Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2013

TỘI NGHIỆP QUÁ ĐI THÔI

(Copy từ Tranhung09)

CÓ HAY KHÔNG MỘT SỰ LỪA DỐI TRẮNG TRỢN?

          20h30 đêm nay, 20/8/2008, Đài Truyền hình Gia Lai phát phóng sự "nói lại" về bộ phim "Linh hồn Việt Cộng" của đạo diễn Minh Chuyên. Quả là kinh hoàng nếu như những gì Đài truyền hình Gia Lai đã cung cấp là chính xác.

          Tôi đã ba lần phải khóc khi xem phim và đọc bút ký của anh Minh Chuyên in trên báo Văn Nghệ. Bộ phim và bài bút ký (trannhuong.com cũng đưa) đã trở thành "sự kiện" trong lòng độc giả, khán giả VN những ngày tháng 7 đầy cảm xúc vừa qua.

          Nhưng những gì mà đài Truyền hình Gia Lai vừa đưa lại càng làm tôi kinh ngạc hơn. Người làm phim này của truyền hình Gia Lai là nhà báo Huy Cường, trưởng phòng biên tập của đài. Tôi quý cả hai người, dù anh Minh Chuyên tôi chưa bao giờ gặp, nhưng cái tâm và cả cái tài của anh thì tôi nể (dù tôi hơi gợn gợn cái chi tiết anh định tự tử vì chuyện anh thương binh làm thủ tục thành người còn sống). Tôi điện ngay cho Huy Cường, Cường bảo em lấy danh dự, uy tín và cả tính mạng của em thề rằng em đúng. Với lại bác xem hình ảnh thì thấy ngay (Trong phim, Cường đến đúng những chỗ anh Minh chuyên đã quay, cũng đặt máy quay đúng góc ấy, giống y chang, chỉ khác là địa danh thật của cái chỗ quay ấy nó cách cái chỗ mà anh Minh Chuyên nói tên đến cả hơn trăm km. Tức là theo phim của Huy Cường thì anh Minh Chuyên đã quay một nơi bình một nẻo theo kiểu... phim truyện).

          Thôi thì tôi đưa lại toàn bộ lời bình của bộ phim mà đài Truyền hình Gia Lai mới phát cách đây 30 phút và xin không bình luận, coi như nêu ra một nghi vấn. Được biết, sau khi phát sóng, Truyền hình Gia Lai sẽ gửi phim này ra Truyền hình VN. Tiếc là trình độ IT của tôi dốt, không tải được bộ phim lên đây để mọi người cùng xem. Nhưng có thể sẽ có một ai đó giúp tôi trong ngày mai để đưa bộ phim này lên đây.

Phóng sự của Truyền hình Gia Lai







Phim Linh Hồn Việt cộng


-----------


PHIM "LINH HỒN VIỆT CỘNG":
MỘT NỬA SỰ THẬT... Ở ĐÂU? 



PTV: Cuối tháng 7/2008 vừa qua VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam đã phát bộ phim tài liệu "Linh hồn Việt cộng" của nhà văn, đạo diễn Minh Chuyên. Sau khi bộ phim được phát sóng (2 lần), nhiều khán giả truyền hình đã liên lạc với Đài Phát thanh-Truyền hình Gia Lai bày tỏ cảm xúc của mình trước sự hy sinh anh dũng của liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm, đồng thời cũng nêu lên những băn khoăn về tính chân thực trong một số trường đoạn quan trọng của phim. Chúng tôi đã tìm hiểu những nghi vấn ấy. Rất tiếc...đã không có sự thật trong những thước phim này của đạo diễn Minh Chuyên.

Phim: (Một số hình ảnh trong phim: "Linh hồn Việt cộng"- tít phim, cảnh đoàn làm phim ở HBông -lấy tiếng động nền):

Phim tài liệu "Linh hồn Việt Cộng" của đạo diễn Minh Chuyên kể về trường hợp hy sinh anh dũng của liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm cách đây gần 40 năm, tại chiến trường Gia Lai và hành trình tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ Đảm của thân nhân liệt sĩ, một số cựu quân nhân Mỹ và cả tác giả.

Người xem ít nhiều đã cảm nhận được về một câu chuyện có thật, cũng như thông điệp về tính nhân văn mà tác giả muốn chuyển đến khán giả, song có lẽ không mấy ai đã nhận ra sự thật ấy thực ra chỉ có... một nửa. Nửa quan trọng còn lại, có chăng chỉ là sự hư cấu theo kiểu... phim truyện.

(Trích đoạn phim "Linh hồn Việt Cộng"-đoạn xác định được mộ tại HBông " điểm cao 467"-TL: 1 phút).

Phim:(Các hình ảnh xác minh tại HBông)

 Thoạt đầu đạo diễn Minh Chuyên cho rằng hài cốt liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm được tìm thấy trên đồi 467, cách nghĩa địa Ayunpa 100m về phía Bắc. Thực tế qua xác minh chúng tôi xin khẳng định rằng: hình ảnh  ấy, lời bình ấy, nơi mà tác giả cho là "đồi 467" là một mỏm đá và dải đất sát quốc lộ 25, thuộc địa phận xã H'Bông-huyện Chư Sê, cách thị xã Ayun pa trên 30 km.

(Trích đoạn phim "Linh hồn Việt cộng"-các bối cảnh ở đèo Mang Yang "điểm cao 467"-thời lượng > 1 phút).

Phim: (hình ảnh trong phim "Linh hồn Việt cộng" và các hình ảnh xác minh tại đèo Mang Yang).

Dường như chưa thỏa mãn với  cách làm che mắt khán giả ở trường đoạn nói trên, nhà văn-đạo diễn Minh Chuyên lại "bịt mắt" người xem xuôi đèo Mang Yang để tiếp tục theo dõi những chi tiết mang tính giả tưởng.

Trong phim không thấy cảnh đào và cất bốc hài cốt liệt sĩ Đảm, nhưng lại đột nhiên xuất hiện cận cảnh bộ hài cốt gần như còn nguyên  vẹn và chiếc tiểu sành cao khoảng 25-30 cm, dài khoảng 50-60 cm, những bàn chân ngồi xung quanh không thể xác định là của ai. Và nếu như có chiếc lọ Penicilin chứa các thông tin về liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm như tác giả nói, thì một đạo diễn loại xoàng cũng không thể bỏ qua chi tiết cực đắt này.

Tiếp đó là các cảnh thân nhân gia đình LS, các cựu binh Mỹ và đoàn làm phim khiêng  chiếc hộp phủ cờ tổ quốc từ trong rừng đi ra. Lúc này chiếc tiểu sành có kích thước mô tả nói trên, đã "xẹp" một cách đáng ngờ, chỉ bằng kích thước của một hộp catton mỏng.

(Âm hình-PV Huy Cường hiện dẫn.

Nội dung: "Nơi tôi đứng đây là đường lánh nạn số 1 thuộc đèo Mang Yang, ở phía bên cạnh là ta luy đá, nơi gia đình liệt sĩ Đảm cùng đoàn làm phim đã đưa hài cốt từ phía đó xuống...Và đây là vị trí đặt di ảnh liệt sĩ Đảm để cúng, vị trí này  nằm ở phía dưới chân đường lánh nạn số 1")

Phim: (Các hình ảnh xác minh ở đèo Mang Yang):

Các bối cảnh được tác giả cho là "đồi 467", thuộc thị xã Ayun Pa, trong trường đoạn  này  thực chất là khu vực đường lánh nạn số 1, thuộc đèo Mang Yang, trên quốc lộ 19, cách thị xã Ayun pa khoảng trên 150 km về phía Đông-Bắc, Thật đáng kinh ngạc khi tác giả cho rằng hài cốt liệt sĩ Đảm được phát hiện và cất bốc ở đồi 467, cách nghĩa địa thị xã Ayun Pa 100 m, nhưng lại phải khiêng bộ đến một địa điểm khác, cách đó trên 150 km để chuyển lên xe hơi, đưa anh về quê (!?). Tại đây chúng tôi đã xác định chính xác từng cây thông, tảng đá có trong phim "Linh hồn Việt Cộng" của Minh Chuyên.

(Âm hình: Bà Ngô Thị Ngọc Phú-TP. Lao động- Thương binh-Xã hội Thị xã Ayun Pa. Sợt hình đơn đề nghị viếng và cất bốc mộ của thân nhân liệt sĩ Đảm và ngôi mộ được nhà ngoại cảm cho rằng của liệt sĩ Đảm.

Nội dung:  "Ngày 27.05.2008 thân nhân liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm có đến phòng LĐTBXH TX Ayun Pa đề nghị được viếng và bốc mộ liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm về quê vị trí mộ được gia đình xác định trước (PV hỏi tiếp: tại sao họ lại biết trước vị trí ngôi mộ?). Họ nói nhà ngoại cảm Bích Hằng chỉ. Nhưng đó là ngôi mộ chưa rõ tên. Sau đó chúng tôi đã hướng dẫn các thủ tục cần thiết để xác nhận mộ. Nhưng họ đã không quay trở lại. (PV hỏi tiếp: Bà có thể xác nhận trong khoảng thời gian cuối tháng 5.2008 có hay không một cuộc cất bốc hài cốt liệt sĩ diễn ra trên địa bàn thị xã Ayun Pa?). Tôi khẳng định là trong khoảng thời gian đó không hề có cuộc cất bốc hài cốt liệt sĩ nào ở Ayun Pa.).

Phim: (Các cảnh trong phim "Linh hồn Việt Cộng" và hình ảnh các bài báo trên mạng, nghĩa trang liệt sĩ Ayun Pa, cánh đồng Plei Ngol, hình ảnh Minh Chuyên trong phim "LHVC", tít phim "Linh hồn Việt cộng"...)

Như vậy từ những sự thực được chứng minh nói trên và nhiều thông tin khác chúng tôi thu thập được từ các địa phương và các cơ quan chức năng, có thể khẳng định rằng: việc cất bốc được hài cốt liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm như những gì diễn ra trong phim "Linh hồn Việt cộng", thực tế chỉ  là trí tưởng tượng của nhà văn-đạo diễn Minh Chuyên.

Thật đáng tiếc, Minh Chuyên đã lạm dụng uy tín của một nhà báo đã thành danh, cùng những "thủ pháp" của một đạo diễn chuyên nghiệp để đánh lừa cảm xúc của hàng triệu khán giả truyền hình và những người quan tâm đến câu chuyện này trên các diễn đàn công khai.

Xin được chia xẻ với nỗi đau, cũng như những tâm tư, nguyện vọng chính đáng  của thân nhân liệt sĩ Đảm./ Chiến đấu và hy sinh vì tổ quốc, máu xương của liệt sĩ Đảm đã hòa vào đất để góp phần làm nên màu xanh hòa bình trên mảnh đất Tây Nguyên. Chúng ta tự hào và mãi biết ơn về điều ấy.

Làm phim về "Linh hồn Việt cộng" nhưng Minh Chuyên đã không hề tôn trọng "linh hồn". Chúng ta cùng với thân nhân liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm luôn cầu mong linh hồn liệt sĩ Đảm, cũng như của hàng vạn liệt sĩ khác còn nằm đâu đó trên các chiến trường xưa được siêu thoát nơi vĩnh hằng, nhưng không phải bằng cái cách của nhà văn-đạo diễn Minh Chuyên đã làm.

Tính chân thực cần phải có của một tác phẩm báo chí...đã bị Minh chuyên làm hỏng./.



                                                Thực hiện:  Huy Cường-Gia Cư

                                                                   Tấn Hiền-Hoài Nam




                                                                            





Ảnh 1: Đống xỉ nhựa đường mà phim "Linh hồn VC" cho rằng đây là điểm cao 467 ở thị xã Ayun Pa, thực ra nó ở xã H'bông, Chư Sê, cách Ayun Pa trên 40 km. (Ảnh Huy Cường cung cấp).

Ảnh 2: "Mộ liệt sĩ chưa rõ tên" tại nghĩa trang LS Ayun Pa, được thân nhân LS Hoàng Ngọc Đảm và nhà ngoại cảm PBH chỉ là mộ LS Hoàng Ngọc Đảm vẫn còn nguyên vẹn. (Ảnh Huy Cường cung cấp)

=====

Nguồn Blog Văn Công Hùng






...Tại bản tường trình ngày 25-8-2008, của ông Nguyễn Trọng Minh-cán bộ quản trang Nghĩa trang liệt sĩ Ayun Pa, gửi lãnh đạo phòng Lao động thương binh và xã hội thị xã Ayun Pa, nhiều tình tiết mập mờ, thiếu trung thực gây tranh cãi trên diễn đàn báo chí đã được phơi bày...

GIA ĐÌNH ĐÃ ĐÀO TRỘM MỘ

Phát biểu công khai trên một số tờ báo mới đây, cả nhà văn, đạo diễn Minh Chuyên, tác giả bộ phim tài liệu "Linh hồn Việt Cộng" và ông Hoàng Minh Diệu em trai của liệt sĩ Hoàng Ngọc Ðảm đều khẳng định là gia đình đã đào trộm mộ liệt sĩ  Ðảm ở Nghĩa trang liệt sĩ Ayun Pa đem về mai táng ở quê nhà, xã Thái Giang, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.

Tuy nhiên, trong bản tự kiểm điểm và bản tường trình sự việc của ông Nguyễn Trọng Minh cán bộ quản trang Nghĩa trang thị xã Ayun Pa thì: Khoảng 16 giờ 30 phút ngày 26-5-2008, ông Minh phát hiện có người trèo tường rào vào trong nghĩa trang liệt sĩ Ayun Pa, sau khi kiểm tra được biết đó là ông Hoàng Ðăng Cát, em trai của liệt sĩ Hoàng Ngọc Ðảm vào tìm mộ liệt sĩ theo sự chỉ dẫn qua điện thoại của nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng. Ông Minh đã mở cổng nghiã trang cho ông Cát cùng với 4 người nữa đều là em của liệt sĩ đang ngồi trên xe ô tô 7 chỗ trước cổng nghĩa trang được vào thăm viếng ở ngôi mộ số 5 hàng số 1 lô số 2 ở phía tay trái, nhìn ngoài cổng vào. Nhưng ngôi mộ này chỉ còn cái vỏ, vì cốt đã được gia đình Trung tá Nguyễn Ðình NGọc (Phó trưởng Cơ quan Ðiều tra Công an Bình Ðịnh) xác định là của cha mình - liệt sĩ Nguyễn Ðình Châu - và đã tổ chức cất bốc về quê từ năm ...2001.

Biết thế, ông Minh đã gợi ý cho gia đình liệt sĩ Ðảm gọi điện lại cho nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng để xin chuyển vị trí mộ. Ðược sự chỉ đạo từ xa của bà Hằng, gia đình đã chuyển sang thắp nhang khấn vái ở ngôi mộ phía đối diện bên kia đài tưởng niệm (ngôi số 5 hàng số 1, lô số 2, phía bên phải đài tưởng niệm, nhìn từ ngoài cổng vào).

 Sáng hôm sau, (27-5), các em của liệt sĩ Ðảm chia nhau ra chợ mua lễ vật về cúng và lên Phòng LÐTB và XH thị xã Ayun Pa để xin phép vào thăm viếng và cất bốc hài cốt liệt sĩ Hoàng Ngọc Ðảm đem về quê. Nhưng họ không đủ giấy tờ, bằng chứng để chứng minh ngôi mộ chưa xác định tên ở trong nghĩa trang là của liệt sĩ Ðảm. Vì thế họ chỉ được phép thăm viếng còn không được phép cất bốc mộ liệt sĩ. Khoảng 8 giờ 30 phút, sau khi cán bộ phòng LÐTB và XH thị xã Ayun Pa ra về, các thân nhân liệt sĩ Ðảm đã giở bài năn nỉ, khóc lóc van xin ông Nguyễn Trọng Minh, cán bộ quản trang để được cất bốc hài cốt mang về quê. Họ đã đưa ra một số tiền để lót tay nhưng ông Minh không chịu nhận. Sau đó các em của liệt sĩ Ðảm khóc lóc thảm thiết, cương quyết đào bằng được mộ liệt sĩ mang về, và ông Minh đã mủi lòng ưng thuận tạo điều kiện cho họ đào ngôi mộ số 5, hàng số 1 lô số 2, phía bên phải từ cổng nhìn vào.

HÀI CỐT BỊ BỐC TRỘM KHÔNG PHẢI CỦA LIỆT HOÀNG NGỌC ĐẢM

          Bà Ngô Thị Ngọc Phú - Trưởng Phòng LÐTB và XH thị xã Ayun Pa, khẳng định: Ngôi mộ mà thân nhân liệt sĩ Hoàng Ngọc Ðảm bốc lén mang về quê an táng không phải là hài cốt của liệt sĩ Hoàng Ngọc Ðảm. Vì đó là ngôi mộ số 5 hàng số 1 lô số 2 phía bên tay phải của đài liệt sĩ nhìn từ cổng vào; nếu đối chiếu với sơ đồ mộ liệt sĩ quy tập ngày 10-12-1984 tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Ayun Pa, do phòng đang giữ, thì ngôi mộ này năm ở vị trí số 167, trong khu vực này có 48 ngôi mộ khuyết danh. Là mộ của các liệt sĩ hy sinh năm 1975, do Quân đoàn 3 quy tập về tại nghĩa trang liệt sĩ trước đây do Quân đoàn 3 quản lý (nằm gần Bệnh viện Ða khoa khu vực Ayun Pa ngày nay). Sau đó, năm 1984 di dời toàn bộ nghĩa trang này về Nghĩa trang liệt sĩ Ayun Pa bây giờ. Hồ sơ về phần mộ này do Quân đoàn 3 quản lý. Riêng tại nghĩa trang liệt sĩ Ayun Pa hiện có 3 ngôi mộ chưa xác định tên do Quân đoàn 3 quy tập về năm 1999 từ Plei Ngol xã Kim Tân, huyện Ia Pa. (Biên bản bản giao 3 hài cốt liệt sĩ lập ngày 02-4-1999 do Ðại úy Tống Xuân Khu -cán bộ Cục Chính trị Quân đoàn 3 bàn giao cho người tiếp nhận là ông Nguyễn Tấn Sinh -Phó trưởng Phòng Tổ chức Lao động thương binh và xã hội huyện Ayun Pa). Ðịa điểm quy tập hài cốt nằm trong khu vực mà liệt sĩ Hoàng Ngọc Ðảm hy sinh và được mai táng.

Ông Ðinh Văn, dân tộc Bahnar ở xã Pờ Tó (Ia Pa), nguyên là chính trị viên xã đội A15, khu 7, thời chiến tranh (xã Pờ Tó, Kim Tân bây giờ), cho biết rằng: Liệt sĩ Hoàng Ngọc Ðảm đúng là 1 trong 4 người hy sinh  trong trận bị mai phục (có 2 người Kinh, 2 người Bahnar) ngày 09-4-1970 tại nam khu 7, mai táng tại ấp Plei Ngol, (Plei Ngol xã Kim Tân ngày nay).  - VCH nhấn mạnh.

          Từ những bằng chứng trên có thể nhận định rằng gia đình liệt sĩ Hoàng Ngọc Ðảm đã đào lén nhầm ngôi mộ khác, không phải là mộ của liệt sĩ Ðảm. Và khi chúng tôi đặt vấn đề liệu Phòng LÐTB và XH thị xã Ayun Pa có đòi họ phải trả lại hài cốt liệt sĩ đã bị đào nhầm về cho Nghĩa trang quản lý hay không? Bà Phú im lặng không nói...(!?)

ĐỨC PHƯƠNG - TRẦN HIẾU





===========

Nguồn: Blog Văn Công Hùng



LÀM PHIM NHỮNG LINH HỒN VIỆT CỘNG:
Vì linh hồn Việt Cộng

                  hay trục lợi, cầu danh?



             


Thưa các bạn đọc của trang blog nhỏ này.
Trong những bài viết vừa qua của tôi trên blog nhỏ này đã cố tách khỏi những tình tiết của chuyện làm phim LHVC theo kiểu phim...cuội, để tập trung vào mục đích cuối cùng là xác định di cốt LS mà gia đình LS Hoàng Ngọc Đảm đào trộm về có đúng là của LS Đảm hay đó là của một LS khác?

  
                 Tuy nhiên, đọc trong thư ngỏ ngày 28/8/2008 của thân nhân LS Đảm và mới đây là bức thư cũng của gia đình LS Đảm gửi cho Đảng bộ, nhân dân Gia Lai... tôi thật sự đau, buồn và dânh , bởi lá thư cũng chỉ loanh quanh câu chữ ngụy biện một cách vô trách nhiệm việc làm thiếu chín chắn và phạm pháp của gia đình . Tệ hơn, là những lời lẽ và thái độ thiếu thiện chí, quy chụp , đổ lỗi cho nhà nước không thông thoáng về chính sách, cơ quan , chính quyền địa phương gây khó , các nhà báo , và phóng viên đài PTTH Gia Lai ghen ăn tức ở đánh nhà văn Minh Chuyên  gây xúc phạm đến vong linh LS...
    
               Cây muốn lặng, gió chẳng đừng, nhận thấy cũng cần trở lại một chút câu chuyện làm phim dối trá của nhà văn Minh Chuyên vốn là khởi nguồn cho sự "đào lấy được" ngôi mộ LS để đưa di cốt được coi là của LS Hoàng Ngọc Đảm gây chấn động dư luận vừa qua... Tôi xin được post lên trang bài viết của nhà báo Nguyễn Thịnh - Phóng viên thường trú báo Lao Động tại Gia Lai lật tìm từng điều không thật của công việc làm phim, tìm mộ  một cách tuỳ tiện, không thuận về tình, lại trái với luật này.


               Cũng xin nói thêm: đây là bài báo thứ 3 trong loạt bài về những khuất tất quanh bộ phim LHVC. Đáng tiếc, không hiểu vì lí do gì, bài báo thứ 3 và là bài kết này của Nguyễn Thịnh đã không thể lên trang của chính tờ báo đã có 2 bài viết trước đó của cùng tác giả.

               Được  nhà báo Nguyễn Thịnh gửi bài và đồng ý cho sử dụng toàn văn, tôi xin được giới thiệu với bạn đọc trước khi tiếp tục mạch viết của mình để đi đến cùng câu hỏi : Di cốt bị đào trộm là của LS nào?
                                                                                                                                                 
                                                                      LÊ BÁ DƯƠNG
                                                     _________________________________                                                          



Bài 3- Bài cuối xung quanh bộ phim TL "Linh hồn Việt cộng".


 Quay đầu lại...vẫn là bờ!


NGUYỄN THỊNH


      Sau liên tiếp hai bài báo phản ánh những "khuất tất nhãn tiền" và nổi cộm từ bộ phim tài liệu "Linh hồn Việt cộng"- LHVC; Lao Động số ra ngày 26- 27.8, chúng tôi lại có nhiều bằng chứng xác đáng và vượt ra ngoài phạm vi của phim LHVC để định danh cho việc làm của tác giả Minh Chuyên, một sự định danh "đau lòng": Nhà văn- Đạo diễn Minh Chuyên đã có một chuỗi "giả trá leo thang", trong sự đồng loã ít nhiều của những người bên cạnh, nhằm vinh danh bản thân... Phóng sự này cũng hy vọng khép lại những nỗi niềm trong lòng dư luận những ngày qua.


            Người quản trang "tội nợ".

        
          "Lúc đó (8 h sáng 27.5.2008), tôi không sao cầm lòng được, đành bỏ ra ngoài và nói: "Thôi tuỳ các anh, nhưng làm sao đừng để ảnh hưởng đến tôi thì tôi cho đấy. Rồi tôi đi về nhà...Đến khoảng 9 giờ 50 (cùng ngày) tôi trở lại nghĩa trang thì thấy người ta đã đưa hài cốt lên khỏi mộ và bỏ vào một thùng cactone, đưa ra xe đi về. Lúc đó tôi mới thấy bàng hoàng lo sợ vì mình đã mủi lòng không nỡ giữ họ lại để làm biên bản, vì sợ tổn thương đến linh hồn Liệt Sĩ".

         Trên đây là lời Ông Nguyễn Trọng Minh- nguyên là bộ đội phục viên, vào làm quản trang của Nghĩa trang Liệt sĩ thị xã Ayun Pa (Gia Lai, GL) từ năm 1985 đến nay; sau nhiều đêm mất ngủ đã tường trình trong nước mắt, về việc đã tự ý cho phép đào trộm ngôi mộ "cho rằng là của Liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm".

        Trước đó, năm 2002 và 2008, qua xác định của các nhà ngoại cảm, người nhà Liệt sĩ Đảm đã tin rằng ngôi mộ anh mình thuộc lô 2, hàng 1, ngôi số 5 bên trái đài tưởng niệm (tức ở vị trí đối xứng với ngôi mộ "đào trộm" ở phía bên phải Đài tưởng niệm) mà kỳ thực đã được cất bốc từ năm 2001 bởi người nhà Liệt sĩ Nguyễn Đình Châu. Trong bối cảnh "đào trộm" này Minh Chuyên không hề có mặt tại Ayun Pa mà đang cùng các cựu binh Mỹ "diễn" cảnh trở về "chiến trường xưa- Đồi 467- ngọn đồi không có thật ở AyunPa" cách đó hơn 30 Km (sát quốc lộ 25, xã H'bông, Chư Sê, GL).

               Sau khi Đài PT- TH GL công bố phóng sự phản biện sự thật trong phim LHVC và cư dân mạng xôn xao, Minh Chuyên đã có cuộc điện thoại đến nhà báo Đỗ Ngọc Kỳ- GĐ Đài PT- TH GL, thú thực rằng: Cảnh quá trình cất bốc hài cốt Liệt sĩ Đảm trong phim là "dàn dựng", còn thực ra là đào trộm mộ trong nghĩa trang, để làm việc này, "Đoàn đã phải chi tiền cho ông Minh quản trang", và dù sao, "em cũng ngàn lần xin anh tha thứ"- lời Minh Chuyên. Còn khi được hỏi về chi tiết "nhận hối lộ", ông Minh quản trang đã khóc nấc lên mà thề...Chúng tôi tin ông Minh trong sạch.

          Minh Chuyên và những người trong cuộc vẫn cho rằng ngôi mộ đào trộm là của Liệt sĩ Đảm, niềm tin này chỉ dựa thuần tuý vào các nhà ngoại cảm. Còn hiện tại, tất cả những người có trách nhiệm ở Phòng LĐ- TB và XH Ayun Pa không ai dám đoán chắc điều này. Trong khi, theo Giấy báo tử cũng như hồ sơ lưu ở Tỉnh đội GL, Liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm hy sinh ngày 18.3.1969 tại ấp Plei Ngol, núi Coong Woong. 3 trong 4 liệt sĩ hy sinh tại vị trí này và ở cùng thời điểm đã được tự tay Trung tá Tống Xuân Khu (hiện là Đội trưởng đội công tác 405 Phú Thiện, GL) qui tập về Nghĩa trang Liệt sĩ Ayun Pa vào năm 1999; 3 ngôi mộ chưa rõ tên này hiện vẫn đang nằm ở lô bên cạnh ngôi đã đào trộm; hài cốt Liệt sĩ Đảm có thể là một trong 3 ngôi mộ này.Và nếu vậy, sự nhầm lẫn lại rất có thể xảy ra; có liệt sĩ sẽ vĩnh viễn chịu... "mất đường về".


              "Kịch bản" khác của Minh Chuyên.

           Một ngày trước khi phim LHVC được phát sóng trên VTV 1 lần hai, ngày 26.7.2008, Minh Chuyên đã cho in Bút ký dự thi "Gió dữ, gió lành" trên Văn Nghệ- tờ báo của Hội Nhà văn VN (nhiều nguồn tin từ "làng Văn VN" khẳng định bút ký này đang được "dọn chỗ" cho một giải A sang trọng- PV) ; cùng nội dung với phim LHVC nhưng khả năng "dựng chuyện" thì "siêu việt" hơn nhiều. Chúng tôi buộc phải trích dẫn (nguyên văn) khá dài, đối chiếu với bối cảnh "đào trộm" ở trên để bạn đọc thấy rõ khả năng "sáng tác" một cách thô bạo  (và thô bỉ) của Minh Chuyên. Ngay từ đầu bút ký, Minh Chuyên đã bịa đặt: "Trên chiếc xe ôtô lao vun vút, đôi mắt người cựu binh Mỹ xanh biếc đăm đắm nhìn về phía trước (...). Homer Steedy đột ngột nhận ra những dấu tích trên đồi cỏ tranh (...). Chúng tôi xuống xe, leo lên quả đồi bên đường. Quả đồi thuộc khu vực Plei Ngol tỉnh GL". Trên thực tế, Minh Chuyên cùng đoàn cựu binh Mỹ chưa bao giờ vượt qua khỏi địa phận H'bông, Chư Sê, thuộc quốc lộ 25 và còn cách Plei Ngol không dưới 50 Km như Minh Chuyên đã buộc phải thừa nhận mới đây. Và đoạn này mới đau lòng: (...) Từ Ga Diêu Trì (Bình Định) lên Pleiku gần 200 Km. "Ngày hôm sau đi về Plei Ngol gần Nghĩa địa huyện Ayun Pa. Từ cái mốc ngã ba đường đất đỏ, một lối rẽ đi Ayun Pa, một lối ngược lên rừng (khu vực này tỉnh GL đã "nhựa hoá" từ nhiều năm trước- PV). Lần theo con đường nhớ trong ký ức của Homer và kết hợp con đường "tâm linh" chỉ dẫn từ xa của nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng do gia đinh Liệt sĩ Đảm đã liên hệ trước đó. Hai ngày sau chúng tôi mới tìm được một gò đất bên gốc cây bằng lăng cách nghĩa địa Ayun Pa chừng hơn 100 m về phía bắc (thực chất, nghĩa địa này nằm ngay trung tâm thị xã Ayun Pa- PV). Thật không thể tưởng tượng. Chuyện tâm linh xưa nay tôi vẫn nửa tin nửa ngờ. Nhưng được trực tiếp chứng kiến chuyện xảy ra trước và sau khi đào tìm hài cốt liệt sĩ Đảm, tôi không thể giải thích nổi.

                  Mười hai người chúng tôi ngồi vây quanh mô đất mà nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng và chị Năm Nghĩa qua điện thoại đều khẳng định ở dưới có hài cốt liệt sĩ Đảm. Ngay cả Homer cũng phăm phăm đi tới mô đất ấy và nói ông Đảm nằm ở đây (cái mô đất mà ở bài trước chúng tôi đã xác định chỉ là đống xỉ nhựa đường cạnh quốc lộ 25, thuộc huyện Chư Sê, nơi Minh Chuyên đã cho Homer ngồi chắp tay "sám hối- thông linh" với liệt sĩ trong phim LHVC- PV). (...) Homer và hai cựu bính Mỹ người đốt nến, người thắp hương. Tôi và các em của  liệt sĩ sắp lễ, cắm hoa, đặt giấy  tiền. Bỗng dưng anh Hoàng Văn Khánh- người trợ lý đạo diễn giúp tôi trong việc thực hiện bộ phim LHVC tự dưng ngã vật ra đất, bọt mép xùi đầy miệng. Mọi người nghĩ anh say nắng nên xúm vào đỡ Khánh dậy, nhưng Khánh gạt ra, miệng nói liên hồi: "Sao không đào đi. Anh nằm ở dưới đây này. Ba mươi chín năm qua, sao các em không vào đón anh về". Rồi Khánh khóc hu hu. Bốn người em của liệt sĩ cũng khóc theo. Khánh lại nói lảm nhảm: "Em Đằm và em Minh, sao không vào đón tôi về". Khánh nói tới đây, các em anh Đảm đều sửng sốt. Anh Khánh ở mãi Hà Nội, làm sao biết được tên bà Minh vợ của anh Đảm và tên chị Đằm người em gái thứ ba của anh?

                Thực sự, mới đọc đến đây và đối chiếu với những gì tôi có, tôi biết về "vụ Minh Chuyên" những ngày qua, tôi thực sự thảng thốt và căm phẫn với khả năng dựng chuyện của một "nhà văn" từng thề thốt trước bao anh linh liệt sĩ, những lời thề báo chí vừa đăng chưa ráo mực...Mà chưa hết. Minh Chuyên tiếp tục bịa đặt: "Lúc ấy không còn ai nghi ngờ gì nữa, gia đình liệt sĩ Đảm và chúng tôi quyết định đào tìm. Homer đề nghị được xúc xẻng đất đầu tiên. Chúng tôi hiểu ý ông, ông đã vượt nửa vòng trái đất về đây để làm việc trả nghĩa đối với người ông đã giết hại. Homer đào đất rồi xục hai bàn tay bê những tảng đất đưa lên.Chúng tôi thay nhau đào sâu chừng hơn nửa mét thì gặp ngay bộ hài cốt...". Trong lúc bới tìm từng đốt xương, anh Cát (em trai liệt sĩ Đảm) và tôi tìm được một lọ peniciline lẫn trong đống hài cốt (...).Cầm trên tay bỗng dưng tôi thấy run run và linh cảm khác thường (...). Tôi hồi hộp mở nắp, lôi từ trong lọ ra một mảnh giấy gấp nhỏ. Chữ trên mảnh giấy viết bằng mực xanh, đã ố nhoè nhưng vẫn còn đọc được: Họ và tên Hoàng Ngọc Đảm, đơn vị C2- D 67, quê quán: làng Nha, xã Thái Giang huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình (đoạn này được "cóp" nguyên văn vào phim LHVC, được đọc dõng dạc trong lời bình của tác giả, nhưng không có hình ảnh- PV). Tôi thở phào. Các em của liệt sĩ Đảm khóc nấc lên: "Hỡi anh ơi, anh nằm ở đây mà người ta lại bảo anh đang ở nước Mỹ sung sướng lắm. Thế là lẽ tại sao, hở anh".           Giời ạ, thưa bạn đọc kính mến, vậy thì ngôi mộ bị quyết liệt đào trộm ở nghĩa trang với đống xỉ nhựa đường này, chỗ nào mới thực là mộ liệt sĩ; và những giọt nước mắt nhỏ xuống cả 2 nơi thì ở nơi nào mới thực  dành cho hương hồn liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm (?).

               Còn nhiều yếu tố man trá nữa, trong cái gọi là bút ký "Gió dữ, gió lành". Và Minh Chuyên mới thực xứng đáng là "Nhà ngoại cảm" vượt mọi thời đại (?!). Tới đây tôi chợt nhớ, nhà văn Nguyễn Quang Lập kể chuyện khi anh liên tưởng "Từ LHVC nhớ đến chuyện tìm mộ chị Dương Thị Xuân Quý". Cái buổi tối ngay trong ngày làm lễ truy điệu chị Quý tại Duy Xuyên (Quảng Nam), tôi đã cùng nhà văn Thái Bá Lợi, nhà báo Đặng Ngọc Khoa uống rượu chia sẻ với nhà thơ Bùi Minh Quốc khi anh giải bày về lần tìm kiếm cuối cùng hài cốt vợ mình mà minh chứng rõ ràng nhất  sau bao lần vô vọng là chiếc kẹp tóc có dòng chữ "Tặng chị X.Quý- E1" được tìm thấy; "nhà ngoại cảm" có công lớn trong việc này là ông Đặng Văn Ba ở Lâm Đồng. Vậy mà vài tháng sau, ông này bị bắt quả tang vì lừa đảo với tang vật gồm 6 lọ Piniciline có chứa "lý lịch" liệt sĩ mà ông nhận tìm, với mấy mẫu xương, vài cúc áo bộ đội...đã thay màu thời gian. Quá buồn!


           Ông Minh Chuyên còn trượt rất dài khi phát biểu đầy hưng phấn trên báo chí sau "hào quang" của LHVC(...) Thực ra, qui định của Nhà nước về cất bốc hài cốt liệt sĩ đã rất rõ ràng, thông thoáng, kể cả liệt sĩ chưa rõ tên. Minh Chuyên không chịu đợi mà làm liều, trí trá đến thế là vì lẽ gì? Làm cho kịp "tiến độ" lấy nước mắt công chúng một cách dễ dàng hơn trong ngày trả nghĩa anh linh- 27.7; và dễ... "vào giải" hơn như cách mà mọi người cầm bút đều biết? Còn những cựu binh- nhà văn Mỹ, nhân vật trong chuyện này, nghĩ gì? Một mai, có thể xuất hiện những bài viết kiểu như "LHVC (hay "Gió dữ, gió lành")- Chuyện bây giờ mới kể" xuất hiện từ báo chí bên ngoài sẽ dẫn đến hậu hoạ thế nào? Homer Steedy, sau hành trình "sám hối" theo cách của Minh Chuyên, đã "ngẩng cao đầu" về Mỹ, trong khi...Nếu còn có thể nhân danh Nhà văn với tất cả ý nghĩa về lòng tự trọng của nó- điều đã không còn nữa- tự Minh Chuyên sẽ hiểu.

              Tôi đồng tình với ý kiến một danh sĩ quốc gia về chuyện này: Sự thật khi đã khơi lên rồi thì không nên dừng lại, cứ làm cho hết để xem nửa cái bánh mì nó thế nào? (Một nửa cái bánh mì thì vẫn là bánh mì; còn một nửa sự thật thì không phải là sự thật). "Vụ Minh Chuyên" đã không còn là chuyện riêng của một người, một nhà.

                                                            _____________________________ 

         

Thưa các bạn: Bài báo thứ ba này, sau khi đặt dấu chấm cuối cùng tác giả nhận được lệnh: Không thể đăng được nữa. "Vụ bê bối lịch sử" của Minh Chuyên đành kết thúc trong sự bán tín bán nghi của công chúng; và bây giờ đang nằm tên tay bạn với tư cách một bản thảo. (Bài 1 và bài 2 đã đăng trên Báo Lao Động ngày 26 và 27/8).

                                                                                              NT
Trong những bài viết vừa qua của tôi trên blog nhỏ này đã cố tách khỏi những tình tiết của chuyện làm phim LHVC theo kiểu phim...cuội, để tập trung vào mục đích cuối cùng là xác định di cốt LS mà gia đình LS Hoàng Ngọc Đảm đào trộm về có đúng là của LS Đảm hay đó là của một LS khác?

                                                                                                  LBD

Nguồn: Lebaduong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét