là nhà trí thức có thể là một «trò chơi kiểu Pháp ». Điều đó còn phải xem lại, nhưng một lúc nào đó nó củng cố cho những kiểu nói : những « cuộc đấu gà » trên truyền hình Pháp, những tranh cãi muôn thuở, những phẫn nộ, những tuyên bố, tất cả những thứ đó khiến người nước ngoài nghĩ rằng người Pháp nói để chẳng diễn đạt gì cả, và có lẽ chỉ vì thích thú bàn luận. Dù thế nào đi chăng nữa, và dù cho những ảnh hưởng thực tế của các nhà trí thức Pháp, thì tính đặc thù của quốc gia hình lục lăng ngày nay có vẻ như đang bị đe dọa. Trọng lượng của giới trí thức Pháp hình như bị xói mòn. Với khoảng thời gian theo quy tắc, nó đang báo hiệu sự kết thúc của mình. Năm 2000, nhà sử học Pierre Nora, trong trang đầu của số ra mừng 20 năm tạp chí Le Débat (Bàn luận) đã đặt tựa đề cho bài viết là « Vĩnh biệt các trí thức ? ». Régis Debary cũng vậy, đã dự báo sự lâm chung sắp đến của giới trí thức. Người ta cho rằng các trí thức Pháp đã không thực hiện những điều đáng lẽ họ phải làm. Họ ứng phó không tốt, đi lầm đường và phản bội. Vì thế, họ sẽ biến mất. Vẫn tồn tại theo mỗi thời kỳ những cá thể tạo dấu ấn, nhưng giai điệu thì hình như vẫn thế. Các nhà trí thức không còn chỉ là một đám ranh mãnh, tự phụ, kiêu căng, bị lóa mắt và hay quên lú. Những người theo phe Dreayfus hôm qua và những kẻ lợi dụng hôm nay. Nền Cộng hòa mỹ văn có thể phải nhường chỗ cho một nền Cộng hòa biến chất, nơi mà người ta tranh giành nhau các miếng bánh ngọt.
Sự hủy diệt này, được nhận định sẽ đến, chưa bao giờ xảy ra. Từ khi mà tại nước Pháp các nhà văn can thiệp vào sự thật, công lý và chính trị, từ Voltaire đến Sartre, qua Zola, vẫn luôn có các nhà trí thức tiếp tục bảo vệ cho người yếu kém trước kẻ quyền lực, cho thiểu trước đa số, cho quyền con người trước sự tàn bạo, để đặt lý lẽ hay đạo đức phổ quát lên trên những lợi ích trước mắt của cộng đồng quốc gia.
Như một tựa đề bài báo mới đây của C. Prochasson[1] đã nhấn mạnh, các nhà trí thức Pháp, ở nhiều góc độ khác nhau, là hồn của quốc gia Pháp.
Pierre Berlan

VU VƠ MỘT TÉO

Người trí thức là người vận dụng tốt học thức và tri thức đã được đào luyện của mình, nhất quán trong tư tưởng và hành động và thường là gương sáng trong cộng đồng.
Học - Tri - Trí là nền tảng và kết cấu làm nên một sỹ phu (Người trí thức)/ đương nhiên đã "tri", đã "trí" thì "tam cương - ngũ thường" tự nhiên sẽ cân đối và hài hòa.
Thế nên, phản biện xã hội một cách tích cực luôn là 1 trách nhiệm của tầng lớp(người)trí thức. Còn cách thức phản biện thế nào (yếu, mạnh, ít, nhiều) phụ thuộc vào đ/k xh - thời thế và "nội công" trí thức của anh ta.NBC đã hàm hồ(?) khi nói (đại ý) không thể lấy phản biện xh làm chỉ tiêu để "phong hàm trí thức" nên gây phản ứng và đụng chạm vậy đấy. (Còm bên bạn Hoàng Yến)

Thứ Năm, 26 tháng 1, 2012

CHIM NON

Mắc ngủ quá đi mất !


Êm đềm  thiêm thiếp...



... khò khò.


TRÍ THỨC & QUÂN TỬ



“Không thể thay đổi một con người bằng tri thức; thứ duy nhất có thể làm thay đổi tâm trí một con người là tình yêu…
Paulo Coelho


Có vẻ như sự suy đồi xã hội đã di căn.
 Mấy ngày cận Tết, um sùm chuyện trí thức trí thiếc, phản biện phản bung... tới mức 1 Bloger nổi tiếng uyên bác  cũng mê sảng phân vân gom một túm: Trí thức có phải là quân tử (hoặc ngược lại) hay không?
Khởi xuất từ phát biểu của Nhà nghiên cứu toán học Ngô Bảo Châu, “Tôi không đồng ý với việc coi phản biện xã hội như chỉ tiêu để được phong hàm ‘trí thức’”,  “Đến bao giờ chúng ta mới thôi thi đua để được phong hàm ‘trí thức’? trên Tuổi trẻ, để rồi sau đó, cả thế giới  intellectual blog việt nhao nhao.
Không rõ NBC vơ ở đâu ra cái "phản biện xã hội như chỉ tiêu" và "hàm 'trí thức' ? Hay đây chỉ là một cách phát ngôn theo nội suy của "tư duy toán" cá nhân? Thế nhưng, nếu một người bình thường (phát ngôn vậy)chắc chả có v/đ gì, nhưng là 1 đại biểu mới nhất của Thành công - Tài năng Việt thì quả không còn là đùa, nhất là trong bối cảnh VH  suy vi hiện nay!

"Trí thức" trong ngôn ngữ việt là tính từ hoặc trạng từ để bổ nghĩa cho danh từ, đại danh từ (vd: người trí thức, tầng lớp-lực lượng trí thức) hoặc bổ ngữ cho vị ngữ(động từ) trong câu (vd: cách cư xử rất trí thức...).
Hơn nữa, trong cách hiểu thông thường, một người trí thức buộc phải trải qua con đường học vấn và lãnh hội được nhiều tri thức. Cũng là dĩ nhiên, học vấn và tri thức không có bản chất là bằng cấp hoặc học hàm, học vị - những qui ước công nhận khả năng cá nhân ở một Thời nhất định mà (đương nhiên) là sản phẩm phục sự xã hội của người TT "làm" ra từ học vấn và tri thức của mình.
 Vậy nên sẽ là ruồi bu nếu đi tìm cách định nghĩa tính từ "trí thức", thay vì phải(nếu cần) định nghĩa "Người Trí thức".

Khái niệm "người trí thức" và "người quân tử" là thuộc 2 phạm trù khác biệt. Một thứ chỉ hàm lượng tư duy đúng và thứ kia chỉ cách đối nhân xử thế. Một người trí thức có hàm lượng tư duy đúng cao, thường có cách xét đoán và tìm cách giải quyết mọi vấn đề đúng mực, ngoài công việc chuyên môn kỹ thuật, hẳn anh ta cũng phải quan tâm đến các vấn đề xã hội khác, bất kể có tham gia trong bộ máy công quyền hay không; Nô-ben hay Anh-stanh là những vd điển hình. Tại sao? Bởi Tính Tha Nhân là một bản năng của động vật có trí tuệ.
Còn "người quân tử"? Liệu "Hiệp sĩ" kiểu Ăng-lê, Châu Âu trung-cận đại là tương đồng với "người quân tử" Á-Đông?  Một hiệp sĩ  dĩ nhiên là quí tộc nhưng một người dòng giõi quí tộc không hẳn là hiệp sĩ. Một người quân tử, biết đối nhân xử thế đẹp (để phục sự xã hội) tất nhiên phải có sự hiểu biết (tri thức) rất chuẩn bất chấp con đường học vấn thế nào, nhưng một người có nhiều tri thức (kể cả nhiều bằng cấp, hh,hv) chưa chắc đã biết cách đối nhân xử thế chuẩn, cũng có nghĩa là trí thức của anh ta kém. Dân gian hay nói "trí thức gì cái ngữ ấy" để chỉ những kẻ học nhiều và có nhiều bằng cấp, hh,hvị nhưng không biết cách khu xử trong cuộc sống, cả trong gia đình và ngoài xã hội.

Dù sao chăng nữa, dịp cãi vã nhao nhao này cũng là minh chứng "hùng hồn" cho kết luận của một người Nhật nào đó, rằng : Một người Việt (có khi) giỏi hơn một người Nhật, nhưng 3 người Việt thì chắc thua 3 người Nhật.
Hahaha!

Thứ Tư, 18 tháng 1, 2012

ƯNG

Nỗi buồn thăm thẳm
Ứ tràn trong mắt
Tự do vô thường
Một trời trong vắt !

"Sự lạc quan vô tận"

Nhà văn Phạm Thị Hoài
Sau bài phỏng vấn với Giáo sư Chu Hảo về trí thức trong xã hội và hệ thống chính trị Việt Nam hiện nay, BBC nhận được nhiều bài viết đáp lời. Xin giới thiệu với quý vị bài của nhà văn Phạm Thị Hoài từ Berlin:
Ông Chu Hảo là mẫu mực của một người đối lập trung thành.
Đối lập trung thành tại Việt Nam là ai? Theo quan niệm của tôi, họ là những người không hài lòng với hệ thống chính trị trong nhiều vấn đề lớn, công khai phản biện và tìm giải pháp thay đổi trong phạm vi các vấn đề đó, nhưng không đụng chạm, hay tránh đụng chạm đến nền tảng tồn tại của hệ thống.
Họ gắn bó với hệ thống vì xác tín, vì thói quen hoặc vì không có, hay không biết đến lựa chọn nào khác. Họ góp phần tích cực xây dựng và duy trì hệ thống, và qua đó có địa vị, uy tín và những quyền lợi nhất định trong hệ thống. Mong muốn của họ là cải tạo hệ thống nhằm ngăn chặn sự sụp đổ của nó. Sự sụp đổ này đồng nghĩa với sự phủ định họ ở một số phương diện căn bản. Điều đó chắc chắn là đau đớn.
Họ thường là đảng viên Đảng Cộng sản, lực lượng chính trị duy nhất độc quyền cầm quyền và độc quyền xác quyết sự độc quyền của mình trong Hiến pháp Việt Nam. Giới hạn xa nhất mà họ có thể đi là thỉnh cầu Đảng của họ nhượng cho những lực lượng chính trị khác thuê vài mét vuông để ngụ cư trong lãnh địa mênh mông của Đảng mà hợp đồng thuê đương nhiên do Đảng soạn thảo. Như thế là đã quá nhiều hào phóng.
So với một số nhà đối lập trung thành đi trước, ông Chu Hảo còn đứng vững ở bên này giới hạn cho phép. Thay vì bị trừng phạt như Nguyễn Hữu Đang, Nguyễn Hộ hay bị thanh lí như Trần Độ, bị vô hiệu hóa như Trần Xuân Bách, những người đã đặt ít nhất là một nửa bàn chân sang phía bên kia hoặc ở giai đoạn cuối đã đoạn tuyệt hệ thống, ông Chu Hảo còn được đảm đương những chức vị tuy không có thực quyền nhưng có một bục đứng để phát ngôn trong một không gian nhất định, còn được phép dấn thân vào những dự án tâm huyết chừng nào chúng chưa bị hệ thống coi là nguy hiểm, còn được xuất hiện như một nhân vật của công chúng chừng nào ông biết làm cho hình ảnh của mình giống một bông hoa cài lên ve áo chế độ hơn là một cái gai.
Ông cũng còn được yên ổn sau khi phát biểu trên những cơ quan truyền thông ngoại quốc như BBC hay RFA Việt ngữ, chừng nào ông vẫn đủ cảnh giác trước nguy cơ "các thế lực thù địch có thể lợi dụng" "thông tin sai lệch", như mới đây ông đã cảnh báo. Lê Công Định và Cù Huy Hà Vũ cũng phát biểu trên những cơ quan truyền thông này và họ đang ngồi sau song sắt.
'Trả giá mềm'
Đối lập trong một chế độ toàn trị tất nhiên là phải trả giá. Tuy (…) cái giá của đối lập trung thành chưa bao giờ cao chạm trần và có thể thỏa thuận, tùy ở tài mặc cả của những người trong cuộc và cũng tùy thời giá. Thời giá hôm nay, theo tôi, thuận lợi cho những người đối lập trung thành hơn hẳn các đồng chí của họ vài thập kỉ trước.
Cái giá duy nhất mà họ phải trả, như ông Chu Hảo phàn nàn, là tiếng nói phản biện của họ không có hồi âm. Tôi nghĩ, đó là một cái giá rất mềm, so với những ví dụ chúng ta được biết từ hơn nửa thế kỉ qua. Thay vì bị trừng phạt, bị thanh lí, bị vô hiệu hóa, họ chỉ không được đếm xỉa.
Dĩ nhiên không có chuẩn để so sánh nỗi đau tâm lí. Ở người không được đếm xỉa, nó có thể lớn hơn ở người bị trừng phạt.
Từng là một quan chức nhà nước tương đối cao cấp, dù chỉ ở một chức vụ không có nhiều quyền bính, ông Chu Hảo hiểu rõ hơn hàng chục triệu người, vì sao số phận của phản biện ở Việt Nam lại hẩm hiu như thế. Được hỏi, vì sao các trí thức phản biện chỉ phản biện khi đã về hưu, ông giải thích rằng khi đang còn chức quyền, “họ là con người của guồng máy đó nên phải tôn trọng những kỉ luật của guồng máy” đã được xác lập.
Tình thế thực ra quá rõ ràng. Hoặc là bạn đứng trong guồng máy và tôn trọng kỉ luật của nó, bạn chẳng phản biện gì hết và cũng không buồn nghe ai phản biện. Hoặc là bạn vẫn đứng trong guồng máy và thử giới hạn khoan dung của nó cũng như giới hạn chịu đựng của bạn, bạn hơi phản biện một chút và nó khạc bạn ra như một miếng đờm.
Hoặc là bạn tự nguyện ra khỏi guồng máy và xắn tay lên phản biện, nhưng xin đừng gửi về địa chỉ của guồng máy và cũng đừng trách nó dửng dưng với bạn. Với nó, bạn đã không còn tồn tại và bạn nên lấy đó làm mừng, đừng gửi gắm nốt phần đời vừa được giải phóng của bạn vào chính cái cũi đã nhốt bạn chừng ấy năm trời.
Ra khỏi guồng máy dễ hơn thoát khỏi hệ thống. Hệ thống bủa vây những người đối lập trung thành trong tư duy, trong diễn đạt, trong cả vốn từ vựng của họ.
Vì sao cùng một người, ở đây là ông Chu Hảo, vừa có thể phàn nàn rằng Việt Nam không có tầng lớp trí thức đích thực theo ông định nghĩa, tức những người có một số phẩm chất, trong đó nổi bật là năng lực tư duy độc lập, lại vừa có thể nhận định rằng cái giới trí thức (chưa có) đó tiếp tục cần đến sự lãnh đạo (có thực) của Đảng Cộng sản Việt Nam, như trong phát biểu mới đây của ông trên BBC?
Tôi xin thử một câu trả lời: nửa thế kỉ qua, hệ thống toàn trị của Đảng đã biến đổi thành công bộ nhiễm sắc thể của các đảng viên, “sự lãnh đạo của Đảng” đã ăn vào gen trong cơ thể họ và tự động phát tiết, trong cả những tình huống không phù hợp nhất.
Năm 2012 mở đầu với nhiều tin xấu: vụ bắt giữ nhà báo Hoàng Khương, vụ xung đột ở Tiên Lãng, vụ xét xử Lê Văn Luyện, những vụ xe cứ cháy người cứ chết từ cuối năm ngoái chưa dứt…
Với tôi, phát ngôn của ông Chu Hảo, rằng “chưa nhất thiết giải thể sự lãnh đạo của Đảng với tầng lớp trí thức ở trong nước”, là thông điệp tệ nhất. Nếu nó đến từ ông Đinh Thế Huynh, sếp tư tưởng đương chức của Đảng, thì tôi có chút cảm thông. (…), vì chắc chắn không được đâu mời làm trưởng thôn như Bộ trưởng Đinh La Thăng nếu mất chức, mà cũng không làm thơ hay như ông Nguyễn Khoa Điềm, người tiền nhiệm của ông hai khóa trước, để cuộc sống tiếp tục có ý nghĩa.
Hơn hai mươi năm trước, các nhà lãnh đạo tư tưởng Đông Đức cũng rất bế tắc khi bỗng nhiên không ai cần đến sự lãnh đạo của họ nữa. Nhưng thông điệp nói trên đến từ vị giám đốc, linh hồn và trụ cột của Nhà xuất bản Tri Thức, cái nôi quý giá cho những tác phẩm quan trọng của tri thức nhân loại có thể lọt lòng tại Việt Nam.
Tinh thần toát lên từ khối tri thức mà ông Chu Hảo tổ chức truyền bá bằng một sự dấn thân đáng khâm phục ấy là tình yêu, ý thức và khát vọng tự do, trước hết là tự do tư tưởng. Vừa cổ vũ cho tự do tư tưởng, vừa biện minh cho sự cần thiết của chiếc gông tròng vào cổ trí thức Việt Nam và đè nặng lên họ, khiến họ chỉ còn nhận thức độ cao trí tuệ bằng khoảng cách từ cổ xuống đất chứ không bằng khoảng cách từ đầu lên trời? Nghịch lí, những điều chỉ có ở Việt Nam, cũng không chừa ông Chu Hảo.
Nghịch lí ấy hẳn có tên khác, "biện chứng cách mạng", trong từ vựng chính thống. Không để ý tên tác giả, có thể nhầm phát biểu của ông Chu Hảo với phát biểu của nguyên Tổng Bí thư Đảng CSVN Lê Khả Phiêu đăng trên Quân đội Nhân dân hay phát biểu của đương kim Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người mà ông Chu Hảo thiết tha đặt kì vọng, vì cả ba ông đều sử dụng vô tư và vô trách nhiệm vốn từ vựng sáo mòn đang từng ngày làm tổ trong năng lực ngôn ngữ, công cụ và thành quả của tư duy, của cộng đồng.
Đổi mới” thì luôn đi kèm “quyết tâm” như thuở nào và hai thứ này cộng lại luôn phải “triệt để và sâu rộng” cũng như "chỉ đạo" thì cần "quyết liệt", “sửa đổi” thì phải “căn bản”, “thực hiện” thì “nghiêm túc”; các “thảo luận” thì không tránh khỏi “thẳng thắn, dân chủ” và chỉ có cách "ưu tiên, mở rộng” chúng; “hạn chế, yếu kém” thì Đảng cần “khắc phục” và “chủ nghĩa cá nhân” thì cần “đấu tranh triệt để”.
Lại "triệt để" rồi. Có doping "triệt để" lên nữa và lên nữa cũng vô ích, nhờn ngôn từ không khác nhờn thuốc kháng sinh. Không một nội dung cụ thể nào có thể sờ được trong cái cẩm nang từ vựng chính trị lười biếng đó.
Nếu cách tư duy, cách diễn đạt, nếu ngôn ngữ chính thống này hoàn toàn thắng thế thì trong vòng ba thế hệ tới, sẽ không còn ai đọc và hiểu những cuốn sách do Nhà xuất bản Tri Thức ấn hành.
'Lạc quan vô tận'
Nhiều người đối lập trung thành tin rằng mình phải đứng trong hệ thống, phải thuộc về nó mới có cơ hội thay đổi nó, hay ít nhất mới có điều kiện để “làm một cái gì đó có ích” như cách nói nôm na. Những cống hiến của ông Chu Hảo và nhiều trí thức đứng trong hệ thống nhưng đứng ngoài guồng máy đủ lớn để bỏ qua sự xỉa xói vô liêm sỉ từ phía những người thường xuyên đem họ ra dè bỉu, trong khi mình thì đóng tất cả các vai, từ vai em ngoan biết phận qua vai đàn anh đàn chị khinh bạc, chưa kể vai chỉ điểm, chỉ trừ vai bồi bàn trong đại tiệc thủ lợi khổng lồ của các cá nhân do hệ thống đẻ ra.
Và cũng đủ lớn để bỏ qua sự mạt sát bạt mạng từ những người hùng Việt kiều ẩn danh trên mạng, những kẻ thừa khí phách để chê bai giới trí thức trong nước xu phụ quyền lực, trong khi mình thì chỉ thiếu một giọt can đảm để chính danh. Tôi kính trọng những cống hiến của ông Chu Hảo, nhưng không chia sẻ tọa độ chính trị của ông. Tôi cũng tin rằng những lựa chọn đối lập khác có thể có ích không kém, nếu không muốn nói là càng ngày càng cần thiết hơn.
Song mỗi lựa chọn đều là một thực đơn trọn gói chứ không phải một buffet trong tiệc đứng để ta lẩy riêng những món vừa miệng. So với các lựa chọn đối lập khác, vị đắng trong gói đối lập trung thành còn là ít hơn cả.
Tôi biết rằng mình đứng từ xa, không thể nhìn thấu những họa tiết đang từng ngày biến hóa trong bức tranh toàn cảnh của xã hội Việt Nam, nơi vài thập niên trước có nằm mơ cũng không thấy những cánh cửa đã mở của hôm nay. Những bước đi rất nhỏ, rất chậm, rất vất vả, đã gộp thành một chặng đường.
Tôi biết rằng từ một vị trí ưu đãi, không có gì để mất trừ hi vọng gặp lại quê hương và gia đình, mình dễ bất công hay dễ đánh mất sự cảm thông với những thỏa hiệp không tránh khỏi của những người phải tồn tại trong một chế độ toàn trị. Nhưng từ vị trí nào thì cuối cùng chúng ta cũng đứng trước câu hỏi phải làm gì với nó. Giải phẫu thẩm mĩ cho một chế độ toàn trị là giúp nó tồn tại mĩ miều hơn.
Đến tận những ngày cuối cùng của Cộng hòa Dân chủ Đức, một số trí thức và văn nghệ sĩ hàng đầu của quốc gia này còn theo đuổi mô hình một chủ nghĩa xã hội nhân đạo. Họ cũng là những nhà đối lập trung thành, muốn cải tạo chứ không phá bỏ hệ thống.
Sứ mệnh không thành của họ, ở thời lịch sử sắp cáo chung, còn dễ định nghĩa. (…) Các nhà đối lập trung thành ở Việt Nam phải theo đuổi một chủ nghĩa xã hội hồng có bộ mặt người trên lí thuyết và đối diện với một chủ nghĩa tư bản đỏ có bộ mặt rừng rú trong thực tế. Sứ mệnh của họ là cải tạo hệ thống nào để ngăn chặn sự sụp đổ của hệ thống nào, thật không dễ trả lời, chưa nói tới việc thực hiện.
Nhưng ông Chu Hảo là người lạc quan. Lạc quan vô tận. Tạp chí Xây dựng Đảng Xuân Nhâm Thìn này có bài “Tết đến rồi…!” của ông. Cứ từ từ, "tất cả mọi sự tốt đẹp bao giờ cũng ở phía trước", như ông tuyên bố.
P.T.H

Nguồn: BBC

Thứ Ba, 17 tháng 1, 2012

"Đã đi với nhân dân, thơ không thể khác" (PHÙNG QUÁN)

CHỐNG THAM Ô LÃNG PHÍ                   
 Phùng Quán



Tôi đã đi qua
Những xóm làng chiến tranh vừa chấm dứt

Tôi đã gặp
Những bà mẹ quấn giẻ rách
Da đen như củi cháy giữa rừng
Kéo dây thép gai tay máu ròng ròng
Bới đồn giăc, trồng ngô trỉa lúa…

Tôi đã đi qua
Những xóm làng vùng Kiến An, Hồng Quảng
Nước biển dâng cao ướp muối cả cánh đồng
Hai mùa rồi, lúa không có một bông
Phân người toàn vỏ khoai tím đỏ,
Tôi đã gặp những em thơ còm cõi
Lên năm lên sáu tuổi đầu
Cơm thòm thèm độn cám và rau
Mới tháng ba đã ngóng mau đén Tết !
Để được ăn no có thịt
Một ngày…một ngày…


Tôi đã đi giữa Hà Nội
Những đêm mưa lất phất
Đường mùa đông nước nhọn tựa dao găm
Chị em công nhân đổ thùng
Run lẫy bẫy chui hầm xí tối
Vác những thùng phân…
Thuê một vạn một thùng
Mấy ai dám vác ?
Các chị suốt đêm quần quật
Sáng ngày vừa đủ nuôi con…
Một triệu bài thơ không nói hết nhọc nhằn
Của nhân dân lao động
Đang buộc bụng, thắt lưng để sống
Để dựng xây, kiến thiết nước nhà
Để yêu thương, nuôi nấng chúng ta

Vì lẽ đó
Tôi quyết tâm rời bỏ
Những vườn thơ đầy bướm đầy hoa
Những vần thơ trang kim vàng mã
         dán lên quân trang đẫm mồ hôi và
                                 máu tươi của Cách Mạng !
 Như công nhân
Tôi quyết đúc thơ thành đạn
Bắn vào tim những kẻ làm càn
Vào lũ người tiêu máu của dân
Như tiêu bạc giả !
Các đồng chí ơi !
Tôi không nói quá
Về Nam Định mà xem
“Đài xem lễ” họ cao hứng dựng lên
Nửa chừng bỏ dở
Mười một triệu đồng dầm mưa giãi gió
Mồ hôi máu đỏ mốc rêu
Những con chó sói quan liêu
Nhe răng cắn rứt thịt da cách mạng !
Nghe gió mùa đông thâu đêm suốt sáng
Nhớ” Đài xem lễ” tôi xót bao nhiêu
Đất nước đêm nay không đếm hết người nghèo
Thiếu cơm thiếu áo…
Bọn tham ô, lãng phí, quan liêu
Đãng đã phê bình trên báo
Còn  bao tên chưa ai biết ai hay ?
Lớn, bé, nhỏ, to, cao, thấp, béo, gầy…
Chúng nẩy nòi, sinh sôi như dòi bọ !
Khắp đất nước đâu đâu chẳng có !
Đến một ngày Đảng  muốn phê bình tất cả
E phải nghìn số báo Nhân Dân !
Tôi đã dự những phiên tòa xử tội
Những con chuột mặc áo quần bộ đội
Đục cơm khoét áo chúng ta
Ăn cắp máu dân đổi chác đồng hồ
Kim phút kim giờ lép gầy như bụng đói
Những mẹ già, em trai, chị gái…
Còng lưng rỏ máu lấn vành đai !

Trung ương Đảng ơi !
Lũ chuột mặt người chưa hết
Đảng cần lập một đội quân trừ diệt
Có tôi !
Đi trong hàng ngũ tiền phong.
                           
 1956

Chủ Nhật, 8 tháng 1, 2012

QUANG VINH

MÌNH ĐÃ CHẾT THẲNG CẲNG NẾU BÁO LAO ĐỘNG HÈN

NGUYỄN QUANG VINH
Mấy ngày rồi đọc vụ của Hoàng Khương Tuổi Trẻ bị bắt, buồn, cứ nghèn nghẹn, ấm ức cũng có, bực dọc cũng có, thấy bi bi hài hài thế nào. Mình cũng biết, làm báo, đặc biệt là nghề phóng viên điều tra vô cùng nguy hiểm. Sẽ bị trả thù, sẽ bị dèm pha, thậm chí còn bị vu khống bôi nhọ. Không quá khó hiểu. Một bài điều tra của mình, có khi đập chết ngay một bộ mặt tham nhũng, một tập thể sai trái, một cá nhân lộng quyền, hư hỏng, tan tành cơ nghiệp chính trị của họ. Xét về góc độ đối kháng, người ta không thù mình mới lạ.
Vụ Hoàng Khương cũng thế thôi, nếu thực sự người ta công tâm, thực sự người ta lấy tiêu chí tiêu diệt cái xấu, cái tiêu cực trong ngành làm chính, thì kẻ nhận hối lộ bị trừng trị, còn nhà báo dùng vài thủ thuật để có bằng chứng cùng lắm bị kỷ luật về chuyên môn, làm cái gì mà khiếp thế, ai không nghĩ nó đang mang tâm thế của một sự trả đũa nhau. Theo kiểu, a ha, mày phát hiện quân tao nhận hối lộ hả? OK, tao sẽ bỏ tù quân tao, nhưng mày cũng chết luôn cho rảnh em nhé, em nhé, em nhé, từ nay bố bảo Tuổi Trẻ của mày điều tra điều triếc, nghiệp vụ, nghiệp viếc, nhé nhé nhé.
So với tội của Hoàng Khương dùng vài cái mẹo nhỏ để sập bẫy nhận hối lộ của viên CSGT kia với cái “ tội” của mình và anh em trong vụ điều tra cái đói ở vụ Rục chẳng là gì hết nhé. Khương còn có người hợp tác công khai, hối lộ công khai, ghi âm, chụp ảnh công khai. Bọn mình như lũ “đạo chích” mới lấy được chứng cứ, cái chứng cứ cuối cùng, quan trọng số 1, cái chứng cứ cứu được danh dự của nhà báo, của cả tờ báo, cái chứng cứ cuối cùng làm Thủ tướng cũng phải nhận ra rằng, cái địa phương nó đang báo cáo láo với mình, là vu cáo báo chí, thực ra báo chí đã phản ánh sự thật.
Hãy đọc lại 9 kỳ SỰ THẬT để biết rõ hơn.
Trưởng thôn Khoai Lang ( đội mũ vải) và các nhà báo vừa lội vừa bơi suốt 5 tiếng trong nước lạnh buốt của tháng 10 mùa đông năm 2006 vào với đồng bào Rục để viết điều tra việc chính quyền bỏ rơi dân, và sau loạt bài này, trong khi chính quyền quay cuồng chống đỡ với sự thật để trù hại nhà báo thì các nhà hảo tâm đọc báo đã gửi về cho đồng bào hàng trăm tấn gạo, muối, mì tôm
Ở đây, mình nói một chi tiết về nghiệp vụ báo chí để so với Hoàng Khương thôi.
Trong khi mình ( báo Lao Động), Minh Phong ( Báo Sài Gòn giải phóng), Phan Phương, báo Quảng Bình-cộng tác viên báo Công an nhân dân, bơi trong lũ, vào với đồng bào Rục bị lũ vây nhiều ngày, dân đói, đứt bữa, đến sắn, ngô cũng hết. Trong khi chính bọn mình phải bỏ tiền túi ra mua kẹo bánh, lương khô, mỳ tôm vào để cứu đói bà con. Trong khi tất cả các cấp chính quyền từ xã đến tỉnh bỏ mặc dân. Trong khi cả tỉnh đang nước sôi lửa bỏng vẫy vùng trong lũ thì Bí thư tỉnh ủy Hà Hùng Cường ( giờ là Bộ trưởng Tư Pháp) kéo hết tất cả lãnh đạo đầu ngành đi “giao lưu” ở nước ngoài vào chính cái thời điểm lũ ngập tỉnh.
Những bài báo phản ánh việc dân đói, trách nhiệm địa phương gây chấn động dư luận. Điện Tổng Bí thư, điện Thủ tướng vào Quảng Bình yêu cầu làm rõ.
Sau khi Bí thư tình ủy Hà Hùng Cường cùng đoàn lãnh đạo cao cấp của tỉnh về, bắt đầu làm rõ bằng văn bản báo cáo dối trá với Thủ tướng, vu cáo báo chí đưa tin bịa đặt, trong văn bản còn khôn khéo cài đặt câu: Làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính sách đồng bào dân tộc của Đảng và Nhà nước ta. Ghê. Nói thế ngầm méc với Thủ tướng, mấy thằng nhà báo này là phản động. Đã bịa đặt chuyện dân đói lại còn phản động. Ghê răng.
Nói chung là rất căng thẳng.
Thủ tướng viết công văn, yêu cầu báo Lao Động và các báo kiểm điểm nghiêm khắc thái độ làm việc của các nhà báo, xử lý thật nghiêm về nghiệp vụ. Nếu làm theo Thủ tướng, chắc chắn các báo đều vội vã thực hiện quyết định xử lý, nhẹ thì đuổi, nặng hơn, nâng quan điểm hơn thì khởi tố.
Chưa hết. Để có được bằng chứng cuối cùng, chúng mình quyết định dùng chút nghiệp vụ, đưa được máy ghi âm vào trong phòng họp kín tại tầng 3 của tỉnh ủy Quảng Bình để ghi âm lại hết cuộc họp nội bộ của họ do chính Bí thư tỉnh ủy Hà Hùng Cường triệu tập. Và lãnh đạo huyện Minh Hóa (đơn vị quản lý địa phương có đồng bào Rục) phải thừa nhận dân đói vì lũ, đói triền miên, và báo chí phản ánh đúng sự thật.
Đây là nội dung ghi âm quan trọng, là chứng cứ thừa nhận của địa phương, và nhờ đó, chúng mình đã cho Thủ tướng nghe băng ghi âm này để Thủ tướng hiểu, địa phương đã báo cáo Thủ tướng dối trá như thế nào.
Và câu hỏi đặt ra là, ai cho phép nhà báo ghi âm bí mật cuộc họp của lãnh đạo tỉnh, phạm vào điều bao nhiêu, chương bao nhiêu của Bộ luật hình sự? Nhưng không ai đặt ra điều đó, hoặc người ta không đủ can đảm dám đặt ra điều đó với chúng mình.
Vì sao?
Vì trước hết là tập thể Ban biên tập Báo Lao Động, Báo Sài Gòn giải phóng, Báo Công an nhân dân đã sát cánh cùng chúng mình vào những giờ phút căng thẳng bậc nhất, nó liên quan đến danh dự của tờ báo, sinh mệnh chính trị của phóng viên. Nhà văn, Tổng biên tập báo Công an nhân dân, trung tướng Hữu Ước lúc đó nói một câu nổi tiếng trong cuộc họp do Cục báo chí chủ trì để đối chất giữa lãnh đạo Quảng Bình và báo chí: Tôi nói cho các anh biết, phóng viên chúng tôi viết không sai một chữ. Các anh tưởng các anh lên gặp Thủ tướng được mà chúng tôi không lên được?
Nếu ngày đó, Ban biên tập các báo cũng hùa theo lãnh đạo, ngoan ngoãn nghe theo lãnh đạo như Tuổi Trẻ hôm nay với Hoàng Khương, chúng tôi đã thẳng cẳng.
Nếu Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ dám nói, chúng tôi chỉ đạo anh Hoàng Khương làm điều tra vụ này, nếu bắt, khởi tố, hãy bắt khởi tố cả Ban Biên tập báo Tuổi Trẻ trước. Làm được không? Quá bình thường. Ngòi bút nhà báo viết ra trên bản thảo là cá nhân nhà báo, khi in lên báo là cộng thêm trách nhiệm cả Tòa soan, cụ thể hơn nữa là Ban biên tập. Tại sao không làm?
Trong vụ Rục, Ban biên tập các báo Lao Động, Sài Gòn giải phóng, Công an nhân dân đã làm theo tinh thần đó.
Hôm nay viết lại, cho mình cám ơn và ghi nhận thái độ, tinh thần, sự trung thực và thủy chung của Báo Lao Động ( trực tiếp khi đó là Phó tổng biên tập Tô Phán- Thư ký tòa soạn Trần Duy Phương), trung tướng Hữu Ước báo Công an nhân dân và anh Dương Trọng Dật, tổng biên tập Báo Sài Gòn giải phóng và cả anh Oanh, trưởng đại diện Báo Sài Gòn giải phóng tại Hà Nội. Nhớ lắm nhà văn Vĩnh Quyền ( đang là Trưởng đại diện báo Lao Động tại Đà Nẵng) bám theo mình từng giờ từng phút để bảo vệ sự thật.
Sau lưng các nhà báo điều tra, là tờ báo của họ, ban biên tập của họ, đồng nghiệp của họ, đó là bàn đạp tấn công và nơi che đỡ, chia lửa, cùng sống, cùng chết với nhau vì một mục đích trong sáng và lành mạnh bậc nhất: Sự thật, sự thật và sự thật- SỰ THẬT TƯƠI RÓI
Nếu sau lưng mình, Ban biện tập không mạnh mẽ, không quyết liệt, hèn và cơ hội, phóng viên “chết” không có gì lạ.
HAI BỨC ẢNH NÀY DÀNH TẶNG LÃNH ĐẠO TỈNH QUẢNG BÌNH
Ảnh chụp một gia đình người Rục lúc nào cũng đói ( Chụp từ năm 2006 nhưng bây giờ cuộc sống chẳng khá hơn, thậm chí còn tệ hơn)
Vừa rồi blog Cu Làng Cát vận động bà con gửi tiền mua gạo mắm cứu đói cho bà con Rục sau đợt lũ, lại nghĩ tới cái dự án tốn kém gần 40 tỷ ( thời giá cách đây 15 năm) để đưa đón bà con đồng bào Rục, Mã Liềng về định cư. Bản chất dự án rất nhân văn. Nhưng người ta đã lựa chọn một nơi để làm dự án, không đất cảnh tác, vùng trũng, cứ mưa to là bị chia cắt, lũ lớn thì chia cắt có khi cả tháng trời, lại đói, triền miên đói, lại sắn, lại ngô như cái thời du canh du cư, nhiều bà con lại phải vào trong hang đá ở.
Thương và quý trọng nhiều lắm tấm lòng của Blog Cu Làng Cát đã kêu gọi cộng đồng mạng gửi tiền mua gạo cứu đói bà con Rục cơn lũ vừa rồi. Nhưng chắc bây giờ ăn hết gạo cứu trợ, lại tiếp tục đói thôi
Thôi khỏi bàn đến chuyện mổ xẻ sự ngu dốt ( hay cố tình ngu dốt để kiếm chác từ dự án này), thôi chuyện đã qua, đừng bàn chi đến trách nhiệm, kỷ luật kỷ liếc, mà bàn ngay đến việc phải đưa đồng bào tới một vùng đất khác, có đất, có nước ngọt để trồng lúa, thoát ra khỏi vùng trũng lũ để tự cứu mình, để có cuộc sống thực sự ổn định. Khỏi cần múa mép gào lên những câu khẩu hiệu nhàm chán nữa, làm điều này tức là vì dân, cho dân đấy. Nhưng ai sẽ nghĩ tới điều này? Quảng Bình.
Nguồn:http://quechoa.info/2012/01/08/minh-da-ch%e1%ba%bft-th%e1%ba%b3ng-c%e1%ba%b3ng-n%e1%ba%bfu-bao-lao-d%e1%bb%99ng-hen/

ĐẤT


"Đất quê ta mênh mông, lòng Mẹ rộng vô cùng..." {thơ-câu hát- của ai không nhớ, Phạm Minh Tuấn(?)} - Pic. CNC




HIỆU MINH

Đất là thiêng liêng, là mồ hôi, là nước mắt và trộn cả máu. Thời hội nhập, đất càng giá trị. Nếu không hiểu triết lý đơn giản này và chính quyền không biết đối xử với đất thì tiếng khóc còn đau đớn và máu còn tiếp tục đổ.
 “Tù nhân” Trần Ngọc Sương
Nhiều người biết bà Trần Ngọc Sương là Anh hùng lao động, con gái của Giám đốc tiền nhiệm Trần Ngọc Hoằng. Người cha đã một nắng hai sương với hàng chục ngàn nông dân nơi đây, đưa Sông Hậu thành nông trường anh hùng.
Ngày 19/11/2009, Tòa án nhân dân TP Cần Thơ đã đưa vụ án “Lập quỹ trái phép” tại Nông trường Sông Hậu ra xét xử phúc thẩm. Tại đây, HĐXX đã tuyên y án sơ thẩm 8 năm tù giam, buộc bồi thường hơn 4,3 tỷ đồng đối với bà Trần Ngọc Sương, nguyên Giám đốc Nông trường.
Không ai có thể biết động cơ đứng đằng sau vụ án này là gì. Chỉ biết rằng, hàng nghìn hecta đất của nông trường do mấy 16 ngàn nông dân đào đắp, khai phá từ 30 năm nay, bây giờ có thể thành miếng mồi ngon cho các nhà đầu tư.
Người ta ngạc nhiên về một người anh hùng, bị buộc tội dùng quĩ đen mấy tỷ đồng, mà cuối đời bà Sương không nhà, không cửa, ngủ trên một cái giường cá nhân với 8 năm tù đang đợi. Nghịch cảnh rơi nước mắt.
Vụ án tưởng đi vào quên lãng, nhưng mới đây thôi, người ta lại định đưa bà ra xử. VTC News cho biết, số tiền “quỹ trái phép” tại Nông trường Sông Hậu đã có từ trước năm 1994, đến năm 2000 bà Sương mới làm Giám đốc, nên bà không phải là người “lập quỹ trái phép”.
Bà Sương đã viết đơn kêu oan gửi tứ phương và nói : “Đối với tôi bây giờ, sức khỏe đã tàn tạ, danh dự bị các cơ quan tiến hành tố tụng ở Cần Thơ và huyện Cờ  Đỏ cố tình bôi nhọ. Nếu họ cố tình xử tù tôi, vào tù thiếu thốn đủ thứ lại ốm đau bệnh tật cũng dễ chết sớm, đó là bước đường cùng mà Viện KSND TP Cần Thơ giao và Viện KSND huyện Cờ Đỏ muốn dồn tôi đến chỗ chết. Tôi nghĩ: thà rằng chết trước khi bị đưa ra xét xử còn được nén nhang của bà con cô bác, của hầu hết cán bộ, nhân viên Nông trường Sông Hậu vẫn hằng ngày quý mến và đòi chân lý cho tôi thắp cho hơn là chết ở trong tù trong nỗi oan ức triền miên và sự cô quạnh tột đỉnh”.
“Tội phạm” Đoàn Văn Vươn
Anh Đoàn Văn Vươn không nổi tiếng như bà Ba Sương. Cha của anh là đảng viên trung thành tuyệt đối, anh Vươn từng đi bộ đội, một nông dân hiền lành chất phác, chí thú làm ăn, bỏ đại học để chinh phục biển, nhưng bỗng anh trở thành tội phạm chống chính quyền.
Cách đây hơn một năm (22-7-2010) báo Pháp luật và Đời sống đã đăng về một người được gọi là Kỳ tài đất Tiên Lãng và cuộc chinh phục lời nguyền của biển”. (Tìm đọc)
Đó là phóng sự về anh Vươn biến vùng đất khỉ ho cỏ gáy ven biển, không ai thèm để ý, thành một khu đầm nuôi trồng thủy sản rộng hàng trăm hecta. Họ được thuê đất 20 năm, kể từ năm 1993, nhưng nay mới là 2012 thì đã tiến hành thu hồi.
Theo báo CAND, một số người dân trên địa bàn cho rằng, việc thu hồi đầm nuôi trồng thủy sản của UBND huyện Tiên Lãng có điều chưa minh bạch, chủ trương chia lại đất trong quy hoạch phát triển sân bay vừa không đúng với chủ trương giao đất nông nghiệp lâu dài, ổn định đã khiến cho gia đình anh Vươn và một số chủ đầm khác phản ứng tiêu cực.
Trước khi tiến hành cưỡng chế, một số chủ đầm đã gửi “tối hậu thư” đến cấp lãnh đạo huyện với nội dung nếu cuộc cưỡng chế xẩy ra, sẽ có đổ máu.
Mấy ngày qua, anh Vươn được lên mặt báo là do vụ đấu súng với chính quyền, làm sáu công an bị thương. Dân Hải Phòng không dọa suông, máu đã đổ thực sự.
Đất – mồ hôi, nước mắt và máu
Từ ngàn đời, để tạo nên những vùng đất phì nhiêu, nuôi sống con người, bao nước mắt và mồ hôi đã đổ xuống. Để bảo vệ đất có cả máu.
Vụ án bà Ba Sương và nay là vụ đổ máu tại Hải Phòng đều liên quan đến đất. Và còn nhiều vụ khác nữa mà truyền thông chưa có dịp được nói.
Người nông dân chất phác đổ mồ hôi, sôi nước mắt, biến một vùng khỉ ho cò gáy thành bờ xôi, ruộng mật, thì bỗng có kẻ dòm ngó. Chuyện còn lại là làm việc với người có “thẩm quyền”.
Đất ở ta là sở hữu toàn dân, nhưng quyết định dùng như thế nào lại nằm trong tay “đầy tớ của nhân dân”.
Phản ứng khi bị thu hồi đất, có người đi biểu tình, rồi khóc và dọa tự tử như bà Ba Sương. Nhưng có người thề chết như anh Vươn.
Câu hỏi ở đây là ai đã biến những anh hùng, người lính, đảng viên và cả những người nông dân hiền lành thành tội đồ một cách dễ dàng đến thế.
Khi tìm ra được nguyên nhân và giải pháp, chắc chắn không còn những anh hùng Ba Sương – tù nhân và người lính Văn Vươn - tội phạm.
Vĩ thanh
Tôi chợt nhớ bài diễn văn của ông trùm da đỏ Seattle. Sau khi tạo nên khu vực bang Washington năm 1853, chính phủ Mỹ đã đề nghị người da đỏ ký các hiệp định để mua đất của họ. Người da đỏ biết là không thể nào từ chối được. Ông Seattle (1786-1866), trùm da đỏ, đã đọc một bài diễn văn thống thiết trước thống đốc Isaac Stevens. Diễnvăn này được coi là một tài sản văn hoá vô giá để đời và đã được dịch sang nhiều thứ tiếng.
Trích đoạn “Làm sao các người có thể mua bán khung trời và hơi ấm của đất? Ý nghĩ đó đối với chúng tôi thật kỳ lạ. Thế nếu chúng tôi không sở hữu cái mát mẻ của không khí và cái lung linh của mặt nước, thì các người làm sao mà mua?  Mỗi mẩu đất này đều thiêng liêng cho dân tộc chúng tôi.
Linh hồn những người da trắng đã quên xứ mình sinh ra khi đi vào giữa các vì sao. Linh hồn những người chết chúng tôi không bao giờ quên trái đất tuyệt vời này, vì trái đất là mẹ của người da đỏ.
Các ông (người da trắng) phải dạy cho con cháu là đất chúng bước lên được tạo bởi tàn hương của tổ tiên. Dạy cho chúng biết tôn trọng đất, bảo chúng là đất được giầu có bởi đời sống của dòng dõi. Dạy cho con cái các ông những điều mà chúng tôi dạy cho con cái chúng tôi, là đất là người mẹ. Cái gì xẩy đến cho đất sẽ xẩy đến cho con cái của đất. Ai khạc nhổ lên đất là khạc nhổ lên chính mình.
Triết lý “sống trong đất, chết vùi trong đất” của người da đỏ là thế.
Bà Ba Sương và 16 ngàn công nhân nông trường Sông Hậu, rồi hàng chục vạn nông dân “bỗng nhiên mất đất”, kể cả những chủ trại nuôi tôm ở Tiên Lãng (Hải Phòng), cũng yêu đất  không khác ông Seattle cách đây 150 năm.
Nhưng liệu rằng, chính quyền có biết trên đời này có “tình yêu đất” như thế hay không?
HM. 7-1-2012 (nguồn: Internet)

Thứ Bảy, 7 tháng 1, 2012

TRONG LÀNH

Buổi sáng bừng lên trên dải voan hồng
Một nhoẻn cười, vươn cánh nõn xóa tan cơn ngái ngủ
Trong lành và rực rỡ.
(Pic:CNC)

Thứ Sáu, 6 tháng 1, 2012

KHĂNG KHĂNG NGU

Fractal Flame round-100-211
Qui luật Tiêu - Trưởng trong Kinh dịch thể hiện rõ ở định đề " Thái Dương hàm chứa Thiếu Âm và Thái Âm hàm chứa Thiếu Dương", điều này đã quá rõ khi quan sát các phản ứng hóa học với tinh thần triết học. Trong nước có lửa và ngược lại, trong lửa có nước là một thực tế.

Vậy chứ, khi Giai cấp Vô sản làm cách mạng thành công trên khắp thế giới, nghĩa là người người đã vô sản hóa hết, toàn bộ của cải vật chất là của chung, loài người với một trình độ KHKT và Văn hóa đủ cao sẽ tổ chức một Thế giới đại đồng, mọi cá nhân lao động theo năng lực và hưởng thụ theo nhu cầu, thì cuộc sống con người ta sẽ ra sao? Hẳn đây là một cuộc sống như đã trở lên bất biến? Vậy cái gì sẽ thỏa mãn những khát vọng - vốn là đặc tính cố hữu của sự sống có trí tuệ ?

Các Nhà nước áp dụng Học thuyết Mac - Lê đã không chịu hiểu sự phủ định của Học thuyết đối với Qui Luật Chung, vốn dĩ là bất di bất dịch. Những tàn tích cuộc sổng ( trình độ cao) cổ xưa ở Nam Mỹ, Trung Đông, Bắc Phi và cả ở Anh, bên cạnh giá trị thỏa mãn khát vọng  nghiên cứu thấu hiểu của loài người là sự cảnh báo về sai lầm, ngu dốt của quá khứ.

Tại sao người ta cố trộn lửa vào nước, khi mỗi thứ đều hàm chứa nhau và  vị trí của mỗi thứ đều định vị theo Qui Luật theo chức năng cố hữu?

K. Mark nói "Đấu tranh là Hạnh phúc" hẳn là trong một cơn mê sảng. Tìm cách dung hòa, thỏa thuận với nhau mới là cách khôn ngoan và hợp Qui Luật cho quan hệ Người-Người và cả Người với Phần Lớn Còn Lại.

Đã thấy như thế, đã muốn làm như thế, sao cứ ngu lâu khăng khăng để lùng nhùng trong ta thán và nguyền rủa.

NHỮNG ĐÔI MẮT