Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2013

VÔ CẢM ÂM MƯU & MƯU TRÍ CÔNG QUYỀN

"Theo nhiều nhân chứng có mặt tại hiện trường vụ việc kể lại, vào khoảng 20h30, tại Km 970+950 trên QL1A đoạn qua đầu thị trấn Hà Lam (Thăng Bình, Quảng Nam) tổ tuần tra có ra hiệu dừng xe kiểm tra với chiếc xe tải do anh Lê Quang Phú (25 tuổi, trú tỉnh Quảng Ngãi) điều khiển.
Tuy nhiên, do chiếc xe tải giảm tốc độ, sang đường đột ngột lên anh Huỳnh Hùng (31 tuổi, trú tổ 12, thị trấn Hà Lam) lái xe máy ở phía sau đã húc vào đuôi xe tải dẫn tới va chạm gây tử vong tại chỗ.

Theo nhiều người dân, khi tai nạn xảy ra, CSGT Công an tỉnh Quảng Nam không tiến hành kiểm tra nguyên nhân vụ tai nạn mà vẫn tiếp tục dừng các phương tiện lại để kiểm tra, bỏ mặc nạn nhân nằm ngay trước mắt khiến nhiều người dân bức xúc.

Không những thế, người dân thấy chiếc xe tải gây tai nạn đã được lực lượng CSGT cho lưu thong" (nguồn:http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/dan-to-csgt-bo-mac-nguoi-chet-van-vay-xe-de-phat-2355733/index.htm)

Thứ Hai, 23 tháng 9, 2013

GƯƠNG TỐI ĐIỂN HÌNH

Ông thật đáng thương, thưa GS!


Nguồn: http://phuocbeo.blogspot.com/2013/09/ong-that-ang-thuong-thua-gs.html

Vụ việc Huyền Chip - cô bé sinh năm 90 đi du lịch bụi qua 25 nước chỉ với 700 USD ban đầu và xuất bản 2 tập sách kể lại hành trình của mình đã làm xôn xao báo giới và mạng xã hội trong tuần qua.

Người hâm mộ, kẻ chê bai, đủ cả. Nói chung, ở xã hội xứ An-nam với đa phần cần lao não phẳng, chưa một lần đi khỏi biên giới của đất nước hình chữ S này thì chuyện như vậy đã là như cơm bữa. Chẳng gì xa xôi, mới gần đây thôi, những vụ việc như bà Tưng, nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9, cơm 2k hay trên Facebook của Bill Gates đã nói lên điều đó.


Về quan điểm riêng của người viết, việc cô bé này làm được những điều như trên rất đáng khâm phục. Nó thể hiện được bản lĩnh, tư duy, khả năng tự học hỏi và khả năng thích ứng với những môi trường sống mới lạ, điều mà hầu hết các bạn trẻ của xứ An-nam chưa có và chưa làm được.

Tuy nhiên, có những điều cô bé này cũng nói lên hơi quá (đến mức có thể cho là nói phét), và dĩ nhiên người đọc nhận ra sự phi lô-gic trong đó. Điều đó cho thấy sẽ có rất nhiều sự thật mà cô bé không muốn đưa vào trong sách, dẫn tới sự phi lô-gic nói trên.

Chuyện của cô bé, người viết không muốn bình luận thêm, và coi như một chuyện rất bình thường trong xã hội. Tuy nhiên, việc liên quan đến cô bé này thì bắt buộc phải viết ra.

Đó chính là chuyện ông GS Nguyễn Lân Dũng tham gia giới thiệu sách và trả lời trước báo chí về cô bé. Phải nói đây là một sự nâng bi (theo nghĩa bóng) một cách thô thiển và thiếu tự trọng của một ông già đã 76 tuổi, có đủ học hàm học vị (GS.TS, NGND), có một thời gian dài tham gia nghị trường.

Tại sao người viết lại phải nói nặng nề như thế? Vậy, hãy xem ông này đã nói những gì.

Tại buổi họp báo giới thiệu sách của cô bé (19/9), ông này phát biểu trước báo giới: “Đừng để Huyền Chip lấy trai Tây”. Một câu nói thể hiện sự hiểu biết về xã hội và phông văn hóa của ông này rất kém và rất tự ti dân tộc.

Người viết đã có rất nhiều bài phê phán thói hư tật xấu của một bộ phận người Việt, cũng làm việc không ít với Tây, cũng đi lượn được vài nước văn minh. Điều ai cũng biết là đâu cũng có người giỏi, người dốt; đâu cũng có nơi văn minh, nơi lạc hậu; đâu cũng có người giàu người nghèo;… Mặc dù, cũng phải ghi nhận về cơ bản đàn ông Tây (nói chung) ít tính xấu hơn đàn ông Việt, họ sống có trách nhiệm với gia đình, với xã hội nhiều hơn đàn ông Việt.

Nhưng điều đó không có nghĩa là đàn ông Tây là chuẩn mực mà đàn ông Việt phải hướng đến, cũng không có nghĩa là đàn ông Việt kém đàn ông Tây.

Ấy thế mà ông GS này lại phát ngôn một câu như một cái tát vào mặt “trai Việt”. Chả lẽ cả xứ An-nam này không có một chàng trai chưa vợ nào đủ xứng đáng với một cô bé 23 tuổi nhan sắc ở mức trung bình yếu, chưa có trình độ chuyên môn, chưa có bằng cấp chuyên môn và chỉ nổi tiếng khi đi du lịch bụi ở nước ngoài với sự trợ giúp của truyền thông?

Tầm là GS, cựu nghị, đã đi hơn 40 nước trên thế giới (như ông ta khoe), ai lại nói “Dốt” đến thế!

Tiếp đến trả lời phóng viên Infonet, ông này nói về cách viết của cô bé này: “có những câu văn mà tôi nghĩ là các nhà văn không viết nổi” và “Đọc xong cuốn này, tôi có cảm giác các nhà văn, nếu nói hơi quá là phải thấy xấu hổ, nói đúng hơn là phải thấy tủi thân”.
Người viết chưa thấy các nhà văn lên tiếng, hay là họ không thèm chấp câu nói hạ tiện này của ông GS? Mặc dù không phải là nhà văn, cũng chẳng thừa thời gian để khóc mướn. Nhưng người viết thấy ông GS này hình như bị “sướng quá hóa rồ”.
Không biết ông đã đọc được mấy quyển sách của các nhà văn xứ An-nam mà dám so sánh như vậy? Và mặc dù ông đã già, nhưng vẫn còn nhiều nhà văn gạo cuội của nước nhà già hơn ông.
Là nhà giáo, nhà khoa học, ai lại phát ngôn hàm hồ đến như vậy!

Vẫn trên Infonet, ông lại nói: “Và điều quan trọng nữa đọc xong cuốn sách, ta thấy mình lớn lên. Bản thân tôi năm nay 76 tuổi rồi mà cũng thấy lớn lên”. Quan điểm riêng của người viết, ông này nói một câu cực kỳ thiếu tự trọng và trách nhiệm.

Không biết những thế hệ học trò của ông sẽ nghĩ gì khi phải học với một người thầy “chưa chịu lớn” này?

Không hiểu những đồng nghiệp của ông sẽ nghĩ gì khi khi đã trót trao đổi chuyên môn, học thuật trong giảng dạy, nghiên cứu với một người “chưa chịu lớn” này?

Không biết những người dân đã tín nhiệm bầu ông làm đại biểu quốc hội sẽ nghĩ gì khi đã trót đặt niềm tin vào người “chưa chịu lớn” này?

Và không biết nhân dân sẽ nghĩ gì về nền giáo dục nước nhà khi có một ông GS.TS.NGND “chưa chịu lớn” này?

Không hiểu 2 cuốn sách tự sự của một cô bé đi du lịch bụi ghê gớm đến mức nào? Hay vì một lý do “bùa mê thuốc lú” gì đó khiến một ông GS 76 tuổi nhảy cẫng lên khi phát hiện ra mình đã lớn lên sau khi đọc nó, cứ như là Archimedes trần nhồng nhộng chạy khắp nơi khoe đã tìm thấy nguyên lý của lực đẩy?

Chỉ có thể nói một câu: “một sự nâng bi quá trơ trẽn”.

Vẫn trên Infonet, ông lại nói: “Cuốn sách của Huyền Chip ngồn ngộn thông tin” và “Thật đáng tiếc cho những ai chưa đọc cuốn sách này”.

Không hiểu một ông GS đã từng viết sách có hiểu nghĩa của từ “ngồn ngộn” này là gì không nữa? Và cũng không hiểu ông lấy tiêu chí gì để phán xét những người chưa đọc cuốn sách này?

Nói ra không phải để khoe khoang, người viết cũng đã đọc tầm vạn quyển sách: hay có, dở có, triết có, lý luận có, hiện thực có, ảo tưởng có,… Thế nên người viết chả thấy có gì “đáng tiếc” đối với những ai chưa đọc sách này. Một cuốn sách bình thường, chỉ ở mức cung cấp thông tin, hình ảnh, pha chút mạo hiểm và chút tự sự cá nhân của một cô bé đi du lịch bụi.

Kẻ “đáng tiếc” phải là ông GS này mới đúng!

Không biết có phải từ khi rời nghị trường, ông ít được truyền thông chú ý nên muốn thông qua sự kiện này để tìm lại chút hình ảnh của mình trong con mắt cần lao?

Hay vì một lý do gì mà không ai biết, chỉ một mình ông biết?

Cho dù vì bất cứ lý do gì, thì cũng không đáng để một người “đức cao vọng trọng” như ông tự trét bùn (đáng ra phải dùng từ nặng hơn) vào mặt mình như thế.

Trước đây, người viết vẫn kính trọng ông trên giác độ ông là người đi trước, có nhiều thành tích trong giảng dạy và nghiên cứu, để lại nhiều hình ảnh đẹp trong nghị trường.

Nhưng sau những phát biểu về cô bé Huyền Chip, người viết đành phải dẹp sự kính trọng đó sang một bên để nói với ông câu này: “Ông thật đáng thương, thưa GS!”.

(@ by Baron, 2013)
Nguồn: Tản mạn và cảm nhận.

Kinh hoàng phát ngôn bá đạo của những tờ báo có tên Nhân Dân.

 

Nguoibuongio1972 

Dường như cuộc chiến trên mặt trận tư tưởng của các tờ báo này đã vào chỗ bế tắc, khủng hoảng bởi thực tiễn không minh họa được cho lời lẽ của họ.
Tờ báo QĐND đưa ra bài viết có nhan đề

Ba lần Bác cười trước lúc đi xa.
http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61/43/242/242/242/101538/Default.aspx

Bài viết miêu tả chi tiết và sống động chủ tịch HCM kinh yêu trước lúc từ trần theo lời kể của y tá Trung Quốc Vương Tinh Minh có đoạn.

Chiều hôm đó sức khỏe của Bác đã có chuyển biến tốt lên một chút, Bác nói muốn nghe một câu hát Trung Quốc. Các đồng chí đề nghị tôi hát. Tôi nói thật là hát cũng không tốt lắm, nhưng để vui lòng Bác, vì tình hữu nghị Trung-Việt, tôi đã hát một bài hát mà nhiều người thuộc và hát được, bài hát có nội dung chính là ra khơi xa phải vững tay chèo. Bác nghe xong rất vui, Bác nở nụ cười hiền từ. Bác nắm nhẹ tay tôi, tặng tôi một bông hoa biểu thị cảm ơn. Đó là lần thứ ba tôi thấy Bác cười. Và đó cũng là nụ cười cuối cùng của Người.

