Thứ Hai, 24 tháng 12, 2012

NHAM CHI LUẬN 9

Lầm lạc chết người của tư tưởng triết học Mác-Ghen-Lê là ở ngay tiên đề lý luận. Khi phân tích và lý giải sự phát triển của sự sống  (thiên nhiên & xã hội loài người), các tổ sư cộng sản quán xét và kế thừa các tư tưởng triết học khác về các mặt đối lập tồn tại (khách quan và phổ biến) trong cuộc sống - cả vật chất và tinh thần là có tính chân lý. Song le, để giải thích cho sự thay đổi và phát triển, họ qui nạp hết sức chủ quan thành Qui luật mâu thuẫn đối kháng và không đối kháng. Cái gọi là Qui luật mâu thuẫn này - theo những người cộng sản -  là hạt nhân, là Qui luật quan trọng nhất của  phép biện chứng duy vật trong triết học Mac-Ghen-Lê.
Sự đối lập hai mặt của vạn vật sự sống đã được khoa học soi sáng, cả vật chất và tinh thần, thậm chí, dù còn lờ mờ, cả thời gian và không gian; thế nhưng khi phân chia loài người thành các giai cấp bla bla và bảo sự đối lập của Giai cấp Vô sản và Tư sản là  mâu thuẫn đối kháng thuộc cái gọi là Qui luật mâu thuẫn thí thật là hàm hồ. Những người cộng sản quan niệm "Mâu thuẫn đối kháng là mâu thuẫn giữa những giai cấp những tập đoàn người, có lợi ích cơ bản đối lập nhau"và dạy các thế hệ sau bằng những ví dụ rất đơn giản và cụ thể để minh chứng và xác thực lý thuyết của họ : Mâu thuẫn giữa địa chủ và nông dân, giữa giai cấp tư sản và vô sản là mâu thuẫn đối kháng điển hình. Và chính từ xuất phát điểm quan trọng này, những người cộng sản luôn hô hào cách mạng để giải quyết mọi mâu thuẫn về lợi ích vật chất, theo quan niệm "đối kháng" một mất một còn.
Theo triết học duy vật biện chứng của các vị í thì "Phát triển là sự đấu tranh của các mặt đối lập: Sự phát triển của sự vật, hiện tượng gắn liền với quá trình hình thành, phát triển và giải quyết mâu thuẩn. Sự thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập là 2 xu hướng tác động khác nhau của các mặt đối lập tạo thành mâu thuẫn. Như vậy, mâu thuẫn biện chứng cũng bao hàm cả “sự thống nhất” lẫn “đấu tranh” của các mặt đối lập." "Sự thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập không tách rời nhau, trong quá trình vận động, phát triển của sự vật, sự thống nhất gắn liền với sự đứng im, với sự ổn định tạm thời của sự vật.
Sự đấu tranh gắn liền với tính tuyệt đối của sự vận động và phát triển. Điều đó có nghĩa là sự thống nhất của các mặt đối lập là tương đối, tạm thời; sự đấu tranh của các mặt đối lập là tuyệt đối. Việc hình thành, phát triển và giải quyết mâu thuẩn là một quá trình đấu tranh ..."
Bỏ qua sự rối rắm của diễn giải, túm váy tư tưởng khúc cộng sản này là phải có đấu tranh để giải quyết các mặt đối lập tồn tại mâu thuẫn thì cuộc sống mới phát triển được, và sự vận động và phát triển có tính tuyệt đối là đấu tranh. Không thể khác.

Thực ra, khi các mặt đối lập mất cân bằng sảy ra mâu thuẫn có cứ phải "đấu tranh" nhau mới xong, để phát triển? Và cái gọi là "mâu thuẫn đối kháng" khi xung đột lợi ích của mọi người (giai cấp) có là tuyệt đối để phải "cách mạng" ?

Thực tế ở thời hiện tại, người ta đã quá hiểu quan hệ giữa các mặt đối lập, cả của thiên nhiên và xã hội con người. Cả thế giới đang sốt vó sửa chữa sai lẩm một thời vì muốn chinh phục thiên nhiên để cố lấy lại sự cân bằng sinh thái. Sự ổn định xã hội cùng các chế độ lương bổng và quĩ phúc lợi đầy tính nhân bản ở các nước phát triển cũng tất yếu là hệ quả của cách thức giải quyết xung đột về lợi ích (nếu có) !

Vậy thì những ví dụ về mâu thuẫn không đội trời chung  giữa nông dân và địa chủ, giữa vô sản và tư sản có phải là không thực, và việc gì họ phải giết nhau ? bởi rõ ràng, dưới ánh sáng mặt trời, họ đều muốn sống và cũng biết ở mức độ an toàn để tự cân bằng giữa khả năng và nhu cầu.

"Qui luật mâu thuẫn" là hoang đường và "mâu thuẫn đối kháng" là quan niệm của quỷ.

Mâu thuẫn (không có quy luật-sic) của tuốt tuột vạn vật xuất hiện khi các mặt đối lập (tồn tại như chân lý) mất cân bằng. Loài có trí tuệ - Người - được tạo ra có nghĩa vụ gìn giữ sự cân bằng cho các mặt đối lập, của thiên nhiên và của chính mình, bằng sức mạnh của tình yêu thương !
Còn Phát triển? Chẳng phải sự tác động qua lại giữa hai mặt đối lập phổ biến ở trạng thái cân bằng động là gốc gác của mọi sinh sôi nảy nở ư ! :-)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét