Thứ Ba, 31 tháng 12, 2013

Truyện dài rất ngắn

RAU MUỐNG NGOI
 
 



I.
Mùi ngào ngạt xông lên trong tiếng réo tưng bừng của tóp mỡ cùng tiếng reo của lửa đượm gió. Rau muống xào tỏi! Không thể hoãn sự sung sướng của nước dãi đang túa ra, cố đảo cho tơi và đều chút bột nêm và muổng mắm nhĩ, chàng nhón đũa. Thơm, ngậy, ròn, ngon, ngọt. Ôi giời, tuyệt vời. Tắt lửa. Bùi? Chàng nhằn thêm nhằn thêm: quái, có vẻ bùi quá thì phải?
Thôi chết.
Ngay lập tức chàng bê nguyên nồi rau sào vẫn đang bốc khói nghi ngút thơm lựng, ào vào chậu rửa. Và xối nước.

II.
Vấn đề anh vẫn băn khoăn không phải là chết ngay, mà là chết cả vài thế hệ. Là hóa chat độc hại gây các kiểu ưng thư ấy mà. Kể cả thực phẩm rau quả tươi được đóng gói tinh tươm, bào bì luých xơ ry trong các siêu thị hoành tráng. Có thứ thì để quên qua vài tháng vẫn không héo, nẫu; có thứ thì cứ nhủn nước rất kỳ dị.
Thế nên, có dịp chợ búa, anh luôn cố tìm rau quả có dấu hiệu của nhà vườn no-pro cho lành, có thể xấu mã chút nhưng sẽ rất ngon tinh thần và  bao la yên tâm lớn .

III.
Chiều nay chợt thèm rau muống xào tỏi. Tỏi that nhiều đương nhiên rồi, nhưng muốn đúng bản sắc của bà ngoại là phải xào với mỡ vai lợn tươi cơ, Tóp mỡ không quá ngậy và rất ròn.

Thế là anh đảo hết một vòng chợ hẻm, nơi toàn người buôn thúng bán bưng, chạy công an suốt ngày. Và anh đã dừng lại nơi một chị sồn sồn dăm ba mớ rau bí, ngót, hành ngò... Ấn tượng nhất là vài bó rau muống. Những cọng muống nần nẫn dài thòng và mơn mởn tí tẹo lá non e ấp , thoạt trông, dân ruộng anh biết ngay đó là thứ rau ngoi từ nước ngập. Cái giống này mà ngoi hả, cứ là cả gang tay chỉ sau một cơn mưa hay một đêm bị ngập. Non tơ, ròn và ngọt.
Chỉ có điều, chúng, những cọng rau muống ấy, có vẻ hơi béo, không nuỗn nà như trong ký ức, nhưng quan trọng gì lắm đâu cơ chứ.

IV.
Cái vị bùi bùi quá đáng ở đầu lưỡi chợt nhắc anh cái sự đẫy đà của mớ rau muống ngoi đã chót mua và chế biến. Uh. Rau ở ao hay đồng khi bị ngập nước cố ngoi tìm ánh sáng và không khí, để sống, nó khác. Chắc chắn không béo và không sần sần thế này. Cũng mơn mởn tươi, nhưng óng ả thanh tao vô đối, chứ chẳng thể có nước da dày cui.
Và hình ảnh của rau muống mọc lên từ cửa cống nước thải kênh Nhiêu Lộc anh từng nhìn thấy đâu đó đã thức tỉnh anh. Tởm.

VĨ THANH
Này các Rau Muống ngoi lên từ những nguồn bẩn thỉu và ô uế, sự vênh vang ngạo nghễ tươi tốt của bọn bay đừng có hòng đánh lừa và  mê hoặc người ta được nữa.

31.12.13-CNC

Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2013

...thẫm đẫm tình và đầy ắp tính văn, một khía cạnh của lý do SGTT có nguy cơ "vỡ nợ" ?




Kiều lão Đà Lạt
Lang thang ở Đà Lạt, tôi có cái thú, đoán xem người nói chuyện với mình có phải là dân gốc Đà Lạt không. "Gốc" ở đây hiểu là nếu không sinh ra, thì ít ra cũng lớn lên và ở đấy cỡ bốn hay năm chục năm. Với trò chơi này, tôi là kẻ "độc cô cầu bại", ít nhất là cho đến lúc này, khi tôi vừa trở thành cư dân "đờ-mi" Đà Lạt cuối năm ngoái, theo cái kiểu vui ở buồn đi, đi chán lại về .


Đà Lạt thuở ấy thế nào? Ảnh: TL internet

Đà Lạt không xa lạ gì với tôi. Trước năm 75, tôi đã từng lông bông trên đó, chỉ là chuyện đàn đúm vui chơi thôi chứ chủ yếu vẫn ở Sài Gòn ăn học.

Đà Lạt thuở ấy thế nào? Hãy nghe người Đà Lạt ly hương nói về Đà Lạt để họ xả stress: "… Những con dốc với hàng mai anh, hay cúc quỳ, những mái nhà kiểu Pháp, những giọng nói nhỏ nhẹ, những quán café ngồi để ngắm chứ không để người khác ngắm… Khi còn bé, Đà Lạt với tôi là cái gì đó mờ mờ, huyền bí và... lạnh. Rồi 5 năm sau, Đà Lạt trong tôi lại mang một dáng dấp rõ ràng hơn. Và yêu lắm... Có những buổi chiều ngồi đọc sách bên bờ hồ, tự dưng chợt hỏi, liệu 50 hay 100 năm nữa, Đà Lạt sẽ thay đổi như thế nào…"

Người Đà Lạt nói về tính cách của họ thế này: "… hòa nhã, thân thiện, hiếu khách, nhỏ nhẹ, hiền hậu, lãng mạn,..." Nghe thấy đã! Tự than (thở) thì được, còn tự khen như thế cũng hơi… kỳ. Ngượng! Riêng tôi, với cái nhìn đầy cảm tính và thiên vị, tôi thấy họ nói thế cũng chẳng có gì… trật.

 
 
Tháng 12 năm đó, trời lạnh. Tôi trọ ở một khách sạn gần Hồ Xuân Hương. Không ngủ được, tôi thả bộ dọc bờ hồ. Bên ngoài trời lạnh và gió nhiều hơn tôi tưởng. Đã lỡ đi được gần cây số, chẳng lẽ quay về… Có ai đó nhóm lửa ở ven hồ, gần nhà máy nước (đầu đường Đinh Tiên Hoàng). Tôi ghé vào sưởi ké. Đó là xe bán gỏi khô bò, dân địa phương gọi là xắp xắp. "Quán lưu động" này chỉ có ghế mà không bàn. Người bán cũng lạnh, đốt lửa sưởi. Tôi gọi một dĩa khô bò và nửa xị rượu, và là người khách duy nhất lúc đó.

Càng về khuya, càng lạnh, người bán chụm thêm củi,… Một cô gái khoác áo lông, từ bên kia đường băng qua, ngồi vào sưởi. Nhìn kiểu cách son phấn, tôi đoán cô là gái ăn sương. Ế độ rụng rời! Khách ăn còn không có, huống gì khách mua hoa… Cô quay sang tôi bắt chuyện nhát gừng. Tôi mời cô ly rượu. Tôi biết cô chẳng hy vọng gì ở thằng bụi bặm như tôi, ngồi lề đường, uống rượu đế (12.000 đ/xị) , nhắm khô bò (5.000 đ/dĩa), tổng cộng cỡ 0,5 USD, thứ đó làm gì có tiền mà đi… "tâm sự".

Cái không khí ế độ, vắng người, lạnh lẽo, và buồn như chấu cắn thế này, người ta dễ huỵch toẹt với nhau nhiều thứ. Dưới đây là trích mẫu đối thoại giữa tôi và cô gái.

- Anh là dân Đà Lạt?
- Không, tôi tha hương…
- Anh làm nghề gì?
- Ai mướn gì làm nấy. Còn cô?
- Làm cái nghề như anh thấy đó. Hôm nay thứ năm, chẳng bắt được khứa nào.
- Không, tôi muốn hỏi, cô là dân Đà Lạt?
- Em gốc ở miền Trung, nhưng sống ở Đà Lạt từ nhỏ. Cho em xin điếu thuốc.
Tôi đẩy gói thuốc sang phía cô và bật quẹt. Ánh lửa lóe lên, tôi chợt thấy cô sang trọng như một mệnh phụ trong chiếc áo khoác lông màu trắng…
- Cô có con chưa?
- Có cháu ngoại rồi
- Xin lỗi, cô bao nhiêu tuổi?
- Năm mươi ba (53)
Vài phút im lặng trôi qua…Cô gái vẫn xoay mặt ra ngoài đường, phía bờ hồ. Tôi bối rối cực kỳ, nốc cạn ly xây chừng…
- Trông cô trẻ hơn tuổi nhiều, tôi đoán chừng ba mươi mấy.
- Tại đánh son phấn nhiều . Sáng mai lại đây, anh sẽ thấy em khác,..
- Sao không ở nhà trông cháu?
- Không thích nhờ vả con cái…
- Không còn nghề gì khác để làm sao?
- Không. Biết làm cái gì để sống bây giờ. May vá thì được bao nhiêu. Nhờ vả con cái thì em không thích. Không giúp được nó thì thôi, nhờ vả làm gì.
- Cô có thể bán thuốc lá, bán mồi nhậu ở đây này. Một ngày kiếm chừng năm chục (ngàn) thì đủ rồi.
- Nợ nhiều, kiếm bằng đó làm sao đủ. Trả góp ngày cũng cỡ trăm hai (chục ngàn) rồi
- Cô tiêu xài gì mà mắc nợ nhiều?
- Tiền nhà, tiền ăn, tiền son phấn, tiền thuê quần áo "đi làm". Cái áo lông này là em thuê. Thuê ngày nào trả ngày đó.
- Cô lớn tuổi rồi, làm sao dành khách nổi với tụi trẻ?
- Tụi nó đi giá cao, mình đi giá rẻ. Gặp mấy thằng xỉn, tụi nó cũng chẳng để ý lắm, miễn là rẻ.
- Mỗi lần đi như vậy được bao nhiêu?
- Em hét hai trăm (ngàn), tụi nó trả cỡ trăm rưỡi, trăm hai là đi được rồi. Kẹt quá, thì năm bảy chục cũng đi… Hên thì vài ba cữ một đêm. Không có tiền, sáng mai gặp mặt con mẹ chủ nợ khó chịu lắm.

Góc tối của một đô thị đầy ánh sáng là như thế. Đêm đó trời lạnh kinh khủng. Những cái khốn cùng của xã hội, chẳng có cái nào giống cái nào. Phải nhìn vào góc tối mới thấy bộ mặt thật của xã hội. Cô điếm già có thể móc túi khách làng chơi với nhiều thủ thuật, nhưng họ hành xử "chính danh" và ở tận cùng của xã hội rồi. Còn những thứ điếm khác được người đời tôn vinh, xun xoe, điếu đóm., nhưng họ có thừa khả năng làm tiêu tùng cả vài thế hệ như chơi. Nói nữa thêm buồn…

Hồi đó đoạn bờ hồ này, chiều chiều có những xe bán xắp xắp sà tới bán. Khách ngồi ghế đá ven hồ, hoặc ăn đứng. Có lần tôi gặp cô bé ngoài hai mươi, mang theo cặp, đi xe đạp đến bán phụ mẹ. Gợi chuyện, cô gái nói: "Cháu học ngành viễn thông ở đại học Đà Lạt. Giờ này đông khách nên đến phụ mẹ". Thùng khô bò đặt trên yên sau xe gắn máy hoặc xe đạp, xe công an đến thì ù té chạy. Tôi đã chứng kiến cảnh bỏ của chạy lấy người như thế, bỏ lại sau lưng đĩa, đũa, ghế nhựa,… Khách thương tình, đứng lại chờ họ quay lại, trả tiền, còn không thì coi như mất. Mà công an hình như cũng chẳng muốn bắt. Xe công an cứ thủng thỉnh đuổi. Phía trước báo động, người xe, người thúng chạy lẫn vào hẻm…Nhưng dạo này, không còn thấy những xe xắp xắp bán dạo ở ven hồ nữa. Chắc công an làm gắt rồi.

Đà Lạt là thành phố trẻ, chỉ cỡ trăm năm. Dân định cư nơi đây chủ yếu đến từ miền Trung, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên,… Họ được thuê mướn làm đường xá, xây cất. Rồi sau này người miền Bắc vào trồng rau, trồng hoa, rồi người Huế cũng vào lập nghiệp. Đợt di cư 54 cũng kéo theo cả ngàn người đến ở Đà Lạt khẩn hoang lập ấp. Người Đà Lạt đến từ mọi miền đất nước, mang theo văn hóa đặc thù, mà dễ thấy nhất là ẩm thực. Chẳng biết tôi có thiên vị hay không, nhưng ăn bún bò Huế, mì Quảng ở Đà Lạt thấy ngon hơn ở Huế hay ở xứ Quảng nhiều. Cay xé họng, trào nước mắt vẫn thấy ngon.

Người Quảng, người Huế, người Bắc,… sống ở Đà Lạt mất dần đi bản sắc vùng miền của riêng họ. Sự khẩn hoang mang họ đến gần nhau bất cần gốc gác, lại thêm nỗi nhớ quê, rồi núi đồi, sông suối, khí hậu và sự yên tĩnh của thiên nhiên đã biến họ thành người… Đà Lạt: chất phác và hiếu khách, hiếu khách thiệt tình kiểu Nam Bộ, nhưng nhỏ nhẹ chứ không ồn ào.

Một buổi sáng Chủ nhật, tôi ngồi uống cà phê ở góc phố Bà Triệu. Hai cụ già, bà dìu ông, chậm rãi vào quán. Ông mặc áo vest, đội mũ casket, cầm tờ báo Pháp. Bà mặc áo dài, khoác áo măng tô, tay cầm sách kinh, áng chừng họ vừa đi lễ nhà thờ Con Gà về. Ông trông ra dáng công chức thời Tây. Bà dáng quý phái, trang điểm nhẹ. Bà gọi ly cà phê sữa cho ông, và tách trà nóng cho bà, rồi lặng lẽ lấy những viên thuốc từ vỉ: "Ông uống thuốc đi". "Chưa uống!" ông già cạu cọ, mắt vẫn không rời tờ báo. Lát sau, bà lại đẩy ly nước về phía ông, nhẹ nhàng: "Ông uống đi, tới giờ uống thuốc rồi". "Không uống!", mắt vẫn dán vào tờ báo. Bà nhìn quanh quẩn đâu đó. Lát sau lại đưa thuốc sát tay ông: "Ông uống đi, kẻo tối lại ho sù sụ". Lần này ông cầm mấy viên thuốc cho vội vào miệng như trả nợ đời, làu bàu: "Đã bảo chưa uống lúc này mà cứ uống, cứ uống…" Bà yên lặng rót thêm trà cho ông, mắt và miệng ra chiều mãn nguyện. Nhìn hai "con khỉ già" làm… nũng, thấy đất trời Đà Lạt bỗng nhiên giao hòa, tiền muôn bạc tỉ hóa thành tiền âm phủ, thế giới phẳng hay cong cũng trở thành vô nghĩa.

Ai đó ở Đà Lạt mưu đồ khanh tướng, nhưng người Đà Lạt (gốc) hình như không có máu làm quan, và họ cũng chẳng muốn làm quan. Họ thích đời yên phận với đất trời cây cỏ. Tôi có người quen ở Đà Lạt làm viên chức ngân hàng, bon chen kém cỏi, xin về hưu non, sửa chữa điện tử lai rai và thỏa mãn với cái nghề xập xình này. Tuần trước đi karaoke với nhau. Anh hát bài Biển nhớ, cũng đứng lên cầm micro biểu diễn như ca sĩ thứ thiệt. Anh hát dở ẹc, nhưng biểu cảm tha thiết như muốn chở biển lên rừng. Ban giám khảo điện tử cho anh 100 điểm. Chắc máy karaoke này đọc được tâm trạng con người? Chị vợ ngồi cạnh cũng "máu" không kém, chơi bài Đêm nay ai đưa em về. Chẳng biết họ có ẩn ý gì với nhau qua lời ca tiếng nhạc hay không, nhưng mới sáng hôm đó, đi chợ Đà Lạt, còn thấy tay chị khoác tay anh, đầu nghiêng ngửa vào nhau, trông họ "lẳng" với nhau phết. Một cái "lẳng" đằm thắm hết sức... Đà Lạt.

Nghe nói, người ta định mời kiến trúc sư Pháp thiết kế lại Đà Lạt. Cũng nghe nói, người ta định lập một đô thị Đà Lạt khác trên con đường đi lên Suối Vàng. Ừ, một đô thị Đà Lạt tráng lệ nên thơ, mà thiếu "con-người-Đà-Lạt", thì cái hồn của Đà Lạt sẽ ra sao?

Những người con của Đà Lạt nay quy cố hương, không khỏi chạnh lòng vì những đổi thay: nhà hàng, nhà cao tầng, các vạt đồi đã đốn cây xanh, còn trơ đất đỏ sẵn sàng cho những dự án hoành tráng, xứng tầm với một thành phố du lịch, xứ sở ngàn hoa, như có người nói: "Người ta cắt một mảnh Saigon lên, đem dán vào Đà Lạt và bảo rằng Đà Lạt đang phát triển trong... quy hoạch".

Đà Lạt trở nên thực dụng hơn…

Thời gian Đà Lạt dường như chậm lại. Nhịp sống cũng chậm lại. Những người muôn năm cũ đang nhẫn nhục né tránh nhịp sống thời đại. Mà dân Đà Lạt (gốc) ở đây chắc cũng chẳng còn được bao nhiêu. Thời cuộc đã phân tán họ đi khắp nơi rồi.


"Người ta cắt một mảnh Saigon lên, đem dán vào Đà Lạt và bảo rằng Đà Lạt đang phát triển trong... quy hoạch" Ảnh: TL internet

Cách đây 3 năm, tôi đi chuyến xe đêm từ Sài Gòn, đến Đà Lạt khoảng 4 giờ sáng. Gõ cửa khách sạn giờ đó cũng hơi ngại, tôi ghé quán cà phê trên đường Phan Đình Phùng. Quán chừng 5 – 7 người, toàn là dân Đà Lạt (gốc), tôi đoán thế. Bốn giờ sáng ở Đà Lạt là thời điểm hơi sớm để bắt đầu một ngày làm việc. Họ là những người bỏ mối hàng chợ, lấy mối vé số hoặc chạy xe ôm. Một anh mù bán vé số, trạc 40, bước vào quán cùng với người bạn. Anh tìm chỗ ngồi dễ dàng, dường như quen thuộc với cách sắp xếp bàn ghế ở quán. Anh gọi ly cà phê sữa, và hai điếu thuốc "con mèo", mời người bạn bên cạnh một điếu. Anh mù bán vé số, nhưng lại chơi số… đề. Trông anh thoải mái, lạc quan khi bàn đề với bạn, mặc dù chiều qua anh không trúng. À, nếu chiều nay trúng đề anh sẽ mua những gì, những gì… Ước mơ giản dị quá !. Anh chơi đề cũng nhỏ thôi (chừng 10 – 20 ngàn đồng) và chỉ đánh hai số cuối. Tôi hỏi: "Tại sao bán vé số mà lại chơi đề?" Anh nói: "Chơi đề trúng nhỏ nhưng dễ trúng hơn".

Cặp vợ chồng già, Kiều lão, cô bé sinh viên,… là những nét chấm phá tạo ra bức tranh chung về con người Đà Lạt. Đâu đó có những khoảng khắc yên bình chen lẫn với những đắng cay. Trước 75, ngoại trừ các đại gia ở Sài Gòn mua biệt thự ở Đà Lạt nghỉ mát, chứ nói chung, cư dân Đà Lạt không giàu, nhưng họ sống thư thả, không bon chen, hối hả theo đời cơm áo. Có lẽ anh mù bán vé số đó là tiêu biểu cho người Đà Lạt (gốc) chăng?

Một buổi chiều xẫm tối ở góc đường Phan Bội Châu – Bùi Thị Xuân, tôi nói bâng quơ với bà bán bắp nướng, khi đứng chờ lấy bắp: "Đà Lạt chỉ còn con đường Đinh Tiên Hoàng dẫn đến trường đại học là còn nét cũ". Chị nói như thì thầm: "Còn chứ, còn một con đường còn sót lại, con hẻm trước mặt đó. Anh vào xem đi, không khéo mai mốt lại không còn nữa". Con đường dốc hẹp càng đi sâu, càng âm u, yên lặng, chỉ có tiếng gió thổi qua hàng cây. Một bên vách cao, lá và những cây to, một bên là vực, rải rác vài căn nhà nhỏ. Nhón chân lên, có thể thấy bên kia là ánh đèn của khu du lịch Bùi Thị Xuân, ồn ào, chèo quéo khách du lịch. Sự tương phản chỉ cách nhau chưa đầy trăm mét. [Đường này hiện nay là đường Lý Tự Trọng, dẫn lên khu vực Dinh tỉnh trưởng cũ, hiện có một trạm viễn thông và khu vực quân đội nên chưa vị đô thị hóa như các vùng lân cận - HN chú thích]

Đà Lạt buồn hiu, con đường sót lại buồn hiu, "người muôn năm cũ" buồn hiu,… Tất cả mờ dần sau những đợt festival hoành tráng.

Tôi muốn trích đoạn một bài thơ của Cung Trầm Tưởng được Phạm Duy phù phép thành bản nhạc "Bên ni Bên nớ" để kết thúc bài viết tạp này. Mà liệu có kết thúc được chăng? Biết bao nỗi niềm còn chất chứa …. Kiều lão Đà Lạt chỉ là một trong những ngã rẽ buồn bã, còn biết bao ngã rẽ khác nữa. Nói mấy cho vừa…

Thôi, hãy cứ thì thầm theo đoạn nhạc…

"... Bên tê thành phố tráng lệ
Giai nhân nằm khoe lõa thể
Bên ni phố vắng, ôi lòng ngoại ô..."

VŨ THẾ THÀNH
(trong tập Những thằng già nhớ mẹ)

Thứ Tư, 25 tháng 12, 2013

CHÍNH SÁCH PHI LÝ hay CHÍNH SÁCH PHÁT XÍT ?

 
 
Thẩm quyền
 
 
Nguyễn Vạn Phú

Giả dụ bạn không phải là thành viên của một hội đoàn nào đó nhưng bỗng dưng bị bắt nộp hội phí hay đoàn phí, có lẽ chẳng ai chịu nộp tiền một cách phi lý như vậy. Giả thử tiếp các tổ chức hay doanh nghiệp không có hoạt động của hội đoàn này bên trong tổ chức hay doanh nghiệp của mình nhưng lại bị buộc phải nộp hội phí hay đoàn phí thì sự phi lý càng bị nhân lên bội lần.

Thế nhưng theo Nghị định 191 vừa mới ban hành vào cuối tháng trước, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế không phân biệt là đã có hay chưa có tổ chức công đoàn cơ sở vẫn phải nộp kinh phí công đoàn. Thử tưởng tượng một doanh nghiệp siêu nhỏ chỉ có 5, 7 công nhân nên không thành lập công đoàn cơ sở mà người chủ vẫn phải trích 2% quỹ lương để đóng phí công đoàn thì làm sao thuyết phục được họ (quỹ lương ở đây là quỹ lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động). Hay một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong năm đầu tiên hoạt động chưa tổ chức công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp của mình vì nhiều lý do, nay bắt nhà đầu tư phải trích 2% quỹ lương để nộp công đoàn phí, làm sao giải thích cho họ hiểu và chấp nhận nộp?

Nghị định 191 nói việc đóng kinh phí công đoàn này là dựa vào quy định tại khoản 2, điều 26 Luật Công đoàn. Nhưng khoản 2, điều 26 chỉ ghi: “Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động” chứ đâu quy định là buộc các nơi chưa thành lập công đoàn nộp công đoàn phí?

Theo Luật Công đoàn, “công đoàn được thành lập trên cơ sở tự nguyện” do đó vẫn có thể suy ra tại nhiều doanh nghiệp, người lao động tự nguyện không thành lập công đoàn là chuyện bình thường. Và một khi họ đã không thành lập công đoàn, làm sao bắt họ nộp kinh phí công đoàn cho được - đây là một quy định phi lý cần chỉnh sửa lại ngay. Điều này càng rõ hơn với hình thức hợp tác xã, nơi xã viên có sự bình đẳng với nhau chứ không phải dưới hình thức chủ-thợ nên hoạt động công đoàn hầu như không cần thiết và không phù hợp. Thế nhưng hợp tác xã, đơn vị vũ trang nhân dân đều là đối tượng phải nộp công đoàn phí bất kể có hay không có tổ chức công đoàn!

Chúng ta phải dự kiến trước những tình huống theo yêu cầu của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là công nhân có quyền tổ chức công đoàn của họ, lúc đó lại càng không thể bắt giới chủ nộp công đoàn phí theo như quy định tại Nghị định 191.

Trong thực tế, trước đây các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải nộp 1% quỹ lương cho kinh phí công đoàn; kể từ khi Luật Công đoàn có hiệu lực từ đầu năm 2013, tỷ lệ này được nâng lên thành 2% và đã gặp nhiều sự phản đối từ các nhà đầu tư. Nay buộc cả doanh nghiệp không có tổ chức công đoàn mà vẫn phải nộp 2% thì càng khó hơn. Và trong thực tế, một phần kinh phí công đoàn thường được để lại cho công đoàn cơ sở; nay không có công đoàn cơ sở thì để cho ai? Nộp hết thì càng phi lý hơn.

Thiết nghĩ kinh phí công đoàn thuộc thẩm quyền quyết định của người lao động với nhau và với công đoàn cấp trên chứ không phải thuộc thẩm quyền hành chính. Nên rành mạch chỗ này mới thuyết phục được nhà đầu tư.

*                      *                      *

Theo một quy định vừa có hiệu lực của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì phụ nữ không được làm một số công việc, chủ yếu là loại công việc nặng nhọc, độc hại như “khoan thăm dò, khoan nổ mìn bắn mìn” hay “cậy bẩy đá trên núi”... Đây là một ý định tốt đẹp nhằm bảo vệ phụ nữ nói chung hay phụ nữ có thai hay đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Tuy nhiên, theo phản ảnh của báo chí, trong hàng triệu lao động nữ, có rất nhiều trường hợp đang làm đúng trong 77 loại công việc bị cấm làm này, chẳng hạn “khai thác tổ yến”, “mang vác trên 50 ki lô gam”, “vận hành máy hồ, máy nhuộm”...

Khi cấm sử dụng lao động nữ trong những công việc này (từ ngày 15-12-2013) tức sẽ có nhiều người bị mất việc đột ngột. Giới chủ nếu tiếp tục giao phụ nữ làm những công việc này ắt sẽ ép tiền công xuống để bù trừ rủi ro bị phạt. Như vậy một chính sách dù tốt đẹp nhưng dẫn đến những hệ quả không mong muốn thì phải cân nhắc để điều chỉnh bằng không chuyện tốt đẹp đâu chưa thấy, lại thấy bất lợi thêm cho phụ nữ.



Về mặt ban hành văn bản pháp luật, Thông tư 26 này là dựa vào điều 160 Bộ luật Lao động năm 2012. Tuy nhiên, điều 160 có yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành danh mục các công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh đẻ và nuôi con sau khi đã phối hợp với Bộ Y tế. Trong khi đó, Thông tư 26 không có dòng nào nói là đã thực hiện công đoạn phối hợp với Bộ Y tế nên không rõ căn cứ khoa học để bộ ban hành thông tư là đã rõ ràng chưa. Với những văn bản liên quan đến bình đẳng nam nữ như thế này, ắt cũng phải có ý kiến của những người trong cuộc là phụ nữ và đại diện của họ.

Thứ Hai, 23 tháng 12, 2013

NÀY, ĐÙA CHO VUI À

- Này các tỳ kheo và tăng chúng kia, chẳng phải các người đã dấn thân đi qua ngàn tai ương kiếp nạn để tới tận đây thỉnh kinh hầu mong an lành sung sướng ư? Các người chê kinh của ta vô tự thì sao không tự thấy vẻ đẹp của chiếc bát sành có thua gì cái bát vàng. Cớ chi còn đắm mê chỉ bởi hình hài tạm bợ mà không quẳng đi sự u tối từ trong tâm, để mà thấy có cũng như không, mà không cũng như có, như lai như lai vậy.

Thầy trỏ Đường tăng nghe ra bèn bỏ cái bát vàng đi, nhận kinh và vô sự trở về.

Gía mà Ngô Thừa Ân không lý lắc chủ quan up up mở mở, vẽ chuyện huỵch toẹt ra như trên thì đâu đến nỗi các phản động nhà ta ngày nay chê ông tổng bí thư nói đùa vô duyên về cái sự bôi trơn tinh thần tham nhũng.
Cổ nhân bảo "đùa làm sao chiêm bao làm vậy" hình như.

Thiện tai thiện tai nhỉ nhỉ.

Thứ Tư, 18 tháng 12, 2013

Truy tìm kẻ giấu mặt đã mật báo cho Dương Chí Dũng bỏ trốn

(Nguồn: http://phuocbeo.blogspot.com/2013/12/truy-tim-ke-giau-mat-mat-bao-cho-duong.html)
>> Đừng để truyền thông 'lề trái' giễu 'lề phải'
>> Sốc với phường có 475 “cán bộ”
>> Dương Chí Dũng và con bài chưa lật
>> Người báo tin để Dương Chí Dũng bỏ trốn có thể chỉ bị xử “nhẹ nhàng“!
>> Kết luận điều tra vụ án về Nhà báo-Blogger Trương Duy Nhất


Lê Hương Lan

Dù mới đây, tại cuộc họp báo thông báo tình hình kết quả công tác năm 2013 do Bộ Công an tổ chức chiều 16/12, thượng tướng Đặng Văn Hiếu, thứ trưởng thường trực Bộ Công an khẳng định trước các nhà báo rằng “Không bỏ lọt tội phạm báo tin cho Dương Chí Dũng bỏ trốn.” Theo ông Hiếu, "vụ Dương Chí Dũng tham ô tài sản mới được đưa ra xét xử; vụ tổ chức cho người trốn đi là vụ án khác, đang được điều tra nên chưa thể công bố được nhưng chắc chắn không bỏ lọt tội phạm."

Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội cùng dư luận nói chung chưa hài lòng với cơ quan điều tra. Có người cho rằng việc xét xử và tuyên án với Dương Chí Dũng cùng đồng bọn vừa qua là chỉ xét đến những hành vi Cố ý làm trái và Tham ô của nhóm quan chức này chứ chưa xét xử tới hành vi bỏ trốn của Dương Chí Dũng và cả đường dây tổ chức cho Dương Chí Dũng trốn chạy. Từ đó, những người này hy vọng, vào cuối tháng 12 này, khi xét xử vụ án Dương Tự Trọng cùng 6 bị cáo khác trong đường dây đó thì sẽ làm rõ kẻ giấu mặt đã báo tin cho Dũng bỏ trốn.

Theo chúng tôi, hy vọng trên hoàn toàn không có cơ sở.

Trước hết, ở ngay vụ Tham ô và Cố ý làm trái vừa xét xử:

HĐXX đã xác định hành vi cố ý bỏ trốn của Dương Chí Dũng là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự khi lượng hình với cả tội danh Tham ô và Cố ý làm trái của Dũng. Trong khi đó, việc không làm rõ ai là người báo tin cho Dũng để Dũng bỏ trốn là đáng tiếc vì chưa xem xét toàn diện tình tiết này.

Cũng liên quan đến vụ án Tham ô và Cố ý làm trái vừa xét xử, chúng ta chưa rõ về động cơ của Kẻ giấu mặt khi mật báo cho Dũng bỏ trốn, mối quan hệ của Kẻ giấu mặt với Dũng thế nào? Có ăn chia hay không trong số tiền tham ô của Dũng?

Thứ hai, ở vụ án Dương Tự Trọng cùng 6 bị can khác tổ chức cho Dương Chí Dũng bỏ trốn:
“Tổ chức cho người trốn đi là vụ án khác, đang được điều tra nên chưa thể công bố được” như lời ông Thứ trưởng Bộ Công an nói là vụ án nào? Còn vụ Dương Tự Trọng cùng 6 bị can khác tổ chức cho Dương Chí Dũng bỏ trốn thì đã hoàn chỉnh hồ sơ từ lâu, sắp được đưa ra xét xử, hoàn toàn không có tên Kẻ giấu mặt!?

Ta hãy xem lại vụ Dương Tự Trọng cùng đường dây tổ chức cho Dũng bỏ trốn:

Ngày 7/9/2012, cơ quan ANĐT - Bộ Công an đã khởi tố vụ án "Trần Văn Dũng cùng đồng bọn tổ chức người khác trốn đi nước ngoài" (Điều 275 - BLHS). Kết quả điều tra đã làm rõ đường dây tổ chức cho Dương Chí Dũng trốn đi nước ngoài và ngày 14/10/2013, đã có Kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát để truy tố, xét xử.

Ngày 7/11/2013, Viện KSND Tối cao đã ra cáo trạng truy tố bị can Dương Tự Trọng (nguyên Phó Giám đốc CATP Hải Phòng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH - Bộ CA) về tội danh "Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài".

Vài ngày nữa, vụ án Dương Tự Trọng cùng 6 bị can khác sẽ đưa ra xét xử nhưng không hề có tên Kẻ giấu mặt thì làm sao xét xử kẻ này được?

Giả sử, HĐXX có đủ dũng khí công bố lời khai của Dương Chí Dũng tại cơ quan điều tra chăng nữa thì tại tòa làm sao có thể xem xét, làm rõ hành vi của y?

Thế thì tại sao, ngay bây giờ, TAND TP Hà Nội không gửi trả hồ sơ với yêu cầu khởi tố bổ sung Kẻ giấu mặt?

Thực ra, nghi vấn về Kẻ Giấu mặt hoàn toàn không phải là tình tiết mới, đến giờ mọi người mới biết. Ngay từ chiều 17/5/2012, việc Dương Chí Dũng bỏ trốn ngay trước mũi cơ quan điều tra, trong khi buổi sáng hôm đó Dũng vẫn đến cơ quan như thường đã là điều đặc biệt khó hiểu, rất khó chấp nhận. Ai là người đã báo tin cho Dũng bỏ trốn? Câu hỏi này đã được các đại biểu quốc hội cùng dư luận nói chung đặt ra một cách gay gắt. Từ cách đây hơn 1 năm, ngày 27/10/2012, Google.tienlang đã đặt ra câu hỏi này qua lời nhiều đại biểu quốc hội. Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý đánh giá: Tội phạm tham nhũng giấu mặt rất nhiều. Khi Dương Chí Dũng bỏ trốn, người dân đặt ngay câu hỏi, vì sao trốn được. “Ở đây có chuyện bao che, có người “mật báo”, có người lấp liếm, bỏ qua cho. Vậy nên nói “ẩn” như thế là do nguyên nhân chủ quan”, ông Lý nói. 

Ngày 27/2/2013, một lần nữa, Google.tienlang cũng đã đặt ra câu hỏi này qua lời LS Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: “Có 3 điều cần làm rõ sau vụ bắt giữ anh em ông Dương Chí Dũng, Dương Tự Trọng. Thứ nhất: Điều mà tôi quan tâm nhất từ trước tới nay là tại sao Dương Chí Dũng biết tin mình bị khởi tố và bị bắt để bỏ trốn. Vậy ai là người cung cấp tin cho Dương Chí Dũng trốn? Đó là điều cực kỳ quan trọng.”

Vậy vì lẽ gì mà hơn 1 năm trôi qua, Cơ quan điều tra không thể tiết lộ danh tính Kẻ giấu mặt?

THẾ LÀ THẾ NÀO ẤY NHỈ

Tường thuật của blogger Hư Vô - Đào Trang Loan về việc bị cấm xuất cảnh và bị bắt về đồn công an ngày 15/12/2013



Đào Trang Loan - Sáng ngày 15/12 tôi tới sân bay Nội Bài làm thủ tục lên máy bay để đi Thái Lan. 7h sáng tôi có mặt tại quầy vé, sau đó qua bên sân bay quốc tế Nội Bài và đợi an ninh ở đây check in hơn hai giờ đồng hồ mà vẫn chưa xong. Khi tôi đưa hộ chiếu tại quầy như những hành khách khác, họ nhìn tôi chừng 5 phút và một an ninh sân bay từ đâu chạy lại và cầm vội lấy hộ chiếu của tôi. Anh an ninh này cho tôi đi vòng vòng một hồi từ chỗ này sang chỗ kia rồi ra phòng hướng dẫn thủ tục xuất nhập cảnh. Anh ta nói: “em đợi một chút, hộ chiếu của em bị sai, tụi anh đang xác nhận lại”. 

Ngồi ở phòng hướng dẫn thủ tục xuất nhập cảnh hơn một tiếng rưỡi thì anh ta đưa tôi vào phía bên trong mà họ gọi là phòng cách ly rồi nói tôi tiếp tục đợi, có gì tụi anh sẽ chịu trách nhiệm nếu em trễ giờ bay. An ninh sân bay check in hơn hai giờ đồng hồ không xong. Tôi nói nhỏ nhẹ với họ rất nhiều lần và yêu cầu họ làm cho nhanh lên vì đã hai tiếng trôi qua rồi mà họ vẫn kêu tôi đợi trong khi 10h30 là máy bay cất cánh mà đến 10h họ vẫn chưa check in xong.

Bức xúc trước những hành động sách nhiễu này của họ, tôi đã chạy ra khỏi phòng và nói cho tất cả mọi người biết hành động sách nhiễu gây phiền hà cho tôi. Và từ đâu hơn chục người đàn ông mặc thường phục xô ra lôi tôi vào. Tôi liền nằm ra đất để chống cự hành động thô bạo của họ. Họ kéo lê tôi vào lại phòng và chốt cửa lại không cho tôi ra ngoài. Bên trong phòng lúc này có 2 người quay phim tôi, 2 an ninh nữ sân bay Nội Bài và bên ngoài thì mười mấy người nữa chặn cửa. Tôi yêu cầu họ cho tôi ra ngoài để gặp người nhà nhưng họ từ chối và còn nói nếu tôi tiếp tục gọi điện với người nhà thì họ sẽ cướp điện thoại của tôi.

Gần 11h họ mở cửa và mời tôi xuống tầng 1, lúc này nơi làm thủ tục lên máy bay gần như không còn hành khách nào vì chuyến bay đã cất cánh lúc 10h30. Họ yêu cầu tôi đi làm việc nhưng tôi không chấp nhận lời yêu cầu đó và đề nghị được gặp chồng tôi là Trịnh Anh Tuấn tức blogger Gió Lang Thang. An ninh vẫn không chấp nhận và nhất quyết tôi phải đi làm việc. Tôi phản đối và chạy về phía cửa ra thì gần chục an ninh nam và mấy an ninh nữ xông vào khiêng tôi đi. Tôi hô hoán: "cứu, cứu" thì bị họ bóp miệng và nhét khăn vào miệng tôi, lột áo khoác ngoài của tôi ra đồng thời cướp chiếc điện thoại tôi đang cầm trên tay. Họ đưa tôi xuống tầng 1 và tống lên taxi đưa đi đâu tôi cũng không rõ.

(Xin ghi chú bắt đầu từ đây, những "an ninh" đều là những người mặc thường phục, không một ai mặc quân phục, cũng như không đưa ra một chứng minh gì để cho biết họ là an ninh khi làm việc với tôi.)

Sau đó tôi mới biết họ đưa tôi về đồn công an cửa khâu sân bay Nội Bài. Họ đưa tôi vào sâu bên trong đồn công an. 

Tôi nói: "các anh các chị hèn vừa thôi, một đứa con gái mà đến 20 an ninh phải vây, rồi còn đánh đập, xô đẩy". 

Một an ninh nữ kêu: "chúng tôi chỉ khiêng heo". 

Đúng lúc này thì điện thoại reo, tôi mở ra nghe thì 2 an ninh nữ cùng xông vào cướp thêm chiếc điện thoại còn lại này của tôi (lúc nào tôi cũng có 2 điện thoại trong người) và sau đó yêu cầu tôi làm việc. Tôi đã yêu cầu an ninh trả lại tài sản cá nhân của tôi và tôi yêu cầu được liên lạc và gặp chồng mình. Họ không trả lời và tiếp tục xúc phạm tôi với rất nhiều lời khiếm nhã cũng như vu khống tôi. Họ nói: "bố mẹ chị thật khổ vì sinh ra đứa con gái như chị, trông cái mặt cũng xinh mà hỗn láo, láo toét. Cái loại như này chỉ làm đĩ điếm." 

Sau một hồi lời qua tiếng lại họ cũng không chịu trả tài sản mà chỉ xúc phạm tôi cũng như không cho tôi gặp chồng mình. Tôi hoàn toàn không nói thêm gì với họ và nằm ra ghế ngủ để bày tỏ thái độ bất hợp tác trong ôn hòa của tôi. Khi tôi nằm ra ghế ngủ thì hai an ninh nữ tự ghi biên bản lời khai... của tôi với nhau. Một người đọc một người viết, tự thay tôi ghi ra những thông tin của tôi và tự đặt câu hỏi và trả lời với nhau:

Câu hỏi: "Chị sang Thái Lan làm gì?" 

Trả lời: "đi tập huấn do Việt Tân, tổ chức phản quốc lưu vong ở nước ngoài tổ chức". 

Tôi phì cười nhưng cũng không thèm đáp trả. "Đúng là bệnh hoạn", tôi thầm nghĩ.

Đang ngủ, tôi nghe thấy tiếng gọi: “Loan ơi! Loan ơi!...” rất to từ phía bên ngoài. Tôi tỉnh dậy và biết chồng mình đang đi tìm mình. Ngay lập tức, gần chục nhân viên an ninh chạy ào vào phòng, chắc vì họ sợ tôi nghe thấy tiếng chồng gọi tôi sẽ chạy ra ngoài hô lên báo cho chồng tôi biết tôi đang ở trong đồn. Thấy tôi tỉnh dậy thì những an ninh nữ bắt đầu vào hỏi chuyện tử tế và mời tôi làm việc nhưng tôi vẫn trả lời là không có gì để phải làm việc và yêu cầu trả lại tài sản cá nhân của tôi. Thấy sự bất hợp tác của tôi họ lại tiếp tục nói những lời xúc phạm tôi. Tôi im lặng hoàn toàn và nằm xuống ghế nhắm mắt lại.

Một hồi sau, một an ninh nữ tên Nguyễn Thị Yên vào trả lại tôi tài sản và mời tôi làm việc. Tôi ngồi dậy xem tài sản cá nhân của mình. Và cũng lúc này thêm an ninh nam vào và bắt đầu rao giảng chính trị. Anh ta mang những người có quan điểm chính trị bất đồng chính kiến như sinh viên Nguyễn Anh Tuấn, chị Lê Thị Công Nhân... để lên án họ và qua đó sỉ nhục tôi cũng như khiêu khích để làm tôi mở miệng. Tôi vẫn giữ thái độ không tranh cãi với anh ta và quay sang người nữ an ninh hỏi lí do đưa tôi vào đây, có phải tôi là tội phạm đang bị truy nã và nếu như thế thì đưa lệnh truy nã cho tôi xem.

Tuy nhiên an ninh đồn Nội Bài vẫn không đáp ứng những yêu cầu chính đáng này của tôi. Thay vào đó họ lại lập một biên bản khác rồi thêm một tờ kê khai tên những thành viên trong gia đình tôi, đồng thời họ in một xấp toàn hình ảnh của tôi trên trang cá nhân facebook của tôi rồi nói đó là lí do tôi không được xuất cảnh. Họ hỏi tôi về việc tặng bóng bay, phát Tuyên Ngôn Quốc tế Nhân Quyền, thắp nến và việc ra mắt Mạng Lưới Blogger Việt Nam và bảo là đó là những hành vi chống phá nhà nước Việt Nam. Tôi vẫn nhất quyết giữ thái độ không làm việc với an ninh về những vấn đề mà tôi cho rằng hoàn toàn không có liên hệ pháp lý đến việc cấm tôi đi ra nước ngoài và chỉ trả lời “tôi không có nghĩa vụ phải trả lời các câu hỏi của chị và yêu cầu chị trả tự do cũng như đền bù tài sản cho tôi”.


Hư Vô - Đào Trang Loan (trái) cùng với các thành viên MLBVN 
trao tuyên bố cho ĐSQ Đức (Ảnh thêm vào bài bởi MLBVN)



Hư Vô - Đào Trang Loan (thứ 3 từ phải) cùng với các thành viên MLBVN 
trao tuyên bố cho phái đoàn G4 (Na Uy, Thụy Sĩ, Canada, New Zealand)
(Ảnh thêm vào bài bởi MLBVN)


15h45 an ninh đồn Nội Bài mang một tờ biên bản chưa được phép xuất cảnh xuống và yêu cầu tôi kí nhưng thời gian thì họ ghi là 9h20. Tôi yêu cầu sửa lại cho đúng giờ để xác định chính an ninh đã làm tôi trễ chuyến bay thì họ từ chối và lại tự làm một biên bản là tôi không chịu kí và họ tự kí với nhau vào biên bản đó.

Sau khi tôi không kí bất cứ giấy tờ nào thì họ ra ngoài hết và chỉ để lại một an ninh thường phục ngồi canh. Một lúc sau họ yêu cầu tôi ra khỏi đồn công an vì đã hết giờ làm việc. Tôi không ra và cứ ngồi lì ở đó để phản kháng việc họ bắt giữ tôi trái phép làm thiệt hại về tài sản của tôi cũng như việc họ hành hung lôi kéo xô đẩy tôi khiến giờ đây toàn thân ê nhức. Thấy tôi cứ ngồi vậy thì một an ninh khác vào tự xưng là bảo vệ cơ quan vào tắt hết điện yêu cầu tôi ra ngoài. Tôi vẫn cứ ngồi thì chừng 5 phút chồng tôi chạy vào hỏi thăm và nói mọi người đang đợi em ở ngoài. Thấy chồng gọi nên tôi đứng dậy và đi ra. Lúc này là 17h chiều ngày 15 tháng 12 năm 2013, ngày mà tôi chính thức trở thành một công dân Việt Nam bị cầm tù trong biên giới Việt Nam.

Tôi cùng với mọi người quay lại sân bay để yêu cầu phòng xuất nhập cảnh trả lời về việc bắt giữ tôi trái phép cũng như làm trễ chuyến bay của tôi nhưng tất cả nhân viên tại đây đều lẫn trốn.

Nhóm chúng tôi gồm có chồng tôi - anh Trịnh Anh Tuấn, bác Nguyễn Hồng Kiên, chú Trương Dũng, anh Lê Thiện Nhân, anh Bùi Tiến Hưng (là anh trai của blogger Người Buôn Gió), chị Quỳnh Anh, chị Lan Le, bạn Tiến Từ Từ, bạn Dusty Bý, bạn Vũ Ngọc Thắng, chị Thảo Teresa, anh Lê Hoàng, anh Cụ già vào mạng, anh Ha Chi Hai và 2 bạn dân oan người H'Mông.

Nhân dịp này tôi xin bày tỏ lòng biết ơn với các bác, cô chú và anh chị đã luôn luôn hỗ trợ, sát cánh để bảo vệ tôi và đây không phải là lần đầu tiên tôi được diễm phúc đón nhận những tình cảm thân thương này.

Cùng với các bác, anh em, bạn bè, vợ chồng tôi cùng chú Trương Dũng giơ cao biểu ngữ “Phản đối bắt giữ người trái phép làm thiệt hại tài sản công dân”, “Yêu cầu đền bù thiệt hại”, “Yêu cầu đền bù vé máy bay”. Bảo vệ sân bay chạy ra giật biểu ngữ và thêm rất đông an ninh thường phục đi áp sát để giật biểu ngữ cũng như đánh lén chúng tôi.




Nhìn lại vụ việc, hành vi ngăn chận tôi xuất cảnh trong khi tôi chưa bao giờ nhận được công văn từ cơ quan thẩm quyền thông báo tình trạng không được tự do xuất cảnh là một vi phạm luật pháp. Từ đó dẫn đến hệ quả gây ra những thiệt hại tài chánh, thì giờ và công việc riêng tư của tôi. Hành động chở tôi về đồn công an tạm giam giữ trong khi việc đi ra nước ngoài - như mọi công dân khác - không là một hành vi phạm pháp là hành động lạm dụng chức năng và vi phạm luật. Ở trong đồn công an, việc phỉ báng và vu khống tôi là một hành vi xúc phạm công dân, việc tự biên tự diễn lời khai của tôi là một hành động trái luật.

Tôi viết bản tường thuật này để gửi đến công luận người Việt Nam như là một câu chuyện nhỏ trong bức tranh Nhân Quyền đen tối tại Việt Nam. Tôi cũng sẽ gửi bản viết này bằng tiếng Anh đến với những cơ quan quốc tế mà tôi có địa chỉ email để ít ra những người nào đã bỏ phiếu thuận cho Việt Nam trở thành thành viên của Hội Đồng Nhân Quyền Quốc Tế biết rõ thêm họ đã bỏ phiếu cho ai.



Nhà Thôi miên học Nguyễn Mạnh Quân & Họ: quân bịp bợm


Cái trò "thôimiên" của Nhà gì gì (bằng cấp & chứng chỉ) đấy Nguyễn Mạnh Quân trong clip này anh đã đùa nghịch cùng bạn bè từ thủa học lớp 8, có khi còn "huyền bí" hơn. Vui chốc lát thì được, chứ đưa ra quảng bá, thể hiện tài nghệ với mục đích xây dựng thương hiệu thì không gì khác là bịp bợm và lừa đảo.
Thôi miên? Đó là một phạm trù khoa học-nhân sinh cực phức tạp và có thật. Anh cũng đã đề cập 1 lần ở blog cũ đã bị xóa (có mấy bạn hiền đã đọc chắc nhớ), nhưng, những rùm beng từ NMQ và xung quanh y trên mọi phương tiện truyền thông coi mòi đã đẩy nhiều nhiều người chui vào một mê cung ham muốn, kể cả các cơ quan công quyền, để nhẹ thì thỏa mãn tò mò, nặng thì đang tìm ích lợi.
Song, Nguyễn Mạnh Quân là không thể tin.

Hay coi kỹ cái màn trình diễn "thôi mien bẻ cong thìa" cùa nhà thôi mien" NMQ:
Em bấm stop/play liên tục từ giây thứ 37, 38,39 trong clip, sẽ thấy Quân bẻ thìa bằng tay phải, đừng nghe y nói (bằng miệng và các "ngôn ngữ cơ thể khác"), hay chú mục vào các ngón tay phải của Y ở những tích-tắc này.







(Hình rinh về bx từ http://tranhung09.blogspot.com/2013/12/quan-bip-bom-chu-thoi-mien-cai-ech-dze.html#comment-form
Hồi bé chơi trò này, một cái thìa anh đã nung nóng nhiều lần ở chỗ cần bẻ cong, luôn hữu hiệu dễ dàng, các râu ria chỉ để dẫn dụ cho vui hơn đồng thời phân tâm khán giả.

Khôn hồn thì đừng mất tiền đi bái Quân làm sư phụ nhé!

P/S: có 2 ý kò về thôi miên nè: nhờ bác sĩ guc gồ dịch mà tỏ thêm :-)



 

Thứ Hai, 16 tháng 12, 2013

Nghĩ về một tập san quân đội

(Nguồn: Pro&Contra)

Tháng 12 13, 2013
Trần Vũ
Thắng lợi vĩ đại của quân và dân Việt Nam trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước được ví như một cuộc “chiến đấu thần kỳ” và trở thành biểu tượng của lương tri và phẩm giá con người. Mỗi chiến công trong cuộc chiến đấu ấy là một kỳ tích. “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” 40 năm trước là một chiến công như thế – tiêu biểu cho khí phách anh hùng, tầm cao trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.
Đại tướng Phùng Quang Thanh
Điều làm nên một quân nhân, là phẩm chất suy nghĩ độc lập biết lĩnh hội sức mạnh phản chiếu từ nhiều tấm gương lịch sử.
Gerhard von Scharnhorst

Journal Militaire
1. Tập san quân đội Pháp
 
Nhìn vào một tập san quân đội, trông thấy sức mạnh của quân đội ấy.
 
Không ngẫu nhiên mà vào thời hoàng kim của đế chế Pháp, đầu thế kỷ 19, Journal Militaire dầy 800 trang đậm đặc các tranh luận học thuật về đạn đạo, cự ly, cách vẽ xạ bảng hay phân bố đại bác trên trận địa… Pháo binh, là một vũ khí mới ở thời kỳ này. Trung pháo 75 ly là vũ khí xương sống làm nên sức mạnh của quân đội Pháp.
Từ giữa thế kỷ 19, Journal Militaire đổi tên thành Journal Militaire Officiel [Tập san Quân đội Chánh thức] mất dần đi chất học thuật, số trang mỏng đi và thay vào các chủ đề Hướng dẫn Tác xạ [Instructions du Tir] là những huấn thị của Bộ Quốc phòng, rồi danh sách các sĩ quan được thăng thưởng phía sau. Tính chất tuân thủ nhiều thêm, cùng lúc tính kỹ thuật giảm đi, và, một cách trùng hợp, quân đội Pháp suy yếu.
Khi chiến tranh tái diễn, các hậu duệ của Nã Phá Luân nhanh chóng thảm bại. Tuy quân số đông hơn và các chiến xa nặng Renault B1 được bọc thép dầy hơn, nhiều hơn, so với kẻ thù truyền kiếp là quân Đức, quân Pháp vẫn phải đầu hàng. Các sử gia đều đồng thuận khi phán quyết: Học thuyết chiến tranh của Pháp lỗi thời là nguyên nhân chính. Lấy vận tốc hành binh dựa trên bước chân bộ binh trong Thế chiến thứ nhất làm chuẩn, các tướng lãnh Pháp không theo kịp vận tốc động cơ của quân Đức. Vắn tắt, tụt hậu tư duy so với thời đại.
Journal Militaire Officiel trưng bày những tụt hậu này.
Khác tập san quân đội Đức đương thời tràn ngập các tiểu luận mổ xẻ ưu khuyết điểm giữa hai học phái quân sự đối nghịch, giữa Clausewitz Phổ và Antoine-Henri de Jomini từng làm tham mưu cho Nã Phá Luân, các khảo luận trên tập san quân đội Pháp về những trận đánh xưa cũ Marengo, Ulm, Austerlitz, Jena, Wagram thiên về ca ngợi thiên tài của Nã Phá Luân, hoặc, ca ngợi công trạng của Pétain và Foch khi viết về những trận đánh gần hơn nhưng không đúc kết, không đề xuất chiến lược mới. Một góc cạnh khác: Clausewitz gần như vắng bóng trên Journal Militaire Officiel, trong lúc Clausewitz đã trở thành bậc thầy tư duy của Bộ Tổng Tham mưu Đức. Các quân nhân Pháp sở hữu duy nhất một bản dịch Clausewitz của trung tá de Vatry xuất bản năm 1866 bị xem là rối rắm đầy lỗi. Cho đến bản dịch thứ nhì của Denise Naville in năm 1955, không có bản hiệu đính, chú giải hay diễn dịch nào khác. Không phân tích kẻ thù suy nghĩ gì nên không hiểu học thuyết chiến tranh của kẻ thù, là khiếm khuyết lớn nhất của quân đội Pháp. Khiếm khuyết càng nặng nề vì Moltke kế thừa Clausewitz, Schlieffen kế thừa Molkte và Manstein tiếp nối truyền thống. Chính các thống chế Đức kể trên tiêu hủy nền Đệ nhị rồi Đệ tam Cộng hòa Pháp.
Không phải đã không có những cố gắng cập nhật. Một vài trường hợp lẻ loi, như thiếu tá Henri Navarre thuộc Phòng Nhì, từ 1938 đến 1939 cho phiên dịch và đăng tải một số lý thuyết chiến xa của Guderian nhưng đã quá muộn, chiến tranh đã áp sát. Trước đó, trong một nỗ lực cá nhân về sau được xem là viễn kiến, trung tá de Gaulle yêu sách tái cơ cấu và cơ khí hóa tức khắc quân đội Pháp: thay vì phân tán các thiết đoàn thành những đơn vị độc lập làm nhiệm vụ hỗ trợ hỏa lực cho bộ binh, cần tập trung chiến xa thành lập những sư đoàn thiết giáp làm nên mũi nhọn kỵ binh. Tiếng nói của de Gaulle lạc lõng trên mặt báo ưu tiên cho những trang về quy chế hưu bổng, cấp dưỡng, và chìm dưới các huấn lệnh của Weygand, Gamelin là những đại tướng của chiến tranh quá khứ. Tiểu luận Hướng về Quân đội Nhà nghề [Vers l’Armée de Métier] của de Gaulle không gây tiếng vang, không tạo ra tranh luận, ít tác động, vì hầu hết các tác giả viết bài trên Journal Militaire Officiel là những sĩ quan cao tuổi, quyền chức, trung thành với đường lối suy nghĩ của các thống chế Pétain, Joffre, Foch. Khái niệm “Vận tốc tương đương với hỏa lực” của de Gaulle, xa lạ đối với họ.
Có thể viết: Tập san quân đội Pháp vào nửa đầu thế kỷ 19 mang sức mạnh chinh phạt của quân đội Pháp; đến nửa đầu thế kỷ 20 phản ảnh tính cách hoài niệm thụ động của quân đội này. Tuy vinh danh Nã Phá Luân, nhưng quân đội Pháp không kế thừa vị hoàng đế. Thiếu tá Henri Navarre, mà về sau trở thành Tổng Tư lệnh quân viễn chinh Đông Dương, không biết đến những phê phán kịch liệt của Moltke đối với tính hữu dụng của những pháo đài cố định. Nếu đã biết, Navarre sẽ, hay không xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ? Navarre biểu trưng cho giai cấp tướng lãnh quên đi lời dặn của Nã Phá Luân: “Một trong hai đối thủ, kẻ nào ngồi lại trong giao thông hào, kẻ đó bị tiêu diệt.” Điện Biên Phủ, chính là cánh tay nối dài của chiến lũy Maginot đã bất lực trước các xa đoàn Panzer của Guderian. Điện Biên Phủ sẽ bất lực trước Việt Minh.
Hôm nay khi sùng bái các chiến thắng anh hùng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tập san Quân đội Nhân dân Việt Nam khá giống với tập san Quân đội Pháp vào thời kỳ suy vi: Say sưa với Nã Phá Luân mà quên đi học thuật, trống vắng dự phóng vào tương lai, cùng lúc tránh né uy hiếp hiện tại. Càng giống ở tính chính thống lặp lại tư duy độc nhất của thượng tầng lãnh đạo quân đội. Tiếng nói của các sĩ quan trẻ bị gạt sang bên, như de Gaulle từng bị buộc im tiếng.
2. Tập san quân đội Đức
Nhìn vào một tập san quân đội, trông thấy sức mạnh của quân đội ấy.
Giám định này đúng với tập san quân đội Đức. Không ngẫu nhiên mà tập san Militär-Wochenblatt, xuất bản từ 1816 đến 1942, trải qua ba thời kỳ sinh động: Thời gian Moltke rồi Schlieffen làm Tổng Tham mưu trưởng và giai đoạn khi Hitler lên cầm quyền. Cả ba thời kỳ trên, đạt đến sức mạnh tối ưu, quân đội Đức làm nên những chiến thắng sấm sét: Sedan 1870, Tannenberg 1914, Sedan 1940, Kiev 1941, Sébastopol 1942 và Tobrouk cùng năm. Cũng vẫn trùng hợp như khi Journal Militaire Officiel đánh mất tính chất học thuật thì quân đội Pháp suy yếu, sau khi Militär-Wochenblatt phải đình bản vì bị kiểm duyệt, quân đội Đức đi từ thất bại này sang thất bại khác. Stalingrad, El Alamein, Koursk, Normandie là chuỗi thất trận mà những chiến thắng địa phương Monte Cassino, Kharkhov không thể cứu vãn. Cái chết của quân đội Wehrmacht, tuy vậy, vẫn không ngăn các sử gia đánh giá quân đội này như một đạo quân tiên phong trong nhiều lĩnh vực và giá trị học thuyết chiến tranh Đức tiếp tục được giảng dạy. Tập san quân đội Đức, trước và giữa hai Thế chiến, đóng góp không nhỏ cho sức mạnh trí tuệ của quân đội hoàng gia, rồi quân đội Cộng hòa Reichswehr, sau cùng quân đội Wehrmacht.   
Hơn nửa thế kỷ sau, lật bất kỳ những số Militär-Wochenblatt nào in trong khoảng từ 1930 đến 1939, người đọc cũng đều choáng ngợp vì tính chất học thuật cao cấp của tuần san này. Đôi khi người đọc bắt gặp những tên tuổi sẽ lừng danh: Erich von Manstein phác thảo chiến lược Phòng ngự Co giãn [Elastische Verteidigung]; Walter Model, một trung tá đang đảm nhiệm giảng dạy môn lịch sử quân sự ở Bộ Quốc phòng đề xuất lập những Chiến đoàn Liên Binh chủng [Kampfgruppen] bên trong hệ thống sư đoàn mà về sau được Hoa Kỳ cấu trúc thành những Brigade Combat Team và tướng Jean de Lattre áp dụng xây dựng những Binh đoàn Lưu động trên chiến trường Đông Dương. Sang phần hồi ký, một đại úy khiêm tốn, Erwin Rommel khởi đăng những chương trong tập Bộ binh Tấn công [Infanterie greift an]. Đến phần dich thuật, Guderian giới thiệu những lý thuyết cấp tiến Anh-Pháp của John Frederick Charles Fuller, Liddell Hart và Charles de Gaulle. Vẫn chính Guderian sẽ tổng hợp các bài viết lý thuyết của mình làm nền cho binh chủng thiết giáp Đức dưới tựa Achtung Panzer! Không duy nhất dành riêng cho các sĩ quan Lục quân, Militär-Wochenblatt đăng tải nhiều nghiên cứu chiến tranh tiềm thủy đỉnh [U-bootswaffe und U-Bootkrieg] của đại tá hải quân Hugo von Waldeyer-Hartz và trung tá hải quân Karl Dönitz, bên cạnh các phân tích chiến thuật oanh kích đâm bổ của phóng pháo cơ Junkers 87 Stuka qua ngòi viết của trung tá Heinz Greiner và thiếu tá Braun. Nổi bật trên nhiều số báo là tranh luận giữa trung tướng pháo binh Ludwig Ritter von Eimannsberger và trung tá Heinz Guderian về học thuyết chiến xa. Với Guderian, nếu phải hành binh vì mục đích gì, toàn Xa đoàn Panzergruppe cùng hành quân tấn công mục tiêu ấy mà không nên phân tán từng đơn vị. Von Manstein thêm vào tranh luận này một tiên đề khác: Một quân đoàn thiết giáp Panzerkorps chỉ an toàn cạnh sườn một khi di chuyển liên tục khiến đối phương không bắt kịp vận tốc hành binh. Hai tiên đề trên gộp lại làm nên nguyên nhân thất trận của quân đội Pháp trên chiến trường Sedan tháng 5-1940. Von Manstein, Rommel, Model, Dönitz, Guderian là những gương mặt hoàn toàn vô danh khi ấy, và trừ von Manstein, hầu hết giữ những chức vụ thấp không quyền quyết định. Nhưng chính họ phô bày sức mạnh tri thức của quân đội Wehrmacht.
Đặc điểm của Militär-Wochenblatt là qua tiêu chí “Tuyển chọn các đề xuất quân sự khả thi do các sĩ quan trẻ đóng góp” đã tiếp nối một truyền thống có từ Moltke và Schlieffen. Một truyền thống xem tập san quân đội phải là diễn đàn của giai cấp sĩ quan trung cấp, nơi trao đổi những tư duy quân sự mới mẻ, chưa chính quy hóa, để từ đây Bộ Tổng Tham mưu quy nạp những phát kiến từ hạ tầng không thông qua hệ thống quân giai. Militär-Wochenblatt tuân thủ các yêu sách của Moltke: đặt việc nghiên cứu lịch sử chiến tranh trên mặt bằng sự thật làm tâm điểm phát triển tri thức quân sự của quân nhân, với điều kiện – phải xây dựng những chiến thuật thích ứng làm nền cho chiến lược mới; nếu không, việc nghiên cứu chỉ thỏa mãn duy nhất hành động thưởng ngoạn. Trong nhãn quan của Moltke, chính sức mạnh tri thức của một tập thể sĩ quan ưu tú tạo ra chiến pháp tinh vi và vũ khí tương ứng. Trước vũ khí tân kỳ uy hiếp của đối phương, cũng chính sức mạnh này tìm ra kế sách phòng ngự. Nếu một tri thức cần phô diễn và tranh luận, thì một tập san quân đội phải làm phương tiện truyền bá và kho trữ liệu đóng góp cho tri thức ấy. Tập san quân đội Đức không ra ngoài đề cương này.
Tập san Quân đội Nhân dân Việt Nam, ngược lại, không chú trọng chức năng trí tuệ này.
3. Tập san Quân đội Nhân dân Việt Nam
Bước sang thế kỷ 21, học thuyết Chiến tranh Nhân dân xây dựng trên lý thuyết của Mao và nguyên soái Chu Đức vẫn tiếp tục được đề cao trên tập san quân đội Việt Nam, tuy rất ít phân tích và trống vắng kiểm định. Trong bản đăng ngày 23 tháng 12-2012, sau khi đánh giá “chiến thắng Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không là tầm cao trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh”, Đại tướng Phó Quân ủy Trung ương kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh viết: Lực lượng và thế trận của chiến tranh nhân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, trên hết và hơn hết biểu hiện cho ý chí ngoan cường, dũng cảm, trí tuệ và sức sáng tạo của con người Việt Nam, của nghệ thuật quân sự Việt Nam độc đáo, thể hiện trong phương châm chiến lược “lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ đánh lớn” và thắng địch bằng “Mưu, Kế, Thế, Thời”. 
Đại tướng Thanh không giải thích thế nào là Mưu, Kế, Thế, Thời và chừng như phương châm “lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ đánh lớn” chỉ là khẩu ngữ viết cho tranh cổ động. Trên thực tế chiến trường, Quân đội Nhân dân thường xuyên có khả năng mở đồng loạt nhiều mặt trận từ Quảng Trị lên Pleiku, xuống An Lộc, vào Tây Ninh cùng một lúc, tức đông quân và lấy lớn đánh lớn. Ngay trong chiến tranh Việt- Pháp, Quân đội Nhân dân luôn dụng nhiều đánh ít.
Trận Đông Khê tháng 9 năm 1950, Tổng bộ Việt Minh dùng hai trung đoàn chủ lực 174 và 209 đánh hai đại đội Lê dương của tiểu đoàn 2 trung đoàn 3 Lê dương [II/3e REI] dưới quyền đại úy Allioux có cấp số 250 binh sĩ. Chưa tính đến trung đoàn Sông Lô 209 của Lê Trọng Tấn, chỉ riêng trung đoàn 174 Cao-Bắc-Lạng đã đông gấp 20 lần quân Pháp. Trong hồi ký Người lính già Đặng Văn Việt, Chiến sĩ Đường số 4 Anh hùng, Nxb Trẻ 2003, cựu trung tá Đặng Văn Việt, hùm xám đường biên giới, là trung đoàn trưởng trung đoàn 174 trong trận này, ở trang 149 ghi rõ: Thế và lực giữa ta và địch đã thay đổi. Để đẩy mạnh cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, Bộ Tổng Tư lệnh và Trung ương Đảng cho thành lập hai trung đoàn mạnh – hai đơn vị chủ lực mạnh đầu tiên của của quân đội ta: E174 – E209.  E174: Lập nên bởi các lực lượng tinh nhuệ của ba trung đoàn địa phương ba tỉnh: Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn: E74 + E72 + E28 = E174. Quân số lên đến 5.500 (gần một lữ) gồm 6 tiểu đoàn: 3 tiểu đoàn bộ binh, 1 tiểu đoàn pháo binh (6 khẩu pháo 75 ly), 1 tiểu đoàn cao xạ (12 khẩu 12,7 ly), 1 đại đội trợ chiến (6 cối 81 ly, 6 súng không giật 75 ly), 1 đại đội trinh sát, 1 đại đội công binh, 1 đại đội thông tin liên lạc, 1 đại đội cảnh vệ. Chỉ huy: Đặng Văn Việt – trung đoàn trưởng, Chu Huy Mân – chính ủy.
Trận đồi Him Lam (đồi Béatrice) chiều 13 tháng 3-1954, hai trung đoàn 209 và 141 tràn ngập tiểu đoàn 3 của Bán Lữ đoàn 13 Lê dương [III/13e DBLE] dưới quyền thiếu tá Paul Pégot có quân số 450 binh sĩ. Không ngẫu nhiên phương Tây luôn nhìn huyền thoại của Đại tướng Võ Nguyên Giáp song hành với chiến thuận biển người. Đại tá Pierre Rocolle trong luận án Vì sao Điện Biên Phủ [Pourquoi Dien Bien Phu, Nxb Flammarion,1968] mô tả chiến thuật này: Theo những tiêu chuẩn của chiến thuật Việt Minh, tấn công một cứ điểm, cần tập trung nỗ lực trên một trận địa thật thâu hẹp (vào chừng vài trăm thước) hầu đánh thủng hệ thống phòng thủ tại một điểm. Tất nhiên cần lượng lớn súng cối và đại bác bộ binh đối diện khu vực tấn công, đồng thời tập trung các đơn vị được chỉ định xung phong đông từ 10 đến 20 lần quân trú phòng trong một hành lang hẹp trên địa thế chọn lựa. Thực hiện đầu tiên một xé rào rồi nới rộng dần bằng cách tung những làn sóng tiến công tiếp theo cho đến khi trọn chu vi phòng thủ đối phương bị tràn ngập. (trang 348)
Như thế, phương châm chiến lược “lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ đánh lớn” của “nghệ thuật quân sự Việt Nam độc đáo” mà đại tướng Phùng Quang Thanh ca ngợi, ít tính khả tín. Càng thêm khó hiểu khi đại tướng nhấn mạnh: tạo thế trận liên hoàn của “chiến tranh nhân dân đất đối không, đất đối biển”. Hôm nay trước uy hiếp của Hải quân Trung Quốc, dân Việt không khỏi băn khoăn làm cách nào dân miền Trung cách Trường Sa 248 hải lý có thể lấy đất ruộng đương đầu với hạm đội thủy chiến Trung Hoa, đặc biệt đương đầu với hàng không mẫu hạm Liêu Ninh mà chắc chắn Trường Sa sẽ là mục tiêu oanh kích? Chiến tranh Nhân dân, từng là học thuyết quân sự chánh thức trong quá khứ, cáo chung trên biển Đông. Ngay cả trong quá khứ, học thuyết này mang những giới hạn, vì ẩn vào dân khi yếu, dùng tai mắt dân quan sát, lấy thóc dân nuôi binh và dùng sức dân vận chuyển… không giúp ích cho một đạo quân tác chiến độc lập tách rời dân chúng. Như khi hành quân ngoại biên, Quân đội Nhân dân không bình định được Campuchia trong 10 năm chiếm đóng, chính vì dân xứ Khmer không theo. Trên mặt biển, các hải đoàn Việt Nam sẽ hoàn toàn cô độc trước hải lực hùng hậu của Trung Hoa.
Cập nhật học thuyết chiến tranh của quân đội trở nên cấp thiết.
Càng cấp bách khi chiến tranh có thể nổ ra bất kỳ lúc nào, một khi chính phủ đương quyền quyết định cương quyết trước Bắc Kinh. Cương quyết, đòi hỏi chuẩn bị chiến tranh. Nhưng nhìn vào tập san Quân đội Nhân dân, đọc trên tạp chí Quốc phòng Toàn dân, dân chúng không thấy bất kỳ một thảo luận nào về phương thức đối phó một khi xung đột bùng nổ. Không tranh luận về tình hình quân sự đất nước, không nghiên cứu học thuật thế giới, không phân tích chiến lược Bắc Kinh, không dịch thuật binh pháp, không tìm hiểu chiến thuật hiện đại của Giải Phóng quân Trung Quốc, không đề xuất phương cách phòng ngự… là đặc điểm của tập san quân đội của đất nước.
Một cách vô tình hay hữu ý, tập san quân sự chính thức của quốc gia rơi vào thường thức, đặt trọng tâm phổ biến các nghị quyết Đảng, rồi tường thuật các chuyến viếng thăm của lãnh đạo thượng tầng với vài văn bản tuyên dương công trạng chống Mỹ, bên cạnh là những thông tin thời sự xã hội, du lịch biển đảo, bận tâm kinh tế và giải trí thể thao, văn nghệ. Hình ảnh của các hoa hậu hoàn vũ hay siêu mẫu áo tắm càng làm người đọc thêm băn khoăn. Dân chúng hiểu, một quân nhân vẫn là một người đàn ông có nhu cầu nhìn ngắm da thịt phụ nữ, nhưng vì sao các phòng đọc sách của các trung đoàn không lưu hành các tạp chí đời thường cho các quân nhân muốn tìm hiểu thời trang mà phải dùng ngân quỹ quốc phòng do dân góp thuế cho nhu cầu này? Các tiết mục “văn hóa” này làm xa cách chức năng trí tuệ mà Moltke đòi hỏi.
Có thể phủ định: mỗi quân đội của mỗi quốc gia mang một đặc thù và mỗi tập san quân sự có một hình thái riêng. Không thể lấy chức năng của tập san này làm chuẩn cho tập san kia, không thể dùng Clausewitz và Moltke áp đặt lên hệ thống suy nghĩ của Quân đội Nhân dân Việt Nam do Đại tướng Võ Nguyên Giáp tạo lập. Phủ định này không sai – nếu tập san Quân Đội Nhân dân có những đặc tính khác biệt và tư duy khác lạ so với các tập san quân sự thế giới. Phủ định này – trở nên  dễ dãi – như cách nhìn ưu điểm ở Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tổng Tham mưu trưởng đầu tiên Hoàng Văn Thái là đã không qua hàn lâm viện nào. Tiểu sử Đại tướng Hoàng Văn Thái ghi: Tháng 3 năm 1945, ông chỉ huy nhóm đội viên, khi đó đã phát triển lên đến hơn 100 người, tiến về xây dựng cơ sở ở Chợ Đồn (Bắc Kạn). Ngày 7 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Hồ Chí Minh ra chỉ thị thành lập Bộ Tham mưu và chỉ định Hoàng Văn Thái làm Tham mưu trưởng. Với kinh nghiệm trận mạc duy nhất từ chỉ huy đội viên sau bốn tháng lên làm Tham mưu trưởng mà Hoàng Văn Thái vẫn tham mưu cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp chiến thắng lẫy lừng trận Điện Biên Phủ, thì lập luận không cần Moltke hay Clausewitz vẫn chiến thắng là không sai; nhưng lập luận ấy phải giải thích những tranh công của La Quý Ba, Trần Canh, Vy Quốc Thanh, là những cố vấn Trung Hoa đã khẳng định chiến thắng Biên giới và Điện Biên Phủ do một tay họ quyết định, lên sách lược, đề xuất và được Chủ tịch Hồ Chí Minh chuẩn thuận. Có phải vì bề dầy trận mạc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và của Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái quá mỏng khiến Chủ tịch Hồ Chí Minh phải viết thư xin Mao Chủ tịch chi viện các tướng lĩnh tài năng nhất làm cố vấn cho quân đội Việt Minh? Ít nhất, khi Vy Quốc Thanh phê phán khai trận ở đồng bằng châu thổ sông Hồng của Tổng bộ Việt Minh là sai lầm, nên đánh lên miền Thái nơi quân Pháp ít quân, Vy Quốc Thanh đã tuân theo binh pháp Tôn Tử: Đánh vào khoảng trống! Thất bại đẫm máu ở Vĩnh Yên, Đông Triều, Mao Trạch, Mạo Khê, Sông Đáy, Ninh Bình năm 1951 không làm tăng thêm thiên tài của tướng Giáp mà tôn vinh hổ tướng de Lattre, và, một cách gián tiếp, chứng thực luận cứ của Vy Quốc Thanh.
Có thể biện luận cách khác: Không thể viết ra hết suy nghĩ chiến lược của sĩ quan Việt Nam trên tập san Quân đội Nhân dân, vì như thế sẽ lộ bí mật quốc phòng và Bắc Kinh sẽ thấu rõ quyết sách của Việt Nam. Lập luận trên có thể đúng, tuy kiểm duyệt triệt tiêu phần lớn tính sáng tạo của quân nhân và phát kiến hạ tầng không nhất thiết phản ánh sách lược chính quy. Tập san quân đội Đức từng bị kiểm duyệt hai lần: Lần thứ nhất vào năm 1848, Militär-Wochenblatt phải chuyển sang đăng tải những chuyên luận khoa học để không vi phạm luật bảo vệ bí mật quốc phòng. Trong hai thập niên liền quân đội Đức giẫm chân trong học thuyết. Đến 1866, Hoàng đế Wilhelm Friedrich Ludwig quyết định trả lại cho Militär-Wochenblatt chức năng nguyên thủy: chức năng khai phá quân sự. Từ đây, dưới ảnh hưởng của Moltke, tập san quân đội Đức chuyển mình, đến 1904 trực thuộc Bộ Tổng Tham mưu thay vì Bộ Quốc phòng. Đến 1942, Dr Paul Joseph Goebbels, quyền tương đương với chức Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, ra lệnh kiểm duyệt vì Martin Bormann, Chánh Văn phòng Trợ lí Quốc trưởng, nhân vật quyền lực số 2 ngay sau Hitler, nghi ngờ Bộ Tổng Tham mưu âm mưu đảo chánh. Tập san quân đội Đức hiện diện từ 1816 quyết định đình bản. Đình bản thay vì chịu kiểm duyệt, để giữ độc lập tinh thần và danh dự quân nhân. Lập luận gìn giữ bí mật quốc phòng trước đôi mắt Bắc Kinh đứng vững – nếu – tập san Quân đội Nhân dân biết thôi thúc tri thức quân sự Việt Nam bằng cách khác: nghiên cứu chiến tranh Việt-Pháp trên mặt bằng sự thật gạt bỏ tuyên truyền; nghiên cứu các canh tân quân đội thế giới và đặc biệt nghiên cứu chiến tranh tiềm thủy đỉnh, là vũ khí của kẻ yếu như Dönitz nhìn thấy ngay từ đầu. Các chủ đề trên, ít kỵ húy, ít vi phạm vùng cấm, ít đụng chạm bài vị thiêng liêng của các gia đình đương quyền, là cánh cửa rộng mở cho tri thức quân nhân Việt Nam đang phải đối diện với quân Tàu đã chiếm ngự biển.
Vì sao phải nghiên cứu chiến tranh Việt-Pháp quá xưa cũ khi hôm nay vũ khí hiện đại thay đổi hẳn diện mạo chiến tranh? Vì một khi chưa chấp nhận các thất bại đẫm máu thì Quân đội Nhân dân còn rơi chìm vào chủ nghĩa anh hùng lạc quan. Cần phân tích minh bạch những sai lầm phạm phải và ghi lại những tổn thất thật sự để giúp tập thể quân nhân rộng lớn có cái nhìn trung thực về hiệu năng của quân đội mình… Thiếu xác tín trận địa, các sĩ quan tham mưu không thể lượng định đúng mức chiến quả và càng nguy hiểm khi tạo ra ảo tưởng ở các đơn vị tác chiến. Vô vàn các chủ đề nghiên cứu cho tập san quân đội: như trận công đồn Phủ Thông Hóa không thành công hay trận đánh công kiên Xóm Pheo của trung đoàn 102 là trung đoàn Thủ đô của đại đoàn 308 để lại 800 xác chết mà không tiêu diệt được đồn, hoặc thất bại hoàn toàn của trận Mạo Khê mà chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở trang 170, dòng thứ 2, trong tập Đường tới Điện Biên Phủ, phải viết: Ngày 5 tháng 4 năm 1951 chiến dịch Hoàng Hoa Thám kết thúc. Chiến dịch để lại cho tôi một ấn tượng nặng nề.
Nếu nghiên cứu chiến tranh tiềm thủy đỉnh là thiết yếu, cũng cần nghiên cứu kỹ lưỡng thiên tài quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà không duy nhất tự bằng lòng với chiến thắng Điện Biên. “Người anh cả của quân đội” chịu ảnh hưởng của Clausewitz đến mức nào và để lại tư tưởng quân sự gì cho hôm nay? Nghệ thuật hành binh của Đại tướng khác ra sao với Nghệ thuật Hành binh [L’Art opératif] của Thống chế Nga Mikhaïl Nikolaïevitch Toukhatchevski rất có ảnh hưởng với những sĩ quan Sô-viết nhiệt huyết như Joukov, Vassilievski, Koniev hay Rokossovski?
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là tướng lãnh hiếm của Quân đội Nhân dân trích dẫn Clausewitz. Không trong bản Việt ngữ của hồi ký Chiến đấu trong vòng vây, nhưng trong phiên bản Pháp văn của hồi ký này: Mémoires, tome 1, La Résistance Encerclée, Editions Anako, Fontenay-sous-bois, 2003. Ở trang 105, Đại tướng cho biết ông đem theo bản dịch Clausewitz của Denise Naville khi rời Hà Nội lên Việt Bắc kháng chiến đầu năm 1947. Ông khẳng định đã suy nghiệm Clausewitz. Các trích đoạn dẫn chứng Clausewitz của Đại tướng đều trích từ bản dịch của Denise Naville. Tuy nhiên, bản dịch của Denise Naville do nhà xuất bản Minuit ấn hành, mãi đến năm 1955 mới ra mắt. Đa phần, đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ biết đến Clausewitz sau khi vào tiếp quản Hà Nội, do vậy ông không thể áp dụng trước đó. Hoặc áp dụng “thông thoáng”, vì bản dịch trước của trung tá de Vatry xuất bản 1866 bị giới nghiên cứu Pháp đánh giá dịch tối tăm và dịch sai các từ học thuật của Clausewitz. Bản dịch này cũng tuyệt bản từ rất lâu. Ở địa vị của Đại tướng, vì sao Đại tướng không khẳng quyết: “Tôi không cần biết đến Clausewitz của phương Tây, vẫn chiến thắng.” Vì sao Đại tướng phải cố gắng chứng minh ông am tường Clausewitz? Vì cần thuyết phục rằng các quyết định của ông đến từ suy nghiệm Clausewitz mà không từ đề xuất của Vy Quốc Thanh? Phương châm “đánh chậm, đánh chắc, chắc thắng mới đánh” của Đại tướng cũng khá gần với phương châm: “Không bao giờ tác chiến nếu cơ may quá mỏng (Ne jamais se battre si les chances sont trop minces)” của tướng Thomas Jonathan Jackson trong nội chiến Nam-Bắc Mỹ.
Nếu không thể nghiên cứu Đại tướng Võ Nguyên Giáp giữa huyền thoại và thiên tài vì chạm đến bia mộ của người quá cố, vì bia mộ này gắn liền với ước mơ cầu an của Đại tướng sau khi chứng kiến cái chết của Lâm Bưu và Lưu Thiếu Kỳ do thanh trừng của Mao, nên cần thông cảm, thì tập san Quân đội Nhân dân vẫn có thể nghiên cứu trường hợp tiểu quốc của các quốc gia Tiệp Khắc, Hung Gia Lợi, Phần Lan… là những tiểu quốc nằm cạnh các đế quốc. Tiệp Khắc đầu hàng Đức, Hung Gia Lợi chọn làm chư hầu rồi lầm than theo thăng trầm của quân đội Đức, cho đến khi cả Tiệp Khắc và Hung Gia Lợi đều bị Hồng quân Sô-viết chiếm đóng. Ngược lại, quân đội Phần Lan đã tử chiến đến cùng trước tham vọng lấn đất của Staline, buộc Staline phải chấp nhận đình chiến vì hiểu giá máu phải trả cho mỗi thước đất Phần Lan. Là một bán đảo như Việt Nam, sát cạnh Liên bang Sô-viết và có quá khứ gắn liền với Nga, không được Anh-Pháp-Hoa Kỳ và cả hai vương quốc láng giềng Na Uy và Thụy Điển hỗ trợ, nhưng chính thống chế Carl Gustaf Emil Mannerheim và quân đội Phần Lan đã làm nên sức mạnh phản chiếu từ tấm gương lịch sử mà Scharnhorst đặt để.
Hôm nay, trước lấn đất lấn biển đã diễn ra, không dân Việt nào không ưu tư khi nhìn vào tập san quân đội của quốc gia. Trước hiểm nguy Hán thuộc kề cận, đã áp sát, đã nhìn thấy, dân chúng không thể không đặt câu hỏi: Vì sao phải cần một trung tướng làm Tổng biên tập Tập san Quân đội Nhân dân, một thiếu tướng làm phó Tổng biên tập và ba đại tá với một thượng tá phụ trách ban biên tập cho một nội dung không chuyên ngành mà thường thức như trăm báo dân sự khác? Trống vắng tranh luận và hoang vu thao thức càng làm nảy sinh những câu hỏi khác: Vì sao tiếng nói của các sĩ quan trẻ ưu tú đang quan tâm đến tình hình đất nước không được cất lên trên chính diễn đàn của họ? Vì sao những lo lắng cho biển cả của tổ tiên đang bị cướp giật không được hiện diện trên trang Quân chủng Hải quân của chính tập thể đang mang trọng trách bảo vệ vùng biển ấy?
Nhìn vào một tập san quân đội, trông thấy sức mạnh của quân đội ấy. Nhìn vào Tập san Quân đội Nhân dân trông thấy kiểm duyệt. Một kiểm duyệt mang tính tội ác. Vì là tội của Lê Chiêu Thống.
Plano, 10 tháng 12-2013
© 2013 Trần Vũ & pro&contra