Chủ Nhật, 2 tháng 3, 2014

Số phận một bức tượng

Cop bài này từ  bolapquechoa để lưu. Vấn đề là cái vụ này tác giả biết quá it, nhiều chi tiết không đúng (điển hình là bức tượng đá này được làm từ 1984, chứ không phải trước 1990 chừng 2 năm, và chi tiết Công viên 23/9-do anh tk và thi công 1/3 - song nhìn chung, tinh thần của bài viết đáng được quan tâm, thế nên anh lưu lại  như để giữ một cảm hứng, khi rảnh sẽ kể tường tận cho em nghe. [CNC :-)]
Nguyễn Minh Hòa   
Bài viết này không nhằm phê phán ai, mà chỉ muốn nhận được sự góp ý, tư vấn, hiến kế của các nhà khoa học, các học giả, các nhà hoạt động xã hội, các nhà mỹ thuật và tất cả những ai có kinh nghiệm trong trường hợp này làm sao xử lý cho phải đạo nhất nhằm giúp những người có trách nhiệm thoát ra khỏi tình huống khó xử này. Bạn đọc đừng lên án kẻo làm người viết bài này không biết sẽ sống ra sao, nhưng im lặng lâu quá thành ra có tội với tiền nhân. Nếu làm buồn lòng ai, xin hãy thứ lỗi.

Ảnh bên: Nhà điêu khắc Diệp Minh Châu trước tượng Bác


 Lịch sử một bức tượng
Tôi  phải có lời xin lỗi trước, vì có thể một vài thông tin trong bài viết này không thực chính xác, bởi thời gian đã trôi qua dù chưa thật lâu, nhưng những người liên quan trực tiếp đến nó có người đã mất, người thì quá già bị lẫn không còn nhớ gì nữa, người thân thì biết những cũng không ai ghi chép nên chỉ nhớ mại mại, các lãnh đạo các hiệp hội hiện nay là lớp hậu thế nên cũng chỉ nghe nói, và xung quanh bức tượng này có nhiều chuyện thêu dệt bên lề, chỉ do mọi người quá yêu tác giả: nhà điêu khắc nổi tiếng Diệp Minh Châu. 

Trước năm kỷ niệm Bác Hồ tròn 100 tuổi (1890-1990) chừng 2 năm, lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh đặt hàng Nhà điêu Khắc Diệp Minh Châu tác tượng bác Hồ để đặt ở công viên 23-9 và trước cửa Ủy Ban nhân dân TP.HCM. Cùng lúc Bác Châu làm 2 bức tượng, một bức là tượng Bác Hồ với thiêu nhi làm bằng đồng khối đặt trước cửa của Ủy Ban đã tồn tại gần 25 năm và sắp thỉnh sang nhà thiếu nhi thành phố, nhưng bức thứ 2 bằng đá thì có số phận thật truân chuyên đến mức hiện nay rất nhiều người đang tìm hỏi nó đang ở đâu?.

Vào khoảng năm 1988, thành phố Hồ Chí Minh có một phong trào phát động thiếu nhi toàn thành phố làm kế hoạch nhỏ, thu nhặt giấy báo, tập vở (gọi là ve chai) mang bán để mua đá làm tượng Bác. Không biết số tiền là bao nhiêu, có người nói tiền thu về không nhiều chỉ là ý nghĩa chính trị, còn thành phố Hồ Chí Minh bỏ ra là chủ yếu, lại có người nói phiến đá lớn năng gần 200 tấn (?)  là do tỉnh Phú Khánh (Khánh Hòa và Phú yên) tặng. Đó là tảng đá hoa cương xanh đen, đôi chỗ có xen lẫn vân đen đậm.

Theo phác thảo ban đầu và cũng là đặt hàng của lãnh đạo, Bác Diệp Minh Châu tạc tượng toàn thân của bác trong tư thế đứng. Nhưng điều trớ trêu là ở chỗ, phiến đá bị lỗi không thể tạc một khối liền mạch được. Đá bị nứt không biết là do đâu, có thể bị nứt ngầm trong quá trình khai thác, vận chuyển vì ngày đó thiết bị không khá như bây giờ, có thể tảng đá vốn bị lỗi bên trong khi còn nguyên sơ, có thể thợ đục làm sơ ý,…cuối cùng thì bức tượng được hoàn thành với 3 phần riêng biệt (xem hình), cũng có người sau này nói bác Châu cố tình làm như thế vì 3 thớt là 3 phần đại diện cho Bắc-Trung –Nam, lại có nhà điêu khác nói bức tượng nguyên mạch thì không vận chuyển được vì qua nặng, có lời đồn đoán là 180 tấn (thành phẩm), nhưng tác giả bài viết này đã đến ít nhất là 5 lần để đo đạc thì thực sự nó chỉ cao 7.8 mét nặng khoảng  25 -30 tấn là hết mức, chứ không như lời đồn là 180 tấn, bạn đọc xem ảnh và nhìn độ lún của đất thì sẽ định liệu được ngay.

Khi Bác Châu còn sống không có văn bản nào kết luận chính thức mà chỉ ngầm nói qua lại với nhau đây là bức tượng chưa hoàn hảo, bị lỗi. Tuy nhiên cũng có những ý kiến khác cho rằng bức tượng rất sống động, GS Trần Văn Giàu còn đánh giá: “Bức tượng Bác Hồ của Diệp Minh Châu hoàn thành trong năm kỷ niệm Cụ Hồ tròn 100 tuổi là tác phẩm đạt nhất của tác giả, là một bài trường ca giàu triết lý, là sự thể hiện một cách báo hiếu báo trung, là tiếng hát thiên nga”, thậm chí bài báo này còn nói nhuận bút của tác phẩm lên đến trên dưới 1 tỷ đồng vào thời điểm 1990 (xem Sài Gòn Giải Phóng, 1-3-2014).  Và bắt đầu từ đây, bức tượng có số phận long đong. Ban đầu tượng cất tại khuôn viên Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, đường Phó Đức Chính, Q1, sau một thời gian tượng được chuyển về đường Tô Hiến Thành, Q10… 

Và đến bây giờ thì đa phần những người hoạt động nghệ thuật và nhân dân không biết bức tượng bị lạc ở đâu. Trên tờ báo Sài Gòn Giải phóng này còn viết “sau gần 20 năm, bức tượng vĩ đại Bác Hồ của nhà điêu Khắc Diệp Minh Châu chưa được dựng cho thỏa lòng danh họa và công chúng TPHCM. Báo chí nước ngoài, trong đó có tờ báo Newsweek, Mỹ, có đưa tin và ảnh về sự hoang phí, lãng quên này. Vẫn không ai hay biết được gìn giữ ở đâu và bao giờ mới được dựng?”

Tượng bác ở đâu?

 Thật ra tượng Bác Hồ vẫn còn ở thành phố Hồ Chí Minh, sau khi Bác Châu mất thì nó được  chuyển về nằm ở một góc sân vườn của Bộ tư lệnh thành phố số 291, Cách mạng tháng 8, phường phường 12, quận 10, ngay  sau lưng câu lạc bộ Lan Anh lúc nào cũng náo nhiệt hát hò, ăn nhậu tưng bừng. Mọi người lạ ra vào không thấy bởi nó được chắn bằng một bức tường cao, có cây xanh. Trước khi gửi bài này, tác giả còn cẩn thận xem lại thì nó vẫn nằm ở đó như hơn 10 năm trước, trên một bãi đất, đá, gạch vụn, lá cây rụng, một số chỗ bị rêu bám, vào mùa mưa hai hốc mắt, hai lỗ tai chứa đầy nước và bụi bẩn hòa lẫn. Nói chung là khá thê thảm. Tại sao nó không được đặt trang trọng ở một nơi công cộng nào đó, hay ở sân một cơ quan nào đó? Câu trả lời, nó là tác phẩm chưa hoàn chỉnh. Nhưng tại sao không để trong một cái nhà có mái che thì chịu, không nhận được câu trả lời nào cả. Những người đến tận nơi không khỏi xót xa và tự hỏi một thành phố mang tên Bác, một quân đội mang tên là “Bộ đội cụ Hồ” lại làm như thế nào được sao?
Tượng Bác cất giấu ở đây

Xuất phát từ quan niệm rằng trong trường hợp này hãy coi tượng bác Hồ không phải là tượng thờ mà là một tác phẩm nghệ thuật, tác phẩm gắn liền với tên tuổi của một nhà điêu khắc Nam Bộ tài danh, lớn Nhất việt Nam, dù đó là tác phẩm chưa hoàn thành, còn đang dở dang. Bản thân nó có ý nghĩa về mặt lịch sử nghệ thuật và hẳn sẽ là một câu chuyện thú vị của giới sáng tác tạo hình được lưu truyền mãi với hậu thế và có thể được coi là một sự kiện ghi trong sách lịch sử nghệ thuật cách mạng của thành phố Hồ Chí Minh.

