Chủ Nhật, 8 tháng 4, 2012

CỚ GÌ MÀ PHẢI ỒN

Mọi tầng lớp công chúng đều bất bình la ó và phản đối các loại phí trong đề án của bộ giao thông, nhưng có cái lạ là tất cả, từ các đại biểu quốc hội, các chuyên gia đến các phát biểu và các phản hồi trong báo chí... hầu như vẫn chỉ đề cập đến phần ngọn của vấn đề, là sự bất hợp lý cùng ảnh hưởng xấu sâu rộng đến cuộc sống xã hội khi đề án được thực thi. Cái gốc gác sâu xa đằng sau đề án (thu phí) này thực sự vẫn chưa được làm rõ.

Không thể cho rằng đề án thu thêm phí giao thông chỉ là 1 phương cách để tăng nguồn thu hầu phục vụ lợi ích công cộng. Không thể nghĩ rằng, khi dân chúng phải mở hầu bao sẽ xót tiền mà hạn chế tham gia giao thông là biện pháp giảm ùn tắc đường xá trong nội đô vào giờ cao điểm. Trừ khi ai đó chỉ thuộc "Cờ đến tay ai người đó phứt..." :)

Đành rằng, trước các vấn nạn về giao thông cả nước (tai nạn, ùn tắc, đường xá cầu cống thiếu thốn và xuống cấp), những việc phải làm của ngành giao thông cùng các địa phương không hề đơn giản.
 Nhưng nên nhớ, quản lý nhà nước là rất khác với quản trị tập đoàn doanh nghiệp.
Một doanh nghiệp có thể thông qua nhà nước để xây dựng (thêm) 1 con đường nếu họ thấy có khả năng kiếm lợi nhuận. Trong trường hợp này, những người xử dụng con đường này ắt phải trả phí một cách thích hợp. Và đương nhiên, những ai không có nhu cầu (đi lại) trên cung đường này luôn là vô can . Một băng đảng xã hội, có thể ép cư dân phải nộp các kiểu phí vô lý hòng an thân, song quyền hành các băng đảng này sớm muộn cũng bị tiêu diệt là quy luật.
Nhiều người đã chỉ ra sự vô lý khi người dân phải nộp phí theo đầu xe (phương tiên) cùng sự phi lý của cái gọi là "phí hạn chế giao thông" trong Đề án của Bộ GT.
Với Đề án thu thêm phí giao thông, người ta đã  biến một cỗ máy quản lý nhà nước (Bộ GTVT) thành một Tập đoàn - công ty dịch vụ. Và sự bất ổn xã hội (về giao thông) có vẻ sẽ được giải quyết bằng các qui định bắt buộc giống kiểu xã hội đen nhưng trên chiêu bài, danh nghĩa chính sách nhà nước.
Bởi bất cứ nhà nước nào, bộ luật thuế cũng có nhiệm vụ điều tiết và cân đối ngân sách quốc gia, mọi tầng lớp lao động trong xã hội đều đã đóng tất cả các loại thuế tương ứng và cần thiết, thế nên, bất cứ một loại phí gì phải đóng thêm ngoài thuế cho Nhà nước (làm công quỹ) đều bất hợp lý về mặt lý thuyết.
Trong quá trình vận hành phát triển xã hội, khi sách lược, chiến lược phát triển không như ý, xã hội bị khủng hoảng, Nhà nước buộc phải có những chính sách thích hợp hòng cải thiện, song chỉ có những chính phủ bất lực, phản động mới tìm cách tróc vào lợi ích thiết thân của dân chúng.

"Đề án phí giao thông" của bộ GTVT  đã phơi bày một thứ tư duy chụp dật, đáng lẽ không bao giờ nên có ở cấp vĩ mô, nhưng tiếc thay, còn nhiều đề án tương tự ở những ngành khác và mọi người vẫn chỉ quan tâm đến lợi-hại ở bề nổi.
...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét