Thứ Bảy, 1 tháng 3, 2014

Khoảng cách ấy không phải là tiền nữa rồi


Đào Tuấn
Xuất hiện trên truyền hình quốc gia sáng nay, ngày thầy thuốc Việt Nam 27.2, Giám đốc bệnh viện Việt Đức, BS Nguyễn Tiến Quyết đã cực kỳ tự tin với một câu hỏi khó. Đại ý ông cảm thấy thế nào khi trong thực tế, hàng tỷ USD mà người dân đổ ra nước ngoài chữa bệnh mỗi năm? Và phải làm sao để Việt Nam trở thành một địa chỉ “du lịch chữa bệnh” trong khi trình độ bác sĩ và khoa học kỹ thuật ở ta không thua kém các nước trong khu vực và thế giới? 


Vị thầy thuốc nhân dân lừng danh đã rất tự hào thừa nhận trình độ các thầy thuốc Việt Nam không thua kém bất cứ đâu trên thế giới do “các bác sĩ Việt Nam có đông bệnh nhân, nhiều kinh nghiệm”. Ông cũng nói, chi phí một ca ghép tạng chẳng hạn, chỉ rẻ bằng 1/3 so với nước ngoài.

Công bằng mà nói, những gì ngành y đã làm, những gì mà những người thầy thuốc đã hy sinh và cống hiến đáng để tự hào, chứ không phải tự phụ. 

Từ “cây đại thụ” Tôn Thất Tùng, từng được coi là “cha đẻ”, hay “vị tổ sư” của phương pháp “cắt gan có kế hoạch” thế giới, đã lại có những Nguyễn Thanh Liêm (GS, BS Bệnh viện nhi TƯ), với bảy kỹ thuật mổ hoàn toàn mới mà trên thế giới chưa ai thực hiện. 

Còn ghép tạng ư? Từ nhát cắt đầu tiên của GS Tôn Thất Tùng năm 1961, y học Việt đã không chỉ dừng ở một chữ cắt khi việc giành lấy sự sống cho người bệnh trong suốt 20 năm qua với những thành tựu tuyệt vời trong việc ghép gan, ghép thận, ghép tim.

Trở lại câu hỏi đề bài. Vậy phải làm thế nào để Việt Nam thực sự trở thành một địa chỉ “du lịch chữa bệnh”? Câu hỏi mà chính Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng trăn trở khi ông tới thăm bệnh viện C Đà Nẵng 1 ngày trước. 

Câu trả lời của bác sĩ Quyết thật tiếc, chỉ ở một ý: “Cần có cơ chế của nhà nước”. 

Cơ chế đó có thể là việc 477/1000 loại phí đã tăng. 

Cơ chế đó, có thể nằm ở việc phải sửa ngay sự bất cập “Chính sách tiền lương chưa tính đến đặc thù nghề nghiệp và thời gian đào tạo”- nói như Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến - những bất cập trong đãi ngộ có thể sẽ làm nảy sinh tình trạng “chảy máu” chất xám, không động viên khuyến khích mọi người tích cực làm việc, nghiên cứu, học tập, thậm chí, làm nảy sinh một số tiêu cực”….
Tất cả những điều đó đều đúng. Nhưng còn có một “cơ chế” khác phải được tạo ra từ chính những người thầy thuốc. 

Chỉ 2 hôm trước, con gái của một bênh nhân ung thư lưỡi, người đã chấp nhận bỏ ra “chi phí đắt gấp hàng chục lần trong nước” để đưa cha mình sang Singapore phẫu thuật, đã tâm sự thế này: 

"Mình đủ khả năng nhờ vả các bác sĩ tốt ở các bệnh viện lớn trong nước nhưng cứ nghĩ đến cảnh phải vạ vật khổ sở lại sợ".

Kể lại câu chuyện trên một tờ báo, người con kể “Sang bệnh viện bên đó như vào khách sạn, tới sảnh đã ngửi mùi cà phê thơm lừng, nghe tiếng piano dìu dặt... Quan trọng là họ khiến gia đình mình thấy lạc quan khi chữa ung thư chứ không bị dọa dẫm đến nỗi nơm nớp sợ sẽ chết vào ngày mai". 

Còn khi về nước, điều gia đình người bệnh hài lòng nhất lại là ở “cái thái độ”: “Có thể gọi điện, viết thư xin tư vấn của bác sĩ điều trị bất cứ lúc nào và được hồi đáp ngay, từ việc có bất thường ở vết mổ đến chuyện người bệnh nên ăn gì, kiêng gì…”. 

Nửa tỷ (đồng) ở Singapore. So với “kịch trần” 20 triệu đồng tại bệnh viện đầu ngành về ung thư trong nước. Khoảng cách ấy không phải là tiền nữa rồi. 

Khoảng cách ấy chứa trong nó… khoảng cách vời vợi về đời sống, thu nhập giữa cũng là những người thầy thuốc ở ta và “ở bển”. 

Khoảng cách ấy nằm ở vấn đề tâm lý mà việc “Đắt xắt ra miếng” thực chất lại chỉ là biểu hiện của niềm tin. 

Và khoảng cách ấy, không phải là vì thiếu một ly café hay tiếng dương cầm, thật là khó nói, đôi khi chỉ là sự ân cần, đáng lẽ phải là một phẩm chất bắt buộc của một vị từ mẫu. 

Nhân ngày thầy thuốc năm nay, xin tri ân những người siêu đẳng về chuyên môn. 

Hình như rất rõ ràng rằng một nụ cười, một sự quan tâm hoàn toàn không khó như việc chẳng hạn cho ra đời một cặp song sinh từ tinh trùng của một người đã chết mà dư luận ngỡ như sự kỳ diệu màu nhiệm tưởng chừng chỉ xảy ra trong những chuyện cổ tích mà các thày thuốc đã làm được, ngay trong năm 2013 vừa rồi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét