Thứ Bảy, 14 tháng 9, 2013

Giáo dục đang cần gì? – Nguyễn Xuân Thu

 

Năm 2012, báo Tuổi Trẻ và một số nhà xã hội học tổ chức thăm dò ngẫu nhiên 500 thí sinh thi tốt nghiệp PTTH thì có tới 423 thí sinh đánh giá có tiêu cực trong kỳ thi tốt nghiệp; điều đặc biệt là nhiều chuyên gia giáo dục không tỏ ra bất ngờ về kết quả thăm dò này. Trong khi đó, các phương tiện thông tin đại chúng và các nhà tuyển dụng thường xuyên than phiền về trình độ của nhiều tú tài. Vậy tỷ lệ đậu tốt nghiệp PTTH quá cao của một số năm gần đây là do gian lận?
Độ chênh giữa thi thử và thi thật
Trước kỳ thi tốt nghiệp PTTH một tháng, các thi sinh được cho thi thử mà công tác coi thi được coi là chặt chẽ, kết quả tỷ lệ thí sinh ở nhiều tỉnh, thành bị trượt rất cao. Nhưng khi thi thật, hầu hết các tỉnh, thành đều có kết quả đậu rất cao, trái hẳn với kết quả thi thử. Câu hỏi được đặt ra là: Giáo viên có khả năng cao trong hướng dẫn ôn luyện và học sinh của chúng ta có tài đến mức hấp thụ kiến thức một cách mau lẹ để thay đổi kết quả thi trong thời gian một tháng không? Kết quả thi thay đổi nhanh và nhiều như vậy có lẽ chỉ nhờ phép lạ, khi mà có tỉnh thi thử chỉ đạt 46,9% nhưng một tháng sau thi thật lại đạt tới 99,56%, thậm chí có trường thi thử PTTH chỉ đậu 2,2% (trường THPT iSchool, tỉnh Ninh Thuận) nhưng thi thật lên tới con số 99,56%. Vấn đề là trường này không phải là cá biệt. Cho dù những người có trách nhiệm quản lý ngành giáo dục nói kỳ thi tốt nghiệp năm 2012 diễn ra nghiêm túc nhưng nếu được hỏi điều gì đã làm biến đổi các con số trên, có lẽ đa số mọi người đều có câu trả lời như kết quả khảo sát của báo Tuổi trẻ và một số nhà xã hội học, đó là do có tiêu cực trong thi cử. Điều gì khiến tình trạng này liên tục tiếp diễn trong nhiều năm gần đây, và tại sao gần như là mọi người đang chấp nhận nó?
Giáo viên không dám làm đúng
Một độc giả là giáo viên từng gửi ý kiến trên báo Tuổi Trẻ (trong khoảng thời gian từ năm 2011 đến năm 2012). Nội dung kể về việc, khi cô giáo này mới được phân công công tác, cô đã chấm điểm theo đúng trình độ học sinh khiến nhiều học sinh bị điểm thấp. Hiệu trưởng và tổ trưởng bộ môn yêu cầu cô nâng điểm nhưng cô không chấp hành nên đã bị họ trù dập và đồng nghiệp cô lập. Cuối cùng, cô giáo này phải chấp nhận “điều bình thường” như các giáo viên khác. Câu chuyện thực sự đau xót, vì việc làm đúng của cô giáo không được khuyến khích, động viên mà bị triệt tiêu, trù dập bởi “điều bình thường”. Nhưng cái đau lớn hơn là sự thiệt thòi cho tương lai của những học sinh không được thụ hưởng cái đúng đó, mà phải học tập trong môi trường giả dối của bệnh thành tích. Có lẽ cần tổ chức khảo sát ngẫu nhiên với các giáo viên để đánh giá hiện trạng và căn nguyên của bệnh thành tích này!
Học sinh không dám nói thật
Ngày 1/10/2012, báo Tuổi trẻ đăng ý kiến một độc giả, nội dung kể về việc con của người này thường than vãn là không thích cô giáo chủ nhiệm vì cô hay la mắng, không thương học trò. Sau đó, vị độc giả bàng hoàng khi đọc một bài viết của con, vì khen ngợi hết lời cô giáo chủ nhiệm khi cô yêu cầu cả lớp viết bài suy nghĩ, cảm nhận về cô giáo. Thắc mắc điều này với con và nhận được câu trả lời “phải viết như thế để yên ổn học hết năm lớp 3 này” của đứa con nhỏ, vị độc giả đã lạnh hết sống lưng. Và còn những bài văn tả người thân trong gia đình của các em học sinh tiểu học khác, đa phần các em lựa chọn cách viết theo bài văn mẫu để đạt điểm cao hơn là viết đúng thực tế và cảm tưởng. Đến nay, hiện tượng học sinh không dám nói thật, viết thật về suy nghĩ của mình không còn là cá biệt. Có lẽ ai cũng rõ xã hội phải gánh chịu hậu quả bởi những người trưởng thành biết cách dối trá, đối phó khi còn là học sinh nhưng các phụ huynh không thể không cho con đến trường.
Giáo dục đã bị nhiễm dối trá?
Khi hành vi tiêu cực trở nên phổ biến và đa số chấp nhận sống “chung với lũ”, người ta dễ dàng tìm ra được vô số lý lẽ để biện minh cho mình, thậm chí ngạc nhiên khi có người thắc mắc hoặc coi đó là điều hiển nhiên, không còn nhận ra nó là tiêu cực. Mặc dù trong từ điển tiếng Việt, định nghĩa của hai từ “tiêu cực” và “dối trá” ít có những điểm chung, nhưng quan điểm cá nhân tôi cho rằng, hiện tượng tiêu cực phát triển mạnh mẽ về số lượng và mức độ thì nó phải đang tồn tại trong không gian (môi trường) dối trá.
Kết quả từ cuộc khảo sát trên và những hiện tượng tiêu cực trong lĩnh vực giáo dục được phản ánh rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng đặt ra vấn đề là giáo dục của chúng ta đã đến mức nhiễm thói dối trá chưa? Câu hỏi này rất cần những nhà quản lý giáo dục nghiên cứu trả lời thấu đáo. Khi câu trả lời là có thì sẽ có hàng loạt câu hỏi khác đặt ra như: dối trá ở những khâu nào? nguyên nhân xảy ra dối trá đó là gì? biện pháp phù hợp thay thế?… Biết đặt câu hỏi và trả lời nghiêm túc, chính xác, đầy đủ các câu hỏi, các nhà quản lý giáo dục sẽ có giải pháp đúng cho ngành giáo dục Việt Nam.
Câu hỏi đặt ra từ một đề thi
Còn nhớ, trong nội dung đề thi tốt nghiệp PTTH môn Văn năm 2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các thí sinh phân tích một vấn đề “Thói dối trá là biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức trong đời sống xã hội”. Nhận thức được thói dối trá là hiện tượng của suy thoái đạo đức nhưng chỉ dừng lại như vậy thì chưa đủ, nó cũng là nguyên nhân lớn dẫn đến suy thoái đạo đức xã hội. Hay nói đúng hơn, có dối trá thì mới có suy thoái đạo đức. Trong đó, dối trá trong giáo dục là nguy hại nhất vì nạn nhân rộng lớn của nó (học sinh) có thể tiếp tục gieo rắc, nuôi dưỡng nó khắp nơi.
Các em học sinh đã làm xong đề thi trên, nhưng cả xã hội và hơn ai hết là những học sinh đang cần những nhà quản lý giáo dục trả lời câu hỏi “Thói dối trá trong thi cử nói riêng và giáo dục nói chung (nếu có) có mối quan hệ gì với hiện tượng suy thoái đạo đức xã hội?”. Suy nghĩ thấu đáo vấn đề này để thấy trách nhiệm lớn lao và đủ quyết tâm, dũng khí, ngành giáo dục mới có thể nghiên cứu, chọn lọc và áp dụng mạnh mẽ những ý kiến đóng góp tâm huyết, khoa học của chuyên gia và người dân, qua đó thực hiện thành công sự nghiệp giáo dục.
Các em học sinh cần nhiều đổi mới về giáo dục, trong đó cần lắm môi trường học tập trung thực!

1 nhận xét:

  1. Khi mà xã hội đặt nền tảng trên sự dối trá mà đòi hỏi giáo phải trung thực thì vô phương bác ơi, hic.

    Trả lờiXóa