Vào các năm 1995 đến 1998, tôi đã chọn SGTT làm kênh quảng cáo chính cho các sản phẩm mà các công ty tôi làm giám đốc hoặc giám đốc marketing, những sản phẩm như HP, Motorola, Samsung, Swatch, Nokia, Siemens, v.v… Không những SGTT là kênh quảng cáo chính mà đây cũng là một kênh báo chí tôi chọn làm nơi đưa ra hàng loạt những quan điểm, đánh giá và phản biện, vì SGTT, nhất là đội ngũ phóng viên, nhà báo, luôn sẵn sàng chịu "rủi ro" nếu những thông tin đưa ra là hợp lý, minh bạch và đầy đủ. Ngay cả đối với những vấn đề hay sự kiện có thể rất "nhạy cảm".
Dưới đây là một trong những sự kiện "nhạy cảm" đã làm cho ban biên tập và phóng viên bị Thành Uỷ kiểm điểm mà tôi đã vô tình dự phần từ đầu và sau đó phải cố tình tham gia để phần nào giúp giải quyết từ "phía sau lưng hậu trường".
Viết về sự kiện này như là một lời ngợi khen ngắn gọn của tôi đối với các anh em đã làm việc cho SGTT và như là một lời chia tay với một tờ báo đang bị đóng cửa.
Vào giữa tháng 6/2008, Saigontel được cấp giấy phép đầu tư "Công Viên Phần Mềm Thủ Thiêm", dự án có quy mô: tổng vốn đầu tư trên 1,2 tỉ USD đầu tư cho diện tích 16 hecta; chủ dự án còn tuyên bố rằng: "Trong quá trình xây dựng, dự án này sẽ tạo cơ hội việc làm cho khoảng 40.000 công nhân. Sau khi hoàn thành, dự án này sẽ duy trì thường xuyên lực lượng lao động bảo trì, phục vụ khoảng 70.000 người. Cũng theo tính toán của các chuyên gia thiết kế dự án trên, trung tâm phần mềm Thủ Thiêm đủ chỗ làm việc cho khoảng 49.000 người."
Với những con số khổng lồ này, tôi thấy ngay dự án này có vấn đề! Không phải chỉ một hoặc hai vấn đề mà nhiều vấn đề vô cùng phản khoa học.
Đối với cộng đồng ICT thì đây quả thật là một siêu dự án có quá nhiều hứa hẹn, vì vậy, nhóm phóng viên ICT tại TP có giao lưu với tôi và tìm hiểu cách nhìn của tôi để tham khảo thêm từ nhiều góc độ khác nhau, cuộc giao lưu thân mật này được thực hiện vào đầu tháng 7/2008 trên sân thượng tầng 5 tại KS Rex (ngoài trời để anh em hút thuốc).
Trong cuộc giao lưu, tôi phân tích rõ về các góc độ sau:
1. Tính hiệu quả kinh tế của dự án: Với 1.2 tỷ USD chỉ cho 16ha đất sử dụng, tính đổ đồng là 7.500 USD/m2 hoặc ~1.000 USD/m2 cho cây xanh và đường sá + ~17.000 USD/m2 cho phần các loại toà nhà. Với con số đơn giản này thôi thì việc thu hồi vốn trong vòn 10 năm là bất khả. Từ đó, không thể có chuyện đầu tư để có hiệu quả kinh tế được. Và nhóm đối tác từ Đài Loan lại vô cùng kinh nghiệm trong kinh doanh bất động sản cho nên rất có vấn đề.
2. Tính thực tế của các doanh nghiệp phần mềm: Gia tài quan trọng nhất của các DN phần mềm là chuyên viên phần mềm, ngay cả ở Silicon Valley, các DN luôn tạo mọi cách để giữ cách biệt chuyên viên của họ đối với mọi DN khác nhằm tránh bị đối thủ dụ dỗ bỏ DN đi nơi khác. Bên cạnh, việc bảo mật về thông tin sản phẩm, thông tin khách hàng, v.v… là những bảo mật hàng đầu. Cho nên không một DN phần mềm nào chọn chung chạ với các DN đối thủ cả. Lý do để DN phần mềm vào khu Quang Trung chỉ là vì lúc đó công viên phần mềm Quang Trung có hạ tầng truyền dẫn tốt, rẻ, và những ưu đãi cho DN vào đó rất lớn so với ở bên ngoài. Nhưng sau 2005 thì thực tế lại khác, những DN này tuy vẫn giữ trụ sở ở trong đó, nhưng những nhóm chuyên viên phần mềm chính của họ được ngấm ngầm đưa ra ngoài để hoạt động. Vì vậy, dự án "Công Viên Phần Mềm Thủ Thiêm" chỉ là tên gọi chứ định hướng kinh doanh không thể nào như họ tưởng tượng.
3. Thực tế về nhu cầu phát triển ICT tại Việt Nam: Sự rời rạc trong phương pháp phân cấp chủ quyền những dự án IT xương sống của nhà nước hoàn toàn phản khoa học trong góc độ quản trị cũng như trong góc độ triển khai các giải pháp, nhất định sẽ dẫn tới tình trạng thiếu tập trung, lãng phí và trì trệ. Từ đó, việc nhu cầu chuyên viên phần mềm cho lĩnh vực ICT của cả nước sẽ rất nhỏ, chưa bàn đến chuyện có 49.000 người thường xuyên làm việc tại dự án này!
Đó là những tóm tắt ngắn gọn của 1 buổi giao lưu kéo dài hơn 3 giờ trao đổi liên tục giữa phóng viên các báo và cá nhân tôi.
"Như vậy doanh số, bài toán nguồn nhân lực của trung tâm này đều có ít nhiều hoài nghi tính khả thi của nó. Do đó không ít các doanh nghiệp phần mềm đang ngờ rằng, dự án trung tâm phần mềm Thủ Thiêm cũng là một dự án bất động sản đơn thuần như bao dự án mà SaigonTel đang tham gia. “Để thuận tiện trong việc xin giấy phép, họ lựa chọn “chiêu bài” tập trung vào những lĩnh vực mà TP.HCM đang hướng đến như công nghệ cao, công nghệ phần mềm… Đến khi xây dựng xong, cho ai thuê mà chẳng được. Đâu có quy định chế tài nào không cho các đối tượng khác vào trung tâm phần mềm thuê chỗ đâu”, ông Hoàng Ngọc Diệp, cố vấn cao cấp của tập đoàn Foxconn tại Việt Nam thẳng thắn nhận xét."
Câu chuyện nếu tới đây dừng thì chẳng có gì để bàn luận xôn xao cả. Tuy nhiên, sự việc đã không đơn giản như vậy!
Hai tuần sau, ban biên tập và phóng viên viết bài này nhận một cái công văn từ văn phòng Thành Uỷ lệnh điều tra, báo cáo và kiểm điểm vì viết bài báo này!
3 tuần sau nữa, công ty Foxconn nhận công văn từ UBND TP yêu cầu Foxconn giải trình tại sao tôi, cố vấn cao cấp của Foxconn, lại dám đưa ra những nhận định "tiêu cực" về một "siêu dự án" của TP mà chính Thành Uỷ duyệt và đỡ đầu. Bức công văn này có c.c. đến văn phòng Thành Uỷ.
Với tư cách một nhà đầu tư đã bỏ ra gần 2 tỷ USD và chuẩn bị bỏ thêm 3 tỷ USD nữa tại VN, Foxconn bắt buộc phải trả lời công văn này. Và với tư cách cố vấn cao cấp của Foxconn, tôi cũng đã phải tham gia "giải trình" theo yêu cầu của công văn này. Tôi đã đề nghị và cùng Foxconn giải quyết như sau:
– Foxconn gửi 1 công văn đến UBND TP khẳng định rằng: Foxconn không hề có liên quan gì đến sự việc này cả. Cố vấn của họ (là các nhân tôi) hoàn toàn độc lập trong những hoạt động và nhận định của tôi, và Foxconn chỉ chịu trách nhiệm giải trình những gì họ thực hiện cho dù theo sự cố vấn của tôi hay không. Tuy nhiên, để giữ quan hệ tốt với chính quyền địa phương, Foxconn đã đền nghị cố vấn của họ trực tiếp giải trình.
– Phần tôi, tôi viết một bức thư giải trình mọi sự việc, cách nhận xét và đánh giá độc lập của tôi đến UBDN TP, trong bức thư này, tôi có đưa ra thêm ba phần:
1. Tôi sẵn sàng đối chất với bất kỳ tổ chức, bất kỳ nhóm chuyên gia nào của nhà nước hoặc của nhà đầu tư để bảo lưu quan điểm của tôi.
2. Tôi đồng gửi bức thư này đến Văn phòng TƯ đảng, Thủ Tướng CP, Chủ Tịch QH và tất nhiên Thành Uỷ TP.
3. Tôi cho biết rằng vì đây là quan điểm của tôi mà phóng viên viết lại, cho nên nếu BBT và phóng viên của SGTT có bị kỷ luật vì bài báo thì cá nhân tôi sẽ chính thức kiện tổ chức quyết định kỷ luật họ.
Sau 2 tháng kể từ khi Foxconn và tôi gửi phúc đáp, mọi chuyện nhẹ lại và dừng.
Ban biên Tập SGTT và phóng viên bị cảnh cáo nhẹ, phóng viên bị "đì" nhè nhẹ trong vòng hơn 1 năm.
Sau hơn 4 năm treo và vẽ vời, đầu năm 2013, dự án này chính thức bị rút giấy phép vì bị xem như là "chiếc bánh vẽ" to đùng của nhà đầu tư!
Tại sao hệ thống nhà nước yếu kém đến mức không nhận ra đây là chiếc bánh vẽ từ đầu?
Tại sao lại đi kiểm tra, kiểm điểm, khiển trách một tờ báo viết một bài báo nhận định về nó mà không chịu đánh giá nghiêm túc về phản ánh và phản biện của bài báo?
Tại sao phải mất hơn 4 năm nhà nước mới chịu công nhận đây là chiếc "bánh vẽ"?
Và có một điều nằm ngoài mọi câu hỏi trên:
Sự thẳng thắn và sẵn sàng chịu rủi ro để đưa một bài báo cảnh tỉnh của báo SGTT, sự sẵn sàng chịu sức ép quái dị của nhà cầm quyền mà chính phóng viên đã biết trước là có thể sẽ phải gánh chịu… chính là giá trị của báo SGTT mà từ đầu tôi đã nhận biết.
Chúc SGTT có cơ hội tiếp tục, nếu không, chúc những người bạn đã cũng như đang làm việc cho SGTT tiếp tục có cơ hội đóng góp cho VN. Không như những tờ báo lá cải và tuân phục một chiều!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét