Thứ Tư, 28 tháng 9, 2011

Trong chiến tranh 54-75, có một hay hai Quốc gia trên hai miền Bắc, Nam?

 Cảm ơn Mr Do đã dẫn link.

Cảm ơn tác giả đã công phu soạn đồ bản lý lẽ này, nhưng chắc để vui là chính, bởi sức mấy mà có dịp tranh biện khi TQ luôn tìm cách để "tay bo" ! Và ngoài ra còn có cả môt lý do " hơn cả thế nữa" :)
Dù sao cũng hưởng ứng Mr Do. Quảng bá để mọi người cùng nhận xét tương quan mạnh - yếu VN-TQ.
Trong đồ bản lý lẽ này còn thiếu (theo mình) một lý luận rất cơ bản  cho lẽ vô giá trị của Công hàm 1958. Tất nhiên không chỉ lý do "nó" vi hiến, bởi cái này nhẹ hều, rất dễ bị TQ và Tòa phủ định, có cái khác nặng ký hơn nhiều...

 

Dương Danh Huy – Quỹ Nghiên cứu Biển Đông

Những gì chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa trước 30/4/1975 (VNDCCH) đã nói hoặc không nói liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa đã để lại một vũ khí tuyên truyền mà Trung Quốc đã, đang và sẽ tiếp tục khai thác trong tranh chấp chủ quyền trên hai quần đảo này với Việt Nam.
Thực tế là VNDCCH đã không hề tuyên bố rằng Hoàng Sa, Trường Sa là của mình, hoặc là của Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Nổi bật nhất là VNDCCH đã không có lời bảo lưu về hai quần đảo này trong công hàm của Thủ tướng VNDCCH Phạm Văn Đồng gửi Chu Ân Lai ngày 14/9/1958.
Ngoài ra, phía Trung Quốc còn cho rằng tồn tại những sự kiện sau:
●     Ngày 15/6/1956, Thứ trưởng  Ngoại giao VNDCCH Ung Văn Khiêm đã nói với thường vụ viên của sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội rằng Hoàng Sa, Trường Sa là của Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc chưa từng nêu ra biên bản của buổi họp họ cho rằng trong đó Ung Văn Khiêm đã nói điều trên.
●     Sách giáo khoa và bản đồ và báo Nhân Dân dưới thời VNDCCH đã thể hiện quan điểm Hoàng Sa, Trường Sa là của Trung Quốc.

Dễ có thể thấy được tại sao những điều trên là vũ khí tuyên truyền lợi hại cho Trung Quốc, nhưng theo pháp lý quốc tế thì không có nghĩa chúng làm cho nước Việt Nam thống nhất mất chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa vào tay Trung Quốc.
Chúng ta có lập luận mạnh mẽ để cho rằng trước khi Việt Nam chia đôi, Hoàng Sa là của Việt Nam, và Pháp đã tuyên bố chủ quyền đối với Trường Sa một cách hợp pháp và sáp nhập Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa của Nam Kỳ.
Tuy vậy, giai đoạn Việt Nam chia đôi đã để lại một số nghi vấn cho danh nghĩa chủ quyền của Việt Nam. Vì VNCH và VNDCCH đã có những hành vi rất khác nhau liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa, trả lời cho một số câu hỏi về tính quốc gia và thẩm quyền của VNDCCH và VNCH trong giai đoạn này có nhiều ảnh hưởng đến lập luận của Việt Nam.
Mục đích của bài viết này là tổng hợp một số khả năng và lập luận khác nhau lại thành một bản đồ lý lẽ. Bản đồ đó còn nhiều thiếu sót vì còn nhiều vấn đề cần được các nhà luật học Việt Nam làm sáng tỏ, nhưng hy vọng rằng nó sẽ đóng góp cho thảo luận và khuyến khích việc nghiên cứu. Người đọc có thể tự xét xem quan điểm của mình nằm đâu trên bản đồ đó, hay nằm ở điểm chưa có trên bản đồ, có thể tự bác bỏ một số điểm trên bản đồ, và có thể tự xét xem cần thêm gì để củng cố lập luận cho quan điểm của mình. Với mục đích đó, bài này sẽ xét những trường hợp sau cho giai đoạn chiến tranh 1954-1975.
Ký hiệu
Trường hợp
2-B
Có 2 Quốc gia, và Quốc gia ở miền Bắc (VNDCCH) thừa kế Hoàng Sa, Trường Sa từ nước Việt Nam trước khi chia đôi.
2-N
Có 2 Quốc gia, và Quốc gia ở miền Nam (VNCH) thừa kế Hoàng Sa, Trường Sa từ nước Việt Nam trước khi chia đôi. Trường hợp này bao gồm hai tiểu trường hợp 2-N-K và 2-N-R dưới đây.
2-N-K
Có 2 Quốc gia, Quốc gia ở miền Nam (VNCH) thừa kế Hoàng Sa, Trường Sa, và VNDCCH đã không gây ra cho bản thân mình sự ràng buộc không tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa với Trung Quốc
2-N-R
Có 2 Quốc gia, Quốc gia ở miền Nam (VNCH) thừa kế Hoàng Sa, Trường Sa, nhưng VNDCCH đã gây ra cho bản thân mình một sự ràng buộc không tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa với Trung Quốc.
1-B
Có 1 Quốc gia, và chính phủ miền Bắc là đại diện cho Quốc gia đó trong giai đoạn chiến tranh 1954-1975.
1-N
Có 1 Quốc gia, và chính phủ miền Nam là đại diện cho Quốc gia đó trong giai đoạn chiến tranh 1954-1975.
1-X
Có 1 Quốc gia, và trong giai đoạn chiến tranh 1954-1975 không có chính phủ nào riêng biệt có thể thay đổi về danh nghĩa chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa.
Khi viết bài này, một số nhà luật học có nhiều uy tín của Việt Nam đã giúp tác giả một số tư liệu, thông tin, nhiều hướng dẫn quý báu về pháp lý quốc tế, và nhiều thảo luận về lập luận. Tác giả cảm ơn các nhà luật học này. Tất cả những sai sót về kiến thức, phương pháp lập luận, quan điểm, là của tác giả.

Trong giai đoạn Việt Nam chia đôi

Một số sự kiện liên quan đến giai đoạn này là:
  • Ngày 2/9/1945 chính quyền Việt Minh tuyên bố sự ra đời của chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
  • Ngày 5/6/1948 Pháp ký hiệp ước Vịnh Hạ Long công nhận một chính thể dưới chính quyền Bảo Đại với tên Quốc gia Việt Nam.
  • Ngày 20/7/1954 Pháp và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký Hiệp định Genève tạm thời chia Việt Nam thành hai vùng tập kết quân sự.
  • Ngày 26/10/1955, Ngô Đình Diệm tuyên bố thành lập chính thể Việt Nam Cộng hòa.
  • Năm 1969 chính thể Cộng hòa Miền Nam Việt Nam được thành lập với chính quyền là Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam.
  • Ngày 30/4/1975 chính quyền Việt Nam Cộng hòa giải thể.
  • Ngày 25/4/1976 Việt Nam bầu cử Quốc hội cho nước Việt Nam thống nhất.
  • Ngày 2/7/1976 chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và chính quyền Cộng hòa Miền Nam Việt Nam sáp nhập với nhau thành chính quyền của nước Việt Nam thống nhất với tên Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Một hay hai Quốc gia?

Câu hỏi trước tiên cho giai đoạn này là câu hỏi: VNDCCH và VNCH là hai Quốc gia độc lập hay là hai vùng lãnh thổ của một Quốc gia trong tình trạng nội chiến?
Theo luật quốc tế, để là một Quốc gia (State), cần có (i) lãnh thổ, (ii) nhân dân, (iii) chính phủ, và (iv) khả năng có quan hệ với các chính phủ khác.
Một số nhà luật học có nhiều uy tín của Việt Nam cho rằng ý kiến của các luật gia quốc tế nổi tiếng nhất, thí dụ như James Crawford, Robert Jennings, Nguyễn Quốc Định, Jules Basdevant, Paul Reuter, Louis Henkin, Grigory Tunkin, cho rằng VNDCCH và VNCH là hai Quốc gia khác biệt.
Trong quyển The Creation of States in International Law, GS James Crawford lập luận như sau để cho rằng VNCH và VNDCCH là hai Quốc gia.
●      Sự ra đời của VNDCCH vào năm 1945 không có gì bất hợp pháp và VNDCCH có thể cho rằng mình là đại diện cho toàn Việt Nam. (Lưu ý với luận điểm này GS Crawford không khẳng định VNDCCH là một Quốc gia vào năm 1945). Sau khi Pháp “công nhận sự độc lập” của Quốc Gia Việt Nam (QGVN) trong Hiệp ước Vịnh Hạ Long 1948, với điều kiện QGVN phải nằm trong Liên Hiệp Pháp, VNDCCH và QGVN cũng vẫn chưa là hai Quốc gia, vì VNDCCH thì chưa kiểm soát được toàn bộ lãnh thổ, còn QGVN thì chưa thật sự độc lập.
●      Việc Hiệp định Genève 1954 thiết lập hai vùng tập kết quân sự phải được xem như sự thiết lập hai Quốc gia. Trên phương diện luật pháp cũng như trên thực tế, lãnh thổ của mỗi Quốc gia trên không phải là toàn bộ Việt Nam. (Với luận điểm này, GS Crawford cho rằng ranh giới trong Hiệp định Genève đã trở thành biên giới giữa hai Quốc gia, có nghĩa VNDCCH và QGVN (cũng như VNCH, là  thể chế tiếp nối QGVN) đáp ứng được các điều kiện về (i) lãnh thổ và (ii) nhân dân).
●      Trong Hiệp đinh Paris 1973, VNCH và VNDCCH được xem như hai thể chế trong việc sử dụng quân sự, tự khẳng định, đối nội và đối ngoại. Những thể chế như thế là những Quốc gia. (Với luận điểm này, GS Crawford cho rằng Hiệp đinh Paris 1973  có nghĩa VNDCCH và VNCH đáp ứng được các điều kiện (iii) chính phủ và (iv) khả năng có quan hệ với các chính phủ khác, và vì vậy nó công nhận VNCH và VNDCCH là hai Quốc gia).

Chắc chắn là VNDCCH và VNCH đều có thể đáp ứng được các điều kiện (iii) chính phủ và (iv) khả năng có quan hệ với các chính phủ khác, nhưng còn hai điều kiện (i) lãnh thổ và (ii) nhân dân thì sao?
Theo ý kiến của tác giả, mặc dù thực tế về sự kiểm soát và ngoại giao ủng hộ quan điểm tồn tại hai Quốc gia với lãnh thổ và nhân dân được giới hạn bởi vĩ tuyến 17, để trả lời câu hỏi về có một hay hai Quốc gia, intention cũng là một khía cạnh cần được xét đến song song với thực tế. Intention của VNCH và VNDCCH là gì? Có phải là mình là Quốc gia với lãnh thổ và nhân dân được giới hạn bởi vĩ tuyến 17 hay không?
Hiến pháp đầu tiên của VNDCCH ra đời năm 1946. Đương nhiên lúc đó VNDCCH cho rằng lãnh thổ của mình bao gồm Bắc, Trung, Nam. Điều 2 hiến pháp VNDCCH 1946 ghi, “Đất nước Việt Nam là một khối thống nhất Trung Nam Bắc không thể phân chia”. Lời nói đầu của hiến pháp 1959 của VNDCCH ghi, “Nước Việt Nam ta là một nước thống nhất từ Lạng Sơn đến Cà Mau”, và điều 1 ghi, “Đất nước Việt Nam là một khối Bắc Nam thống nhất không thể chia cắt”.
Việc từ “thống nhất” và các cụm từ “không thể phân chia” và “không thể chia cắt” được dùng cho một thực thể địa lý, ở đây là “Đất nước Việt Nam” từ Bắc đến Nam, có vẻ như là sự khẳng định không thể chia thực thể địa lý đó thành hay cho hai Quốc gia. Như vậy, dường như các hiến pháp của VNDCCH không công nhận việc chia thực thể địa lý bao gồm Bắc, Nam thành hai Quốc gia.
Hiến pháp đầu tiên của VNCH ra đời năm 1956. Lời mở đầu viết “Ý thức rằng Hiến pháp phải thực hiện nguyện vọng của nhân dân, từ Mũi Cà Mâu đến Ải Nam Quan”. Điều 1 hiến pháp VNCH 1956 ghi, “Việt Nam là một nước Cộng hòa, Độc lập, Thống nhất, lãnh thổ bất khả phân”. Điều 1 hiến pháp VNCH 1967 lặp lại điều 1 của hiến pháp VNCH 1956. Câu hỏi là “Việt Nam” trong điều 1 hiến pháp VNCH 1956 là từ Cà Mau đến vĩ tuyến 17 hay đến Ải Nam Quan? Nếu là đến Ải Nam Quan thì dường như “Thống nhất” và “bất khả phân” trong hiến pháp VNCH cũng có nghĩa không công nhận việc chia thực thể địa lý bao gồm Bắc, Nam thành hai Quốc gia.
Hiệp định Genève 1954 chia đôi Việt Nam chỉ chia Việt Nam thành hai vùng tập kết quân sự và quy định rằng cho đến khi có tổng tuyển cử thì việc quản lý dân sự trong nằm trong tay VNDCCH và Liên Hiệp Pháp. Như vậy, Hiệp định Genève riêng nó không chia Việt Nam thành hai Quốc gia với hai chính phủ.
Hiệp định Paris 1973 cũng khẳng định là ranh giới trong Hiệp định Genève 1954 chỉ là ranh giới tạm tời giữa hai vùng tập kết quân sự, chứ không phải ranh giới chính trị hay lãnh thổ.
Như vậy, có thể lập luận rằng các hiến pháp của VNDCCH và VNCH đều cho rằng từ Nam Quan đến Cà Mau chỉ có một Quốc gia, tức là lãnh thổ của VNCH hay VNDCCH đều không bị giới hạn bởi vĩ tuyến 17, và Hiệp định Genève 1954 không đi ngược với quan điểm đó. Cũng xin nói thêm là QGVN không ký kết hiệp đinh này.
Phân tích về các hiến pháp này, một trong những nhà luật học có nhiều uy tín của Việt Nam cho rằng:
●      Các hiến pháp trên đã cố tình tránh dùng các thuật ngữ pháp lý “lãnh thổ nước VNDCCH” hay “lãnh thổ nước VNCH”, và chỉ thể hiện quan điểm chính trị (thay vì quan điểm pháp lý) của VNCH và VNDCCH không chấp nhận sự chia đôi vĩnh viễn, và không chấp nhận việc có hai Quốc gia.
●      Quan điểm chính trị đó đã phải nhường bước trước thực tế chính trị-pháp lý, và VNCH và VNDCCH đã hành xử như hai Quốc gia với lãnh thổ giới hạn bởi vĩ tuyến 17.
●      Thực tế quản lý, ngoại giao và những điều trên ủng hộ quan điểm VNDCCH và VNCH là hai Quốc gia.
Câu hỏi ở đây là một phiên tòa quốc tế, hay các nhà luật học quốc tế, sẽ giải thích các hiến pháp trên thế nào? Và nếu giải thích đó đi ngược với thực tế quản lý và ngoại giao nghiêng về có hai quốc gia, thì tòa và các nhà luật học sẽ quyết định thế nào?
Ngoài những cân nhắc trên, chúng ta cũng phải xét đến câu hỏi: Quan điểm của chính phủ Việt Nam ngày nay là gì? Quan điểm đó có thể ảnh hưởng đến việc tranh tụng ở tòa và lập luận mà các tác giả Việt Nam có thể công bố rộng rãi.
Chúng ta có thể xây dựng luồng lập luận chính về Hoàng Sa, Trường Sa dựa trên một trong hai trả lời, nhưng cũng vẫn phải xây dựng luồng lập luận phụ để dự trù cho trường hợp trả lời đó không được tòa, hay ý kiến luật học, hay các nhà chính trị Việt Nam ngày nay chấp nhận.

Các trường hợp hai Quốc gia: 2-B, 2-N, 2-N-K, 2-N-R

Trong trường hợp VNDCCH và VNCH là hai Quốc gia khác biệt, chúng ta phải trả lời câu hỏi: Quốc gia nào đã thừa kế danh nghĩa chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa từ nước Việt Nam trước đó?
Hiêp định Genève không trả lời rõ ràng về vấn đề này.
Thứ nhất, Hiêp định Genève không ghi rõ ràng về Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về vùng tập kết quân sự nào. Theo Hiêp định Genève, ranh giới chỉ kéo dài từ đất liền vào lãnh hải theo một đường vuông góc với bờ biển. Lúc đó, lãnh hải chỉ là 3 hải lý hay cùng lắm là 12 hải lý cho nên ranh giới đó không vươn ra đến Hoàng Sa, Trường Sa. Tuy nhiên, một trong những nhà luật học hàng đầu của Việt Nam cho rằng, theo quan điểm của Việt Nam lúc đó, Hoàng Sa, Trường Sa là lãnh thổ phụ thuộc của các tỉnh ven bờ cho nên hai quần đảo này đương nhiên thuộc về vùng tập kết phía nam cùng với các tỉnh đó.
Thứ nhì, Hiệp đinh nói về hai vùng tập kết quân sự chứ không phải về lãnh thổ của hai Quốc gia.
Vì vậy, có lẽ trả lời cho câu hỏi “Quốc gia nào đã thừa kế danh nghĩa chủ quyền quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa từ nước Việt Nam trước đó?” tùy thuộc vào thực tế quản lý và nhận thức của VNDCCH và VNCH. Như vậy, trên lý thuyết có hai trường hợp sau.

Trường hợp 2-B

VNDCCH và VNCH đã trở thành hai Quốc gia khác biệt và VNDCCH là Quốc gia thừa kế danh nghĩa chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa. Trong trường hợp này, các hành vi của VNDCCH liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa sẽ bất lợi cho chủ quyền Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa. Việt Nam phải bác bỏ trường hợp này. Để dự trù cho trường hợp sự bác bỏ không thuyết phục được toà án quốc tế hay ý kiến học thuật, các nhà nghiên cứu Việt Nam phải nghiên cứu về các nguyên tắc recognition, acquiescence và estoppel trong luật quốc tế để lập luận rằng các hành vi của VNDCCH không làm cho VNDCCH bị mất danh nghĩa chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa.

Trường hợp 2-N

VNDCCH và VNCH đã trở thành hai Quốc gia khác biệt và VNCH là Quốc gia thừa kế danh nghĩa chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa. Trong trường hợp này, các hành vi của VNDCCH không ảnh hưởng đến danh nghĩa chủ quyền mà VNCH duy trì. Trường hợp này có sẽ lợi cho Việt Nam.
Trên thực tế, QGVN và sau đó là VNCH luôn luôn khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa, trong khi cho đến năm 1975 VNDCCH mới gửi quân đội đến Trường Sa, cho nên trường hợp 2-N, cũng là trường hợp có lợi cho Việt Nam, là hợp lý hơn trường hợp 2-B.
Riêng về Trường Sa thì có thể lập luận rằng Pháp đã sáp nhập Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa, không bảo lưu gì về Trường Sa khi VNCH trở thành một Quốc gia hoàn toàn độc lập bao gồm tỉnh Bà Rịa, và sau đó Pháp cũng không phản đối việc VNCH thực thi chủ quyền đối với Trường Sa, cho nên VNCH đã thừa kế chủ quyền đối với Trường Sa từ Pháp. Với lập luận đó, về Trường Sa, VNDCCH là một bên hoàn toàn không liên quan, và trường hợp 2-N là hoàn toàn áp dụng.
Xin nói bên lề ở đây rằng không những lập luận “thừa kế Trường Sa từ Pháp” khẳng định được trường hợp 2-N (thay vì 2-B), tức là trường hợp có lợi cho Việt Nam,  nó còn vững chắc hơn lập luận “thừa kế Trường Sa từ nhà nước phong kiến Việt Nam” (vì khó chứng minh được rằng nhà nhà nước phong kiến Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền trên toàn bộ quần đảo Trường Sa và đội Bắc Hải đã thực thi chủ quyền trên toàn bộ vùng lãnh thổ đó.
Trong trường hợp 2-N, mặc dù VNDCCH không thể ảnh hưởng đến danh nghĩa chủ quyền mà VNCH thừa kế và duy trì, và không thể gây ra sự ràng buộc gì cho VNCH, chúng ta vẫn cần phải xét xem VNDCCH có đã gây ra nghĩa vụ có tính ràng buộc nào cho bản thân mình hay không. Vì vậy, trường hợp 2-N bao gồm 2 tiểu trường hợp sau:
Tiểu trường hợp 2-N-K
VNDCCH đã không gây ra nghĩa vụ có tính ràng buộc nào cho bản thân mình, cho nên nước Việt Nam thống nhất chỉ thừa kế danh nghĩa chủ quyền từ VNCH, không phải thừa kế nghĩa vụ gì từ VNDCCH. Trường hợp này sẽ hoàn toàn có lợi cho Việt Nam.
Tiểu trường hợp 2-N-R
VNDCCH đã gây ra nghĩa vụ có tính ràng buộc nào đó cho bản thân mình, cho nên nước Việt Nam thống nhất có thể phải thừa kế nghĩa vụ đó từ VNDCCH cùng với thừa kế danh nghĩa chủ quyền từ VNCH. Trường hợp này để lại một di sản có hại cho Việt Nam, một di sản có lợi, và sẽ được phân tích sau.
2-N-K hay 2-N-R?
Định nghĩa của trường hợp 2-N là VNCH là Quốc gia thừa kế chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa. Trong trường hợp 2-N, không thể có chuyện VNDCCH gây ra nghĩa vụ ràng buộc VNDCCH phải chuyển nhượng hai quần đảo này cho Trung Quốc, hoặc phải từ bỏ chủ quyền đối với hai quần đảo này. VNDCCH cũng không thể gây ra sự ràng buộc gì cho VNCH.
Tuy nhiên, VNDCCH vẫn có tiềm năng gây ra một sự ràng buộc về tự giới hạn quyền tự do hành động của bản thân mình, ở đây là quyền trong tương lai VNDCCH có thể tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa với Trung Quốc. Có thể minh hoạ khái niệm “ràng buộc về tự giới hạn quyền tự do hành động của bản thân mình” bằng kịch bản giả định sau.
●     Nhật và Hàn Quốc tranh chấp nhóm đảo Takeshima/Dokdo, Trung Quốc là bên thứ ba trong tranh chấp này.
●     Trung Quốc ký một thoả thuận với Nhật trong đó Trung Quốc sẽ không bao giờ tranh chấp nhóm đảo Takeshima/Dokdo với Nhật để đổi với một khoản viện trợ. Rõ ràng thoả thuận này không có giá trị chuyển nhượng Takeshima/Dokdo cho Nhật và không có giá trị ràng buộc gì đối với Hàn Quốc.
●     Sau đó Hàn Quốc chuyển nhượng danh nghĩa chủ quyền đối với Takeshima/Dokdo cho Trung Quốc.
●     Trong kịch bản giả định này, khả năng là toà quốc tế sẽ không cho phép Trung Quốc tranh chấp Takeshima/Dokdo với Nhật.

Minh hoạ này cho thấy trong trường hợp Hoàng Sa, Trường Sa là của VNCH, và VNDCCH không phải là một bên trong tranh chấp, thì VNDCCH vẫn có tiềm năng gây ra nghĩa vụ ràng buộc giới hạn quyền tự do hành động của bản thân mình, cụ thể nghĩa vụ ràng buộc VNDCCH không được tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa với Trung Quốc, và chúng ta phải xét xem tiềm năng đó có đã trở thành thực tế hay không.
Mặc dù hành vi của VNDCCH có thể bị hiểu là công nhận hay thừa nhận Hoàng Sa, Trường Sa là của Trung Quốc, hoặc bị diễn giải là VNDCCH tự giới hạn quyền tự do hành động của mình, hành vi đó là những động thái đơn phương. Theo luật quốc tế, cần phải có nhiều điều kiện trước khi các động thái đơn phương, hay các lời hứa, có thể gây ra nghĩa vụ ràng buộc. Nguyên tắc này bao gồm:
●      Khi một Quốc gia tuyên bố về tự giới hạn quyền tự do hành động của mình thì cần phải giải thích tuyên bố đó một cách có giới hạn.
●      Cần phải xét đến bối cảnh của tuyên bố đó.
●      Phải rõ ràng là bên tuyên bố thể hiện ý muốn bị ràng buộc bởi tuyên bố đó.
●      Bên kiện bên tuyên bố phải đã có hành động dựa trên tuyên bố đó.
Phán quyết của Toà án Công lý Quốc tế về tranh chấp các đảo/đá Pedra Branca, Middle Rocks và South Ledge giữa Malaysia và Singapore thể hiện rất rõ những nguyên tắc trên.
Năm 1953 Singapore hỏi bang Johor, một trong những tiền thân của Malaysia, về chủ quyền đối với đảo Pedra Branca. Johor trả lời bằng công hàm rằng họ không có tuyên bố chủ quyền đối với Pedra Branca.
Singapore đưa ra trước Toà ba luận điểm về công hàm 1953 của Johor: (a) Johor đã từ bỏ chủ quyền, (b) một estoppel, và (c) có tính cách ràng buộc.
Toà bác bỏ cả ba quan điểm trên của Singapore với những lý do:
●     Công hàm 1953 của Johor không có hiệu quả pháp lý có tính quyết định.
●     Bên viện nguyên tắc estoppel phải chứng minh là mình đã có hành động dựa vào tuyên bố của bên kia, nhưng các hành động của Singapore không phải là dựa vào công hàm 1953 của Johor.
●     Khi một nước tuyên bố một điều tự hạn chế quyền tự do hành động của mình thì cần phải giải thích tuyên bố đó một cách có giới hạn.
●     Công hàm 1953 của Johor không phải là trong văn cảnh tranh chấp chủ quyền giữa Singapore và Johor cho nên không thể giải thích nó là có tính ràng buộc.

Có nhiều điều song song giữa công hàm 1953 của Johor và hành vi của VNDCCH, bao gồm cả công hàm Phạm Văn Đồng:
●      Các tuyên bố và ấn phẩm của VNDCCH không có hiệu quả pháp lý có tính quyết định.
●      Không có chứng cớ rằng những hành động của Trung Quốc như đánh chiếm Hoàng Sa, hay viện trợ cho VNDCCH là vì dựa vào các tuyên bố của VNDCCH. Không những thế, vì VNDCCH không phải là Quốc gia thừa kế Hoàng Sa, Trường Sa, những tuyên bố của VNDCCH không có thẩm quyền để Trung Quốc có thể dựa vào.
●      Nếu VNDCCH có tuyên bố tự giới hạn quyền tự do hành động của mình, thí dụ như tuyên bố “tán thành” và “tôn trọng” về những gì trong tuyên bố 1958 của Trung Quốc về đường cơ sở và lãnh hải, thì cần phải giải thích những tuyên bố đó một cách có giới hạn. Có thể dùng nguyên tắc “giải thích những tuyên bố đó một cách có giới hạn” để ủng hộ lập luận cho rằng chủ ý của công hàm Phạm Văn Đồng không phải là để công nhận Hoàng Sa, Trường Sa là của Trung Quốc.
●      Những tuyên bố hay ấn phẩm của VNDCCH không phải là để trả lời Trung Quốc trong tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa giữa VNDCCH và Trung Quốc, cho nên không thể cho rằng chúng có tính ràng buộc.
Những điểm song song trên ủng hộ quan điểm VNDCCH đã không hề gây ra nghĩa vụ ràng buộc cho mình, và trường hợp 2-N-K, cũng là trường hợp có lợi cho Việt Nam, là hợp lý hơn 2-N-R.
Lưu ý trong trường hợp 2-N (dẫn đến 2-N-K hoặc 2-N-R), danh nghĩa chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa không thuộc về VNDCCH cho nên các nguyên tắc recognition hay acquiescence không áp dụng, vì việc công nhận hay thừa nhân là của người khác những gì không phải của mình là những hành động không có giá trị.
Để khẳng định trường hợp 2-N-K thay vì 2-N-R, các nhà nghiên cứu Việt Nam phải nghiên cứu về nguyên tắc estoppel để chứng minh rằng VNDCCH đã không gây ra một estoppel ràng buộc mình không được tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa với Trung Quốc.

Các trường hợp một Quốc gia: 1-B, 1-N, 1-X

Nếu trong giai đoạn chiến tranh 1954-1975 chỉ tồn tại một Quốc gia Việt Nam trong tình trạng nội chiến, chúng sẽ phải trả lời câu hỏi: VNDCCH hay VNCH là đại diện cho toàn Việt Nam trong giai đoạn đó, bao gồm cả về vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa? Sẽ có ba trường hợp sau.

Trường hợp 1-B

Chỉ tồn tại một nước Việt Nam trong tình trạng nội chiến, và VNDCCH là đại diện hợp pháp của toàn Việt Nam trong giai đoạn đó. Trường hợp này bất lợi cho Việt Nam như trường hợp 2-B. Việt Nam phải bác bỏ trường hợp này. Để dự trù cho trường hợp sự bác bỏ không thuyết phục được toà án quốc tế hay ý kiến học thuật, các nhà nghiên cứu Việt Nam phải nghiên cứu về các nguyên tắc recognition, acquiescence và estoppel trong luật quốc để lập luận rằng các hành vi của VNDCCH không làm cho VNDCCH bị mất danh nghĩa chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa.

Trường hợp 1-N

Chỉ tồn tại một nước Việt Nam trong tình trạng nội chiến, và chính phủ VNCH là đại diện của toàn Việt Nam trong giai đoạn đó. Vì VNCH luôn luôn duy trì danh nghĩa chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa, trường hợp này sẽ có lợi cho lập luận của Việt Nam như trường hợp 2-N-K. Xác suất trường hợp 1-N được chính phủ Việt Nam ngày nay chọn là thấp.

Trường hợp 1-X

Chỉ tồn tại một nước Việt Nam trong tình trạng nội chiến, nhưng với Hiệp định Genève và tình trạng nội chiến thì mỗi chính phủ VNCH hay VNDCCH riêng biệt không có đủ thẩm quyền để làm thay đổi danh nghĩa chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa. Trong trường hợp này, một mặt thì VNCH duy trì chủ quyền Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa, mặt kia thì những hành vi liên quan của VNDCCH không thay đổi được danh nghĩa chủ quyền đó. Vì vậy, trường hợp này cũng có lợi cho Việt Nam như trường hợp 1-N và 2-N-K.
Trong giai đoạn chiến tranh 1954-1975, quốc hội VNDCCH không có đại biểu được bầu bởi nhân dân miền Nam, và nghị viện VNCH và nghị viện VNCH không có đại biểu được bầu bởi nhân dân miền Bắc. Vì vậy, phải chăng có thể lập luận rằng mỗi chính phủ VNCH hay VNDCCH riêng biệt không có đủ thẩm quyền để làm thay đổi danh nghĩa chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa, tức là trường hợp 1-X?

Khi Việt Nam thống nhất

Khi Việt Nam thống nhất, danh nghĩa chủ quyền của Việt Nam sẽ tuỳ thuộc vào kịch bản nào áp dụng trong giai đoạn Việt Nam chia đôi.
Các trường hợp hai Quốc gia: 2-B, 2-N, 2-N-K, 2-N-R
Trong trường hợp giai đoạn chiến tranh 1954-1975 có hai Quốc qia, sẽ có vấn đề thừa kế giữa các Quốc gia Việt. Danh nghĩa chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa sẽ đi từ nước Việt Nam trước chia đôi đến một trong hai Quốc gia trong giai đoạn chiến tranh 1954-1975, và sẽ đi từ Quốc gia đó đến nước Việt Nam thống nhất.
Trường hợp 2-B có nghĩa VNDCCH thừa kế danh nghĩa chủ quyền từ nước Việt Nam trước đó, và các hành vi hữu quan của VNDCCH làm tổn hại danh nghĩa đó. Nước Việt Nam thống nhất sẽ thừa kế danh nghĩa chủ quyền đã bị tổn hại và khó có thể cạnh tranh pháp lý với Trung Quốc. Như đã nói, Việt Nam phải bác bỏ trường hợp này
Trường hợp 2-N-K có nghĩa VNCH thừa kế danh nghĩa chủ quyền từ nước Việt Nam trước đó, và nước Việt Nam thống nhất thừa kế danh nghĩa chủ quyền này từ VNCH. Vì Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về Việt Nam (hay Pháp, trong trường hợp Trường Sa) trước 1954, sau 1976 và ngày nay hai quần đảo này cũng thuộc về Việt Nam. Trường hợp này có lợi cho Việt Nam.
Trường hợp 2-N-R có nghĩa VNCH thừa kế danh nghĩa chủ quyền từ nước Việt Nam trước đó, và nước Việt Nam thống nhất thừa kế danh nghĩa chủ quyền này từ VNCH. Tuy nhiên nước Việt Nam thống nhất cũng phải thừa kế nghĩa vụ ràng buộc gây ra bởi VNDCCH, thí dụ như không được tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa với Trung Quốc. Như vậy, nước Việt Nam thống nhất sẽ thừa kế hai điều trái nghịch nhau (danh nghĩa chủ quyền thừa kế từ VNCH và nghĩa vụ ràng buộc thừa kế từ VNDCCH) và một phiên toà quốc tế sẽ phải quyết định xoá bỏ điều nào thì sẽ công bằng hơn.
Như đã trình bày, những hành vi của VNDCCH đã không đáp ứng được các điều kiện để gây ra nghĩa vụ ràng buộc cho VNDCCH. Vì vậy, trong trường hợp VNDCCH và VNCH là hai Quốc gia độc lập, khả năng là chúng ta sẽ có trường hợp 2-N-K, có lợi cho Việt Nam, thay vì 2-N-R.
Giả sử như chúng ta có bị rơi vào trường hợp 2-N-R đi nữa, thì tác giả cũng cho rằng toà sẽ cho rằng việc xoá bỏ nghĩa vụ thừa kế từ VNDCCH sẽ công bằng hơn xoá bỏ danh nghĩa chủ quyền thừa kế từ VNCH.
Các trường hợp một Quốc gia: 1-B, 1-N, 1-X
Trong trường hợp giai đoạn chiến tranh 1954-1975 chỉ có duy nhất một Quốc qia, sẽ không có vấn đề thừa kế giữa các thể chế Việt, vì danh nghĩa chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa, sau khi đã thuộc về Việt Nam, sẽ chỉ thuộc về một Quốc gia Việt.
Trường hợp 1-B có nghĩa hành vi hữu quan của VNDCCH trong giai đoạn chiến tranh 1954-1975 đã gây tổn hại cho danh nghĩa chủ quyền của Việt Nam, và Việt Nam khó có thể cạnh tranh pháp lý với Trung Quốc. Đó là vì sao lập luận của Trung Quốc mặc nhiên cho rằng VNDCCH là đồng nghĩa với Việt Nam, bỏ qua sự kiện Việt Nam chia đôi và VNCH. Như đã nói, Việt Nam phải bác bỏ trường hợp này.
Trường hợp 1-N và 1-X thì sẽ hoàn toàn có lợi cho Việt Nam. Trong hai trường hợp này, danh nghĩa chủ quyền của Việt Nam không thay đổi trong giai đoạn chiến tranh 1954-1975. Vì Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về Việt Nam (hay Pháp, trong trường hợp Trường Sa) trước 1954, sau 1976 và ngày nay hai quần đảo này cũng thuộc về Việt Nam.

Kết luận

Các trường hợp bất lợi cho Việt Nam: 2-B và 1-B

Các trường hợp bất lợi cho Việt Nam là 2-B và 1-B. Như đã trình bày, khả năng là trường hợp 2-B bị pháp lý quốc tế loại bỏ. Lập luận của Trung Quốc dùng trường hợp 1-B. Trung Quốc mặc nhiên cho rằng VNDCCH là Việt Nam, bỏ qua VNCH. Theo ý kiến của tác giả,
●      Quan điểm chính trị của chúng ta phải bác bỏ 1-B và 2-B.
●      Chúng ta cần nghiên cứu luật pháp quốc tế để bác bỏ 1-B và 2-B, cũng như xác định khả năng có thể bác bỏ hai trường hợp này.
●      Để dự trù cho trường hợp toà án quốc tế hay ý kiến học thuật không chấp nhận việc bác bỏ 1-B và 2-B, các nhà nghiên cứu Việt Nam phải nghiên cứu về các nguyên tắc recognition, acquiescence và estoppel trong luật quốc tế (đó là những nguyên tắc phía Trung Quốc có thể dùng) để lập luận rằng các hành vi của VNDCCH không làm cho VNDCCH bị mất danh nghĩa chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa.

Trường hợp trung bình: 2-N-R

Trường hợp 2-N-R là trường hợp trung bình cho Việt Nam. Trong trường hợp này, nước Việt Nam thống nhất thừa kế hai điều đối nghịch với nhau: một bên là danh nghĩa chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa từ VNCH, và bên kia là nghĩa vụ ràng buộc nào đó ảnh hưởng đến Hoàng Sa, Trường Sa từ VNDCCH. Việc thắng thua sẽ tuỳ vào toà cho rằng xoá bỏ nghĩa vụ VNDCCH gây ra hay xoá bỏ chủ quyền Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa là công bằng hơn. Tất cả những chứng cớ chúng ta có hiện nay nghiêng về 2-N-K (VNDCCH đã không gây ra nghĩa vụ ràng buộc, trường hợp có lợi cho Việt Nam) thay vì 2-N-R. Tuy nhiên, để dự trù  cho mọi trường hợp, chúng ta vẫn cần nghiên cứu về luật pháp quốc tế, để
●      Củng cố lập luận để khẳng định trường hợp 2-N-K (thay vì 2-N-R), và xác định khả năng trường hợp 2-N-R được tòa chấp nhận.Điều này cần nghiên cứu về nguyên tắc estoppel và những tuyên bố đơn phương trong luật quốc tế.
●      Xác định khả năng, trong trường hợp 2-N-R, tòa sẽ xoá bỏ nghĩa vụ VNDCCH gây ra hay xoá bỏ chủ quyền Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa. Điều này cần nghiên cứu về luật quốc tế về bồi thường: nếu, trong trường hợp 2-N-R, CHXHCNVN phải bồi thường cho Trung Quốc vì hành vi của VNDCCH thì bồi thường thế nào là công bằng? Theo ý kiến của tác giả, giả sử Việt Nam có bị rơi vào trường hợp 2-N-R đi nữa, thì một toà án quốc tế cũng sẽ không đòi hỏi CHXHCNVN phải bồi thường cho Trung Quốc bằng danh nghĩa chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa.

Các trường hợp có lợi: 2-N-K, 1-N, 1-X

Các trường hợp có lợi cho Việt Nam là 2-N-K, 1-N và 1-X. Nếu Việt Nam khẳng định được một trong ba trường hợp này trước toà, khả năng là Việt Nam sẽ thắng Trung Quốc trong tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa.
Xác suất trường hợp 1-N được chính phủ Việt Nam ngày nay chọn là thấp. Như vậy, trong 6 trường hợp đã nêu ra, 2-N-K và 1-X là vừa có lợi cho Việt Nam, vừa khả thi trên diện chính trị. Lựa chọn cho Việt Nam là giữa hai trường hợp này.
Nếu Việt Nam cho rằng VNDCCH và VNCH không phải là hai Quốc gia, thì Việt Nam phải khẳng định trường hợp 1-X. Để khẳng định 1-X, Việt Nam có thể lập luận rằng trong giai đoạn chiến tranh 1954-1975, quốc hội VNDCCH không có đại biểu được bầu bởi nhân dân miền Nam, và nghị viện VNCH không có đại biểu được bầu bởi nhân dân miền Bắc, cho nên mỗi chính phủ VNCH hay VNDCCH riêng biệt không có đủ thẩm quyền để làm thay đổi danh nghĩa chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa. Nếu lập luận đó được chấp nhận thì Việt Nam sẽ thắng. Trước khi có thể chọn 1-X, chúng ta phải xác định khả năng tòa sẽ chấp nhận quan điểm “mỗi chính phủ VNDCCH và VNCH riêng biệt không có đủ thẩm quyền để thay đổi về danh nghã chủ quyền đối với Hoàng Sa, trường Sa” hay không.
Sách trắng của Việt Nam về Hoàng Sa, Trường Sa lập luận rằng trong giai đoạn chiến tranh 1954-1975, VNCH luôn khẳng định chủ quyền Việt Nam. Như vậy có thể hiểu được là thừa nhận rằng VNCH là một Quốc gia, vì trong luật quốc tế sự khẳng định chủ quyền phải là của Quốc gia mới có giá trị. Ngoài ra, có thể cho rằng quan điểm trên hình thức của VNDCCH về Cộng Hoà Miền Nam và Chính phủ Lâm thời Mặt trận Giải phóng Miền Nam là hình thức công nhận miền Nam là một Quốc gia khác biệt.
Phần lớn các luật gia quốc tế nổi tiếng nhất cho rằng VNCH và VNDCCH là hai Quốc gia. Trong quyển “Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa”, giáo sư luật quốc tế Monique Chemillier-Gendreau cũng dùng quan điểm đó. Trong sách dựa trên luận văn tiến sĩ của mình, giáo sư Nguyễn Hồng Thao cũng dùng quan điểm đó. Lập luận trong sách trắng của Việt Nam cũng dựa trên quan điểm đó.
Như vậy có vẻ như các lập luận ủng hộ chủ quyền Việt Nam dựa trên quan điểm VNCH và VNDCCH là hai Quốc gia.
Trên diện pháp lý, để khẳng định được trường hợp 2-N-K, Việt Nam phải
●      Cho rằng VNDCCH và VNCH là 2 Quốc gia. Đây là lãnh vực của các nhà chính trị.
●      Thuyết phục được tòa về rằng VNDCCH và VNCH là 2 Quốc gia. Điều này và các điều sau là lãnh vực của các nhà luật học.
●      Bác bỏ được trường hợp 2-B.
●      Bác bỏ được trường hợp 2-N-R.

Trên diện truyền thông đại chúng hiện nay, dường như Việt Nam không khẳng định cụ thể rằng VNCH và VNDCCH là hai Quốc gia khác biệt. Có lẽ Việt Nam e ngại rằng nếu VNCH và VNDCCH là hai Quốc gia khác biệt thì sẽ có câu hỏi là việc VNDCCH tham gia chiến tranh 1954-1975 có phải là một Quốc gia can thiệp vào nội bộ của Quốc gia khác hay không. Trong lãnh vực tuyên truyền về Hoàng Sa, Trường Sa, Trung Quốc đã, đang và sẽ tiếp tục lợi dụng tình hình đó bằng cách mặc nhiên cho rằng luôn luôn chỉ tồn tại duy nhất một Quốc gia Việt Nam, và VNDCCH là đại diện cho Quốc gia đó, để nói rằng Việt Nam đã công nhận rằng Hoàng Sa, Trường Sa là của Trung Quốc.
Tuyên truyền của Trung Quốc cho thấy việc lựa chọn giữa các khả năng thí dụ như được nêu ra trong bài này không chỉ là một vấn đề cho các nhà sử học và các nhà chính trị, mà nó còn ảnh hưởng đến lập luận của Việt Nam về chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa, và đến việc tranh thủ dư luận quốc tế.
Trong việc lựa chọn, người lựa chọn nên cho rằng VNDCCH và VNCH là quá khứ, trong khi nước Việt Nam thống nhất và sự vẹn toàn lãnh thổ, bao gồm Hoàng Sa, Trường Sa, Biển Đông, là hiện tại và tương lai. Sự vẹn toàn lãnh thổ, bao gồm Hoàng Sa, Trường Sa, Biển Đông, phải được nước Việt Nam thống nhất cho là ưu tiên hơn việc đánh giá những gì đã trở thành quá khứ. Mặt khác, chúng ta cũng không nên dùng sự lựa chọn trên để phục vụ những mục đích chính trị khác với đem lại cho Việt Nam lập luận mạnh mẽ nhất về chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét