Thứ Tư, 26 tháng 3, 2014

THỦ PHẠM GIẾT SỐNG ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

(Chép-dán từ Chú Tễu)

Nguyễn Đăng Quang

Đại tá Nguyễn Đăng Quang (bên phải) và CCB Nguyễn Anh Dũng.

.

THỦ PHẠM GIẾT SỐNG ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM !

Nguyễn Đăng Quang

Ghi chú (hồi 22h50′, ngày 7/3/2014): Sau khi bài được đăng lên, lúc 01h ngày 7/3/2014, tác giả có chỉnh sửa và bổ sung một số đoạn, gửi tới Diễn đàn và đề nghị cập nhật thay thế bản cũ.
Chúng tôi được biết tác giả, Đại tá Nguyễn Đăng Quang, hiện đang điều trị bệnh và trong mấy ngày tới phải nhập viện để phẫu thuật. Rất cám ơn và cảm kích sự đóng góp của tác giả.
Cách đây hơn 23 năm ( tháng 1-1991), trên đường công tác, ghé vào nghỉ tại Nhà khách của Sứ quán ta, tôi được các đồng chí ở Sứ quán đưa cho đọc phụ bản của nguyệt san ĐOÀN KẾT- báo ra hàng tháng của Hội người Việt Nam(Việt kiều) tại Cộng hòa Pháp- số 420 ra tháng 1-1991. Tôi rất chú ý đến bài viết của tác giả Thái Như có tựa đề bằng phiên âm Hán-Việt, nguyên văn như sau: “Sư tử thân trung trùng thực sư tử nhục”. Tác giả Thái Như giải thích câu đó có nghĩa là Chỉ có loài sâu trong thân con sư tử mới ăn được thịt của con sư tử!”.  Sau đó tác giả dẫn giải sư tử là chúa tể rừng xanh ,một tiếng gầm của nó làm muôn thú run sợ, nói chi đến việc dám lại gần nó, dám mó đến người nó hay dám…ăn thịt nó ! Đó là những con sư tử khỏe mạnh và như thế nó là vô địch!  Ngược lại nếu có loài sâu bọ (trùng) ẩn nấp trong người nó, đục khoét dần xương tủy nó thì sao? Tác giả liền đi đến kết luận: “Đương nhiên, điều không thể tránh khỏi là con sư tử đó sẽ ngã quỵ một khi những con sâu trong người nó ngày một nhiều và lớn mạnh!”

Rồi tác giả liên hệ chuyến về thăm quê nhà, đến bất cứ đâu, vào bất kể một hội trường nào, ông đều thấy có những khẩu hiệu: “Chủ nghĩa Marx-Lenine vô địch muôn năm!”, “Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm!” v.v… làm ông liên tưởng đến sự vô địch của con sư tử! Vâng, nó vô địch thật nếu nó không bị sâu bọ đục khoét !

Sau đó tác giả đưa ra nhận xét: “Tình hình Việt Nam ta khó có thể xảy ra những biến cố như ở Liên Sô cũ hoặc các nước XHCN Đông Âu, song có những vấn đề thì nguy hiểm không kém! Đó là những con sâu vô cùng khủng khiếp đang đục khoét con sư tử! “. Để chứng minh, tác giả liệt kê:

- Chúng ta đã thấy một con sâu thật lớn: Đại tá Giám đốc Công an Đồng Nai bị tử hình vì bán bãi, tham ô cả ngàn lạng vàng.

- Chúng ta thấy cả một “nhóm sâu có tổ chức”: Cả một băng cán bộ đảng viên cao cấp toa rập, ăn cắp một cách quy mô vật tư cảng Sài gòn.

- Chúng ta đã thấy những con sâu thật khủng khiếp: Đốt kho cảng Hải Phòng để phi tang sự đục khoét của chúng.

- Và nay những con sâu “không có tên gì để gọi” đã ngang nhiên đốt cả Imexco Sài gòn !

Rồi còn biết bao con sâu bự khác như kiểu Hà Trọng Hòa đang lúc nhúc?

Phần cuối bài viết, tác giả thốt lên: “Sư tử thân trung trùng thực sư tử nhục ” là như thế và những con sâu ấy hiện đã quá to, quá mạnh ! Kết thúc bài viết, tác giả gióng lên câu hỏi cảnh báo: Liệu có thuốc chữa không và có chịu chữa hay không? Hay là con sư tử luôn luôn ngạo nghễ và gào to “Ta là vô địch!”, “Ta là bất tử!”, “Ta là đỉnh cao trí tuệ!”đây  trong lúc sâu nhặng đã tràn đầy cơ thể nó??.

Bài viết trên của nhà báo Thái Như thật sâu sắc và chí lý ! Và cho đến nay, sau hơn 23 năm, nó vẫn còn nguyên tính thời sự nóng hổi! Thiện ý của bài viết thì rất rõ và đầy tính xây dựng: Tác giả Thái Như muốn gửi đến Lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta một thông điệp rất rõ ràng cùng một mong ước rất thiết tha của một người con đất Việt sống xa xứ là “Đảng hãy tự chỉnh đốn mình, làm trong sạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo và đảng viên của mình, loại bỏ những ung nhọt trong cơ thể Đảng để đồng hành cùng dân tộc đưa đất nước tiến lên!”

Vâng, kể từ khi nhà báo Thái Như gửi đến Lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta thông điệp thiện chí này đến nay đã hơn 23 năm, và trong thời gian đó Đảng Cộng sản Việt Nam đã trải qua 5 kỳ Đại hội Đảng toàn quốc. Tại mỗi kỳ Đại hội, Đảng đều nêu lên từ 3 đến 4 nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng, trong đó lần nào cũng nêu nguy cơ tham nhũng, và đều hạ quyết tâm diệt trừ tận gốc tệ nạn này! Song quái lạ, nguy cơ này không những không bị  trừ diệt mà ngược lại, cứ qua mỗi kỳ Đại hội, nó càng ngày càng lớn, càng mạnh  lên, cả về quy mô cũng như về số lượng ! Và nguy hiểm hơn, nó không chỉ xảy ra trong lĩnh vực vật chất nữa mà nó lan sang cả nhiều lĩnh vực khác, như đạo đức, lối sống, tư tưởng, quyền lực, chính sách,v.v…! Bây giờ không chỉ là những con sâu đơn lẻ hoặc một nhóm vài ba con sâu như thời kỳ cuối những năm 1980′s hay đầu 1990′s mà nay  nó đã phát triển và lớn mạnh gấp nhiều lần hơn,trở thành những đàn sâu,bầy sâu, thậm chí cả “tập đoàn” sâu rồi !

Có thể khẳng định gần như 100% bọn sâu mọt tham nhũng đều là những cán bộ, đảng viên có chức, có quyền!  Người dân thường không thể tham nhũng và nếu có ai đó muốn làm điều đó cũng đâu có dễ? Và tuyệt đại đa số những vụ tham nhũng bị lôi ra ánh sáng là do người dân và báo chí  phát hiện, phanh phui và tố cáo! Còn những vụ do các cơ quan chức năng như kiểm tra (của Đảng), thanh tra(Chính quyền) và điều tra(Công an) khui ra thì rất ít, có thể đếm trên đầu ngón tay! Nhiều người khẳng định rằng những con sâu bị lộ so với những con sâu chưa bị lộ cũng giống như mẩu băng nổi của tảng băng chìm ! (Có lẽ,vì thế mà có câu nói: “Kính thưa đồng chí đã bị lộ! Kính thưa các đồng chí chưa bị lộ!”.)

Khó có thể thống kê đầy đủ những con sâu to nhỏ đã được “bạch hóa” từ trước cho đến nay. Người viết bài này chỉ xin điểm qua một số con sâu”tiêu biểu” đã lộ diện trong vòng hơn 10 năm vừa rồi, qua một số vụ án sau đây:

- Vụ Trương Văn Cam (Năm Cam) – Năm Cam là một tên mafia cộm cán,đứng đầu một băng đảng xã hội đen khét tiếng ở đất Sài thành, tung hoành trong nhiều năm dài,gây bao kinh hoàng cho người dân và chính quyền TP HCM, bị bắt và kết án tử hình tháng 9-2003. Năm Cam có một câu nói nổi tiếng mà hắn coi là kim chỉ nam hành động mỗi khi bọn chúng giao dịch với quan chức các cơ quan công quyền, là “Cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất, rất nhiều tiền.” Trong vụ án này hàng loạt cán bộ, đảng viên cao cấp bị bắt giam và lĩnh án ,trong đó có Trần Mai Hạnh,nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài phát thanh TNVN, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, bị 9 năm tù giam;  Phạm Sỹ Chiến,nguyên Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao bị 6 năm tù giam;  Bùi Quốc Huy, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Trung tướng,Thứ trưởng Bộ Công an bị 4 năm tù giam về các tội nhận hối lộ, bao che,bảo kê… cho Năm Cam và đồng bọn.

-Vụ Lương Quốc Dũng: Tại phiên tòa ngày 29-10-2004 Dũng bị kết án 8 năm tù về “tội hiếp dâm trẻ em”. Khi phạm tội Lương Quốc Dũng đang là Phó Chủ nhiệm Ủy ban TD-TT Trung ương.(hàm Thứ trưởng). Dũng có nhờ một phụ nữ môi giới, tìm một bé gái 13 tuổi đưa đến khách sạn cho y quan hệ tình dục để “phá trinh giải đen”. Tuy sau đó Dũng đã tự nguyện bỏ ra 68.000 đô la Mỹ để gia đình người bị hại xin bãi nại, nhưng Tòa không chấp nhận cho bãi nại.

- Vụ Lã Thị Kim Oanh:  Tại phiên phúc thẩm ngày 5-4-2004 tại Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội, Lã Thị Kim Oanh ,nguyên Giám đốc Công ty Tiếp thị và Thương mại của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bị tuyên án tử hình (sau được Chủ tịch nước ân giảm xuống chung thân) vì đã cùng đồng bọn tham ô và làm thất thoát gần 150 tỷ đồng của nhà nước. Trong vụ án này còn có 2 Vụ trưởng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bị tuyên án 3 và 4 năm tù giam, cùng 2 vị Thứ trưởng của Bộ này(trong đó có 1 vị là Thứ trưởng thường trực) bị tuyên phạt 2 và 4 năm tù nhưng cho hưởng án treo.

- Vụ PMU 18: Đầu tháng 1-2006, Bùi Tiến Dũng,Tổng Giám đốc Ban Quản lý các Dự án 18 (PMU18) bị bắt và bị cáo buộc đã đem hàng chục tỷ đồng mà y tham ô từ công quỹ để đi bao gái,hối lộ và đánh bạc.Riêng số tiền mà Dũng cá độ bóng đá lên tới 1,8 triệu Đô la Mỹ. Liên quan đến vụ án này,Thứ trưởng thường trực Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Việt Tiến bị bắt giam và Bộ trưởng Đào Đình Bình buộc phải từ chức. Ngày 21-8-2007, Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội tuyên phạt Bùi Tiến Dũng 13 năm tù giam. Bảy cán bộ liên quan khác bị kết án từ 3 đến 9 năm tù giam. Vụ này không chỉ gây xôn xao dư luận tại Việt Nam mà khiến cho các quốc gia và các Tổ chức quốc tế cung cấp viện trợ chính thức(ODA) cho Việt Nam nghi ngại.

-Vụ Mai Văn Dâu:  Ngày 18-11-2004,Thứ trưởng thường trực Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương) Mai Văn Dâu bị bắt giam .Trước đó con trai ông là Mai Thanh Hải, chuyên viên Vụ Xuất Nhập khẩu và 2 cán bộ cấp Vụ khác của Bộ Thương mại… bị bắt. Sau đó, ông Mai Văn Dâu và đồng bọn bị truy tố về các tội nhận hối lộ, đưa hối lộ ,môi giới hối lộ ;lợi dung chức vụ,quyền hạn trong khi thi hành công vụ;lừa đảo chiếm đoạt tài sản;làm giả tài liệu của cơ quan,tổ chức. Ngày 20-6-2007,Tòa án Nhân dân Tối cao tại TP Hồ Chí Minh tuyên phạt Mai Văn Dâu 12 năm tù giam, Mai Thanh Hải 5 năm tù giam,Lê Văn Thắng (nguyên Vụ phó Vụ Xuất Nhập khẩu) 17 năm tù giam. Các bị cáo còn lại bị tuyên từ 3 cho đến 12 năm tù giam.

-Vụ PCI – Huỳnh Ngọc Sỹ:   Ngày 12-11-2008, trước vành móng ngựa ở Tòa án Tokyo, 4 quan chức Nhật Bản của Công ty Tư vấn Quốc tế Thái Bình Dương (PCI) thú nhận là đã hối lộ cho các quan chức VN tổng cộng 2,43 triệu Đôla Mỹ để được thắng gói thầu “Dự án phát triển cơ sở hạ tầng TP HCM” có sử dụng vốn ODA của Chính phủ Nhật.  Sau đúng 1 tuần, ngày 19-11-2008, UBND TP HCM ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối vớí  Huỳnh Ngọc Sỹ, Phó Giám đốc Sở GT- VT kiêm Giám đốc BQL Dự án đại lộ Đông-Tây  TP. HCM, nhưng mãi gần 2 năm sau, ngày 18-10-2010, Tòa án Nhân dân TP HCM mới tuyên phạt Huỳnh Ngọc Sỹ  án tù chung thân (sau giảm xuống 20 năm tù giam) về tội danh ”nhận hối lộ”. Vụ này đã làm Chính phủ Nhật nghi ngại và quyết định tạm dừng các khoản viện trợ ODA trong năm 2008 và hoãn các khoản viện trợ mới (khoảng 700 triệu Đôla Mỹ). Sự cố này đã gây ảnh hưởng nặng nề tới nhiều dự án thực hiện bằng vốn viện trợ ODA của Chính phủ Nhật dành cho VN.

- Vụ Hiệu trưởng mua dâm nữ sinh ở Hà Giang: Ngày 28-6-2011 trong phiên phúc thẩm xét xử vụ án “Hiệu trưởng mua dâm”, Tòa án Nhân dân tỉnh Hà Giang đã y án đối với bị cáo Sầm Đức Xương 9 năm tù vì tội mua dâm trẻ vị  thành niên. Theo đó khi đang là Hiệu trưởng 1 trường THPT ở Hà Giang, Sầm Đức Xương đã có tới 15 lần mua dâm các nữ sinh ở Vị Xuyên, trong đó có 6 nữ sinh chưa thành niên. Cũng theo cáo trạng của cơ quan tố tụng, vị Hiệu trưởng này đã nhiều lần ép các nữ sinh phải bán dâm để được nâng điểm học tập! Bản kết luận điều tra của CA tỉnh Hà Giang cho thấy có tới 16 người khác liên quan đến mua dâm các nữ sinh trong đó có ông Nguyễn Trường Tô, Phó Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tich UBND tỉnh Hà Giang. Sau vụ bại lộ này, tuy tránh được việc bị truy tố ra tòa nhưng ông Tô vẫn bị khai trừ Đảng và bị cách chức Chủ  tịch UBND tỉnh, buộc về hưu trước tuổi.

-Vụ Tiên Lãng và Văn Giang: Vụ cưỡng chế đất ở Tiên Lãng ( Hải Phòng) ngày 5-1-2012, và sau đó ở Văn Giang ( Hưng Yên )ngày 22-4-2012  đã gây chấn động dư luận cả nước và để lại những hậu quả khôn lường cho người nông dân nói riêng và cả xã hội nói chung. Rồi đây chắc chắn lịch sử sẽ phán xét lại 2 sự kiện này. Tuy xảy ra ở 2 địa phương khác nhau nhưng cả 2 vụ này đều bắt nguồn từ một nguyên nhân gốc, và đều có những nhóm lợi ích đứng phía sau.Người ta thấy có một sự giống nhau kỳ quặc ở cả 2 vụ này là khi bị người dân bắt quả tang chính quyền phạm luật, thay vì nhận nhận sai, các quan chức có trách nhiệm không chỉ chối bay, chối biến tội lỗi của mình mà ngược lại còn trâng tráo vu khống và đổ vấy tội đó cho người dân!

Ở Tiên Lãng, lưc lượng cưỡng chế  gồm trên 100 công an và bộ đội đã nổ súng xối xả và quá mức cần thiết vào ngôi nhà 2 tầng của ông Đoàn Văn Vươn sau khi họ thấy từ trong ngôi nhà đó  có 3 người (2 nam giới và 1 phụ nữ) dùng súng hoa cải bắn vào họ. Để xóa chứng cứ về hành vi này, chính quyền địa phương đã thuê bọn đầu gấu mang xe ủi đến san bằng ngôi nhà 2 tầng của nhà ông Vươn. Vậy mà ông Đỗ Trung Thoại, UVTV Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng, trong buổi trả lời báo chí một tuần sau đó, ông không chỉ thản nhiên phủ nhận trách nhiệm của chính quyền trong việc phá nhà dân mà còn trắng trợn vu khống là “do người dân bất bình nên phá nhà ông Vươn”.  Còn ở Văn Giang (Hưng Yên), đề cập đến đoạn video clip do người dân quay được cảnh Lực lượng  cưỡng chế đánh hội đồng và làm trọng thương 2 phóng viên VOV được cử đến tác nghiệp (mà chính sau này Công an Hưng Yên đã phải thừa nhận, công khai xin lỗi và bồi thường thiệt hại đối với 2 phóng viên này) thì ông Nguyễn Khắc Hào, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hưng Yên, ngày 2-5-2012, trong văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về vụ cưỡng chế trên,thay vì nhận lỗi, ông trâng tráo bóp méo sự thật: “Trong vụ việc ở Văn Giang, có  sự móc nối chặt chẽ với những phần tử chống đối ở nước ngoài. Các thông tin thậm chí còn được tường thuật tại chỗ, từng giờ, để tuyên truyền,xuyên tạc,dàn dựng những video clip giả để bôi nhọ chính quyền…”

Hai năm qua, người dân Tiên Lãng và Văn Giang dài cổ trông chờ một lời xin lỗi từ 2 ông quan đầu tỉnh này, nhưng có lẽ họ còn phải đợi lâu hơn nữa hoặc là không bao giờ!

Giáo sư Ngô Bảo Châu trong bài “Về nỗi sợ hãi ” có viết “Có cố tình làm mất thể diện quốc gia, chắc cũng khó mà làm hơn mấy ông bà này”. Tôi xin phép thay 4 từ ”mấy ông bà này” bằng 8 từ “ hai ông Phó Chủ tịch Tỉnh,Thành này ” cho hợp với  người  thật việc thật của vụ Tiên Lãng (Hải Phòng) và Văn Giang (Hưng Yên).

- Vụ Hồ Xuân Mãn:  Ngày 21-8-2010, Hồ Xuân Mãn (lúc đó đang là đương kim Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên- Huế) do khai man ,mạo nhận, gian dối và “chạy” thành tích nên được phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân ”. Ngày 2-1-2014 vừa qua, Ban Bí thư Trung ương Đảng, sau hơn một năm thẩm tra, xem xét các tố cáo của người dân và của các CCB, đã ra quyết định đề nghị Nhà nước tước bỏ danh hiệu trên và thu hồi hiện vật, tiền thưởng đối với Hồ Xuân Mãn, nhưng lại không có bất cứ hình thức kỷ luật đảng nào vì đồng chí Mãn đang ốm đau,bệnh tật!. Trước đó, năm 2009, Hồ Xuân Mãn còn được tuyên dương là 1 trong 3 Bí thư Tỉnh ủy tiêu biểu của toàn quốc đã gương mẫu trong phong trào ”Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Ấy là chưa nói đến một “thành tích” nữa là trong 2 nhiệm kỳ tại vị ở chức “Vua đất cố đô”, ông ta còn được người dân quê hương phong tặng thêm một danh hiệu nữa là “vua dê gái”!  

(Không rõ trong hàng ngũ của Đảng ta hiện nay có bao nhiêu cán bộ lãnh đạo có chức vụ bằng hoặc cao hơn  Hồ Xuân Mãn mà ”thành tích” không thua kém gì ông này mà chưa bị lộ không? Hẳn là không ít ! Không rõ trong số các vị này- sau khi nghiêm túc nghiên cứu và quán triệt NQ4 của Trung ương Khóa XI- có vị nào dám dũng cảm và tự giác giơ cao tay thú nhận không? Tôi cá là không có vị nào đâu, dù chỉ là một!)

-Vụ Vinashins

-Vụ Vinalines

- Vụ quan đánh cờ bạc tỷ ở Sóc Trăng

-Vụ lương khùng 2,6 tỷ ở một xí nghiệp công ích ở TP. HCM

-Vụ Nhân bản xét nghiệm ở Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức( Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội đang xét xử sơ thẩm)

-Vụ Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên)-Trần Xuân Giá ( sẽ xét xử vào cuối tháng 3 này.)

-V.v… và v.v… ( người viết không dám thống kê thêm vì sợ mất thời gian của bạn đọc.)

Hơn một tuần qua,báo chí trong nước rộ lên thông tin về ngôi biệt thự xa hoa trị giá hơn trăm tỷ trên khuôn viên rộng 17.000 m2 tọa lạc ở thành phố Bến Tre của ông Trần Văn Truyền ,nguyên UVTW Đảng, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ cùng với vụ việc ông ký đề bạt ồ ạt hơn 100 cán bộ cấp vụ, cục và tương đương trong thời gian 4 năm nắm quyền ở Phủ Khai phong .Trong đó chỉ tính riêng 5 tháng -từ tháng 3-2011 đến hết ngày 3-8-2011- ông đã bổ nhiệm gần 60 người. Riêng trong ngày 3-8-2011,ngày cuối cùng tại chức trước khi nghỉ hưu, ông Truyền tranh thủ ký bổ nhiệm 22 cán bộ cấp vụ,cục và tương đương .Có lẽ đây là một kỷ lục vô tiền khoáng hậu trong công tác đề bạt cán bộ của Đảng ta ở một cơ quan cấp Bộ.

Phải chăng nhằm học tập tấm gương của ông Trần Văn Truyền trong việc ”ký bổ nhiệm chạy” mà mới đây nhất,ông Nguyễn Thành Rum, Giám đốc Sở VH-TT-DL Thành phố HCM đã ký hàng loạt(19) Quyết định bổ nhiệm cán bộ trong vòng 2 tuần trước khi ông này nghỉ  hưu kể từ  ngày 1-3-2014 vừa qua !

***

Trước khi bị bắt và bị truy tố theo Điều 258 Bộ Luật Hình sự, nhà báo Trương Duy Nhất có một bài báo góp ý với Lãnh đạo Đảng về công tác “xây dựng,chỉnh đốn đảng“.Bài báo lấy đầu đề là “ Trị Đảng” mang tính phản biện cao và có nội dung phê bình sắc sảo và rất nóng hổi!  Ông đã nói “trúng phóc” nhiều căn bệnh của Đảng với tinh thần xây dựng chứ không phải là đả phá, kích bác ,chống đối, song chỉ có điều tác giả tỏ ra bi quan,không chút hy vọng gì vào Đảng nữa! Song bài này lại không thấy Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao liệt kê trong Cáo trạng ngày 17-12-2013 để truy tố nhà báo-blogger nổi tiếng này về tội “Lợi dung các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước; quyền,lợi ích hợp pháp của tổ chức,công dân”. ( Cũng như  đa số những người theo dõi và hiểu biết về vụ này, cá nhân tôi tin rằng blogger Trương Duy Nhất không vi phạm pháp luật và vì thế ông không có tội ! Việc kết án 2 năm tù giam đối với ông là sai trái và là một điều sỉ nhục!). Trở lại bài báo “Trị Đảng” kể trên, sau khi trích dẫn câu nói của Giang Trạch Dân khi còn đương chức là “muốn trị quốc phải trị đảng”, Trương Duy Nhất viết : “Hồi Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã nghe nói ”nhà dột từ nóc”. Đến giờ, hình như “cái nhà” ấy không những dột từ nóc mà “dột nhiều chỗ khác nữa”.”Dột nhiều chỗ khác” là cách nói của cựu Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, chứ thực ra không phải dột mà nhiều chỗ đã thực sự…mục nát rồi !”        

Học giả LÊ QUÝ ĐÔN (1726-1784) – nhà thơ đồng thời là nhà bác học nổi tiếng của Việt Nam thời kỳ Hậu Lê, người sống cách chúng ta gần 3 thế kỷ - đã nêu lên 5 hiện tượng xã hội mà ông cho là nguyên nhân dẫn đến đất nước lụn bại và làm chế độ suy vong. Đó là:

- Trẻ không kính già
-Trò không trọng thầy
-Binh kiêu,tướng thoái 
-Tham nhũng tràn lan 
-Sỹ phu ngoảnh mặt

Đối chiếu vào tình hình xã hội và đất nước ta hiện nay,chúng ta có thể thấy tất cả 5 hiện tượng trên đều hiện diện ở khắp mọi nơi (có thể nói ở hầu hết các bộ,ngành trung ương cho đến tất cả 63 tỉnh,thành trên trên toàn quốc) tuy rằng ở mức độ mỗi nơi có khác nhau,song trong số 5 hiện tượng này thì hiện tượng tham nhũng ngày càng phổ biến,ngày càng cấp bách và trở thành tệ nạn nguy hiểm nhất!. Vâng, tham nhũng đã tràn lan, tham nhũng đã rất trầm trọng! Lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng đã ý thức được nguy cơ này, đã nêu quyết tâm và cũng đã đã đề ra nhiều biện pháp diệt bọn sâu tham nhũng ,song có lẽ lực bất tòng tâm nên chưa đi đến kết quả như lòng dân mong đợi!

Người viết bài này trong suốt 25 năm qua đã luôn mong muốn và hy vọng  Đảng Cộng sản Việt Nam ý thức được vấn đề và cũng thật tâm muốn diệt trừ tham nhũng! Song những thực tế đau lòng và kết quả tệ hại của cuộc đấu tranh chống tham nhũng trong hơn 10 năm qua đã làm đương sự rất thất vọng và gần như đã cạn hết niềm tin! Phải chăng cái cơ chế đương đại của đất nước này nó sản sinh ra bọn tham nhũng và bọn tham nhũng lại ra sức bảo vệ cái cơ chế này?  Từ năm 1989 đến nay, Đảng đã qua 5 kỳ Đại hội Đảng toàn quốc (1991, 1996, 2001, 2006 và 2011) ,nhưng tệ nạn tham nhũng ngày một trầm trọng, cứ qua mỗi kỳ  Đại hội nó lại càng trầm trọng thêm và đặc biệt từ sau Đại hội IX (2001) đến nay căn bệnh này mỗi ngày mỗi nghiêm trọng và nó đã trở thành quốc nạn rồi!

Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã cảnh báo: “Tham nhũng đang đe dọa chế độ!”

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bức súc: “Trước đây chỉ một con sâu làm rầu nồi canh, nay thì nhiều con sâu lắm! Nghe mà thấy xấu hổ,không nhẽ cứ để hoài như vậy.Mai kia người ta nói một bầy sâu,tất cả là sâu hết thì đâu có được.Một con sâu đã nguy hiểm rồi,một bầy sâu là “chết” cái đất nước này!”

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thì thật thà: “Không tham nhũng lấy đâu tiền chạy chức”.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan thổ lộ: “Bây giờ người ta ăn của dân không từ một cái gì.”

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng quyết liệt: “Đảng và Nhà nước không hề chùn tay mà đã kiên quyết xử lý tham nhũng…”

Còn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì than thở: “Cái gì cũng phải tiền,không tiền không trôi,như ngứa ghẻ phải gãi rất khó chụi”“Còn quyền lực là còn tham nhũng”

(Riêng ông Nông Đức Mạnh, người được tín nhiệm làm Tổng bí thư 2 khóa liền (từ 2001 đến 2011), tôi không thấy ông để lại dấu ấn sâu sắc nào về việc chống tham nhũng, nhưng ông để lại cho đời một dấu ấn khó quên là lúc đương chức đi đến tỉnh nào, địa phương nào ông cũng hô hào  ta nên trồng cây gì, nuôi con gì  để đưa đất nước tiến lên!).

Tôi cho những phát biểu trên của các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước là những câu nói thật lòng, song sẽ ngàn lần tốt hơn nếu họ kiên quyết thực thi các quyết sách đã đề ra và mọi vụ việc phải công khai,minh bạch! Những vụ việc nghiêm trọng không được “khoanh lại”, “làm chìm xuống” để dấu dân!

Tháng 1-2012, Đảng Cộng sản Việt Nam ban hành NQTW4 về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay.”  đã nhận định:” Một bộ phận không nhỏ cán bộ,đảng viên -trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo,quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp- suy thoái về chính trị,đạo đức,lối sống…”

Vâng, Đảng thì đã có Nghị quyết 4 -một nghị quyết rất cầu thị, kịp thời và có lẽ là  thật nhất từ trước đến nay-song vấn đề quan trọng là có thực thi nó hay không, biến nghị quyết thành hành động như thế nào và đưa nó vào cuộc sống ra sao? Người dân thì đang rất trông chờ và mạnh mẽ đòi Đảng phải diệt trừ bằng sạch ”một bộ phận không nhỏ” kia của Đảng và phải làm điều đó trong vòng 2 năm tới trước khi Đảng có thể tổ chức Đại hội lần thứ XII vào đầu năm 2016! Vâng,bây giờ ta phải cùng nhau ấn định thời hạn cụ thể và rõ ràng, chứ không để hết nhiệm kỳ này đến nhiệm kỳ khác,hết thập kỷ này đến thập kỷ sau, làm đến đâu hay đến đó ! Tắm thì phải tắm thường xuyên, tắm thì phải rửa mặt cho sạch, gội đầu thật kỹ và kỳ cọ toàn thân, chứ không thể tắm sơ xài từ vai trở xuống!

Trong vòng 25 năm qua, bọn sâu bọ tham nhũng ngày một đông, ngày mỗi mạnh và đã trở thành bầy đàn! Nó như căn bệnh ung thư đã di căn tới nhiều bộ phận của cơ thể con sư tử. Nếu Đảng không quyết tâm chữa trị, không dũng cảm cắt bỏ những bộ phận cơ thể đã thối muỗng thì quốc nạn tham nhũng này, đến một lúc nào đó sẽ có kết cục như nhà báo Thái Như đã cảnh báo 23 năm về trước:”Đương nhiên điều không tránh khỏi là con sư tử nó đó sẽ ngã quỵ một khi những con sâu trong cơ thể ngày một nhiều và lớn mạnh!”.  Vâng, nếu Đảng không quyết tâm diệt trừ tận gốc (giết sạch) bọn sâu bọ tham nhũng của Đảng thì chính bọn này, một ngày nào đó không xa – có thể là cuối năm nay,có thể là sang năm hoặc sang năm sau nữa(2016)- sẽ là thủ phạm “giết sống” Đảng Cộng sản Viêt Nam!

Tôi thấy tình thế đã rất cấp bách! Thời gian không còn nhiều. Rất mong Đảng hãy dũng cảm, thực tâm và kiên quyết cứu vãn tình thế trước khi nó trở nên quá muộn!

Mong lắm thay!

Hà Nội, ngày 7-3-2014. 
N.Đ.Q.

Thứ Sáu, 14 tháng 3, 2014

KHÔNG MÀU NHƯNG SỰC MÙI

Sau khi bầu Kiên bị tóm, ông Trần Xuân Gía vẫn khề khà trả lời phỏng vấn báo chí, đại ý là ổng đang sở hữu một miếng võ bí truyền để tự bảo vệ mình. Dư luận không ngạc nhiên bởi tuyên bố này bởi quá rõ thân thế và sự nghiệp và quan lộ của ông kể từ cuối thập kỷ '80, lúc TBT ĐCSVN Nguyễn Văn Linh cố nhóm ngọn lửa đổi mới bằng rơm rạ ẩm ướt của Chủ tịch HĐBT Đỗ Mười (người được các vị lão thành cách mạng đánh giá là "mặt sắt đen sì" như Bao Chử người Lạ).

Thế nhưng, không như kỳ vọng của dư luận mong ngóng và tò mò về khả năng một chi tiết thâm cung bí sử (kiểu "một ông anh" của Dương Chí Dũng sau này) được xuất chiêu lúc sống còn, mà giản dị chỉ là " được làm những gì mà Pháp luật không cấm".
Nhiều người giật mình ngỡ ngàng bởi ai mà ngờ sự láu cá láu tôm, đôi khi có vẻ rất thông minh ở những đứa trẻ vị thành niên bỗng được toát ra, khởi lộ ở một ông già đã quá thất thập cổ lai hy.

Là người tham gia hoạch định các chính sách kinh tế quốc gia, thậm chí đích thân soạn thảo các Thông tư, Nghị định, Văn bản qui phạp pháp luật nhằm cụ thể-thực tiễn hóa sự vận hành cả một nền kinh tế, hẳn là ông Gía quá rõ mọi khe hở luật pháp trong thực tiễn. Thế nên, mục tiêu khi đi làm thuê cho ACB dù đã nghỉ hưu là "Tôi đến với ACB có hai lý do. Thứ nhất, là tôi tập trung nghiên cứu và đưa ra cho được chiến lược cải tổ, hay đổi mới quản trị, điều hành của ACB để nó phát triển nhanh, vững chắc. Đó là công việc vi mô. Thứ hai, quan trọng hơn, tôi muốn nhảy vào nơi tương đối nhạy cảm để có thêm thông tin, tư liệu nhằm đóng góp thêm ý kiến để tiếp tục hoàn thiện Luật Doanh nghiệp. Mục tiêu đi làm chỉ có vậy”. Đơn giản thế đấy.
Và cái phương cách được ông Gía thực thi cũng đơn giản không kém: ủy thác cho các nhân viên ACB xách tiền vô thiên ủng ném vào các Ngân hàng khác để đầu cơ lãi xuất mang tính chợ trời giang hồ. (thay vì đầu tư / cho vay đối với các dự án mà tính khả thi rất dễ xác quyết bởi mọi thông tin chiến lược chẳng lạ và khó biết đối bộ sậu của Ổng)

Chẳng ai lạ dòng tiền luôn là mạch máu của nền kinh tế, nhưng sẽ tá hỏa khi phát hiện những tế bào ung thư được ông Gía gửi gắm trong âm mưu của kẻ được chế độ đào tạo gần trở thành một hiền tài rường cột và mang hơi hướng của dòng nguyên khí.

Phép thuật tài ba của ông Gía là có khả năng phục kích để biến các vết ố bẩn của lương tâm trở lên không màu nhưng sực mùi chế độ.

Dân lành đang mục kích một lương tâm lõa lồ để rồi phải phỉ thui chăng!

Thứ Năm, 13 tháng 3, 2014

NHẬN

                                                                                                                                 Việt Phương

Một sớm cuối đông rét ngọt buốt tim
Đón một tương lai giữa nghìn lẽ phải

Có một cánh chim thân quen chấp chới
Có một nẻo đường mê mải đi tìm

Mơ ước chập chờn nổi chìm thành bại
Vòm lá trước nhà quằn quại mỉm cười

Gieo trồng miệt mài rồi người gặt hái
Giữa trời đặc mây sao băng đổi ngôi

Tương lai trong tay đừng lầm xa ngái
Một niềm xanh bay sâu mãi vào trời


 

Chủ Nhật, 9 tháng 3, 2014

Tìm người hiền tài ở đâu bây giờ?


Đào Dục Tú
 
 
Ông cha ta ngày xưa định danh người có học, có tài, có đức lấy quốc gia dân tộc làm thượng tôn-người hiền tài, là nguyên khí quốc gia. Thời nay gọi là tầng lớp tinh hoa. Nếu tính số người Việt Nam có học vị tiến sĩ, thạc sĩ, giáo sư,phó giáo sư ở các chuyên ngành khoa học,khoa học công nghệ và khoa học nhân văn thì chỉ tính riêng học vị tiến sĩ đã là “con số khủng long tiền sử” ở khu vực Đông Nam Á: 24 ngàn 300 người.
 
 Cũng đã có người đưa ra con số ngầm so sánh thực chất tiến sĩ giữa ta và Nhật Bản: tính từ hàm thứ trưởng trở lên,số tiến sĩ người Việt Nam cao hơn Nhật Bản những 5 lần! Quả là về số lượng, không chê vào đâu được, cao ngất nghểu.

Nhưng nếu có ai hỏi một câu cắc cớ: tiến sĩ đông như thế, cán bộ trọng trách nhà nước có học vị tiến sĩ đáng nể như thế ở các ngành khoa học lẫn kinh tế xã hội, mà sao mọi mặt củaVN lại có vẻ dẫm chân tại chỗ nếu không muốn nói thụt lùi trước đà tiến tăng tốc chung của khu vực và thế giới văn minh phát triển?

Tiến sĩ hay cao hơn tiến sĩ, là học vị khoa học. Đã là học vị khoa học thì lẽ đương nhiên học vị đó phải tương ứng với quá trình học tập, nghiên cứu và ứng dụng khoa học ở một trình độ,một chuẩn mực không chỉ ở ta mà được các trung tâm khoa học thế giới thừa nhận, công nhận. Ta không thể nói chỗ này “ta có cách làm “Việt Nam hóa” sáng tạo của riêng ta”, không cần cái thước đo khoa học “sùng ngoại” “sính ngoại”. Mỗi năm có bao nhiêu luận án tiến sĩ được “cỗ máy nội” sản xuất? Ấy thế là hội đống khoa học,ấy thế là trình bầy luận án, ấy thế là phản biện,ấy thế là thông qua với số phiếu tuyệt đối... Nghe nói không hiếm trường hợp các thí sinh láu cá láu tôm rất khôn khéo rất chu đáo trong việc chuẩn bị sẵn phong bao hậu hĩnh và bữa nhậu đặc sản tưng bừng sau khi ” biết chắc từ trước” thoát hiểm trên đoạn đầu đài khoa học...

Cũng đã có người trích thống kê con số 8519 vị tiến sĩ đang giảng dậy ở các trường đại học và đưa ra câu hỏi hoài nghi tại sao nước Việt mình có đội ngũ học vị tiến sĩ trên bục giảng đại học rất đáng tự hào như vậy mà không một trường đại học nào mác Việt được đứng trong tốp 500 trường đại học đầu bảng thế giới. Nếu mượn câu ngạn ngữ phương Tây cái áo chúng thâm không làm nên ông thầy tu, có thể nói chăng học vị tiến sĩ mác Việt chưa hẳn đã làm nên ông tiến sĩ thật sự, nghĩa là bên cạnh không ít những vị tiến sĩ xứng tầm quốc gia, khu vực, hữu ích cho quốc kế dân sinh thì cũng phải kể đến không ít ông tiến sĩ ma giáo, tiến sĩ giấy mà ngày xưa cụ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến đã chế diễu ” Cũng tàn cũng lọng cũng cân đai - Cũng gọi ông nghè có kém ai”. Đấy là những ông nghè kiểu bí thư tỉnh ủy một tỉnh khi đương quyền muốn tăng thêm uy tín học thuật mác mỏ bằng cách chịu tốn phí 17 ngàn đô la để sáu tháng theo học “kiểu gì không biết” Đại học Nam Thái Bình Dương chưa được quốc tế chính thức công nhận. Đấy là những ông tiến sĩ khởi điểm “một chữ tiếng Anh không biết” song cũng có bằng đại học chính quy vân vân và vân vân. Nạn bằng cấp giả, tiến sĩ rởm là hệ lụy tất yếu của một nền giáo dục quá nhiều mặt yếu kém, lạc hậu, mấy thập niên chắp vá cho đến giờ vẫn không sao hoạch định được một chiến lược giáo dục phù hợp với thời đại hội nhập toàn cầu và kinh tế tri thức cộng với lộ trình thực hiện nó. Chỉ thấy loay hoay bàn về chuyện để thi, bỏ thi, nên thêm hay bớt đại học, đại học thế nào là đủ chuẩn quốc tế, sách giáo khoa cải cách thế nào vân vân và vân vân. Cái đáng có và phải có ngay từ đầu như một điều kiện tiên quyết thì chả thấy đâu,chỉ thấy cải cách nối tiếp cải cách; cứ sự vụ chậy vuốt đuôi mãi thế này thì lấy đâu ra một nền giáo dục ”tiên tiến đậm đà bản sắc” bền vững! Vị thế của các vị tiến sĩ giáo dục trong bộ máy công quyền ngành chủ quản thể hiện ở đâu. Vị thế của các vị tiến sĩ nông nghiệp và phát triển nông thôn ở chỗ nào mà không ít địa phương dân ”bỏ đất chay lấy người” chạy chợ,làm thuê kiếm sống tứ tán; nhiều vùng phì nhiêu mầu mỡ tự nhiên có được mùa thì dân vẫn không yên vì mất giá sản phẩm; còn dân ngư nghiệp đánh bắt xa bờ mũi nhọn của ngành thủy sản thì chưa đủ sức mạnh để đối phó với thương trường lỗ lãi và “đường lưỡi bò”. Vị thế của các vị tiến sĩ ở nơi mô mà ngành y tế cùng hệ thống hoạt động của nó khiến nhiều nơi dân chỉ còn biết dơ tay lên trời kêu... trời sợ. Cứ lan man đặt những câu hỏi đại loại như thế biết đến bao giờ cho hết. Không ai còn tư duy bình thường và có một trình độ học thức chung, bình thường lại đi quy kết hồ đồ,đổ mọi sự gọi là ” bất cập” cho đội ngũ gần 25 ngàn tiến sĩ! Đóng góp chất xám của họ là đáng quý chứ!

Người ta chỉ muốn âm thầm tự hỏi một nước đông người bằng cấp, một nước nhiều người thông thái như thế mà sao vẫn nghèo, vẫn tiếm ẩn nguy cơ tụt hậu “thua chị kém em” so với các nước xung quanh. Và người ta không thể không nén tiếng thở dài: biết bao giờ giới trí thức tinh hoa mới có vị thế, mới tìm được chỗ đứng vững chắc trong tiến trình hiện đại hóa công nghiệp hóa để chỉ sau 6 năm ngắn ngủi nữa, Việt Nam trở thành nước công nghiệp-như tiêu chí đã hoạch định trịnh trọng giấy trắng mực đen. Và người dân nước Việt cũng muốn phiếm đàm thêm một câu hỏi: biết tìm các vị tân khoa rồi đại khoa nguyên khí quốc gia chỗ nào trong cái rừng tiến sĩ khoa học mênh mông Việt Nam, để có thêm niềm tin chắc chắn nước mình rồi cũng sẽ có ngày (cuối thế kỷ 21 chăng?) “sánh vai với các cường quốc năm châu” như hoài bão của người khai sinh ra nước Việt Nam Mới ./.

Chủ Nhật, 2 tháng 3, 2014

NÓI PHẢI CỦ CẢI CÓ NGHE (dù chưa chính xác 100%)

Thử lý giải những sai sót để đời của nhà biên soạn từ điển- Gs Nguyễn Lân- Kỳ 4
Kỳ 4:Kiến văn và tra cứu
Hoàng Tuấn Công 
"Trong bụng không có được ba vạn quyển sách, trong mắt không có được núi sông kỳ lạ của thiên hạ thì chưa chắc đã làm được văn"(Ngô Lai -“Kiến Văn tiểu lục” - Lê Quý Đôn).



 Thành ngữ tục ngữ là gì ? Là lời ăn tiếng nói của nhân dân. Nhân dân là ai ? Xưa có tới hơn 90% nhân dân là nông dân. Nông dân là ai ? Là ông bà, cha mẹ, anh em, bè bạn, hàng xóm láng giềng...quanh ta. GS Nguyễn Lân là con em nông dân, sinh ra lớn lên ở làng (*). Dẫu lúc nhỏ không phải làm “tiểu nông dân”, cũng cùng ăn, cùng ở với nông dân. Đối với một người có tư chất hoặt thiên hướng nghiên cứu ngôn ngữ, văn hóa truyền thống, đây là điều kiện vô cùng thuận lợi để những kiến văn về nông thôn, làng quê ngấm sâu vào máu thịt.


Làng quê chính là cái nôi của thành ngữ, tục ngữ, kho tàng vô cùng phong phú của tiếng Việt.

Ở ngoài đồng: Con trâu, con bò, con ngựa (Trâu chậm uống ước đục, Khoẻ như trâu, Ngu như bò; Tức như bò đá; Thẳng như ruột ngựa...). Con cò; con vạc; con cuốc, con két, dẽ giun (Lò dò như cò phải bão;  Lử cò bợ; Kêu như vạc; Đen như cuốc; Đánh như đánh két, Run như dẽ) Con cua, con cáy; Con tôm, con cá (Ngang như cua; Nhát như cáy; Họ nhà tôm cứt lộn lên đầu;  Cá mè một lứa) Mưa gió, sấm chớp, Rét, Nóng (Gió thổi là chổi trời; Sấm kêu rêu mọc, Chớp đông nhay nháy, gà gáy trời mưa; Rét tháng ba bà già chết cóng; Tháng tám nắng rám trái bưởi)...Về nhà: con gà, con vịt, con chó, con lợn; con chuột, con mèo (Gà đẻ gà cục tác; Vịt già, gà tơ; Chó già giữ xương; Cháy nhà mới ra mặt chuột; Mèo già hóa cáo...) Những dao, những thớt, thúng mủng, dần sàng, bồ, chĩnh (Dao sắc không gọt được chuôi; Mặt như mặt thớt, Lọt sàng xuống nia; Lấy thúng úp voi, Im như thóc đổ bồ, Một chĩnh đôi gáo...) Bờ vách, bờ rào; cây cối quanh vườn; con chim, con sâu, con đom đóm...(Bờ vách có tai, bờ rào có mắt; Chuối sau, cau trước; Ba hoa chích chòe; Rau nào sâu ấy, Lờ đờ như đom đóm đực...)...Và rất nhiều ! Nhiều không sao kể xiết ! 

Có thể nói tất cả những gì nông dân nhìn thấy, quan sát và cảm nhận hàng ngày đều trở thành chất liệu của thành ngữ, tục ngữ. Những “giáo cụ trực quan” ấy không hề xa lạ với một người sinh ra lớn lên ở làng như GS Nguyễn Lân. 

Về kiến văn và tri thức trên đường đời. GS Nguyễn Lân được đào tạo bài bản tại Trường Cao đẳng sư phạm Đông Dương. Trước năm 1945 đã là Giáo sư ba trường Đại học ở Huế: Quốc Học, Đồng Khánh, Bách Công. GS viết nhiều tiểu thuyết như: Cậu bé nhà quê (1925), Khói hương (1936) Hai ngả (1938)... Sau 1945, GS ra Hà Nội dạy trường Chu Văn An, làm Giám đốc học chính Trung Bộ, Giám đốc giáo dục liên khu 10 và Liên khu Việt Bắc. GS từng nhớ lại: “Trong thời kỳ kháng chiến trước đây, chúng tôi có dịp đưa sinh viên đi sơ tán về miền quê. Sau một thời gian chung sống với bà con nông dân, anh chị em đã rút ra được một kết luận là ngôn ngữ của bà con, nhất là của những cụ già, không phải “quê mùa” như trước đây mọi người vẫn tưởng, mà trái lại, rất văn vẻ, có nhiều màu sắc, nhiều hình tượng... (Trích “Lời nói đầu” của “Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam”-GS Nguyễn Lân). 

Như thế, không chỉ thuở ấu thơ GS Nguyễn Lân mới được gần gũi với nông dân, nông thôn. Ngược lại, GS còn được tiếp xúc với thiên nhiên, con người, văn hóa đặc sắc của nhiều vùng miền khác nhau trên bước đường học tập, công tác.

Không chỉ trong nước. GS Nguyễn Lân từng được cử đi học tại Khu học xá Trung ương-Trung Quốc (1951-1956). Đây là khoảng thời gian vô cùng quý giá để mở rộng kiến văn, bồi đắp tri thức (ở một đất nước có bề dày lịch sử, văn hóa, xứ sở của những cuốn từ điển trứ danh, gốc gác của những từ và ngữ Hán Việt...). Trở về, GS Nguyễn Lân làm Chủ nhiệm đầu tiên của Khoa Tâm lý giáo dục học Trường Đại học sư phạm Hà Nội. Đồng nghiệp là những tên tuổi lớn của giới trí thức Việt Nam. “Ông cùng với các nhà giáo nổi tiếng và xuất sắc khác như: Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa, Ngụy Như Kon Tum, Đặng Thai Mai, Hoàng Minh Giám, Nguyễn Khánh Toàn... là lớp người đầu tiên được nhà nước Việt Nam phong Học hàm Giáo sư” (**). Môi trường Đại học sư phạm Hà Nội cũng chính là cơ hội vàng để tiếp xúc, tìm hiểu ngôn ngữ, văn hóa...các vùng miền thông qua những sinh viên góp mặt từ khắp nơi... 

Trước khi biên soạn các cuốn từ điển Từ điển Thành ngữ tục ngữ Việt Nam (1989); Từ điển từ và ngữ Hán Việt (1989); Từ điển từ và ngữ Việt Nam (2000, tái bản 2003), GS Nguyễn Lân đã từng tham gia với tư cách là tập thể tác giả biên soạn một số cuốn từ điển như:  Từ điển chính tả phổ thông (1963); Từ điển tiếng Việt (1967) Từ điển Pháp - Việt (1981)... là tác giả và đồng tác giả của hơn 30 cuốn sách, bao gồm nhiều lĩnh vực liên quan đến ngôn ngữ, sư phạm, văn hóa đông-tây, kim-cổ... 

Cuối cùng, Giáo sư Nguyễn Lân (1906-2003) có quỹ thời gian vô cùng lớn để tích lũy kiến văn. Ông gặt hái tri thức, biên soạn 3 cuốn từ điển của riêng mình vào những năm cuối đời, thọ 96 tuổi. 

            Như thế, gần trọn một thế kỷ: nông thôn, miền núi, miền Bắc, miền Trung, trong nước, ngoài nước, chế độ cũ (Pháp thuộc), chế độ mới...GS Nguyễn Lân đều từng sống, học tập, công tác, được rải nghiệm, thực hành rất sớm. Có thể nói, điều kiện trau dồi kiến thức, mở rộng kiến văn, trải nghiệm cuộc sống của GS Nguyễn Lân có đủ. Thậm chí là mơ ước của bao người.

Vậy trong thực tế, kiến văn của Nhà biên soạn từ điển ra sao ?

Trước đây, bạn đọc đã từng được biết đến những “sơ sót” (chữ của An Chi-HTC) của GS Nguyễn Lân qua các bài “Những sai sót khó ngờ trong “Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam”; Đọc lướt Từ điển từ và ngữ Việt Nam” của An Chi; bài “Hai cuốn từ điển rất có hại cho tiếng Việt” của Lê Mạnh Chiến. Phần lớn những sai sót đó liên quan đến chữ nghĩa, kiến thức sách vở. Gần đây, chúng tôi (bút danh Hoàng Tuấn Công) tiếp tục nêu ra những sai lầm nhiều lĩnh vực của GS Nguyễn Lân một cách có thệ thống qua 5 kỳ “Dĩ hư truyền hư-Những sai lầm mang tính hệ thống trong Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam”; “Từ điển từ và ngữ Việt Nam” mục chữ cái nào cũng có sai sót”

Sau đây là một số sai lầm mà chúng tôi cho rằng liên quan trực tiếp đến kiến văn của Nhà biên soạn từ điển:

 

1. Bò có đá được không ?

-GSNguyễn Lân (GSNL): "Tức như bò đá (bò húc chứ bò không đá)
Kiến văn "bò húc chứ bò không đá" được GS Nguyễn Lân khẳng định trong “Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam” (xuất bản 1989). Mười năm sau, trong "Từ điển từ và ngữ Việt Nam" (XB2000), một lần nữa GS tự tin khẳng định, chắc chắn, rõ ràng hơn: "Tức như bò đá ng (Thực ra, bò không thể đá được) ".
 Chưa thấy bò đá bao giờ, không có nghĩa bò không đá được. Tuy không ra được những cú song phi uy lực như ngựa, nhưng bò vẫn đá theo kiểu của bò. Đó là đá hất văng một chân ra phía sau.
2.Sao lại nói run như dẽ ?
Trong cả hai cuốn từ điển nói trên, GSNL đều khẳng định:
 - Run như dẽ (Dẽ là một con chim hay ăn giun, nên cũng gọi là dẽ giun. Dân gian lẫn lộn từ giun và từ run nên mới đặt ra câu này).
- Sợ run như dẽ (Dẽ là loài chim hay ăn giun, nên gọi là dẽ giun. Ở đây, với mục đích chơi chữ, đã đồng nhất từ “giun” và từ “run”).
Dân gian không nhầm lẫn, cũng chẳng chơi chữ. Đây là thực tế nghĩa đen: chim dẽ giun có tập tính đầu giật, đuôi nảy, mình rung rung theo nhịp bước khi đi kiếm ăn.Nghĩa diễn giải của thành ngữ là: Run như con chim dẽ giun
 3. Đom đóm đực sáng hay đom đóm cái sáng ?
-GSNL: "Lờ đờ như đom đóm đực (Người ta cho rằng đom đóm đực không sáng bằng đom đóm cái ?)"
Không đúng ! Đom đóm đực sáng và to hơn đom đóm cái, nhưng bay chậm.
5. Ếch vồ hoa dâm bụt làm gì ?
-GSNL: “Ếch vồ hoa dâm bụt (Ếch không ăn được hoa dân bụt)”
Ếch vồ hoa dâm bụt không phải để ăn mà bắt mồi. Hoa dâm bụt thường được trồng ở bờ ao. Khi hoa nở, ong bướm, côn trùng đến hút nhụy, ếch ta ngồi ngóng lên thèm thuồng, định thực hiện cú vồ ngoạn mục để đớp gọn con mồi. Ai dè lực bất tòng tâm, cú nhảy chỉ vồ trúng cái hoa dâm bụt mà thôi. Nghĩa bóng: chế giễu kẻ vụng về làm hỏng việc lớn.
6. Cơm rang khác gì cơm thổi ?
-GSNL: “Một bát cơm rang bằng sàng cơm thổi Đây là ý kiến người thích ăn cơm rang, vì nó có hành mỡ, đôi khi có thịt, có lạp xường”.
Đây không phải “ý kiến người thích ăn cơm rang” mà là sự thật khách quan được dân gian tổng kết: Hạt cơm khi rang bị quắt lại, còn rất ít so với trước khi rang, nhưng khi ăn lại rất dội (được nhiều).
7. Thóc lép khác gì thóc chắc ?
-GSNL: “Thóc lép Nói hạt thóc nhỏ hơn bình thường”.
Sai ! Thóc lép là thóc rất ít hoặc không có hạt gạo (nhân tinh bột) bên trong lớp vỏ trấu. “Nhỏ hơn bình thường” không phải thuộc tính của thóc lép.
8. Đồng điếu là gì ?
GSNL: “Đồng điếu. Đồng nguyên chất màu đỏ”.
Sai !“đồng điếu” là đồng hợp kim, không phải đồng nguyên chất.
9.Vịt xiêm là con gì ?
-GSNL: “Vịt xiêm Giống vịt to, người ta nói nhập từ Thái Lan”
 Sai ! Vịt xiêm là cách gọi tên con ngan của người miền Nam chứ không phải là “giống vịt to”.
10. Điếu cày kêu hay điếu bát kêu ?
-GSNL: “Điếu kêu tốn thuốc (Hút thuốc lào bằng điếu bát thường có tiếng giòn, càng giòn người ta càng thích).
Sai ! Điếu có tiếng kêu giòn là điếu cày, không phải "điếu bát".
11. Ống điếu là gì ?
-GSNL: “Ống điếu. Đồ dùng để nhét thuốc lá vào rồi đốt mà hút”.
Sai ! Vật GS mô tả là cái tẩu hút thuốc. Còn “ống điếu” lại chỉ vật dụng có thêm cái nõ dùng để hút thuốc lào.
12.Chuồng trại là gì ?
-GSNL: “Chuồng trại Chỗ nhốt các giống vật”
Không đúng ! “chuồng trại” không phải nơi“nhốt” mà là nơi có chuồng nuôi nhốt,có không gian rộng chăm sóc, quản lý vật nuôi.
13. Cái chĩnh trông thế nào ?
-GSNL: “Chĩnh Đồ gốm nhỏ hơn vại dài”.
Sai ! Chĩnh và chum mới có chung hình dáng: cổ và đáy hóp lại, thân giữa phình ra. Ngược lại, vại hình trụ, trên dưới bằng nhau. Bởi vậy, chĩnh nhỏ và thấp hơn chum, không phải “nhỏ hơn vạidài”.
14. Chim chiền chiện có màu lông gì ?
-GSNL: “Chiền chiện Loài chim nhỏ màu vàng hay hót”.
   Không đúng ! Chim chiền chiện hót hay chứ không chỉ "hay hót", có màu lông xám nâu chứ không phải "mầu vàng".
15. Cá nóc sống ở đâu ?
-GSNL: “Cá nóc. Cá nước ngọt thân tròn và ngắn”.
 Sai nghiêm trọng ! Cá nóc là cá nước mặn (cá biển), không phải cá nước ngọt. GS nhầm với cá cóc (tiếng địa phương gọi con nòng nọc) chăng ?
16. Cá chép khác cá giếc thế nào ?
-GSNL: “Cá chép. Cá nước ngọt, thân dày, vảy to, vây và đuôi rộng”.
“Cá giếc. Loài cá nước ngọt, giống cá chép, nhưng bé hơn nhiều, mắt đỏ”.
Mô tả cá chép, GS bỏ mất đặc điểm sinh  học rất quan trọng của cá chép là có râu hai bên mép. Và, cá giếc chỉ gần giống cá chép chứ không "giống cá chép". Ngoài mắt đỏ, điểm quan trọng khác cá chép của cá giếc là không có râu hai bên mép.
17. Uyên ương là vịt hay là ngỗng ?
-GSNL: “Uyên ương (Loài ngỗng trời, uyên là ngỗng đực, ương là ngỗng cái, tục truyền hai con bao giờ cũng đi với nhau)”
Không đúng ! Uyên ương thuộc loài vịt chứ không phải loài ngỗng. Thế nên mới có câu “Đả áp kinh uyên ương” (Đánh con vịt sợ động con uyên ương).
18. Móng đèo của con chó trông thế nào ?
-GSNL: “Tứ túc hoa mai (túc: chân; mai: cây mơ; hoa: hoa) nói loài chó có chấm lốm đốm trắng như hoa mai ở bốn chân.
Sai ! Thực ra "hoa mai" ở đây là chiếc móng đèo của con chó quý còn gọi "tứ túc huyền đề" (bốn chân có móng đèo, treo).
19. “Chó già, gà non”, để thiến hay ăn thịt ?
-GSNL: “Chó già, gà non” Thịt chó già không tanh, thịt gà non mới mềm”.
Sai ! Đây là kinh nghiệm thiến chó và thiến gà, không phải kinh nghiệm ẩm thực. Câu tục ngữ vốn đầy đủ là “Chó thiến già, gà thiến non”. Câu này GS mắc lỗi kiến văn tới hai lần. Bởi ai cũng biết cầy tơ, chó tơ mới đáng ăn. Chó già dai nhách, ăn làm sao ngon được ?
20. Rán và rang khác nhau thế nào ?
-GSNL: “Cháy cạnh. Nói thức ăn rán vàng đều: thịt gà cháy cạnh”.
“Cháy cạnh” là cách nấu thịt ban đầu rang lên (chứ không phải rán). Còn "rán" là dùng mỡ để nấu chín vàng món ăn nào đó. Khi đã“rán vàng đều” phải gọi là vàng ruộm (vàng như được nhuộm) sao gọi là “cháy cạnh” ? Soạn giả nhầm thịt gà rang "cháy cạnh" với món gà quay chăng ?
21. Đòng lúa khác gì bông lúa ?
-GSNL: “Bón đón đòng. Bón phân cho lúa khi sắp trổ bông”
Sai ! Đòng lúa khác bông lúa. Đã gọi là “bón đón đòng” có nghĩa phải bón khi lúa mới bắt đầu giai đoạn hình thành đòng chứ ? Sao lại bón vào lúc lúa “sắp trổ bông” ? Nếu thế phải gọi “bón đóng bông” mới đúng ? Nhưng thực tế, không có biện pháp kỹ thuật “bón đón bông” cho lúa.
22. Bón lót là gì ?
-GSNL: “Bón lót. Bón phân vào ruộng trước khi cấy lúa: Đã bón lót rồi nên cấy kịp thời”.
Không đúng ! Bón lót không phải khâu kỹ thuật chỉ áp dụng cho cây lúa. Từ đậu, lạc, ngô khoai...đến các loại cây công nghiệp mía, dứa, cà phê, rồi cây ăn quả lâu năm, cây lâm nghiệp...đều áp dụng biện pháp bón lót.
22. Bón thúc là gì ?
-GSNL: “Bón thúc. Bón phân để đẩy mạnh sự trưởng thành của lúa: Nhờ có bón thúc nên lúa được xanh tốt”.
Sai ! Bón thúc cũng là biện pháp kỹ thuật áp dụng cho tất cả các loại cây trồng thâm canh, không riêng gì cây lúa. Ví dụ: bón thúc cho ngô, mía, cây ăn quả các loại...
23. Chim én hay chim yến ?
-GSNL: “Bạch yến (yến: chim én) Chim én trắng: Bạch yến trong lồng làm cảnh”.
GS Nguyễn Lân lẫn lộn giữa hai con hoặc biến hai con làm một. Chim én (đuôi chẻ hình chữ V, bay chấp chới bắt côn trùng, gắn với hình tượng mùa xuân) khác chim yến nuôi trong lồng làm cảnh, nghe hót.
24.Cu gáy, chích chòe, chim cắt là con gì ?
- GSNL: “Cu gáy dt Chim cu hay gáy”.
+ “Chích chòe: Loài chim nhỏ hay kêu chiểm chiếp”
+ “Chim cắt: Loài chim bay rất nhanh”.
Những sự hình dung mơ hồ, méo mó về các loài chim vốn không hề xa lạ quanh ta.
 25.Cương hay cân, cưa hay xẻ ?
-GSNL: “Cầm cương nảy mực (Cầm cương ngựa và nảy mực lên mặt gỗ để cưa). Điều khiển và chỉ dẫn những người dưới quyền làm theo:Trong những năm Hồ Chủ tịch cầm cương nảy mực”.
Nhầm lẫn ! Cầm cân chứ không phải “cầm cương”. Người ta dùng chiếc cân để so sánh với công bằng, chính trực; nảy mực tàu được ví với cách làm thẳng thắn, khách quan, không thiên, không lệch. Hai vế của thành ngữ đều nói về sự thẳng thắn, công bằng, không thiên, không lệch, chứ không phải nói về sự dẫn đường chỉ lối. Cũng nên lưu ý soạn giả: người ta chỉ nảy mực lên mặt gỗ để xẻ (dọc) cho thẳng. Còn "cưa" (ngang) không ai nảy mực làm gì.
26. Rau muống là rau gì ?
GSNL: “Rau muống. Thứ rau phổ biến nhất ở nước ta, cùng họ với khoai lang trồng ở ao hoặc ở trên cạn”.
Sai ! Rau muống thuộc họ bìm bìm, tiếng Tàu gọi là “không tâm thái” (rau rỗng ruột). Sao có thể xếp chung với “khoai lang”, một loại cây trồng cạn có củ ?
27. Là lưng hay thắt lưng ?
GSNL: “Chung lưng đấu cật (Cật là chỗ thắt lưng)
Sai ! Cật là toàn bộ phía sau lưng chứ không phải "thắt lưng". Đại nam quấc âm tự vị giải nghĩa đúng: "Cật: lưng (...) sấp cật: sấp lưng".
28. Thông điếu là gì ? Thuốc phiện hay thuốc lào ?
-GSNL: “Thông điếu Hất điếu thuốc lào đã hút để đặt điếu thuốc khác vào nõ điếu. Chúng tôi thông điếu cho nhau (NgTuân)
Dùng mồm ghé ống điếu đẩy hơi đột ngột, đồng thời hất cho xái thuốc lào bắn ra khỏi nõ gọi là sì (xì) xái thuốc. Còn dùng que hoặc lông gà làm cho điếu hết tắc mới gọi là thông điếu. Nhưng “thông điếu” trong ví dụ “Chúng tôi thông điếu cho nhau” mà GS đưa ra chính là thông điếu thuốc phiện, không phải thuốc lào.
29.Chùa là gì ?
-GSNL: “Chùa. Nơi dựng lên để thờ Phật”.
Chưa đúng ! Chùa còn là nơi tu hành của người xuất gia, nơi sinh hoạt tín ngưỡng cộng đồng...
30. Tượng Hộ Pháp đặt ở đâu ?
-GSNL: “To như hộ pháp (Hộ pháp là bức tượng rất to đặt ở trước bàn thờ Phật trong chùa)”.
Sai ! Tượng Hộ Pháp thường đặt hai bên gian tiền đường, ở giữa là ban thờ Phật. Cũng có khi tượng Hộ Pháp đặt ở ngay hai bên mái hiên Phật điện. Nhưng chẳng có tượng Hộ Pháp nào lại được“đặt ở trước bàn thờ Phật” (tức đứng quay lưng lại trước mặt bàn thờ Phật) như cách tưởng tượng của GS.
Trở lên là một số ví dụ (chúng tôi chỉ dừng ở số tròn 30) về sự lầm lẫn, ngộ nhận của GS Nguyễn Lân trong hai cuốn “Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam”“Từ điển từ và ngữ Việt Nam”.
Tục ngữ có câu “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Sao không nói “một thúng khôn”, hay một “bì khôn” mà lại là “sàng khôn” ? Vì nói “sàng” cho vần với “đàng” ? Chưa hẳn như vậy ! Kiến văn là những trải nghiệm thực tế, chẳng trường lớp, sách vở nào dạy. Trong cuộc sống hàng ngày, hay cụ thể là “một ngày đàng”, ngàn vạn sự vật, hiện tượng, hoạt động diễn ra trong mắt ta... Bởi vậy, kiến văn phụ thuộc rất lớn vào tư duy, khả năng quan sát, suy xét của từng người. Cái ta thu về không phải một “thúng”, một “bì” hỗn độn thượng vàng hạ cám trên thế gian, mà là những điều đã được đầu óc ta “sàng lọc” (một cách tự nhiên, hoặc có ý thức). Khi gặp việc, những kiến văn trên đường đời (có thể từ thuở ấu thơ) trong trí nhớ cứ thế tí tách nảy mầm, xanh tươi hiện thực...
Đất nước Trung Hoa rộng lớn mà GS Nguyễn Lân từng có 5 năm du học, lưu truyền giai thoại vô cùng sinh động, sâu sắc về kiến văn. Đại khái: Tể tướng Vương An Thạch (1021-1086) là người tài danh, kiến văn sâu rộng. Một hôm Tô Thức (Tô Đông Pha1036-1101) vào dinh Tể tướng để luận bàn chính sự. Chợt thấy bức thư pháp thể hiện bài thơ của họ Vương treo ở sảnh đường. Đáng chú ý có hai câu:

Minh nguyệt sơn đầu khiếu (Trăng sáng hót đầu núi)
Hoàng khuyển ngọa hoa tâm (Chó vàng nằm giữa hoa)

Tô Thức thấy thật vô lý:  trăng chỉ sáng, chứ đâu có hót được ? Con chó vàng làm sao có thể nằm ở giữa bông hoa ? Hình như có sự nhầm lẫn ở đây. Với tài thơ của mình, họ Tô bèn chữa lại hai chữ trong thơ Vương An Thạch mà vẫn đảm bảo niêm luật, âm vận, lại nghe “có lý hơn”:

Minh nguyệt sơn đầu chiếu (Trăng sáng soi đầu núi)
Hoàng khuyển ngọa hoa âm (Chó vàng nằm dưới bóng hoa) 

Lấy làm hài lòng, Tô Thức tự tin giãi bày với Vương An Thạch. Vương Tể tướng không nói, chỉ gật gù, vẻ cười khó hiểu rồi lảng sang chuyện khác. Sau, Tô Thức bị Vương An Thạch điều đi trấn thủ ở Nam phương. Tuần trăng sáng biên viễn, họ Tô đi ngắm cảnh núi rừng, nhân thể tìm hiểu thủy thổ địa phương. Chợt thấy một điều lạ. Cứ đêm đêm, mỗi khi ánh trăng khuya tràn ngập khắp núi rừng, giọng hót thánh thót của một loài chim lại vọng về từ đầu núi. Dân địa phương cho ông biết, đó là chim Minh Nguyệt, loài chim chỉ cất tiếng hót vào những đêm trăng. Trăng càng sáng giọng của nó càng vang lên thánh thót. Tiếp tục dạo bước dưới trăng, hoa rừng tỏa hương ngào ngạt. Dừng lại ngắm một loài hoa lớn, Tô Thức nhận thấy bông nào cũng có một con sâu màu vàng ươm nằm giữa nhụy hoa. Hỏi ra lại biết đó là sâu Hoàng Khuyển. Chúng sống bằng nhụy của loài hoa nở theo tuần trăng. Lúc này, họ Tô mới giật mình nhớ lại hai câu thơ của Vương An Thạch. Hóa ra, Vương Tể tướng điều Tô Thức đến vùng này là để ông có được bài học nhớ đời về kiến văn.

Vậy kiến văn là gì ? Điều ta tận mắt trông thấy là kiến, tận tai nghe là văn. Kiến văn đơn giản là những điều ta thu nhận được khi nghe thấy. Ấy là sự hiểu biết, từng trải, chiêm nghiệm thực tế cuộc sống của mỗi người. Không ít người có được kiến thức, sự tài trí, uyên bác nhờ thu lượm từ thiên kinh, vạn quyển. Tuy nhiên, tài trí uyên bác đến đâu mà không có kiến văn - những sàng lọc trực tiếp qua mắt, qua tai của chính mình, tài trí ấy không thể hoàn hảo. Thậm chí dễ sinh lầm lẫn, ngộ nhận. 

Đối với nghiên cứu ngôn ngữ, kiến văn càng trở nên muôn phần quan trọng. Bởi ngôn ngữ không chỉ là giao tiếp. Nó là thanh âm diễn tả, gọi tên muôn hình vạn trạng những gì mắt ta, tai ta nhìn thấy, nghe thấy, cảm thấy...Hơn thế. Ngôn ngữ còn diễn tả chính xác những gì mà mắt ta, tai ta...chưa thể, không thể nghe thấy, cảm thấy trong thế giới vô hình, hay ở phương trời nào xa lắc... Bởi vậy, soạn giả phải đọc thiên kinh, vạn quyển, kiến văn vô cùng sâu rộng mới hy vọng có chút thành công.

Trong câu chuyện trên, họ Tô đáng trách ở chỗ chủ quan về kiến văn. Nhưng phải nói khả năng kiến văn của ông không thể xem thường. Bởi cũng đi, cũng đến địa phương đó, nhưng với người khác có khi tai không nghe, mắt không thấy và còn lâu mới ngộ được sự tồn tại của hai sinh vật kỳ lạ chỉ xuất hiện vào những đêm trăng khuya.
Trở lại câu chuyện kiến văn của GS Nguyễn Lân. Ở trên, chúng ta đã biết, GS Nguyễn Lân có thừa điều kiện để trau dồi kiến thức, mở rộng kiến văn. Khác với câu chuyện chim minh nguyệtsâu chó vàng (loài đặc hữu chỉ riêng có ở một vùng nào đó). Những con bò, con ếch, đom đóm, cơm rang, cơm thổi, con chó, con gà, miếng ăn, miếng uống, chim chóc...đều là những sự vật, hiện tượng quen thuộc, xung quanh ta. Sinh ra, lớn lên ở quê mà không biết con bò thế nào, con đom đóm ra sao... thì sách vở nào dạy cho ta biết ? Điều này không thể chấp nhận đối với người cầm bút biên soạn ra loại sách làm Thầy thiên hạ.
Kiến văn không chỉ là nguyên nhân gây nên sự lầm lẫn, hiểu sai hàng loạt bản chất câu thành ngữ, tục ngữ mà còn gây nên sai sót trong giải nghĩa nhiều từ vựng của GS Nguyễn Lân. Nếu cẩn thận trong tra cứu sách vở, GS Nguyễn Lân hoàn toàn có thể bù lấp những thiếu hụt về kiến văn. Ví dụ các trường hợp đồng điếu (8), vịt xiêm (9), cá nóc (15) uyên ương (17), rau muống (26), v.v...Tuy nhiên, chúng ta không được thấy Nhà biên soạn từ điển làm vậy.
Ở đây, vấn đề không phải kiến văn hẹp mà phải nói khả năng kiến văn của GS Nguyễn Lân không tốt. Tức óc quan sát, tư duy ghi nhận sự vật hiện tượng trong cuộc sống mờ nhạt, nông cạn, lại thiếu đi đức tính cẩn thận của người nghiên cứu. Kiểu tư duy này không phù hợp với loại hình từ điển, yêu cầu phải chính xác, cụ thể, rõ ràng và đầy đủ.
                                                                  Hoàng Tuấn Công