Chủ Nhật, 5 tháng 1, 2014

RẤT HAY, NHƯNG

 Tác giả viết hay, rộng và tương đối ĐÚNG về thực trạng Việt Nam, song le, ví Tổ Quốc như Bà Mẹ điên là quá khiên cưỡng khi phải đề cập đến phạm trù "chung/riêng", nếu chỉ là muốn  cụ thể hóa một thứ tình cảm thiêng liêng (kiểu TQ như Mẹ) thì ở đây cần nhận chân một thực tế : Mẹ điên (mất ý thức) hay Mẹ ác(với đầy đủ ý thức và nhận thức)?
Mà như thế thì rất tiếc, bài viết chẳng còn nhiều giá trị tư tưởng, dù là bài rất hay và có vẻ như là thấu đình đạt lý! (CNC) 


***



Tôi đã học cách bơi trong lũ và yêu bà mẹ điên như thế nào?

 

 

Bài viết có thể giúp ích cho ai đó và chính vì lẽ đó, tôi viết bài này.

Câu chuyện là thế này:

Bố con tôi tại Death Valley, CA 4/2012
Sau khi ở Mỹ khoảng 1 năm, 30 ngày cuối cùng, gia đình tôi gồm 2 người lớn, 3 đứa trẻ (9 tuổi, 7 tuổi và 4 tuổi), quyết định đi từ Cali vòng xuống miền Nam, đi bọc dưới miền Nam rồi men theo bờ Đông lên New York. Ngày gia đình tôi đến New York để chuẩn bị bay sang châu Âu 40 ngày đi du lịch, sau đó, chúng tôi sẽ bay về Việt Nam, một cựu chiến binh Mỹ có cô con gái lai lấy một anh chàng gốc Việt làm nghề sửa ô tô đã nhìn thẳng vào tôi và hỏi:
- Tại sao mày đưa con mày về?
Tôi bảo rằng tôi thích nước Mỹ nhưng tôi yêu Việt Nam, và đó là lý do chính tôi về.
Ông ta bảo:
- Mày có biết ở đó có VC (Việt cộng), mày đang đánh cắp tương lai của con mày. Trẻ con ở đây có tương lai rộng mở, có điều kiện rất tốt.

Bố con tôi tại San Mateo, CA 4/2012
Là người bố, ít ai không thương con. Câu nói đó theo tôi đến ngày hôm nay. Nhiều khi tôi cũng nghi ngờ quyết định của mình.
Hồi đó, tôi nghĩ thầm:
- Mày nghĩ 90 triệu người Việt Nam và những đứa trẻ ở đó đều không có tương lai chắc. Mày đang nói về Việt Nam ở những năm 60 hay 70 gì đó. Ở Việt Nam hôm nay còn nhiều người rất khổ, tao biết, nhưng nếu mày biết phần đấu vươn lên, có may mắn và biết tha thứ thì mày vẫn có thể lựa chọn một tương lai cho con mày.
Tôi nói vậy nhưng trong lòng thỉnh thoảng vẫn hoài nghi và bất an lắm.

Song, có một điều tôi biết chắc chắn là ở Mỹ, tôi không cảm thấy hạnh phúc vì đất nước đó quá rộng, có quá nhiều người quá giỏi và họ cũng sống hết mình cho đất nước đó. Tôi chỉ là hạt cát trong sa mạc mênh mông ấy. Nước Mỹ không phải của người Việt, nước Mỹ là của tất cả những người đang đi tìm hạnh phúc mới. Họ có thể da trắng, da đen, da vàng, da nâu, da đỏ. Người ta không quan tâm bạn đến từ đâu, vấn đề là bạn có sống đúng, sống có ích cho mình, cho cộng đồng hay không mà thôi.

Và khi tôi cảm thấy quá nhỏ bé trong một cộng đồng thì cộng đồng cũng chẳng quan tâm đến sự tồn tại của tôi. Nhưng ở nhà tôi, ở đất nước tôi, mẹ tôi quan tâm đến hơi thở của tôi, gia đình, bạn bè quan tâm đến niềm vui, nỗi buồn của tôi, nhiều người lao động đang quằn quại tìm lối thoát cho cuộc sống của mình và có thể họ cần đến một chút kiến thức của tôi... Và khi tôi cảm thấy hạnh phúc thì có thể tôi sẽ làm cho gia đình tôi hạnh phúc. Điều đó ngược lại nếu tôi ở Mỹ. Bản thân tôi không hạnh phúc thì tôi không thể làm cho gia đình tôi hạnh phúc.

Và đó là lý do chính tôi quay về.



TẠI SAO NGƯỜI TA SỢ VỀ VIỆT NAM?

Theo tôi, có 6 LÝ DO làm người ta sợ:

Thứ nhất là môi trường: chúng ta đang hủy phá thiên nhiên, chặt cây làm thủy điện, đang bắt đầu xây dựng nhà máy điện hạt nhân và từ năm 2014 đến năm 2030, Việt nam sẽ có 14 lò ở 5 tỉnh miền Trung, điều mà người Đức đến năm 2022 sẽ loại bỏ hoàn toàn và người Đan Mạch sẽ cho là ngớ ngẩn vì đến năm 2050 họ sẽ dùng toàn bộ năng lượng mặt trời
(Xem Việt nam sẽ cắt đôi nếu có sự cố hạt nhân).

Ngoài ra, với đà rác thải và xử lý rác bừa bãi như hiện nay, chẳng mấy chốc, chúng ta sẽ là một bãi rác khổng lồ. Đó là chưa kể với đà nóng lên của địa cầu, Việt Nam là nước sẽ chịu nhiều thiệt hại nhất trong vấn đề nóng lên toàn cầu.

Thức hai là y tế:
Tất cả chúng ta đều thừa nhận là đến các cơ sở y tế Trung ương, chúng ta sẽ khiếp sợ về sự quá tải của bệnh viện và thói coi mạng người như rơm rác của rất nhiều những người làm y tế. Ta không thể phủ nhận còn rất nhiều người ngày đêm hi sinh cuộc sống riêng tư của mình để làm nhiều hơn cho cộng đồng, nhưng cơ chế và nền giáo dục đã làm rất nhiều người không còn giữ được phẩm chất của mình.

Thứ ba là giáo dục:
Chúng ta đã quá quen với cụm từ "tị nạn giáo dục". Các ông bố bà mẹ đã làm hết sức mình để cho con mình tiếp cận được nền giáo dục nhân bản. Họ gửi con vào trường Quốc tế với cái giá cắt cổ, họ gửi con ra nước ngoài với toàn bộ vốn liếng của mình. Không chỉ những người kinh doanh, những người lao động mà ngay cả các quan chức tỏ ra trung thành với lý tưởng Cộng sản cũng gửi con đến các trường danh tiếng ở các nước tư bản phát triển để mong con mình có được một nền giáo dục đích thực.
Bản thân tôi nhiều khi cũng cảm thấy phát điên vì thói hình thức, cứng nhắc, gian dối và bất cập của nền giáo dục nước nhà.

Thứ tư là vệ sinh an toàn thực phẩm:
Chúng ta cũng biết là Việt Nam là nước có tỉ lệ ung thư hàng năm tăng hàng đầu trên thế giới. "Lãnh đạo Cục Cảnh sát PCTP về môi trường dẫn chứng: các nhà khoa học nghiên cứu độc lập cho rằng: 70% nguyên nhân các ca mắc ung thư là do chế độ ăn uống không đảm bảo, chủ yếu do sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm và nguồn thực phẩm có chứa chất bảo quản độc hại; 20-25% do môi trường sinh hoạt và điều kiện sống kém; 5-10% do di truyền (yếu tố di truyền cũng chứa đựng ảnh hưởng bởi quá trình mắc ung thư do thực phẩm, chế độ ăn uống nên sẽ lặp đi lặp lại nhiều thế hệ)
Theo Gocnhinalan.com.
Quá tải bệnh viện ung bướu
Nếu đến Bệnh viện ung bướu thành phố, chúng ta sẽ không lạ gì với tình trạng quá tải ở đây. Người bệnh có thể phải nằm cả dưới sàn...
Hình ảnh đáng sợ đó ám ảnh chúng ta.
Hàng năm, Việt Nam có thêm hàng 100 ngàn ca ung thư mới và có 73,5 % là tử vong và là quốc gia có tỉ lệ tử vong cao hàng đầu thế giới.

Chúng ta đều biết nguồn nước của chúng ta bị ô nhiễm bởi nhiều lý do, trong đó có chất độc da cam và tình trạng xả nước thải vô tội vạ của các cá nhân và nhà máy....
Chúng ta cũng quá biết tình trạng dối trá trong việc kiểm định chất thải động cơ của nhiều cơ quan đăng kiểm.
Chúng ta cũng không lạ gì với việc các cá nhân thản nhiên vứt rác trên những bãi biển nổi tiếng của chúng ta như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Cửa Đại....
Chúng ta cũng không lạ gì với việc người nông dân vì ý thức thấp kém, trình độ không được giáo dục tốt đã thản nhiên phun thuốc trừ sâu ngay trước khi thu hoạch, sử dụng chất tăng trưởng bừa bãi trong chăn nuôi.
Và họ chính là nạn nhân đầu tiên của việc sử dụng bừa bãi này.
Chúng ta cũng không lạ gì các doanh nghiệp nhập khẩu những lô hàng ôi thiu từ nước ngoài về rồi vì lợi nhuận đầu độc chính những con người cùng giống nòi.

Chúng ta đang có một "mâm cơm hóa chất" và với cái đà này, giống nòi của chúng ta sẽ không còn. Tất cả chúng ta sẽ bị ung thư hoặc sẽ có Gen ung thư và chúng ta sẽ chết dần. Đừng lạc quan hão về tương lai của chúng ta nếu chúng ta không chịu thay đổi. Chúng ta chẳng cần giữ Trường Sa làm gì vì chúng ta sẽ là một dân tộc chết yểu và hèn nhát.
Cách duy nhất là không phải một người mà tất cả chúng ta phải thay đổi cách sống của mình nếu không muốn chết và làm cho con em chúng ta chết theo.

Thứ năm là giao thông:
Chúng ta cũng quá biết là hàng năm chúng ta có bao nhiêu tai nạn giao thông thảm khốc. Đa số là do trình độ nhận thức quá thấp kém khi tham gia giao thông và trình độ quản lý thiếu trách nhiệm và tư cách của rất nhiều người quản lý.
Chúng ta cũng biết đa số người tham gia giao thông đều không được đào tạo đúng theo tiêu chuẩn tốt, và hơn hết là thái độ tham gia giao thông luôn muốn tranh nhiều hơn là nhường. Nó thể hiện một trình độ nhận thức bầy đàn và rất kém trong ứng xử, đặc biệt tại thủ đô Hà Nội. Chúng ta luôn cảm thấy lo sợ khi bố mẹ, anh em, vợ con phải ra đường vì đối với những người ta từng tham gia giao thông ở những nước văn minh, giao thông Việt Nam là kiểu giao thông tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất.

Vâng, đất nước tôi như thể, thử hỏi ai mà không sợ. Ta còn sợ chẳng trách gì Tây.


Thứ sáu là Chính trị:
Chúng ta đang tỏ ra theo đuổi một thể chế Chính trị có lẽ là lạc hậu và hão huyền nhất thế giới. Cả thế giới hôm nay chỉ còn có 4 thể chế giống như chúng ta, tuy có khác nhau đôi chút về cách áp dụng. Thể chế Chính trị của chúng ta đã góp phần không nhỏ vào sự kéo lùi phát triển của cả dân tộc.
Những nước đi theo mô hình chính trị giống ta đã gặp không ít khó khăn trong việc phát triển đất nước và mang nhiều tai tiếng trên cộng đồng Quốc tế.


GIẢI PHÁP CHO CHÍNH TÔI:

Có lẽ cách tốt nhất để giải quyết vấn đề là đối diện với nó chứ không phải lẩn trốn nó. Vì thế, tôi vẫn về Việt Nam.

Thứ nhất, về môi trường:
Tôi không đưa con và trung tâm thành phố, và đó cũng phù hợp với chủ trương giãn dân của Chính phủ. Tôi thường chọn những nơi hơi xa trung tâm, tuy sinh hoạt đôi cái bất tiện, nhưng được cái nọ mất cái kia. Tôi đã được thở không khí trong sạch 10 năm ở Đức và 1 năm ở Mỹ, tôi thấy không khí cần cho cuộc sống thế nào và chính vì thế, tôi chịu đi xa một chút, nhưng con tôi được thở theo đúng nghĩa.
Tôi cũng dạy con tôi là không bao giờ được vứt rác ra đường, dù chỉ là một cây tăm nhọn hay cái vỏ kẹo cao su vì tương lai của chính chúng.
Tôi cũng dạy chúng là hãy tiết kiệm năng lượng vì chừng nào chúng ta chưa có nguồn năng lượng sạch, và không phải là thủy điện hay điện hạt nhân mà người ta vẫn rêu rao, thì chính sự lãng phí năng lượng sẽ giết chết chúng sau này.
Tôi cũng dạy chúng biết dị ứng trước tất cả các trò hủy phá môi trường như chặt cây, xả nước thải vô tổ chức, ỉa đái bậy...
Thằng con trai 5 tuổi của tôi hỏi bố:
- Bố ơi, tại sao lại có quạt thông gió trong toilet?
Tôi bảo để nó thông hơi, thổi mùi thúi ra ngoài khi con đi ị.
Nó lại bảo:
- Thổi ra ngoài thì nhà thối.
Tôi bảo là không thổi ra ngoài nhà, thổi ra ngoài đường.
Nó lại bảo:
- Thổi ra ngoài đường thì người ta thối.
Tôi bảo khí ra ngoài đường thì bay lên cao, ngoài kia rộng lắm.
Nó bảo:
- Bay lên cao thì con chim sẽ ngửi thối.
Tôi im lặng và nó lại bảo:
- Bay lên cao thì con chim ngửi thối- Nó nhắc lại.
Tôi bảo ngoài kia rộng lắm, chim ngửi không sao hết....

Vâng, con trai ạ, hãy đừng làm cho con chim nó ngửi thối. Cái của con trai thải ra hoàn toàn không thối, nó sẽ rất nhanh phân hủy và trở về với đất, cái đáng sợ trên thế gian này là cái khác con ạ. Nó có thể là 14 cái lò hạt nhân kia, nó có thể là những túi nilon đang nằm tấp ở đâu đó ở những góc sông, con rạch, nó có thể là những chất hóa học không có khả năng phân hủy hoặc cần rất nhiều thời gian để có thể phân hủy.
Cái con thải ra có ...mùi của sự sống mặc dù nó được gọi là ...không thơm.

Thứ hai là y tế:
Đây có lẽ là thứ tôi sợ nhất ở đây. Tuy có những bác sĩ giỏi nhưng điều kiện y tế, phương tiện máy móc và số lượng phục vụ của nó làm cho tôi thực sự lo lắng về tương lai của ngành này. Tôi cố gắng làm việc thật tốt để con tôi có thể hưởng những dịch vụ y tế tốt nhất, nhưng rất tiếc, không phải ai cũng có cơ hội đó, và cách duy nhất để thoát ra khỏi tình trạng này là mỗi một người hãy nhìn thẳng vào sự thật và đấu tranh bằng hành động cùng lời nói để chúng ta một ngày có một nền y tế nhân bản.

Thứ ba là giáo dục:
Ngày tôi đi Đức về, đã sống 10 năm ở đó, tôi hiểu phần nào về nền giáo dục tôi đã hấp thu ở quê nhà. Ngày về, tôi lại vào trường đại học học tiếp và tôi thấy sau 10 năm, nên giáo dục của ta hoàn toàn không có gì khác biệt 10 năm về trước, chỉ có thêm gánh nặng và sức ép mà thôi. Bản thân đã từng đi thi quốc tế về âm nhạc do Bộ Văn hóa cử đi năm 1989. Tôi là chú gà chọi na ná như các chú gà nòi đang luyện để thi toán, thi thể thao ngày nay. Bao nhiêu năm, về cơ bản, nền giáo dục của ta vẫn vậy. Kẻ dốt thì hay thích thành tích, tâm lý bẩy đàn hay tâm lý đại biểu. Trong cộng đồng có kẻ kha khá một chút là cả làng tự hào theo, mà "một con én không thể làm nên mùa xuân", một đại biểu không thể kéo theo một bầy đàn không hiểu biết. Vì vậy, trước khi lấy vợ, tôi đã xác định là con tôi sẽ học ở nhà, không gửi đến trường. Cũng rất may là chúng ta chưa có chế tài phạt những kẻ không cho con đi học như tôi, chỉ khuyến khích, động viên cha mẹ đưa con đến trường như các bé ở những vùng thiểu số mà thôi. Tuy nhiên, tôi khác, tôi giữ con ở nhà vì muốn chúng hấp thụ một nền giáo dục nhân bản hơn mà không phải trả hàng ngàn USD cho mỗi đứa khi gửi chúng vào những trường Quốc tế ở Việt Nam. Tôi đã lấy vợ và một trong những tiêu chí của vợ tôi là phải có chút tiếng Anh kha khá để ít nhất có thể hướng dẫn các con tôi theo một chương trình giáo dục từ xa chất lượng nào đó. Con thứ nhất của tôi vào lớp 1, vợ tôi vẫn chưa hình dung được công việc mình phải làm. Bằng mọi cố gắng, tôi cố gắng gửi con vào trường Quốc tế có giá thành hợp lý nhất nằm ở Sài Gòn. Tôi chuyển cả nhà vào SG, mua nhà cạnh trường và giao con cho vợ. Tôi phải đi làm kiếm tiền. Một năm trôi qua, vợ tôi vẫn chưa tự tin lắm về phương pháp giáo dục của mình. Cô xin Visa sang Mỹ để tìm cách tiếp cận nền giáo dục được cho là tân tiến nhất thế giới. Sau những ngày suy nghĩ tương đối căng thẳng, tôi quyết định cùng gia đình bay sang Mỹ với sự hỗ trợ và động viên của cả nhà vợ. Vợ tôi phải sang trước để thuê nhà hoặc phòng trọ cho cả gia đình. Khoảng 2 tuần sau, tôi và 3 đứa nhỏ lên máy bay bay chặng đường dài tưởng chừng không dứt đến thiên đường giáo dục. Hàng ngày, được sự đồng ý của lớp học, tôi dành chút thời gian quan sát con tôi hòa nhập vào nền giáo dục Mỹ. Vợ tôi cũng học về giáo dục, chương trình khoảng 3 năm, nhưng sau 1 năm, chúng tôi cảm thấy đủ và muốn về Việt Nam.
Và càng ngày, tôi cảm thấy chúng tôi làm việc tốt hơn với những đứa trẻ của mình.
Cũng có nhiều gia đình người nước ngoài đến Việt Nam bằng nhiều lý do nhưng cũng không thể trang trải chi phí giáo dục ở các trường Quốc tế ở Việt Nam. Họ cũng tự dạy con họ và chúng tôi tìm cách liên hệ với họ để có những sinh hoạt mang tính cộng đồng. Và hôm nay, nếu bạn vào google, gõ chữ "homeschooling in Việt Nam" thì bạn sẽ tìm thấy không ít những người Việt đang tìm lối thoát cho con đường cụt của nền giáo dục Việt Nam.
Và tôi tin rằng các bạn sẽ tìm thấy một số người bạn ở trong đó.

Con đường của chúng tôi còn dài, nhưng ít nhất, nó cũng là lối thoát và có thể là cho các con của tôi.


Thứ tư là vệ sinh an toàn thực phẩm:
Mỗi lần ngồi xuống mâm cơm, tôi không khỏi băn khoăn vì không biết mình ăn gì. Biết là rau đấy, gạo đấy, đậu đấy, thịt đấy nhưng thực ra có những gì ở trong thì chỉ có nhà sản xuất mới biết được. Ai cũng biết là mọi người đến lúc nào đó sẽ chết, nhưng chết sớm hay chết muộn, chết trong quằn quại đau đớn hay chết như vui vẻ như "cày xong thửa ruộng". Và việc chết như thế nào phụ thuộc rất nhiều vào hàng ngày anh ăn gì. Báo chí nói đến nhiều về gạo tẩy trắng, đậu bỏ thạch cao, hoa quả cho thuốc bảo quản, rau phun thuốc sâu ngay trước khi hái mang ra chợ bán, mực ngâm tẩm hóa chất, thịt bò, thịt lợn được nuôi phản khoa học...Trong một xã hội đầy dối trá, muốn tìm sự thật quả thật là khó, đến rau ở siêu thị cũng bị nhiều điều tiếng thì sẽ phải tin vào ai. Nhiều lúc, nhìn bát rau rất ngon nhưng đều ăn trong e ngại. Người ta bảo ra chợ nhìn thấy rau xấu, có sâu là rau sạch. Tôi lại nghe người ta bảo có người bán sâu ở chợ để mấy bà bán rau mua sâu bỏ vào rau bẩn đánh lừa người tiêu dùng. Báo chí cũng đưa tin người ta múc nước cống để tưới cho rau tươi....Ừ thì báo chí bao giờ chả muốn làm rùm benh lên để báo bán chạy, nhưng không có lửa thì không có khói, người tiêu dùng biết tin vào ai trong một xã hội vàng thau lẫn lộn, thật giả khó phân biệt. Ngày sang Mỹ, tôi biết đến một loại thực phẩm mang tên "organic food" (thực phẩm hữu cơ). Nó là loại thực phẩm được nuôi trồng thân thiện với môi trường và đảm bảo gần như tuyệt đối. Giá thành của loại thực phẩm này cao hơn hẳn so với thực phẩm thông thường được coi là an toàn ở Mỹ. Thực phẩm hữu cơ được trồng ở những nơi xa khu dân cư, nhà máy, các nguồn nước ô nhiễm.....Nó không được bón phân hóa học mà chỉ được phép dùng phân xanh, phân chuồng đã qua xử lý và đặc biệt không được phun thuốc trừ sâu. Người nông dân phải tìm ra những phương thức tự nhiên để loại bỏ sâu bệnh cho nông trại của mình như trồng những cây đuổi sâu bọ hoặc trồng những cây sâu bọ thích ăn hơn xung quanh giống cây họ định thu hoạch để sâu tập trung vào những cây đó mà không phá cây họ trồng. Người ta nói đến chữ "thiên địch" có nghĩa là dùng những gì thiên nhiên có để địch lại những gì thuộc về thiên nhiên mà có hại cho cây trồng, vật nuôi họ định nuôi trồng. Nếu họ nuôi gia súc thì gia súc phải được nuôi tự nhiên, không nhốt một chỗ và cho ăn thức ăn tăng trưởng. Nước dùng cho tưới tiêu phải là nguồn nước sạch. "Với quan niệm cho rằng nông trại là một phần của cơ thể (the farm as organism),để mô tả một nền nông nghiệp chỉnh thể, cân bằng sinh thái, ngược hẳn với nông nghiệp hóa học (chemical farming)" Theo TS Nguyễn Bá Thoại, Bv Đà Nẵng.

Một con heo nuôi thả rông có thể lớn chậm hơn nhưng khả năng đề kháng của nó tốt hơn nếu nó sống sót và khi ăn thịt nó, thịt nó sẽ ngọt hơn, rắn chắc hơn và an toàn hơn.
Một con bò được ăn có tự nhiên, sống trong điều kiện tự nhiên sẽ cho sữa chất lượng cao.
Một cây rau, một quả táo được trồng tự nhiên sẽ lớn chậm hơn, khi thu hoạch nó cũng sẽ ngon hơn và đặc biệt, quá trình lớn chậm thường đi đôi với việc "chết chậm", có nghĩa là cây rau hay quả táo đó sẽ lâu bị héo hơn.
Một cây rau hay quả táo được bón phân tăng trưởng, ngày hôm trước đến ngày hôm sau là nhìn khác ngay. Lớn nhanh thường đi đôi với chết nhanh và khi thu hoạch, người ta sợ nó héo, họ lại cho thuốc bảo quản để quá trình héo chậm lại. Tôi đã từng để quả táo rất đẹp ở ngoài, không cho tủ lạnh trong mùa hè mấy tháng mà quả táo vẫn.....còn tươi.
Thật đáng sợ, tôi không thể tưởng tượng được nếu tôi ăn quả táo đó thì có nghĩa là tôi ăn cái gì và tác hại của nó thế nào cho cơ thể tôi và nòi giống của mình trong tương lai.

Về cân bằng sinh thái thì các ý kiến đều công nhận thực phẩm hữu cơ thân thiện với môi trường và góp phần tạo nên nguồn nước trong sạch và hệ sinh thái điều hòa. Các bạn thử tưởng tượng, hàng giờ, hàng phút, lượng thuốc bảo vệ thực vật được tưới trên khắp hành tinh, mưa xuống, nó ngấm xuống đất, chảy xuống khe và rất nhiều nơi, chúng ta đang sống bằng nguồn nước ngầm chảy dưới đất.

Cũng theo ông tiến sĩ Thoại, "lúc đầu thực phẩm hữu cơ chỉ chiếm từ 1- 2% lượng bán ra trên thế giới, nhưng những chợ thực phẩm hữu cơ đang trên đà phát triển nhảy vọt ở cả các nước đã cũng như đang phát triển. Năm 2002 doanh số mới 23 tỉ đô la đến 2006 đã vọt lên 40 tỉ đô la. Các chợ thực phẩm hữu cơ tăng liên tục trung bình 20% có quốc gia tăng đến 50% mỗi năm. Ở nước ta gần đây đã có nhiều thực phẩm hữu cơ trong siêu thị ở các thành phố lớn.
Nông nghiệp hữu cơ hiện nay đã được ứng dụng ở hơn 120 nước trên thế giới; bắt đầu từ Mỹ và các nước châu Âu hiện nay đang phát triển nhanh tại Ấn Độ, Trung Quốc và các nước châu Mỹ La tinh".

Ông Thoại cũng cho rằng "Về năng suất và số lượng: Từ lúc khởi đầu nhiều người xem đây là nhóm thực phẩm xa xỉ dành cho giới trung và thượng lưu- nhiều tiền, muốn “tối ưu” chất lượng sống; nhưng dần dà nhiều nhà khoa học uy tín lại nhận thấy chính nông nghiệp hữu cơ với việc sản xuất thân thiện môi trường, hạn chế ô nhiễm…về lâu về dài cũng góp phần hạn chế đói nghèo. Tại hội nghị của WHO về 'Nông nghiệp hữu cơ và an ninh lương thực' diễn ra ở Roma (Italia) năm 2007 các chuyên gia của các trung tâm nghiên cứu cho thấy khi quay về phương thức canh tác hữu cơ thì nông dân sẽ tiết kiệm được tiền mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…cùng lúc với việc đa dạng mùa vụ, xuất khẩu cũng được giá và bền vững tương lai hơn. Tổ chức lương thực thế giới (FAO) cũng nhận định nông nghiệp hữu cơ có khả năng cung cấp đủ lương thực nuôi sống dân số trên thế giới hiện nay".

Ở Việt Nam, nếu bạn đánh từ khóa "Organic Viet nam", bạn sẽ nhận được nhiều kết quả, trong đó có PGS, Hiệp hội hữu cơ Việt Nam, tổ chức mà ngày 04/09/2013 đã chính thức nhận được thư thông báo từ IFOAM (Tổ chức Các phong trào Nông nghiệp Hữu cơ Quốc tế) rằng tiêu chuẩn PGS Việt Nam đã chính thức trở thành một thành viên trong gia đình tiêu chuẩn hữu cơ IFOAM.

Vậy, tiêu chuẩn hữu cơ PGS là bộ tiêu chuẩn nội địa đầu tiên ở Việt Nam được công nhận ở cấp Quốc Tế bởi một tổ chức nông nghiệp hữu cơ uy tín nhất Thế Giới hiện nay.
(Xem http://vietnamorganic.vn)

Từ trang web này, các bạn ở Hà Nội sẽ được cung cấp các thông tin chính thống các cơ sở sản xuất thực phẩm hữu cơ mang tiêu chuẩn PGS và khách hàng có quyền và nghĩa vụ đóng góp, có thể tố cáo các sai phạm của các cá nhân tổ chức mang tiêu chuẩn PGS nhưng không làm đúng chức năng để đàm bảo quyền lợi hợp pháp của mình.

Bạn có thể google khái niệm "PGS là gì?" và mạng sẽ cho bạn kết quả của Wiki:
"Là Hệ thống đảm bảo có sự tham gia– PGS (Participatory Guarantee System) hiện đang được áp dụng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới như Hoa Kỳ, Ấn Độ, Brazil, Newzeland, Achentina, Peru... Hệ thống đảm bảo này dựa vào sự tham gia của các cơ quan, tổ chức và con người có liên quan trực tiếp vào chuỗi cung cấp hữu cơ, khuyến khích hoặc thậm chí yêu cầu sự tham gia trực tiếp của người nông dân và người tiêu dùng vào quá trình cấp chứng nhận".

Đơn giản, bạn sẽ là người tham gia trong quá trình sạch hóa nông nghiệp vì quyền lợi của chính bạn, của gia đình, con cái bạn và vì sự phát triển của đất nước.

Cũng với từ khóa "Organic Viet nam", các bạn ở Sài Gòn và các tỉnh lân cận Đà lạt sẽ nhận được thông tin về cơ sở tiên phong Organic nào đó tại Đà lạt. Các bạn có thể thăm viếng cơ sở của họ, tâm tình với người chủ cơ sở, tôi tin rằng các bạn sẽ tìm được niềm đam mê với thực phẩm hữu cơ (organic food) và hiểu tại sao có những người sống hết mình vì nó.

Cá nhân tôi, qua giới thiệu, tôi được biết đến ông tiến sĩ Nguyễn Bá Hùng với trang web www.organikvn.com và anh Thịnh 132B Nguyễn Cao, Q7, Phú Mỹ Hưng, Tp HCM, điện thoại 08 54124262. Anh Thịnh là Việt kiều Mỹ, có niềm đam mê không giới hạn đối với "organic food".

Các bạn ở Đà nẵng có thể thăm viếng cửa hàng rau sạch 24 Phan Đình Phùng với đội ngũ nhân viên đáng tin cậy và cửa hàng rau đối diện số 29, phân phối sản phẩm với tên Global GAP và trang web www.dalatgap.com.

Các bạn ở Hà Nội và Sài Gòn cũng có thể tiếp cận dịch vụ của www.vuonrau.com. Rau sẽ được gửi từ Đà lạt trong một ngày cố định đến khách hàng của hai thành phố lớn này. Hai cửa hàng ở Đà Nẵng và www.vuonrau.com không phải là "organic food", nhưng theo cảm quan, tôi thấy đây là những cơ sở đáng để tin cậy và cần sự kiểm chứng nhiều hơn nữa từ khách hàng.
Nếu các bạn không có điều kiện ăn thực phẩm hữu cơ thì phương pháp nuôi trồng có hóa chất vẫn là nguồn thực phẩm nuôi dưỡng đa số người Mỹ hiện nay, và nếu nó được làm đúng qui trình ở các cơ sở uy tín thì vẫn chưa phải điều đáng ngại cho sức khỏe của bạn và gia đình bạn.

Trong xã hội thật giả lẫn lộn, chúng ta vẫn có thể tìm thấy những con người, những tấm lòng muốn xây dựng một xã hội chuẩn mực. Vấn đề là những kẻ "gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn" này đang ở đâu và chúng ta phải tìm kiếm, động viên họ vì mâm cơm chúng ta đang ăn.

Cũng xin lưu ý các bạn là tôi không có quá nhiều tiền để có thể cổ phần trong nhiều công ty rau như thế và tất cả những địa chỉ nêu trên không có một đồng vốn của tôi, và tôi cũng không chịu trách nhiệm về công việc làm ăn của họ. Tôi chỉ muốn cùng các bạn tìm đến những địa chỉ đích thực để bỏ lên bàn ăn những thứ mà tôi tin chắc là nó sẽ không làm hại con tôi và con cái các bạn.

Về cơ bản, chúng ta đại đa số là những kẻ không ăn quá nhiều, vấn đề là chúng ta ăn gì và tiêu hóa nó như thế nào mà thôi.


Thứ năm là giao thông:
Tôi không phải người lái xe giỏi và tôi tin rằng không có người lái xe giỏi. Nghề lái xe rất dễ vì hầu như ai cũng học được, khó vì đã là con người, không ai lúc nào cũng cẩn thận được. Con người không thể nắm tay mãi được, lúc ngủ, lúc chết phải duỗi ra, mà chẳng ai thức mãi hay sống mãi được. Bạn không thể lúc nào cũng là người cẩn thận được, sẽ có lúc bạn bất cẩn, và chỉ trong tích tắc, bạn sẽ chết. Đó là giao thông. Bạn thường đổ lỗi cho ngoại cảnh khi gây tai nạn nhưng đa số là do bạn chưa đủ kinh nghiệm. Ngày tôi học lái xe tại Đức, tôi đã mất tương đối nhiều thời gian. Đức là nước duy nhất trên thế giới không hạn chế tốc độc trên cao tốc nếu không có biển báo giới hạn. Bạn có thể chạy bao nhiêu tùy thích. Bạn phải tuân thủ nghiêm ngặt luật giao thông, nếu không, bạn sẽ mất mạng trong tích tắc. Vào mùa Đông, đường hay bị đóng băng và đó là thử thách không nhỏ đối với tài xế vì đường có thể tự nhiên trơn tuột. Bạn đang đỗ xe trên dốc, bạn vào nhà, trời đang lạnh cóng, một chút mưa phùn là đường phủ một lớp băng mỏng trơn như sàn trượt băng, bạn ra xe chỉ cần hạ phanh tay, chưa cần nổ máy là xe bạn đã tự do trượt xuống dốc. Tôi và bạn tôi đã bị như vậy. Khi tôi lái xe, tôi luôn tập trung vào những lỗi lớn có thể gây tai nạn lớn, những lỗi nhỏ, và quệt nhỏ tôi hay bị. Giống như kẻ không bao giờ ốm, khi lớn, ốm một trận chết luôn vì họ hay chủ quan là họ khỏe. Tôi có anh bạn lái xe không bao giờ va quệt ai trong nhiều năm. Anh ta đi luôn nhanh. Tôi nhắc anh ta là nên đi chậm lại và anh không phải người lái xe giỏi. Có vẻ như anh ta không tin tôi lắm vì tôi cũng thấy anh ta xử lý nhiều tình huống rất khéo léo và anh ta cũng cảm nhận như vậy.

Điều đó chưa chắc đã tốt cho anh ta.

Về Việt nam, tôi lại phải học lại cách lái xe ở Việt Nam. Tôi cảm thấy khó khi tham gia giao thông ở Việt Nam mặc dù đã lái gần 10 năm ở Đức. Tôi luôn nhận thấy nhiều rủi ro tiềm ẩn trong ý thức cũng như luật giao thông ở đây.
Mua xe và lái được gần chục năm, tôi vẫn cảm thấy khó khi ngồi sau vô lăng ở thủ đô.

Sang Mỹ, tôi dịch công chứng bằng Việt, bằng Đức (lúc này đã được đổi sang bằng quốc tế Châu Âu). Lên DMV, tôi hỏi có đổi được không, họ bảo được với điều kiện tôi phải làm "Test". Người Mỹ hình như không quan tâm bạn có bằng gì, vấn đề là bạn làm được gì và bạn phải chứng tỏ là bạn làm được bằng "Test". Tôi trượt và phải học lại. Sau này, tôi hiểu rằng nếu tôi không học lại, khi tham gia giao thông ở đây, tôi sẽ làm nguy hiểm cho người khác và chính tôi.
Luật giao thông Mỹ khác luật châu Âu.

Trước khi về Việt Nam, tôi cùng vợ và các con chạy từ miền Đông xuống miền Nam, qua các tiểu bang miền Nam và men bờ Đông lên New York trong vòng 30 ngày như tôi đã nói ở trên.
Vâng, riêng tiểu bang Cali đã có diện tích rộng hơn toàn bộ lãnh thổ Việt Nam.

Bây giờ, tôi về Việt Nam, tôi không thích lái xe nữa vì tôi thấy nhiều cái rất nguy hiểm. Nhiều lúc, có việc phải đi xe liên tỉnh, tôi ngồi trên xe và hiểu rằng tại sao Việt Nam nhiều tai nạn giao thông như thế.
Lỗi không phải chỉ do người đi xe máy mà đa số người lái xe Việt Nam đều không được đào tạo theo đúng cách.

Vậy, hãy luôn cẩn thận khi ra đường, bạn phải quan sát đằng trước, đằng sau, bên phải, bên trái, dưới đất và nhiều khi cả trên trời vì đường Việt Nam nắp cống hay bị mất do mấy chú nghiện ăn cắp, ổ gà nhìn giống "ổ trâu", trên trời có thể bất thình lình dây điện rơi vào người bạn và hàng ngàn vạn lý do khác. Tôi biết gia đình tôi quen ở khu bên cạnh chết cả gia đình ở Hà Nội vì dây điện rơi vào người trong khi tham gia giao thông.
Chuyện đó lâu rồi nhưng đối với tôi vẫn như chuyện ngày hôm qua.

Bạn phải luôn trau dồi khả năng tham gia giao thông, nếu có điều kiện, bạn hãy học ngay một chiếc bằng lái xe ô tô, bất kể bạn có đủ tiền mua xe hay không. Điều đó sẽ giúp bạn hiểu khi ngồi sau vô lăng, phía trước là cuộc sống, nếu bạn vô trách nhiệm, điều gì sẽ xảy ra,  mà ở Việt nam, không ít những người vô trách nhiệm đang làm việc đó, và bạn là cuộc sống chạy trước mũi xe.
Nếu bạn có điều kiện học bằng lái xe ở nước văn minh nào đó, hãy làm ngay để có thể tiếp cận được phong cách lái xe văn minh.
Đừng coi thường nghề lái xe, vì đó là cuộc sống của bạn và gia đình bạn.

Có chuyện kể rằng một nhà hiền triết và một anh chàng ít học cùng là khách trên một du thuyền. Nhà hiền triết hỏi chàng trai ít học về một chủ để cao siêu, chàng ít học tỏ ra không biết, nhà hiền triết bảo anh ta phí đã 1/4 cuộc đời khi không biết những điều đó. Nhà hiền triết lại hỏi anh chàng trai..."dốt nát" về một chủ đề khác, anh ta cũng chẳng biết, nhà hiền triết bảo anh ta đã phí nửa cuộc đời vì không biết những thứ đó. Ngay lúc đó, thuyền bị gió to và lật. Chàng trai hỏi nhà hiền triết có biết bơi không, ông ta bảo không.
Chàng trai nói: "Ông đã làm phí cả cuộc đời mình".

Muốn sống sót ở đời, bạn phải trang bị cho mình những kỹ năng tối thiểu. Tham gia giao thông là một kỹ năng mà bạn bắt buộc phải học như ra sông thì phải biết bơi. Nếu giao thông ở các nước văn minh như dòng sông hiền hòa, phẳng lặng thì giao thông Việt nam giống như dòng nước lũ.

Bạn phải học cách bơi và sống sót trong lũ.

Những việc nhiều khi tưởng đơn giản nhưng nó không phải thế.


Thứ sáu là Chính trị:
Ngày tôi sang Đức, lúc đó ở Việt nam rất khổ. Tôi thề sẽ không quay về vì đất nước tôi quá nghèo và quá lạc hậu. Tôi chửi rủa nơi tôi đã sinh ra, chửi rủa thể chế Chính trị đã làm tôi ngu thêm. Người ta bảo tôi là "bỏ tố quốc ra đi là đi tìm một người mẹ khác tốt đẹp hơn mẹ mình". Tôi cho điều đó là nhảm nhí vì ở đâu tôi được người ta đón nhận, được phát triển hết khả năng của mình và đặc biệt là được tôn trọng, ở đó là quê hương của tôi. Nếu mẹ tôi quá xấu, quá bảo thủ và ngu dốt thì tôi phải tìm một người mẹ khác đẹp hơn, tạo điều kiện tốt hơn cho tôi. Tôi đã không quan tâm "bà mẹ" đã nuôi tôi đến ngày tôi 24 tuổi và ruồng bỏ nó vì trong mắt tôi, "bà" rất xấu.

Và sự thực không phải vậy.
Mẹ điên
Một ngày, tôi tình cờ đọc được câu chuyện có người con trai tật nguyền, nghèo khó không lấy được vợ. Mẹ anh ta muốn có cháu để nối dõi đã cưới cho chàng trai một bà phụ nữ nửa điên, nửa tỉnh. Được mấy năm, người phụ nữ đó sinh được đứa con đẹp đẽ. Sợ người phụ nữ điên làm ảnh hưởng đến cháu mình, bà đã đuổi người phụ nữ đó ra khỏi nhà. Quãng đời tuổi nhỏ của cậu bé luôn mong ngóng một người mẹ. Một ngày, người phụ nữ điên nhớ con trở về. Nhận ra mẹ mình là một người nửa tỉnh, nửa điên, cậu bé vô cùng đau khổ, thất vọng và hắt hủi mẹ mình. Rồi cuộc sống luôn khó khăn, cậu là niềm hi vọng của cả nhà và cậu đã đỗ đại học. Cả nhà phải làm việc vất vả cho cậu ăn học. Lúc đó, người mẹ điên của cậu (lúc này đã được về nhà) phải đi bộ chặng đường dài, nhiều khi trong lạnh giá để đem đồ tiếp tế cho cậu. Một ngày, mẹ cậu mang cho cậu những quả đào dại rất ngon, cậu khen ngon và thời gian sau, mẹ cậu không bao giờ gặp cậu nữa. Cả nhà đi tìm thì mới hiểu rằng những quả đào đó chỉ còn lại ở những vách núi nguy hiểm vì Trung Quốc lúc đó đói kém, không thể có những quả đào chín ở những nơi dễ hái.
Mẹ cậu nằm dưới vách núi với máu và những quả đào vung vãi xung quanh....

Nếu tổ quốc của chúng ta là một bà mẹ điên thì "bà" cũng đã nuôi tôi đến năm 24 tuổi, và từ ngày tôi về nước năm 1999 đến nay là gần 15 năm. 24 + 15 là 39 năm nuôi một đứa con hoang dại mà nó không hát lên được một bài ca tình yêu thì đứa con đó cũng chẳng đáng sống.
Nếu tổ quốc là một bà mẹ điên thì tôi cũng mang trong mình dòng máu đó - dòng máu của kẻ điên, nên sự lựa chọn quay về để cùng sống với những "kẻ điên" cũng là điều có thể giải thích được.

Tâm lý luôn đổ lỗi cho người khác là tâm lý từ thủa khai thiên lập địa khi  Adam phạm tội đầu tiên của loài người, không nghe lời Đức Chúa Trời mà ăn trái cấm. Khi Chúa Trời hỏi Adam: "Ngươi có ăn trái cây ta đã dặn không nên ăn đó chăng?" Adam đã muốn đổ lỗi cho Ava và thưa rằng: "Người nữ mà Chúa đã để gần bên tôi cho tôi trái cây đó và tôi đã ăn rồi". Khi Đức Chúa Trời hỏi Eva rằng: "Người có làm điều chi vậy?" thì Eva cũng thưa rằng: "Con rắn dỗ dành tôi và tôi đã ăn rồi".

 Sách Sáng thế đoạn 3, câu 11-12-13.

Như vậy, lỗi của Adam, ông đổ cho bà Eva, bà Eva đổ cho con rắn, và cả hai người đều ..."vô can"(?), không muốn chịu trách nhiệm gì về việc của mình đã gây ra.

Chúng ta thường đổ lỗi cho một lý do nào đó mà thường không cảm thấy trách nhiệm của mình trong đó. Lý do đó có thể là Đảng Cộng sản, một nền dân trí thấp kém, một lũ người vô học.....
Nếu thể chế chính trị và tổ quốc là một bà mẹ nửa điên nửa tỉnh, ta chỉ mặt mẹ ta và nói: "Bà là một mụ điên, tôi rất buồn là tôi mang trong mình dòng máu điên đó, tôi thật bất hạnh khi là con của mụ, mụ là nỗi nhục của tôi, là kẻ hút máu, là kẻ đã làm tôi ngu đi, đầy đọa cuộc sống tôi...."  thì tôi e là sẵn máu điên, bà sẽ không e ngại ném tôi vào lò lửa địa ngục mà không thương tiếc.
Nếu ta biết khơi dậy mảng tỉnh trong người mẹ điên, chăm sóc, nuôi dưỡng như một mầm non sắp tàn thì biết đâu một ngày, mầm non đó sẽ đâm chồi nẩy lộc cho ra đời một thân cây cành lá sum suê như chính người con học Đại học tôi kể trên.

Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Tôi không thích đất Huế. Nó là hiện thân của sự lạc hậu, chùa chiền, hủ tục.... Nhưng nếu có dịp, tôi sẽ ghé lại nơi đây để nghe giọng nói ấy, giọng nói giống như của một người đồng bào, người con đã được sinh ra ở đó, người con mà trong tim tôi luôn có một khoảng để tỏ ra trân trọng, để cúi mình trước ngôi mộ của ông, để tỏ lòng biết ơn vì cái lớn trong con người nhỏ bé ấy - cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn:

Một ngàn năm nô lệ giặc tầu
Một trăm năm đô hộ giặc tây
Hai mươi năm nội chiến từng ngày
Gia tài của mẹ, để lại cho con
Gia tài của mẹ, là nước Việt buồn

Một ngàn năm nô lệ giặc tầu
Một trăm năm đô hộ giặc tây
Hai mươi năm nội chiến từng ngày
Gia tài của mẹ, một rừng xương khô
Gia tài của mẹ, một núi đầy mồ

2X: Dạy cho con tiếng nói thật thà
Mẹ mong con chớ quên màu da
Con chớ quên màu da, nước Việt xưa
Mẹ mong trông con mau bước về nhà
Mẹ mong con lũ con đường xa
Ôi lũ con cùng cha, quên hận thù

Một ngàn năm nô lệ giặc tầu
Một trăm năm đô hộ giặc tây
Hai mươi năm nội chiến từng ngày
Gia tài của mẹ, ruộng đồng khô khan
Gia tài của mẹ, nhà cháy từng hàng

Một ngàn năm nô lệ giặc tầu
Một trăm năm đô hộ giặc tây
Hai mươi năm nội chiến từng ngày
Gia tài của mẹ, một bọn lai căng
Gia tài của mẹ, một lũ bội tình. 

Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu
Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu 
Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu  






GIA TÀI CỦA MẸ - NS Trịnh Công Sơn

2 nhận xét:

  1. Mẹ như tổ quốc, đất nước thì không hẳn. Mình cũng nghĩ như CNC ví như mẹ điên là gượng ép, khác nào ný nuận của tay nhà páo QĐND: "Bảo vệ chế độ chính trị, thể chế quốc gia là tôn trọng phẩm giá của dân tộc"

    Trả lờiXóa
  2. Ừ, về đi. Về để coi làm người giống và khác với làm súc vật ở chỗ nào. Hoan nghênh.

    Trả lờiXóa