 Cần nói thêm là trên thế giới có rất nhiều những tác phẩm nghệ thuật tranh, tượng đang sáng tác dở dang thì ngừng lại có thể do hàng trăm lý do, tác giả hết tiền, cảm hứng bị hết, bị lỗi kỹ thuật,…sau hàng trăm năm lại trở nên vô giá. Bằng chứng là nhiều bức tranh tường của Michel Angelo, các bức tượng Leonardo De Vince bị bỏ ngang chừng nay có giá nhiều chục triệu USD....

 Từ nhận thức như thế mà vào năm 1998, lãnh đạo một trường đại học lớn của thành phố Hồ Chí Minh tha thiết xin rước bức tượng này về dựng trong khuôn viên nhà trường, nhưng sau gần 2 năm làm thủ tục, tổ chức hàng chục cuộc hội thảo chuyên gia với các kiến trúc sư, họa sĩ, điêu khắc gia bàn thảo các phương án dựng chi tiết. Nhiều cuộc họp với các ban ngành chức năng, vận động hành lang các kiểu với các cấp quản lý nhà nước từ trung ương đến cấp sở. Có lúc tưởng như đã thành công 100%, đến mức là đã chuẩn bị ký hợp đồng để sáng mai thuê xe để chở về, lập hẳn một ban công tác, nhưng rốt cuộc thi Bác vẫn nằm ở đó cô đơn, lạnh lẽo và bi thảm. 

Sau lần không thành công lần thứ nhất này, chừng 2 năm sau, một lần nữa trường này lại có một kế hoạch nữa là xin được tiếp nhận phần đầu cao khoảng 2.7 mét để ở trong nhà bảo tàng, do cấp trên không cho trưng bày ngoài trời nơi công cộng, nhưng kể cả kế hoạch 2 có vẻ đơn giản hơn cũng không xong.

Bây giờ phải làm sao, trưng bày thì không được, để mãi ở đó coi sao được? Liệu chăng có thể làm lễ chôn xuống đất hay hoàn thạch được không? Những ai có kinh nghiệm xin cho một lời khuyên nên làm sao cho phải. Tôi biết những người lãnh đạo cũng đang khó xử, bởi tôi ít nhiều có liên quan đến chuyện này. Còn riêng tôi và những người bạn hiểu biết về nghệ thuật đều lấy làm tiếc vì quả thật đây là một bức tượng có thể không đáp ứng được nhu cầu chính trị, nhưng nó rất đẹp và có hồn nhất trong những bức tượng mà Bác Châu sáng tạo, và dĩ nhiên hơn tất cả những bức tượng Bác được đổ khuôn đồng loạt có ở các hội trường hiện nay.

Thành phố đang ráo riết thực hiện kế hoạch dựng một bức tượng Bác mới bằng đồng thay cho bức tượng hiện nay trước cửa ủy Ban nhân dân thành phố, bởi bức tượng Bác Hồ với thiếu nhi đẹp, nhưng chưa xứng tầm hoành tráng của thành phố với bạn bè năm châu, và hơn thế nữa nhiều đoàn khi đến chào Bác (không biết nên dùng từ nào cho đúng) lại thắp nhang và có cả vòng hoa, thành ra không phải với cháu bé đại diện cho thế hệ trẻ.

 Việc chuyển bức tượng về nhà thiếu nhi thành phố cũng phải đạo, để Bác gần với các cháu hơn, và thay bằng bức tượng toàn thân của nhà điêu khắc Lâm Quang Nới cũng hoàn toàn hợp lẽ, nhưng chỉ có điều, những người biết việc thì thấy 78 tỷ thì quá xa xỉ. Nếu kể cả việc trả nhuận bút, lễ khánh thành, tiệc mừng thì chắc chắn là phải đến 80 tỷ, một con số chóng mặt. Một nhà điêu khắc cũng rất nổi tiếng, có nhiều tác phẩm hoàng tráng khác trong Nam, ngoài Bắc cho hay nếu làm bằng chất liệu đồng có chất lượng cao nhất, thậm chí có vài cây vàng thêm vào cho linh thì cũng chỉ đến 1,5 tỷ là  quá mức, với gía này tác giả cũng đã có phần thu nhập khá khá rồi.

Khi sinh thời Bác là người giản dị, tiết kiệm, Bác đâu có muốn khoa trương thế đâu. Cái có sẵn thì bỏ, cái làm mới thì qua đắt. Làm thế không sợ Bác buồn sao?

Tác giả gửi Quê Choa

3 nhận xét:

  1. Uả chứ không phải anh CNC là nha sĩ hả ? :-)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn và các người nhà bị sún răng à :-)

      Xóa
    2. Như 90% người Việt mình thôi ! :-)

      Xóa