 Nếu đây là sự thật, thì sự thật này khiến nhiều người dân Việt phải ngỡ ngàng, hoang mang. Có lẽ nào nhạc sĩ Trần Hoàn là một tên nói phét, hoặc là một kẻ  lợi dụng mong muốn nghe hát của Bác để xuyên tạc sai lệch, nhằm kích động chiến tranh. Bài hát của nhạc sĩ Trần Hoàn có tên
Lời bác dặn trước lúc đi xa.

http://tainhaccho.vn/loi-bai-hat/tran-hoan/bnl/loi-bac-dan-truoc-luc-di-xa.htm

Bài hát như một câu chuyện kể rất cảm động, rằng trước lúc đi HCM muốn nghe câu hò Huế, bởi vì nước non chia cắt, Huế ở miền Nam. Rồi bác nhớ làng Sen quê mình, rồi bác nghe quan họ '' người ở ngưởi ở đừng về ''...rồi bác nghe câu hát dặm.

Bài hát của Trần Hoàn đã khắc sâu trong tâm trí của bao người Việt về một hình ảnh lãnh tụ HCM thân thương tha thiết với dân tộc, đất nước. Đến lúc cuối đời còn chỉ còn muốn nghe những làn điệu đầy bản sắc quê hương như hò, ví dặm, quan họ.

Thế nhưng báo QĐND dựa vào lời kể của một y tá Trung Quốc đã đưa lên thành một bài viết đi ngược 180 độ với những gì mà Trần Hoàn đã khắc sâu trong tâm trí nhân dân Việt Nam về hình ảnh của Người.

Bài viết của báo QĐND  đã nói rằng, bác chỉ muốn nghe câu hát Trung Quốc thôi. Không hề có một dòng nào của bài báo nói về những giây phút cuối đời HCM nhắc nhở gì đến nhân dân Việt Nam, đất nước Việt Nam cả. Chỉ có những hành động tình cảm với phía Trung Quốc như khi nghe giới thiệu y tá TQ, chủ tịch HCM nhìn y tá TQ với đôi mắt hiền từ, rồi nhắm lại tuôn lệ ( như là đang bồi hồi cảm xúc nghĩ lại điều gì rất tha thiết ? ).

Những lời kể của y tá Trung Quốc Vương Tinh Minh liệu có tin cậy được không.? Tại sao bây giờ mới kể khi các nhân chứng có mặt lúc đó đều đã chết như Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, Lê Duẩn và người còn sống duy nhất lại đang ở trạng thái sinh học không còn nói gì được nữa là đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Một chi tiết nữa rất khó hiểu là theo lời kể của Vương Tinh Minh thì sức khỏe HCM đã hôn mê, tình lại chỉ lắc đầu yếu ớt ra hiệu. Nhưng sau khi nghe hát đã nắm tay Vương Tinh Minh và  tặng hoa rồi trút hơi thở. Tại sao người duyệt bài báo này không nghĩ rằng trong tình trạng nằm hấp hối chỉ còn giấy phút nữa lìa đời, chỉ ra hiệu bắng mắt và lắc đầu thì HCM lấy đâu ra sức để tặng Vương Tinh Minh hoa. Cho dù hoa có để bàn ngay đầu giường thì HCM cũng phải nhỏm dậy rút hoa từ trong lọ ra thì mới có hoa tặng được Vương Tinh Minh. Nếu HCM mà ngồi dậy, ngoái đầu, với tay rút hoa tặng thì hành động đó không hề phù hợp với người chỉ còn vài giây phút nữa lia đời, mới vài giây trước còn ra hiệu bằng ánh mắt hay cái lắc đầu.?

Có lẽ từ khi VN hợp tác toàn diện với TQ. Báo QĐND Việt Nam đã có những thay đổi khó lường, để học được bài học đấu tranh chống '' diễn biến hòa bình ''  của Trung Quốc. Những nhà làm tuyên truyền của báo QĐND đã tiếp thu hổ lốn tất cả những gì Trung Quốc nói, TQ viết. Báo QĐND hăng hái đi đầu như lính xung kích trên mặt trận tư tưởng để phê phán những tư tưởng chủ quan, ấu trĩ, lệch lạc của bọn phần tử phản động núp trong nhân dân. Báo QĐND lên án những thế lực phản động đang âm mưu hạ bệ thần tượng HCM trong lòng nhân dân ta.


Thế nhưng báo QĐND vì quá u mê hay cuồng tín vào ông thầy dạy môn '' đấu tranh chống diễn biến hòa bình'' mà đã đưa ra một bài viết cực kỳ tai hại, tác động xấu đến niềm tin nhân dân bấy lâu . Bài viết theo lời kể của y tá Trung Quốc là non kém về nghiệp vụ , không có cơ sở thẩm tra thế nhưng vẫn được tùy tiện đưa lên. Nhất là bài viết lại liên quan đến hình ảnh lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam.

Phải chăng chính báo QĐND đang làm những việc mà họ thường lên án người khác.?


Báo nhân dân.


Tờ báo Nhân Dân hôm nay 20/9/2013 có bài viết nhan đề

Tôn giáo chân chính đồng hành cùng dân tộc.

http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/binh-luan-phe-phan/item/21251502.html

Bài báo của tác giả Trần Chung Ngọc lên án những hãng truyền thông quốc tế đưa tin sai lệch về các vụ việc tôn giáo ở Việt Nam.

Không biết Trần Chung Ngọc uy tín cỡ nào mà khẳng định rằng những hãng truyền thông lớn quốc tế đưa tin sai, chỉ có ông ta là nói thật.?

Nhưng dẫu thế nào thì một điều nhận thấy được rõ, là các hãng truyền thông đưa tin về tôn giáo Việt Nam không bao giờ có bài xúc phạm, mạt sát tộn giáo hay nhân vật tôn giáo nào. Không hề có sự so sánh giữa hai tôn giáo khác nhau để dè bỉu, gây chia rẽ, kích động thì hằn nhau.

Trong bài báo của Trần Chung Ngọc thì trái lại những giọng điệu hằn học, bạo lực được lộ rõ không hề che đậy. Trình độ kém hay bản chất của tư tưởng Trần Chung Ngọc là vậy.?

Bài báo có đoạn.

'' Trong cuộc kháng chiến ở Việt Nam gần đây cũng vậy, nhiều tu sĩ bỏ áo cà sa đi theo kháng chiến, vì theo truyền thống yêu nước, xét đúng ưu tiên của thời thế, giặc đến nhà đàn bà phải đánh, nền độc lập của nước nhà trên hết, không như bọn Việt gian vô Tổ quốc, phi dân tộc, chủ trương "thà mất nước chứ chẳng thà mất Chúa"...

Đoạn viết này chắc hẳn những người theo đạo Công Giáo, những linh mục , giám mục và hồng y Thiên Chúa Giáo  hiểu ý đồ tác giả nói về '' bọn... vô tổ quốc, phi dân tộc'' là không những nói chỉ nói riêng về con người  mà tác giả Trần Chung Ngọc còn muốn đả phá cao hơn là về học thuyết, ý thức hệ, tư tưởng của đạo Thiên Chúa. Một sự xúc phạm thật nặng nề đến tôn giáo, sở dĩ gọi là nặng nề vì không phải nó động đến hành động nhất thời của một tổ chức tôn giáo . Mà nó động hẳn đến chủ thuyết, tư tưởng thần học của tôn giáo ấy.

Phát ngôn táo bạo hay phát ngôn bá đạo.

Một tờ báo lấy tên Nhân Dân, lại cho đăng bài của một kẻ xưng là Việt Kiều Mỹ , xúc phạm niềm tin của  gần chục triệu nhân dân ( tín đồ Thiên Chúa Giáo ở Việt Nam xấp xỉ 10 triệu người.). Cuộc kháng chiến chống Pháp đã xa xôi như vậy rồi, mà sự thù nghịch đến nay vẫn còn hiện rõ. Vẫn được báo Nhân Dân lên án.....vậy thì mấy triệu người miền Nam di tản hồi 1975 khi đọc được bài viết của Trân Chung Ngọc, trên báo Nhân Dân hôm nay liệu có tin được vào đoàn kết, tha thứ, hòa giải , yêu thương mà nhà nước Việt Nam đang kêu gọi  không.?

 Trần Chung Ngọc lộ rõ ý đồ gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc , chia rẽ tôn giáo khi so sánh hình ảnh người Thiên Chúa Giáo và Phật Giáo. Sau khi vạch tội Thiên Chúa Giáo là Việt Gian, phi dân tộc, tổ quốc, chịu mất nước chẳng thà mất Chúa....đến lượt kể công lao của tu si Phật Giáo. Thậm chí quá đà ca ngợi tinh thần chiến đấu của các tu sĩ Phật Giáo , bài báo có đoạn.

'' Thậm chí còn vui lòng dấn thân vào cuộc, kể cả xông pha trận mạc chém giết quân thù, giữ gìn cuộc sống thanh bình cho dân tộc''

Học thuyết của Phật Giáo có cho chém giết quân thù để bảo vệ mình không.? Cái này dường như chưa ai dám khẳng định rằng học thuyết nhà Phật cho phép chủ động xông pha trận mạc chém giết quân thù. Nhưng cứ tạm gác điều đó lại, cứ cho rằng học thuyết nhà Phật cho phép hay ngầm cho phép chém giết quân thù như ý của Việt Kiều Trần Trung Ngọc đi chăng nữa.

Thì chả lẽ một tờ báo lớn toàn tiến sĩ, thạc sĩ , giáo sư, phó giáo sư lý luận không biết được cách sửa từ '' chém giết '' bằng từ nào khác trong kho tiếng Việt phong phú của Việt Nam. Ví dụ như sửa thành '' xông pha trận mạc chiến đấu với quân thù '' . Nghe có phải hay hơn từ '' chém giết '' rất bá đạo đối với người tu hành.

Một bài viết lủng củng, ý tứ đối nghịch nhau, loạn ngôn, giọng điệu hằn học chia rẽ tôn giáo, kích động hận thù  của Trần Trung Ngọc lại được báo Nhân Dân đưa lên. Chả lẽ không còn ai viết được hơn nữa sao.?

Hay báo Nhân Dân cũng như báo Quân Đội Nhân Dân cũng đang tự làm những điều mà họ hay phê phán các thế lực thù địch là chia rẽ dân tộc, kích động hằn thù, gây mất đoàn kết khối đại dân tộc.

Đến lúc phải dùng loại y tá Trung Quốc để nói về lãnh tụ nước mình, dùng Việt kiều ( gian) để nói về nội tình tôn giáo trong nước..có lẽ các tờ báo có tên Nhân Dân đã chẳng còn nhân dân nào trong đó nữa rồi.
___________
 
Xem thêm:
Y tá Ngô Thị Oanh
(có những chi tiết khá trùng như điều một tổ chăm sóc, cô y tá, nghe hát, tặng hoa...)

Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2013

Trao đổi với Hoàng Thị Nhật Lệ và Đông La về Tuyên bố 258

 



Trịnh Hữu Long

Tôi đọc các bài viết, bài trả lời phỏng vấn của blogger Hoàng Thị Nhật Lệ và bài viết “Đoan Trang – tuổi nhỏ nhưng sai lầm không nhỏ” trên blog của tác giả Đông La với nhiều cảm xúc và suy nghĩ đan cài. Bài của Đông La sau đó được đăng trên báo Văn Nghệ ngày 19/9/2013 nhưng tôi chưa được đọc bản này. Thực tiễn sinh hoạt chính trị ở Việt Nam đang ngày càng đa sắc, và tôi chắc sẽ là sự hối tiếc lớn cho bất cứ nhà sử học nào có ý định nghiêm túc về việc lưu giữ lại những tháng ngày sôi động này cho hậu thế.

Tôi là người không phản đối nhóm Tuyên Bố 258 hay nhóm Phản Bác Tuyên Bố 258. Họ đều đang thực hiện quyền con người và quyền công dân của mình. Ngay cả các dự luật được trình Quốc hội thông qua cũng có người bỏ phiếu thuận, người bỏ phiếu chống, thì việc một tuyên bố chính trị của nhóm 258 bị phản đối là bình thường.

Với tư cách là một người ủng hộ “Mạng lưới blogger Việt Nam” và Tuyên Bố 258, tôi muốn trao đổi lại với blogger Hoàng Thị Nhật Lệ  và tác giả Đông La về một số lập luận của họ mà tôi cho là chưa thỏa đáng, để góp thêm một ý kiến vào cuộc tranh luận sôi nổi này.

Vấn đề mạo danh, tiếm danh và đại diện

Cả Nhật Lệ và Đông La đều cho rằng, một nhóm nhỏ blogger ký vào Tuyên bố 258 đã mạo danh “mạng lưới blogger Việt Nam”, tùy tiện xem mình là đại diện của cộng đồng blogger Việt Nam (trong đó có họ) để làm những việc mà họ cho là sai trái.

a) Trước khi đi vào phân tích lập luận này, chúng ta hãy khảo sát nhanh một số hành vi tương tự với hành vi của nhóm Tuyên bố 258:

- Năm 1921, nhà cách mạng Hồ Chí Minh (có tài liệu nói rằng khi đó tên là Nguyễn Ái Quốc) cùng với một nhóm nhỏ các nhà hoạt động ở các thuộc địa của Pháp đã lập ra “Hội liên hiệp các dân tộc thuộc địa”, ra báo “Người cùng khổ” để đấu tranh cho quyền của các dân tộc thuộc địa. Bốn năm sau, ông cùng với, cũng một nhóm nhỏ các nhà hoạt động khác, lập ra “Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông”. Không có dữ liệu lịch sử nào cho thấy nhân dân các dân tộc thuộc địa, dân tộc bị áp bức hay những người cùng khổ phản ứng với các tên gọi này.

- Ngày 11-3-1951, Đảng Lao động Việt Nam, khi đó là một nhóm không nhỏ, khoảng 760.000 đảng viên, trên dân số Việt Nam khi đó là khoảng trên 23 triệu người, lập ra một tờ báo lấy tên là “Nhân Dân” và tự nhận là “tiếng nói của nhân dân Việt Nam”. Hành vi gần tương tự cũng xảy ra với báo Người Hà Nội, Người Cao Tuổi, Phụ Nữ Việt Nam, Doanh Nhân, Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Đài tiếng nói Việt Nam và rất nhiều báo đài khác. Mở rộng ra nước ngoài, chúng ta có báo New Yorker (Người New York), People (Dân chúng/Nhân dân), Playboy (Dân chơi),...

- Và cuối cùng, vào trung tuần tháng 9-2013, Nhật Lệ cùng với một nhóm nhỏ các blogger Việt Nam, lập ra, hoặc tự nhận là “Cộng đồng blogger Việt Nam” để phản bác Tuyên bố 258.

Như vậy, nếu chúng ta đồng ý với lập luận của Nhật Lệ và Đông La, thì nhà cách mạng Hồ Chí Minh, Đảng Lao động/Đảng Cộng sản Việt Nam, Cộng đồng blogger Việt Nam và nhiều cá nhân, tổ chức khác đã thực hiện một loạt các hành vi mạo danh, tiếm danh và đại diện một cách tùy tiện, có hệ thống trong suốt gần một thế kỷ qua.

b) Trong khi đó, TẤT CẢ những người viết blog ở Việt Nam (blogger) chưa từng cùng nhau biểu quyết thành lập ra một tổ chức nào của mình, để quyết định việc sử dụng tư cách “blogger Việt Nam” ra sao. Ở Việt Nam chưa từng có một tổ chức nào đăng ký cái tên “mạng lưới blogger Việt Nam”, nhãn hiệu “Mạng lưới Blogger Việt Nam” cũng chưa từng có ai đăng ký bảo hộ. Vậy nếu nói rằng nhóm 258 mạo danh, tiếm danh và tùy ý đại diện cho blogger Việt Nam, thì ai là người đang nắm cái “danh” ấy?

Nếu như có một nhóm, cũng nhỏ, các blogger Việt Nam khác đứng lên tuyên bố ủng hộ “mạng lưới blogger Việt Nam” thì Nhật Lệ và Đông La sẽ phản ứng thế nào?

Bên cạnh đó, lập luận của Nhật Lệ và Đông La cũng sẽ không thỏa đáng khi đặt vào tình huống sau: Một sinh viên Việt Nam du học ở nước ngoài phát biểu trước toàn trường rằng anh ta đại diện cho sinh viên Việt Nam nói riêng và đồng bào Việt Nam nói chung gửi lời chúc mừng năm mới đến bè bạn quốc tế. Anh ta có tư cách đại diện không? Anh ta có mạo danh, tiếm danh của ai không? Nếu câu trả lời là Có, thì ai là người có tư cách thưa anh ta ra tòa?

Nhóm nhỏ cá nhân không được phép liên hệ với sứ quán?

Blogger Hoàng Thị Nhật Lệ và tác giả Đông La cho rằng, một nhóm nhỏ cá nhân không thể tùy tiện liên hệ với đại sứ quán nước ngoài, vì đó là việc “quốc gia đại sự” và phải thông qua Bộ ngoại giao mới được tiến hành.

Bất kỳ ai cũng có thể ngay lập tức nảy ra câu hỏi: Những cá nhân muốn xin visa, học bổng du học và nguồn tài trợ từ các đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam có được tự ý thực hiện không? Hay cần phải thông qua Bộ Ngoại giao?

Ngược dòng lịch sử, chúng ta dễ dàng tìm thấy những việc làm tương tự như việc nhóm 258 đã làm:

- Ngày 18-6-1919, Nguyễn Tất Thành cùng với một nhóm nhỏ những người Việt Nam yêu nước ở Pháp, trong đó có Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường, đã gửi đến Hội nghị hòa bình Versailles một văn bản có tên là “Yêu sách của nhân dân An Nam” (được ký tên chung là Nguyễn Ái Quốc) gồm 8 điểm, bao gồm các yêu cầu dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam. Nếu lập luận của Nhật Lệ và Đông La là đúng, thì việc này phải thông qua triều đình Huế và chính phủ bảo hộ ở Đông Dương.

- Trong suốt quãng thời gian từ 1920 đến 1941, Nguyễn Ái Quốc đã liên tục tự ý liên hệ với các tổ chức nước ngoài như Đảng xã hội Pháp, Đảng cộng sản Pháp, Quốc tế II, Quốc tế III; hoặc với chính phủ nước ngoài như Liên Xô, mà không thông qua triều đình Huế hay chính phủ bảo hộ Pháp ở Đông Dương. Đến đầu năm 1945, trước khi giành được chính quyền, Hồ Chí Minh đã liên hệ với chính phủ Mỹ và nước này đã cử 8 nhân viên tình báo nhảy dù xuống Việt Bắc để huấn luyện cho Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.

(Xin nói rõ, tôi không đánh giá Hồ Chí Minh và những việc làm của ông cách đây cả thế kỷ là chuẩn mực hay không là chuẩn mực cho việc làm của người Việt Nam ngày nay, mà chỉ có ý liệt kê những sự việc cùng tính chất để so sánh và tranh luận)

Điều lớn nhất tôi băn khoăn là văn bản pháp luật nào quy định công dân Việt Nam muốn liên hệ với đại sứ quán nước ngoài để trao tuyên bố về việc cải cách pháp luật ở Việt Nam lại cần phải thông qua Bộ Ngoại giao? Văn bản nào cấm công dân Việt Nam tự ý làm việc đó?

Trao Tuyên bố 258 cho sứ quán nước ngoài là cầu viện nước ngoài?

Cả blogger Hoàng Thị Nhật Lệ và tác giả Đông La đều cho rằng, việc nhóm 258 trao Tuyên bố 258 cho các sứ quán và tổ chức nước ngoài là hành động cầu viện nước ngoài.

Riêng điều này, tôi đồng tình với Nhật Lệ và Đông La. Hành động trao Tuyên bố 258 cho các chính phủ và tổ chức nước ngoài chính là hành động kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế đối với những nỗ lực của Mạng lưới Blogger Việt Nam, như chính trong tuyên bố này họ đã đề cập. Trong một thế giới toàn cầu hóa, việc tranh thủ sự ủng hộ quốc tế phục vụ cho mục đích của mình là hoàn toàn bình thường.

Hãy đọc thêm những tư liệu sau đây để biết rõ hơn về hoạt động “cầu viện nước ngoài” mà Việt Nam đã từng tiến hành trong lịch sử:

- “...Chúng tôi yêu cầu Hợp Chủng quốc với tư cách là những người bảo vệ và những người bênh vực công lý thế giới, thực hiện một bước quyết định ủng hộ nền độc lập của chúng tôi” (Thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Tổng thống Mỹ Harry Truman ngày 16-2-1946).

-  “Mọi thắng lợi của Đảng ta và nhân dân ta không thể tách rời sự ủng hộ nhiệt tình của Liên Xô, Trung Quốc…” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr.10).

-  “Theo thống kê của các cơ quan chức năng, tiếp nhận từ năm 1965 đến 1972, các nước XHCN đã giúp Việt Nam khoảng hơn 7.000 quả đạn tên lửa SA-75 và 180 Hồng Kỳ, gần 5.000 khẩu pháo cao xạ các loại, gần năm triệu viên đạn pháo cao xạ, hơn 400 máy bay chiến đấu MIG-17, 19, 21, K6, hàng trăm ra-đa tiên tiến, hiện đại; gần 4.000 chuyên gia quân sự phòng không của Liên Xô”  (Sự ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam  - Nguyễn Văn Quyền – Báo Nhân Dân điện tử, đăng ngày 3-12-2012).

Hơn nữa, nhóm 258 trao tuyên bố cho Liên Hợp Quốc – nơi Việt Nam là thành viên đầy đủ, và các đại sứ quán của các nước mà Việt Nam có quan hệ ngoại giao, chứ không trao cho Al-Qaeda. Đây là những tổ chức và quốc gia mà chính phủ Việt Nam thường xuyên “cầu viện” bằng những đề nghị tài trợ, hỗ trợ lên tới hàng chục tỷ USD và vô số hoạt động hỗ trợ khác, trong đó có cả hoạt động hỗ trợ thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền – tương tự như nhóm 258 đã làm.

Cầu viện nước ngoài không phải là việc xấu, trừ khi nó được sử dụng cho mục đích xấu, ví dụ: tham nhũng.

Trao Tuyên bố 258 cho sứ quán nước ngoài là sự sỉ nhục quốc gia?

Blogger Hoàng Thị Nhật Lệ và tác giả Đông La đều bày tỏ sự bức xúc với việc Mạng lưới Blogger Việt Nam trao Tuyên bố 258 cho các đại sứ quán nước ngoài và cho rằng đây là hành động sỉ nhục quốc gia.

Sự bức xúc này là có thể hiểu được và trong một chừng mực nào đó, chúng ta nên đồng ý với nhau rằng, có một sự khác biệt lớn trong hệ giá trị quốc gia của chúng ta, nhất là trong buổi giao thời, quá độ này của lịch sử Việt Nam. Cách chúng ta hiểu về quốc gia, cách chúng ta tự hào về quốc gia là rất khác nhau. Điều này không chỉ do sự khác biệt giữa các cá nhân, mà còn do sự xô đẩy của nhiều xu hướng chính trị khiến cho cách chúng ta hiểu về lịch sử và hiện tại bị méo mó và thiên lệch theo nhiều hướng.

Tuy vậy, chúng ta cần phân biệt giữa khái niệm quốc gia và khái niệm chính quyền. Tuyên bố 258 nhắm tới việc vận động quốc tế gây sức ép để chính quyền Việt Nam bãi bỏ Điều 258 Bộ luật Hình sự, mà họ cho là gây tổn hại đến quyền con người của người dân Việt Nam. Đây không phải là tuyên bố phê phán quốc gia Việt Nam, mà là phê phán chính quyền Việt Nam.

Vậy phê phán chính quyền Việt Nam là sỉ nhục quốc gia? Nếu lập luận này là đúng, thì căn cứ vào những dữ liệu tôi đã nêu ở các phần trên, Hồ Chí Minh đã sỉ nhục quốc gia trong ít nhất một nửa cuộc đời mình, kể từ khi ông tham gia cuộc biểu tình chống sưu thuế ở Trung Kỳ năm 1908 và bị đuổi học. Ngày nay, nhiều người Việt Nam tự hào vì Hồ Chí Minh đã đấu tranh cho niềm kiêu hãnh của dân tộc, chứ không phải là sỉ nhục quốc gia. Nhiều người khác, dù đồng tình hay phản đối Hồ Chí Minh, đều không thể phủ nhận rằng Hồ Chí Minh, bằng cách phê phán chính quyền Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế, đã đấu tranh cho một Việt Nam tốt hơn, chứ không phải là sỉ nhục Việt Nam. Lý do nào khiến cho Hồ Chí Minh được coi là niềm tự hào, còn nhóm 258 bị coi là một sự sỉ nhục?

Nhóm 258 đã chống lại pháp luật Việt Nam, chống lại Quốc hội?

Trong bài viết “Đoan Trang – tuổi nhỏ nhưng sai lầm không nhỏ”, tác giả Đông La cho rằng: “... nhóm Đoan Trang đã sai và chống lại luật pháp Việt Nam, bởi Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào và Đinh Nhật Uy bị bắt vì phạm pháp chứ không phải vì họ ‘đã thực hiện quyền tự do biểu đạt bằng các đăng tải các bài viết ôn hoà lên blog của họ’”.

Đến đây chúng ta cần phải xem xét lại khái niệm “bị bắt vì phạm pháp”. Hồ Chí Minh đã từng bị bắt ít nhất hai lần vào năm 1931 ở Hồng Kông và năm 1942 ở Quảng Châu – Trung Quốc, đều với lý do “phạm pháp”. Các nhà lãnh đạo Lê Duẩn, Trường Chinh, Võ Văn Kiệt đều từng bị bắt và tống giam với lý do tương tự.

Chúng ta hẳn cũng từng nghe qua câu nói của mục sư Martin Luther King: “Đừng bao giờ quên rằng, tất cả những gì Hitler đã làm ở Đức đều là hợp pháp” (nguyên văn: “Never forget that everything Hitler did in Germany was legal”). Điều đó có nghĩa là gì? Có nghĩa là hàng triệu cái chết của người Do Thái và hàng triệu tù nhân của chế độ phát xít Đức đều được Hitler biện minh bằng công cụ pháp luật do chính ông ta đặt ra. Nếu như một người lính của Hitler từ chối thi hành lệnh thảm sát người Do Thái, anh ta có bị coi là “phạm pháp” không? Nếu như một công dân Đức viết bài phê phán chế độ phát xít Đức, ông ta có bị bắt vì tội “lợi dụng quyền tự do dân chủ” không?

Trở lại với Việt Nam, nếu một nhóm blogger Việt Nam ra tuyên bố yêu cầu chính quyền bãi bỏ chế độ độc quyền trên thị trường xăng dầu và điện, hoặc bãi bỏ quy định cấm kết hôn giữa những người đồng tính, liệu họ có bị coi là “phạm pháp” và bị bắt không?

Cần thiết phải hình dung về khái niệm “bị bắt vì phạm pháp” và khái niệm “pháp luật” một cách đầy đủ trước khi kết luận bất cứ một vấn đề pháp lý nào. Để làm được việc đó, một người nghiên cứu nghiêm túc nhất thiết không thể bỏ qua thông tin sau đây của Cục Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp):

Trong 10 năm, các cơ quan kiểm tra văn bản cả nước đã tiếp nhận, kiểm tra trên 1,7 triệu văn bản, phát hiện trên 50 nghìn văn bản sai trái và đã xử lý ở các mức độ khác nhau. Riêng Cục Kiểm tra văn bản đã tiếp nhận, kiểm tra trên 27 nghìn văn bản, phát hiện trên 4,8 nghìn văn bản sai trái và đã xử lý ở các mức độ khác nhau.” – Quyết định số 214/QĐ-KtrVB, ngày 23/8/2013.

Nếu nói rằng, hành vi ra tuyên bố yêu cầu bãi bỏ một điều luật là hành vi chống lại pháp luật Việt Nam, thì Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và các đại biểu Quốc hội là những người chống lại pháp luật Việt Nam một cách thường xuyên, lâu dài, có hệ thống và có tổ chức nhất.

Nếu nói như tác giả Đông La, rằng “việc làm của nhóm Đoan Trang thực sự là hành động chống lại việc thi hành công vụ của không chỉ một cá nhân, một cơ quan mà là Quốc Hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân Việt Nam!” thì hẳn Đông La đang tát những cú đầy cay nghiệt vào mặt các đại biểu Quốc hội, vốn thường xuyên tiếp nhận ý kiến đóng góp của cử tri về việc thi hành, sửa đổi luật, kể cả trực tiếp tại địa phương lẫn gián tiếp trên báo chí và môi trường mạng.

Lời kết

Khi đọc các bài viết, bài phỏng vấn của blogger Hoàng Thị Nhật Lệ và tác giả Đông La, tôi có một sự so sánh tự nhiên giữa hai nhân vật này. Không thể phủ nhận là tôi dành nhiều thiện cảm cho blogger Nhật Lệ, bởi blogger trẻ tuổi này tỏ ra tôn trọng người khác và ít phạm lỗi ngụy biện hơn nhiều so với Đông La. Trong khi Đông La dùng phép ngụy biện tấn công cá nhân (ad hominem) đối với nhà báo Đoan Trang và nhóm 258, cũng như viện dẫn những vấn đề không liên quan đến Tuyên bố 258 như vụ Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Đắc Kiên để kết luận vấn đề, thì blogger Nhật Lệ đã cố gắng tỏ ra lý lẽ, nhã nhặn và lịch sự.

Tôi không ngạc nhiên khi nhiều người quy kết Nhật Lệ là dư luận viên, nhận tiền của chính quyền để tấn công nhóm 258. Cũng có rất nhiều người tấn công cá nhân đối với Nhật Lệ bằng cách chế giễu giọng nói của cô. Cá nhân tôi cho rằng điều này không thực sự công bằng với Nhật Lệ. Không ai đáng bị chế giễu chỉ vì giọng nói của mình, và tôi cũng không muốn trong xã hội hình thành một định kiến rằng những ai phản đối cải cách đều là kẻ xấu. Nếu phải thú nhận một điều gì đó, tôi sẽ thú nhận rằng nhiều năm về trước, bản thân tôi có nhiều suy nghĩ gần giống như Nhật Lệ, với một thái độ khá tương đồng, và tôi tin là nhiều người đấu tranh cho nhân quyền ở Việt Nam hiện nay cũng từng mang những đặc điểm của một dư luận viên thứ thiệt. Chúng ta không có lỗi với một thứ nhận thức bị nhồi sọ của mình, chúng ta chỉ có lỗi nếu không chân thành và cầu tiến lắng nghe.

Việc phản đối đôi khi chỉ phản ánh sự khác biệt thuần túy về mặt quan điểm, mà không nhất thiết phải đi kèm với động cơ xấu. Chúng ta muốn có một xã hội đa nguyên và tôn trọng quan điểm cá nhân thì không thể không tôn trọng việc làm của Nhật Lệ và nhóm Phản Đối Tuyên Bố 258, cũng như coi đó như một biểu hiện bình thường của việc thực thi quyền tự do ngôn luận. Bên cạnh đó, nếu nhóm 258 và các cá nhân, tổ chức khác phản đối việc làm của nhóm Nhật Lệ, đó cũng là một việc bình thường nữa.

Mặc dù không đồng tình với nhiều lập luận và thái độ tranh luận mà Nhật Lệ và nhóm của cô thể hiện, tôi không loại trừ khả năng Nhật Lệ là một người trẻ đang có những cố gắng chân thành trong việc bảo vệ những điều mà cô cho là đúng. Đọc bài của Nhật Lệ, tôi không cảm thấy sự ác ý, và thậm chí cảm nhận được nhiều thiện chí của blogger này. Việc làm của cô đã mở ra một diễn đàn có chất lượng đối thoại công khai hiếm hoi mà tôi chứng kiến được sau nhiều năm, giữa những người chỉ trích và những người bảo vệ chính quyền. Đó là một tín hiệu mà tôi nghĩ rằng, cả hai phe đều nên vui mừng. Xã hội chúng ta không cần thêm bất kỳ một “bên thắng cuộc” nào nữa, mà đang khát khao sự hòa giải và yêu thương.

Tôi không có ý định kết luận điều gì qua bài viết này, mà chỉ gợi mở một hướng tranh luận vấn đề, trong vô số các hướng tranh luận xoay quanh Tuyên bố 258. Điều này cố nhiên không có nghĩa là tôi không có lập trường gì trong cuộc tranh luận này, mà chỉ vì tôi nghĩ đôi khi có thể tranh luận theo một cách khác./.

Xả lũ “giết sống” ở Đắc Lắc: Phải có án cho những kẻ gây án!



Phạm Chí Dũng
Lũ cuốn trôi nhiều ngôi nhà chiều 17/9.
Đáy trách nhiệm quan chức luôn là đỉnh phẫn uất của nhân dân. 
Giết sống!
Mùa mưa lũ 2013, người dân nghèo Đắc Lắc lại có thêm một bằng chứng không cần che giấu về cái đáy mà họ đang phải đối mặt. Cú xả lũ vào vùng trũng lòng dân của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) vào giữa tháng 9/2013 là một chứng thực mang tính bất chấp như thế. 

Vụ việc nhẫn tâm này xảy ra tại địa bàn xã Cư K'bang, huyện Ea Súp, nơi có đến 11 người mất tích trong khi đi làm rẫy tại vùng giáp ranh với xã Ia Lơi. Theo tường thuật của báo Lao Động, trong số người mất tích, lực lượng cứu hộ chỉ tìm thấy thi thể một người chết treo trên ngọn cây, nhưng do nước chảy xiết nên vẫn chưa đưa được vào bờ. 

Thống kê chưa đầy đủ cho thấy tại huyện Ea H'leo có 91 ngôi nhà bị ngập, 14 nhà bị cuốn trôi hoàn toàn, 3 nhà bị sập do mưa lũ. Nguyên nhân chủ yếu do việc xả lũ hồ chứa nước thị trấn Ea Đrăng.

Một lần nữa trong không ít lần từ nhiều năm qua, vô cảm quan chức đã dồn tình cảnh dân chúng xuống những gì mà kịch tác gia vô sản Marxim Gorki đã thẳng thừng lột tả trong vở “Dưới đáy” của ông vào đêm trước Cách mạng tháng Mười Nga. 
“Dưới đáy” ở Việt Nam cũng là đêm không ngủ. Không một quan chức nào từ cấp địa phương đến ấp trung ương lại thuộc về số nạn nhân chỉ trong phút chốc đã bị mất toàn bộ tài sản nhỏ nhoi và miếng ăn còn sót lại, cũng đã không một hành động nào được các “đầy tớ” làm sáng tỏ cho những cái chết trong quá khứ để tránh thoát những cái chết vừa mới xảy ra.
“Vô cảm” xem ra vẫn là từ ngữ nhẹ nhàng và lịch sự mà báo giới và dư luận dành để mô tả về quan chức thời nay. Phú Yên những năm trước đã là một điển hình về sự vô lương tâm chưa hề có đáy. Liên tiếp những cú xả lũ của Thủy điện sông Hinh và Thủy điện sông Ba Hạ đã làm cho gần hết Tuy Hòa ngập chìm trong biển nước. Một người đàn ông bị lật xuồng và một người phụ nữ khác bị lũ cuốn trôi. Nhưng đau đớn đến tận cùng là những nạn nhân tuổi còn đi học đã bị lũ cuốn phăng tuổi xuân khi dắt xe qua cầu.
Khi nước lũ rút, hàng xóm tìm thấy thi thể ba người cùng một gia đình quấn chặt lấy nhau bằng dây. Thì ra trong phút lâm chung, những người hấp hối vẫn không muốn bị mất xác nhau. 
Những nén nhang và tiếng khóc thảm thiết của người dân huyện Đồng Xuân ở Phú Yên vẫn còn đó. Chết mà không biết vì sao sinh mạng lại bị kết thúc đột ngột đến thế, cũng không biết kẻ nào đã cướp đi đời mình mà không một lời tạ tội.
Tội ác!
Tất nhiên, EVN và nhà chức trách địa phương luôn có lý do để bao biện cho hậu quả kinh khủng trên, với điều thường được viện dẫn là do “hoàn cảnh khách quan bão lũ” mà khiến việc xả lũ là không tránh khỏi, nếu không muốn làm ảnh hưởng đến tính mạng của hàng ngàn hộ dân trong vùng trũng.
Tuy thế, cũng như nhiều lần lũ hồ thủy điện bị xả đột ngột vào dân như trước đây, nhiều người dân Đắc Lắc cho biết đã không nhận được bất kỳ thông báo sơ tán, di dời nào từ cấp chính quyền địa phương. 
Vậy trách nhiệm cuối cùng thuộc về ai – chính quyền địa phương hay EVN?
Giờ đây, sau tất cả những hậu quả khó tha thứ, giới quan chức mới như nén cười để bàn thảo với nhau về cái được gọi là “cần có quy chế phối hợp trong việc xả lũ”. 
Nhưng sau hàng loạt vụ xả lũ như một cách giết sống người dân, vẫn không có bất kỳ một quan chức nào bị đưa ra truy tố và xét xử. Mọi việc vẫn treo nguyên vẹn ở đó, hệt như dòng lũ trắng luôn treo lơ lửng trên đầu người dân vùng rốn lũ.
Tội ác đã đến từ cấp độ không chỉ vô cảm, mà còn hơn thế nhiều, rất nhiều. Trước khi xả lũ vào vùng trũng nhân dân, Tập đoàn EVN đã từng bị xem là một trong những cái rốn “cặn bã” nhất của khối doanh nghiệp độc quyền và đặc lợi ở Việt Nam. Suốt trong những năm 2007-2008, doanh nghiệp được xem là “cậu ấm hư hỏng” nhưng cũng là đứa con cưng của Bộ Công thương đã làm nên một một kỷ lục ghê gớm về số lỗ do đầu tư trái ngành vào bất động sản, chứng khoán, để vào năm 2013, một báo cáo của cơ quan chức năng mới cho biết số lỗ còn treo mà EVN bị nhấn chìm trong đó lên tới hơn 34.000 tỷ đồng, tương đương với hàng trăm ngàn ngôi nhà tình nghĩa.


Cũng từ khi trở thành “nạn nhân” của đầu tư trái ngành, EVN đã hóa thân như một trong những tác nhân ghê gớm nhất trút lỗ lên đầu người dân, với các chiến dịch tăng giá điện được tiến hành không ngưng nghỉ, liên tiếp gây sức ép lên đời sống dân sinh cùng kích động lạm phát. Dư luận cũng dội lên một nghi ngờ rất lớn là cơ quan chủ quản của tập đoàn này – Bộ Công thương – cũng đã không ít lần “đi đêm” cho những đợt tăng giá làm khốn đốn dân tình.
Một lần nữa, giới báo chí phải thổn thức về điều được gọi là “trách nhiệm” của EVN với câu hỏi cay đắng: liệu EVN có nghĩa vụ gì đối với việc bồi thường về những tài sản bị phá hoại của người dân trong đợt xả lũ đột ngột và gây chết người thảm thương vừa qua ở Đắc Lắc? Và nếu trách nhiệm ấy được thực thi, liệu tập đoàn này có lấy đó làm cái cớ để một lần nữa “bù lỗ vào dân” như đã từng hành xử không nương tay trong mấy năm qua?
Những năm qua, không một tiếng nói có trách nhiệm và đủ tự trọng nào được cất lên từ Bộ Công thương, Bộ Tài chính hay Chính phủ để kềm giữ hành động đổ lỗ lên đầu người dân của EVN. Thói vô lương tâm của quan chức vẫn luôn dẫn tới vô số trác táng trên bàn tiệc và những cuộc chơi bất tận thâu đêm, bất kể cảnh khốn cùng và bất chấp lời nguyền rủa từ những kẻ đóng thuế bất hạnh.
Kết án!
Với nhiều người dân và cả những công chức vẫn thê thiết trong thói quen cam chịu, âu đó cũng là bi kịch của một đất nước kém phát triển. Phát triển càng tụt hậu, đạo đức càng lụn bại thì càng khó có chuyện chịu trách nhiệm hành chính về những hậu quả đã quá đủ để kết tội hình sự. 
Người ta vẫn không thể quên hậu sự Bộ trưởng Giao thông Hàn Quốc đã phải từ chức chỉ sau vụ một cây cầu bị sập, hoặc Bộ trưởng Giáo dục Nhật Bản phải ra đi sau một vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại một trường học… Ở nhiều quốc gia phát triển, người ta luôn chứng kiến người dân sẵn lòng biểu tình để biểu thị sự phẫn nộ chính đáng trước những chính sách bất hợp lý và hậu quả xã hội mà giới quan chức gây ra. Vào đầu năm 2013, cuộc xuống đường của hàng chục ngàn người dân thủ đô Sophia ở Bulgaria phản kháng hành động tăng giá điện của hai tập đoàn điện lực tư nhân đã khiến chính Thủ tướng của quốc gia này phải nghẹn lòng từ chức. 
Nhưng với Việt Nam, vẫn chưa có một cuộc biểu thị phẫn uất tương xứng với quá nhiều hậu quả khủng khiếp về kinh tế và dân sinh, và vẫn còn lâu mới có được “văn hóa từ chức”. Tất cả vẫn đang bị kìm nén bởi chính những đạo luật về quyền tự do lập hội và quyền tự do biểu tình có lẽ còn lâu mới được đẻ muộn bởi bà mẹ Hiến pháp. 
Ở một đất nước được xem là “đang trên đường phát triển” như Việt Nam, người ta vẫn cố nén lòng nhẫn nhịn không thể hiểu nổi và còn chưa hồi kết. Tâm thế trầm cảm trùm mền không thể diễn tả ấy lại vẫn lắng đọng trong vô số hiện tồn ngổn ngang và vẫn ngày đêm hành hạ lương tâm của những người còn rơi rớt lương tâm. 
Nhưng cũng bởi chính tâm lý cam phận như thế của đại đa số người dân mà trong não trạng của những nhóm lợi ích đặc quyền và đặc lợi, ngay cả lương tâm cũng là một thứ có thể “ăn” được. Đó cũng là lời cảm thán chẳng đặng đừng mới đây của bà Nguyễn Thị Doan – Phó Chủ tịch nước – về chuyện “Ăn của dân không chừa thứ gì”, cho dù cách đây không lâu chính khách xót xa này còn giương cao khẩu hiệu “Dân chủ nước ta gấp vạn lần tư bản”.
Xót xa thực chất phải cộng hưởng với cùng khổ không lối thoát. Dân chủ không phải và không thể là những từ ngữ mị dân xen giả dối, mà phải bắt nguồn từ chính miếng cơm manh áo của dân nghèo – điều mà tiền nhân của những người cộng sản là Hồ Chí Minh đã sống và làm đúng như thế, nhưng lớp hậu bối xem ra lại quá bất cẩn, giáo điều và giả tạo trong việc “học tập và làm theo” tấm gương của ông.
Không thể nói khác hơn, những vụ việc vô lương tâm của EVN và ngành thủy điện đang đẩy trách nhiệm của giới quan chức xuống một cái đáy chưa tận cùng, đồng thời thúc tình cảm phẫn nộ của các nạn nhân lên đến cận đỉnh điểm. Hiện tình, cái được giới quan chức khối nội chính xem là “điểm nổ” chắc chắn đã tiến xa hơn nhiều so với khái niệm “điểm nóng” trước đây, biến hình tâm trạng người dân vào một cơn lũ mới với lưu lượng không thể tính được từ động lượng phẫn nộ, mà mức đỉnh của nó có thể dâng vượt mặt của giới chức chính quyền trong một tâm thế không còn gì để mất.
Không thể nói khác hơn, một trong một số ít việc còn lại để hy vọng lấy lại những gì đã mất là phải mổ xẻ đến tận cùng hành vi bị coi là tội ác của EVN đối với nhân dân. 
Không cần và không còn thời gian để bàn về “quy chế phối hợp xả lũ” nữa. Mưa lũ vẫn đang và vẫn sẽ tiếp diễn, ập xuống từ trên trời nhưng cũng sẽ dội lên từ lòng đất. Sẽ còn những cái chết, nhiều sinh mạng bị đánh cắp và đánh cướp.
Phải có án cho những kẻ gây án!

 

Thứ Hai, 16 tháng 9, 2013

QUỐC TẾ CỘNG SẢN

 


 

Chu Chi Nam


«Lòng tin tưởng thái quá vào một chủ thuyết là kẻ thù lớn nhất của chân lý và sự thật, đồng thời còn nguy hiểm hơn cả sự lừa đảo».  (Friedrich Nietzsche)
Tổng thống Hoa kỳ Ronald Reagan có nói: «Trong lịch sử nhân loại có nhiều trang sử đau thương và đẫm máu. Nhưng trang sử đau thương và đẫm máu nhất, chính là trang sử cộng sản». Một sử gia cũng viết : «Trong lịch sử nhân loại có nhiều cuộc lừa đảo, đàn áp, giết chóc và thủ tiêu. Nhưng cuộc lừa đảo, giết chóc lớn nhất vẫn là cuộc lừa đảo, giết chóc của cộng sản».
Nói đến cộng sản là nói chung chung, vì nói đến cộng sản thì chúng ta không thể không nói đến Quốc Tế Cộng sản. Tuy nhiên trong tổ chức này có ít nhất 4 Quốc tế Cộng sản, như Đệ Nhất, Đệ Nhị, Đệ Tam và Đệ Tứ. Hai tổ chức Đệ Nhị và Đệ Tứ không những không đàn áp, giết người, mà còn là nạn nhân tàn khốc của Đệ Tam.

Sơ lược về lịch sử Quốc tế Cộng sản:
Đây là một tổ chức quốc tế, qui tụ nhiều tổ chức, đảng chính trị của nhiều nước trên thế giới và họ cho rằng họ có thể thay đổi xã hội từ «  tư bản «  sang « xã hội chủ nghĩa « hay « cộng sản chủ nghĩa «, chữ mà ngay từ lúc đầu Marx dùng lẫn lộn trong Tuyên Ngôn thư Đảng Cộng sản.
Có nhiều Quốc tế cộng sản:
I)  Đệ Nhất Quốc tế Cộng sản
Tiền thân của Đệ nhất : Ba người được coi là người khởi xướng Đệ Nhất Quốc tế Cộng sản là : 1) François Babeuf (1761 – 1797), người Pháp, theo Cách mạng Pháp lúc ban đầu, nhưng sau đó định làm một cuộc đảo chính chính phủ cách mạng thời bấy giờ (1795), nhưng không thành, ông bị bắt và bị xử tử. Ông thành lập Hiệp hội những Người Công bằng (Association des Egaux). Tư tưởng của ông đã được những người cộng sản, đặc biệt là Marx và Engels, theo sau này.
2) Karl Heinrich Marx (1818 – 1883): người Đức, gốc Do thái, tác giả Tuyên Ngôn thư Cộng sản, một trong những người chính thành lập ra Đệ Nhất Quốc tế Cộng sản (1864 – 1876); 3) Friedrich Engels (1820 -1895), bạn của Marx, người đã cùng Marx đấu tranh, thành lập ra Đệ Nhất.
Lúc đ ầu Marx và Engels gia nhập Nhóm những người chính nghĩa, sau đó đổi thành Nhóm những người Cộng sản (1847 -1852). Tại Đại hội I I của nhóm Marx được đề cử soạn thảo cương lĩnh, đến tháng 2/1848 Marx hoàn tất và Tôn nguyên thư Đảng Cộng Sản ra đời. Marx và Engels vẫn tiếp tục hoạt động trong Nhóm những người Cộng sản cho đến ngày 28/09/1864 Hiệp hội quốc tế những người thợ thuyền, hay Đệ Nhất Quốc tế Cộng sản,  được thành lập ở Luân đôn (Anh quốc). Nhưng những hội viên phần lớn là những người theo tư tưởng của chủ nghĩa vô trị của Proudhon ( 1809 -1865), của Auguste Blanqui ( 1805 – 1881), và những người theo trường phái triết lý thực nghiệm ( Positivisme) của Anh, mà sau này họ trở thành Đảng viên của Đảng lao động Anh.
Auguste Blanqui ( 1805 – 1881),  là nhà đấu tranh cách mạng Pháp, chống lại chế độ quân chủ, bạn của Charles Fourrier (1772 – 1837), của Saint Simon (1760 – 1825), nhà xã hội, kinh tế, kỹ nghệ gia Pháp, mà tư tưởng của ông có ảnh hưởng rất lớn ở xã hội Pháp vào thế kỷ thứ 19. Cả hai ông, đều bị Marx chỉ trích nặng nề trong quyển Tuyên ngôn thư, bị coi là những nhà xã hội không tưởng.
Trong Đại hội họp ở Lausanne (Thụy sĩ) vào năm 1867, Đệ Nhất Quốc tế có những người cũng theo chủ nghĩa vô trị, nhưng khuynh hướng Nga, của nhà triết học Nga, Michail Bakounine (1814 – 1876), tham dự; điều nàylàm Marx và Engels bất mãn. Nhưng đến đại hội họp ở La Haye (Hòa lan), năm 1872, sự kình chống giữa những người theo tư tưởng của Marx, chủ trương « Độc tài vô sản «  và những người theo chủ nghĩa vô trị khuynh hướng Proudhon và Bakounine, đi đến chỗ quyết liệt. Marx tự lấy quyền trục xuất những người của Bakounine ra khỏi đại hội, làm ông này sau đó thành lập Quốc tế những người theo chủ nghĩa vô trị. Tổ chức này họp đại hội cuối cùng vào năm 1881.
II)  Sự khác biệt về Tiền Quốc tế Cộng sản và Đệ Nhất Quốc tế Cộng sản.
Như chúng ta thấy, ngay trong Đại hội tiền Quốc tế Cộng sản và trong Đệ Nhất Quốc tế Cộng sản đã có 2 khuynh hướng chống nhau như mặt trời mặt trăng, như nước với lửa : khuynh hướng chủ trương vô trị, chủ trương vô chính phủ ; khuynh hướng chủ trương độc tài, với chính phủ, nhất là đảng độc tài mạnh. Một thí dụ điển hình là Marx và Proudhon, hai người này gần như cùng thời, trao đổi tư tưởng với nhau rất nhiều. Marx đã từng khen những bài viết của Proudhon về kinh tế : « Ông đã đánh vào thành trì kinh tế của tư bản ». Hai người có bút chiến với nhau. Proudhon viết quyển Philosophie de la misère ( Triết lý của sự nghèo khổ), Marx trả lời lại bằng cách viết trực tiếp bằng tiếng Pháp, quyển Misère de la Philosophie (Sự nghèo nàn của triết học).
Tuy nhiên Proudhon phản đối kịch liệt Marx qua quan niệm « Độc tài vô sản «, vào ngay thời đó, ông đã tiên đoán: « Nếu tư tưởng của Marx được thực hiện, thì nó sẽ trở thành con sán lãi của xã hội. » Ngày nay qua 100 năm thực hiện lý tưởng của Marx, với những nước cộng sản đã biến mất, như Liên sô và Đông Âu, và với những nước cộng sản còn lại, chúng ta thấy quả lời tiên đoán của Proudhon là đúng. Nhà nước cộng sản không biến mất như lời Marx tiên đoán, mà càng ngày càng lớn mạnh, cộng thêm với đảng Cộng sản, đặt trên tất cả mọi tổ chức, tiêu sài phung phí từ tiền thuế của dân. Quả thật là 2 con sán lãi khổng lồ.
III)  Sự ra đời Đệ Nhị Quốc tế Cộng Sản 
Marx lấy quyền độc đoán giải tán Đệ Nhất quốc tế Cộng sản. Nhưng từ ngày tổ chức này bị giải tán năm 1876 cho tới khi Đệ Nhị Quốc tế Cộng sản được thành lập, năm 1889, ở Paris, có rất nhiều biến cố chính trị, xã hội, ý thức hệ ở Âu châu. Ở đây, tôi không thể đi quá vào chi tiết từng nước một, tôi chỉ lấy tiêu biểu là nước Đức, mà đảng Dân chủ xã hội, vừa mới kỷ niệm ngày 23/05/2013, tại Leipzig, 150 năm ngày thành lập đảng, tức là vào năm 1863.
Vào ngày nói trên, năm 1863, Ferdinand Lassalle (1825 – 1864), nhà đấu tranh cho thợ thuyền Đức, đã lập ra Tổng Hội những người Thợ thuyền Đức ( Association générale des travailleurs ); tổ chức này là tiền thân của đảng Dân chủ xã hội Đức. Có thể nói ông là bạn thân của Marx và Prouhon. Nhưng ông đã đứng giữa 2 quan điểm và lập trường quá khích của 2 người này. Theo Lassalle và những người theo đảng Dân chủ xã hội Đức sau này thì mục tiêu của đảng nhắm tới « Thay đổi xã hội bằng chính sách giải phóng con người, nhằm tạo ra sự tham gia của quảng đại quần chúng vào đời sống chính trị. Mục tiêu này trước hết bao gồm giáo dục, cưỡng bách giáo dục đối với mọi người, khuyến khích các nghiệp đoàn mở các lớp học cho thợ thuyền, nhằm giúp đỡ mọi cá nhân thăng tiến. Giải phóng con người bằng cách thực hiện các quyền đã ghi thành luật pháp, nhất là bằng cách mỗi người tự nâng cao sự hiểu biết và quyền năng của mình…. Trong thời kỳ đảng Dân chủ xã hội mới được thành lập, với Cương lĩnh Eisenach năm 1869, có ghi rõ : bầu cử tự do, bình đẳng trong cả nước, bất chấp sự khác biệt về đẳng cấp xã hội của những người tham gia bầu cử…… Thêm vào đó là luật cấm lao động trẻ em và sự độc lập của tòa án…..
«  Nhưng phong trào cộng sản thế giới đã quyết định cho mình một con đường đấu tranh khác, hiển nhiên với những hậu quả vô cùng khủng khiếp của nó. Phong trào này thiết lập lên một giai cấp thống trị mới, và đã thay thế sự thống trị cũ bằng sự thống trị mới….. Còn quyền tự do, công bằng, ấm no…. , người dân chỉ được nghe và ngóng chờ, chứ không thấy được thực hiện.
«  (Trích Bài Diễn văn của Tổng Thống Đức Joahim Gauck, đọc tại Leipzig ngày 23/05/2013, nhân kỷ niệm ngày thành lập 150 năm đảng Dân chủ Xã hội Đức). 
Thực vậy, đảng Dân chủ xã hội Đức được thành lập vào thời kỳ mà nước Đức, đúng ra là nước Phổ ( Prusse),  phát triển rất mạnh, dưới sự cai trị của vua Guillaume I, và thủ tướng Otto Bismark (1815 – 1898). Ông này nắm quyền 29 năm từ năm 1862, một năm trước khi Lassalle thành lập đảng Dân chủ Xã hội, cho tới năm 1890. Nước Đức trở thành đệ nhất cường quốc Âu châu thời bấy giờ và đã đánh thắng Pháp năm 1870. Sau khi Lassalle chết, hai người điều khiển đảng Dân chủ Xã hội Đức là Karl Kautski (1854 – 1938) và Eduard Bernstein (1850 – 1932).
Bernstein được coi như lý thuyết gia của đảng và tư tưởng của ông hoàn toàn chống lại tư tưởng của Marx. Ông quan sát sự phát triển mạnh mẽ của Đức thời bấy giờ, từ giữa thế kỷ 19 tới cuối thế kỷ này, ông nhận thấy xã hội Đức không phân chia làm 2 giai cấp, mà ít nhất là 3 giai cấp. Đồng ý là có giai cấp chủ và thợ, nhưng ở giữa có giai cấp trung lưu, xuất thân từ con cháu của giai cấp thợ, tiến thân được là nhờ chịu khó và học hỏi. Giai cấp này đã đóng vai trò chính và tích cực cho sự phát triển. Từ đó ông phản bác lý thuyết của Marx là không có tính chất khoa học, vì không đúng với sự tiến triển của xã hội.
Thêm vào đó, Bernstein cho rằng không cần phải làm cách mạng, nhất là cách mạng bạo động, như Marx chủ trương. Người ta có thể thay đổi xã hội, thay đổi đời sống công nhân qua một chế độ đại nghị, tôn trọng luật lệ, tôn trọng bầu cử tự do và tôn trọng những quyền căn bản của con người, trong đó có quyền thành lập hội đoàn. Ông còn cho Marx là hồ đồ qua việc chỉ trích những người lãnh đạo đảng Dân chủ xã hội Đức là tay sai của tư bản (valets des capitalistes), trong quyển sách mà Marx viết chung cùng Engels chỉ trích Chương trình Gotha et d’Erfurt (1875, 1891) vào 2 kỳ đại hội của đảng này, cũng như hồ đồ qua việc cho rằng Nhà nước tức chính quyền cũng chỉ là công cụ, tay sai của tư bản. Vì ông quan sát nhà nước Đức từ giữa thế kỷ 19 cho tới cuối thế kỷ, qua chính quyền của Otto Bismark, thì ông thấy không phải lúc nào chính quyền cũng đứng về phía tư bản, mà chính quyền là trọng tài giữa tư bản và thợ thuyền, nhiều khi đứng về phía thợ thuyền nông dân nhiều hơn, như việc chính quyền đã ban hành luật xã hội đầu tiên của Âu châu (1883, 1889), theo đó người dân, nhất là thợ thuyền có quyền được bảo đảm về bệnh tật, tai nạn nghề nghiệp và tuổi già.
Trong tinh thần đó, vào tháng 7/1889, các đảng Dân chủ xã hội, Xã hội của Âu châu, họp Đại hội thành lập ra Đệ Nhị Quốc tế Cộng sản, theo đó : 1) Vẫn giữ tư tưởng đấu tranh giai cấp của Marx ; 2) Nhưng chống lại tư tưởng độc tài vô sản ; 3) Chủ trương đi đến một nền cộng hòa đại nghị, người dân được tự do bầu cử người đại diện của mình, cho một quốc hội dân cử để đi đến một chính quyền dân cử thật sự.
Chúng ta nên nhớ là lúc này Marx đã chết, 1883, chỉ còn Engels. Cuối đời Marx và ngay cả Engels, hai người đều nhận thấy rằng có nhiều điều sai lầm trong lý thuyết của mình, vì có nhiều đồ đệ bỏ, chẳng hạn như Paul Lafargue, con rể Marx, người trước đó đã giúp Marx và Engels rất nhiều, như tóm tắt và dịch quyển Chống lại Durhing ( Anti – Durhing) của Engels ra tiếng Pháp, đã bỏ Marx, theo chủ nghĩa vô trị, khiến Marx phải nói câu: « Tôi hy vọng rằng Lafargue là người cuối cùng theo chủ nghĩa vô trị. » Ngay cả con gái của Marx, vợ của Lafargue, Laura Fargue, người đã dịch quyển Tuyên Ngôn thư ra tiếng Pháp, cũng bỏ Marx, trở về đạo của tổ tiên, tức Do Thái giáo.
Theo Claude Mazauric, người viết lời Mở đầu ( Lire le Manifeste) quyển Tuyên Ngôn thư, thì: « Người ta nhận thấy rằng, sau này, những đồ đệ của tác giả quyển Tuyên Ngôn, và ngay chính cả Engels, vào cuối đời, năm 1895, khi nhìn thấy tình trạng trưởng thành của Phong trào thợ thuyền và xã hội, họ đã đi đến giả thuyết cho rằng một nhà nước cộng hòa dân chủ và một cuộc bầu cử qua phổ thông đầu phiếu đã trở thành con đường duy nhất để những người thợ thuyền, nam hay nữ, có thể thoát khỏi sự thống trị của xã hội tư bản. «  ( Marx và Engels – Manifeste du Parti communiste – Traduction de Laura Lafargue, précédé de Lire le Manifeste par Claude Mazauric – trang 9 – Edition www.Librio.net – 1998). 
Trở về Đệ Nhị quốc tế Cộng sản, chúng ta thấy ngay từ lúc đầu đã có sự chia rẻ giữa «  khuynh hướng Trung« của Kautski và «  khuynh hướng cực đoan » của Lénine, vẫn giữ quan niệm « Độc tài vô sản «, «  cách mạng bạo động «. 
Vào tháng 2/ 1919, trước khi có việc tách ra của Lénine để lập Đệ Tam Quốc tế, Đệ Nhị có họp Đại hội ở Berne, rồi ở Genève ( tháng7/1920), tiếp theo đó là Đại hội ở Hamboug ( 1923) bởi những người xã hội khuynh hướng trung tả, mà về sau người ta thường gọi những người này là Đệ Nhị Một Nửa ( 2-1/2).
Đệ Nhị thực sự không hoạt động từ năm 1939, nhường chỗ cho Quốc tế Xã hội, thay vì là Quốc tế Cộng sản, và họp Đại hội từ ngày 30/06 tới ngày 03/07/1951, ở Franfort,  Đức. 
Quốc tế Xã hội được thành lập từ đó và hoạt động mạnh mẽ cho tới ngày hôm nay bao gồm 180 thành viên trên toàn thế giới, trong đó có nước Đức và đảng Dân chủ Xã hội, vừa mới kỷ niệm 150 năm thành lập, giữ một vai trò rất quan trọng. 
Chúng ta biết, từ ngày đầu thành lập năm 1889, cho tới sau Đệ Nhất Thế Chiến, Đệ Nhị Quốc tế cộng sản có rất nhiều chia rẻ nội bộ, vì ý thức hệ, vì thái độ cần phải lấy trước khi thế chiến xẩy ra. Thế rồi thời gian trôi qua, Thế chiến xẩy ra, rồi kết thúc, lợi dụng tình thế trước khi thế chiến chấm dứt, Lénine, lúc đó đang sống lưu vong ở Thụy sĩ, tuyên bố: «  Hòa bình bằng bất cứ giá nào, ngay dù phải nhượng đất để có hòa bình và có quyền. »
Vì lẽ đó mà chính quyền quân chủ Đức Guillaume I I và Bộ Tham mưu đã tìm cách đưa Lénine về để cướp chính quyền. Hành động này của Bộ Tham mưu Đức rất là tính tóan và khôn ngoan, bắn một mũi tên  nhằm 3 con chim : 1) Lúc đó Bộ Tham mưu Đức đang phải đương đầu với 2 mặt trận lớn, Đông bắc với Nga của Nga Hoàng Nicolas I I, Tây nam với Pháp, giờ muốn dồn lực vào mặt trận chính tây nam ; 2) Ở trong phần lớn các nước Âu châu, khuynh hướng xã hội chủ nghĩa, không theo khuynh hướng của Lénine, rất mạnh, nhất là ờ Đức, chính quyền sợ có vụ dân nổi lên làm cách mạng, nên đã đánh lạc hướng bằng cách giúp Lénine về nước, làm giảm uy thế của cánh trung của Kautski trong Đệ Nhị Quốc tế ; 3) Đấy là chưa nói, khi Lénine về nước cướp được chính quyền, thì cử Trotski đi họp hội nghi Brest – Litovsk vào tháng 3/1918 với Đức và cắt đất cho Đức. 
Tuy nhiên khi lòng dân thay đổi, chán chế độ quân chủ, tình thế không cho phép, thì dù « Bắn mũi tên khôn ngoan «  thế nào chăng nữa cũng không cứu vãn được tình thế. Đức thua trận, chính quyền quân chủ Đức Guillaume I I bị sụp đổ. Chẳng khác nào như sự sụp đổ của Liên sô và các nước cộng sản Đông Âu gần đây. Khi lòng dân đã đổi chiều, khi mà tình trạng xã hội đã không còn cách cứu chữa, đến nỗi trước khi chết, Brejnev phải than lên : « Xã hội chủ nghĩa gì mà 1/3 xe chạy ngoài đường là ăn cắp săng của công, 1/3 bằng cấp là giả, công chức đến sở làm việc là để chỉ có mặt, sau đó thì đi coi hát hay đi làm việc riêng ! «.
Nhiều người đỗ lỗi cho Gorbatchev. Nhưng không phải vậy. Gorbatchev chỉ muốn sửa đổi, cải cách chế độ. Nhưng « chế độ cộng sản gần như không thể cải cách, mà phải thay đổi «, như Boris Eltsine nói, thêm vào đó lòng dân đã quá chán ngán và tình trạng đã trở nên quá trầm trọng.
Trở về với Quốc tế Cộng sản, sau khi được Bô Tham Mưu Đức, đưa từ Thụy sĩ về trong một toa xe lửa bọc sắt, trong đó có cả mấy người tình báo Đức, nói tiếng Nga rất giỏi, được sự giúp đỡ tiền bạc của Đức, với số tiền này, Lénine đã đưa cho Trotsky tổ chức những khóa học cho đội cảm tử cách mạng ( Commendots révolutionnaires ), đợi thời cơ đảo chính cướp chính quyền. Và chuyện đến đã đến : Tháng mười năm 1917, Trotsky đã làm cuộc đảo chính chính quyền Kérensky thuộc đảng Xã hội Thợ thuyền Nga, nằm trong Đệ Nhị Quốc tế Cộng sản.
Sau khi cướp được chính quyền vào đầu năm 1918, Lenine đã tổ chức cuộc bầu cử quốc hội lập pháp. Tuy nhiên kết quả bầu cử cho thấy phe của Lénine đã bị lâm vào thiểu số. Lénine lấy quyền lúc đó là đang nắm cơ quan hành pháp, giải tán quốc hội này. Hành động này của Lénine và những người của Đệ Tam mà Lénine lập ra sau này, chẳng coi bầu cử và ý dân là gì cả. Chính vì vậy mà bà Rosa Luxembourg, bạn của Lénine, cùng đấu tranh trong Đệ Nhị, đã viết thư cho ông vào cuối đời bà, 1919, như sau : « Đảng và nhà nước độc tài mà anh dựng lên, anh bảo rằng để phục vụ thợ thuyền và nhân dân; nhưng trên thực tế nó chẳng phục vụ một ai cả, vì nó đã đi ngược lại những nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa xã hội : Đó là tôn trọng tự do và dân chủ «. 
Đây là điểm khác biệt chính và lớn nhất giữa Đệ Nhị và Đệ tam Quốc tế Cộng sản. 
IV) Đệ Tam Quốc tế Cộng sản 
Sau khi cướp được chính quyền, sau gần 2 năm nội chiến, tháng 3/1919, Lénine (1870 – 1924) lập ra Đệ Tam Quốc tế Cộng sản.
Như trên đã nói, Lénine vẫn tin ở tư tưởng bạo động lịch sử, cách mạng tất yếu; nhưng những biến cố xẩy ra ở Hung gia lợi năm 1918 và ở Đức năm 1919, làm Lénine thất vọng, quay sang hy vọng ở phía đông, ở Á châu, vì vậy Lénine đã ký Hiệp ước thân thiện với Tôn dật Tiên năm 1923, giúp họ Tôn mở trường Hoàng Phố ở Quảng Đông, mở trường Tôn dật Tiên, lúc đầu ở Moscou, sau đó là trường Đông Phương. Trong Đại hội lần thứ 4, năm 1923, đại hội cuối cùng của Đệ Tam với sự có mặt của Lénine, ông tuyên bố: « Chủ nghĩa cộng sản sẽ đi qua cửa ngõ Tân đề li (Ấn độ), Bắc kinh ( Tàu), rồi sau mới tới Bá linh (Đức) và Paris ( Pháp)… ».
Về trường Đông phương, những người cộng sản sau này thổi phồng lên là đại học, trên thực tế thì trình độ rất thấp; vì để được vào học, chỉ cần chứng chỉ làm việc thợ thuyền trong 2 năm ở một hãng xưởng. Chương trình học có lý thuyết đơn giản về cộng sản, còn phần lớn là dạy phá hoại, hoạt động bí mật, chẳng hạn để được nhận vào, học viên phải tự mình làm ra 2 phiếu lý lịch giả và phải học thuộc lòng.
Sau khi họp Đại hội lần thứ 4 của Đệ Tam, thì Lénine chết. Người chủ tịch đầu tiên của Đệ Tam là Zinoviev (1919 – 1926), sau đó được thay thế bởi Boukharine (1926 –  1929), rồi Molotov (1929 – 1934), Manouilski, cuối cùng là Otto Kuusisen.
Đệ Tam bị Staline giải tán vào ngày 15/5/1943). 
Vì vẫn tin ở bạo động lịch sử, những người chóp bu của Đệ Tam, thực ra là của đảng Cộng sản Liên sô, tiêu biểu là Trotsky (1879 – 1940), nắm Nhà nước và quân đội, và Staline (1879 – 1953), nắm Đảng, đã xẩy ra cuộc đấu đá, tranh quyền giữa 2 người rất là khốc liệt. Hai người đã công khai dùng hết tất cả phương tiện của mình, một bên là nhà nước, một bên là đảng tố cáo nhau là phản cách mạng, là phản dân tộc, phản con đường đã vạch ra bởi Lénine. Tuy nhiên, vì theo như Lénine khi lập ra đảng cộng sản Liên sô, thì đặt đảng này trên tất cả mọi tổ chức, nay Staline nắm đảng, nên phần thắng đã về Staline.
Mặc dầu Totsky được những người như Zinoviev, Kamanev ủng hộ lúc đầu, nhưng sau cũng thua.
Zinoviev, Chủ tịch đầu tiên của Đệ Tam, sau đó bị Staline cướp hết quyền hành, sống ẩn dật ở Liên sô, cho mãi tới năm 1978 thì trốn sang Tây Đức và sống ở Munich.  Kamanev, người rất quan trọng trong thời Lénine, sau đó bị Staline kết án tử hình, trong một phiên tòa nổi tiếng được gọi là Phiên tòa Moscou vào năm 1935. Nó chẳng khác gì những phiên tòa của Đức Quốc xã Hitler, vì lúc này Hitler đã lên nắm quyền ở Đức. 
Trotsky bị bị tước hết quyền hành năm 1925, bị loại khỏi đảng năm 1927, bị đi đày, rồi bị trục xuất khỏi Liên sô năm 1929. Sau đó ông lập ra Đệ Tứ Quốc tế Cộng sản năm 1938, rồi bị Staline cho người theo dõi và ám sát chết ở Mễ tây cơ năm 1940. Ông có viết nhiều sách, nhưng theo tôi nghĩ, 2 quyền quan trọng sau này trước khi chết và có liên quan đến Đệ Tứ, đó là : Cách mạng thường trực ( La Révolution permanante) và quyển Cách mạng bị phản bội ( La Révolution trahie).
Trở về với Đệ Tam Quốc tế Cộng sản và tình hình Liên bang sô viết sau khi Lénine chết và sau khi Trotsky bị trục xuất, thì Staline nắm tất cả mọi quyền hành, từ Đệ Tam cho tới tình hình chính trị của Liên sô.
Staline đã làm những cuộc thanh trừng vô cùng đẫm máu và khốc liệt. Suốt từ khi nắm trọn quyền cho tới khi chết, thanh trừng trong Đảng, 90% người của Trung Ương và Bộ Chính trị và 90% sỹ quan cao cấp trong quân đội. Những cuộc thanh trừng và đàn áp giết dân này, có sử gia cho rằng có 20 triệu người chết vì ông ta và chế độ Cộng sản Đệ Tam, có người nói con số lên đến 35 triệu. 
VI)   Cuộc đấu đá giữa Staline và Trotsky 
Hai người tố cáo lẫn nhau là phản bội. Nhưng câu hỏi đến với chúng ta, đó là: Ai phản bội ai ? Phản bội Marx, Engels, phản bội Lénine ?
Như trên chúng ta vừa nhận định, về cuối đời Marx (1883) và nhất là Engels (1895) đã hoài nghi về quan niệm  « Độc tài vô sản « và «  cách mạng bạo động ».Trong khi đó con gái, con rể và các đồ đệ của Marx lại chấp nhận tư tưởng cho rằng con đường giải phóng thợ thuyền khỏi sự bóc lột của tư bản là một thể chế cộng hòa, đại nghị, trong đó quyền tự do bầu cử, tự do hiệp hội phải được tôn trọng. Đó là con đường duy nhất và hay nhất. 
Ở điểm này chúng ta thấy không phải chỉ Staline, Trotsky mà ngay cả Lénine đã phản bội Marx.
Thêm vào đó Marx cho rằng cách mạng cộng sản chỉ có thể xẩy ra và thực hiện ở những nước kỹ nghệ. Trong khi đó Lénine, Staline và Trotski làm cách mạng cộng sản ở nước Nga, vào lúc đó phần lớn là nông nghiệp, lạc hậu, phần nhỏ mới kỹ nghệ. 
Marx không bao giờ chủ trương độc đảng. Ngay trong Tuyên Ngôn thư Đảng Cộng sản, Marx để nguyên một chương cuối với đề tựa: « Lập trường của những người cộng sản đối với những đảng đối lập khác «  ( Position des communistes envers les différents partis d’opposition.) ( Le Manifeste du Parti communiste – trang 59 – Nhà xuất bản Union générale d’Eđitions – Paris 1962), Trong khi đó thì Lénine trong đó có cả Staline và Trotsky chủ trương độc đảng. 
Phản bội đối với Lénine ? 
Nhiều người cho rằng Staline trung thành với Lénine hơn Trotsky. Họ đã lầm. Bề ngoài, trên lý thuyết, thì Staline tỏ vẻ trung thành với Lénine, vì ông đã viết quyển sách «  Những nguyên tắc của chủ nghĩa Lénine « ( Les principes du léninisme ); nhưng thực tế thì hoàn toàn ngược lại. Như chúng ta đã biết ngày hôm nay qua sử liệu, thì Lénine bị bệnh giang mai ( syphilis) vào giai đọan cuối, nhiễm vào tủy và óc, nên bị liệt nửa người. Người lo chăm sóc cho Lénine không ai khác hơn là Staline. Vào cuối đời, Lénine đã ý thức được tính cách không tưởng của chủ nghĩa Marx qua kinh tế tập trung, nên ông đã làm chính sách Kinh tế mới ( NEP), và sự lầm lẫn của mình qua việc chủ trương độc đảng, đặt đảng lên trên mọi tổ chức của quốc gia, và nhất là việc trao cho Staline nắm đảng. Ông muốn loại Staline khỏi chức vụ này, đã viết thư cho Trung Ương đảng, nhưng Staline đã cài người quanh Lénine, bức thư trao cho một người y tá, nhưng bị Staline giữ lại. Từ đó, ông đã hại Lénine bằng cách cho liều độc dược cao, vì lúc này chưa có thuốc trụ sinh để chữa bệnh giang mai, chỉ có thể làm giảm đau qua việc uống độc dược. Staline cho Lénine uống liều độc dược cao, đi đến chỗ chết, chính vợ Lénine đã tố cáo Staline.
V I I )  Sự ra đời của Đệ Tứ Quốc tế Cộng sản, sự tương đồng và khác biệt giữa Đệ Tam và Đệ Tứ 
Sau khi bị tước mọi quyền hành năm 1925, bị trục xuất khỏi Đảng năm 1927, khỏi Liên sô năm 1929,  sống lẩn trốn và hoạt động bí mật ở châu Âu, chống Staline, lập ra Đệ Tứ Quốc tế Cộng sản năm 1938, rồi trốn sang Mễ tây cơ, Trotsky vẫn bị Staline cho người theo dõi, và ám sát chết năm 1940 ở nước này.
Đệ Tứ Cộng sản qui tụ tất cả những người cộng sản, bất mãn với Staline và Đệ Tam, hoạt công khai hay bí mật trong những đảng, những phong trào thợ thuyền cực tả ở những nước Tây Âu, tất nhiên không thể nào ở những nước cộng sản theo Staline, chẳng hạn như ở Việt Nam, những người theo Đệ Tứ như Tạ thu Thâu, Phan văn Hùm v.v… đều bị trù dập, thủ tiêu bởi đảng Cộng sản ( theo Đệ Tam). 
Có người nói không có gì khác biệt giữa Staline và Trotsky, giữa Đệ Tam do Lénine lập ra, Staline kế tiếp, và Đệ Tứ do Trotsky lập ra ? 
Lời nói trên cũng không sai, vì cả 2 tổ chức đều lấy lý thuyết của Marx làm nền tảng, vẫn giữ quan niệm bạo động lịch sử, đấu tranh giai cấp và quan niệm độc tài vô sản. Tuy nhiên cũng có điểm khác biệt, nhất là từ khi Staline đưa ra quan niệm «  Cộng sản trong một nước « ( Communisme dans un seul Etat ), cho rằng phải xây dựng củng cố chế độ cộng sản trong nước Liên sô trước tiên, rồi sau đó mới nghĩ đến việc bành trướng ra thế giới. Trotsky đã chỉ trích mạnh mẽ quan niệm này, cho rằng làm như vậy chỉ làm thui chột nhuệ khí cách mạng cộng sản ở trên thế giới và hơn thế nữa chỉ gói ghém tinh thần đế quốc, làm cho tinh thần cách mạng cộng sản thế giới bị phản bội. Trotsky nói đến Cách mạng bị phản bội ( Révolution trahie) là như vậy.
Người khác cho rằng : Nếu Đệ Tam quốc tế không do Staline lãnh đạo, mà do Trotsky lãnh đạo, thì lịch sử nhân loại không có những trang sử đau thương và đẫm máu, với cả trăm triệu người chết, vào thế kỷ 20. Dầu sao đây cũng chỉ là một giả thuyết và lại dùng chữ nếu. Người Pháp có câu châm ngôn: «  Với chữ nếu, người ta có thể bỏ cả thành phố Paris vào trong một cái chai ». Nói rằng Đệ Tứ ít bạo động hơn Đệ Tam, ít giết người, và hơn thế nữa những người Đệ Tứ còn bị giết bởi người Đệ Tam. Nhưng hoàn cảnh lịch sử có khác. Đệ Tứ không có nắm quyền, nếu có quyền thì cũng tàn sát như Đệ Tam, vì vào thời đầu Cách mạng Liên sô 1917, lúc đó Trotsky là người thứ nhì sau Lénine, đã có những cuộc tàn sát đẫm máu ở Nga. Chính Trotsky cho rằng  phải phát động nội chiến để tiêu diệt, nhận chìm ( noyer) những khó khăn nội bộ. Ông còn chủ trương Cách mạng liên tục. Ông viết quyển Cách mạng thường trực ( La Révolution permanante) là thế. Những tổ chức của Đệ Tứ, ở những nước tây Âu, nhiều khi bị đặt ra ngoài vòng pháp luật, không được hoạt động là vì tính bạo động của nó. 
Hơn bao giờ hết, khi nói đến Quốc tế Cộng sản, chúng ta đừng vơ đũa cả nắm, mà cần phân biệt giữa Đệ Nhất, Đệ Nhị, Đệ Tam và Đệ Tứ. Hai Quốc tế Cộng sản đã có dịp nắm quyền là Đệ Nhị, như đảng lao Động bên Anh, đảng Xã hội bên pháp, đảng Dân chủ Xã hội bên Đức mà họ vừa mới kỷ niệm 150 năm ngày thành lập, và nhiều đảng xã hội bên bắc Âu và Đệ Tam với những nước như Liên Sô, Đông Âu, trước đây và ngày hôm nay còn lại với Trung cộng và Việt cộng. Chỉ có những chính quyền của Đệ Tam Quốc tế Cộng sản mới độc tài, giết người, bắt đầu từ Lénine qua Staline, Mao, Hồ và Pol Pot. 
Nhưng câu hỏi đến với chúng ta là tại sao như vậy. 
Như trên tôi đã  trích câu nói của một nhà tư tưởng: « Lòng tin tưởng thái quá vào một chủ thuyết là kẻ thù lớn nhất của chân lý, sự thật và còn nguy hiểm hơn cả sự lừa đảo. » 
Và không đâu xa, một người Việt Nam, ông Lê xuân Tá, đã từng là Phó Trưởng Ban Khoa học và Kỹ thuật của đảng Cộng sản Việt Nam, cũng đã viết: « Sự ngu dốt và thấp hèn, tự nó không đáng trách và không làm nên tội ác. Nhưng sự ngu dốt và thấp hèn mà được trao quyền lực và cấy vào vi trùng ghen tỵ, thì nó trở thành quỷ nhập tràng. Và con quỷ này, hơn bao giờ hết, nó ý thức rất rõ rằng cái đe dọa quyền và lợi của nó, chính là sự hiểu biết, văn hóa và văn minh. Nên nó đã đánh những thứ này một cách tàn bạo, vô nhân đạo và không thương tiếc. Cách mạng Hồng vệ Binh bên Tàu là thế. Vụ Nhân văn Giai phẩm ở Việt Nam là vậy. Tuy nhiên, vì nó là ngu dốt và thấp hèn,  nên những thứ này, lâu ngày đã trở nên sỏi thận, sỏi mật, sơ gan, cổ chướng, trong lục phủ, ngũ tạng của chế độ, làm cho chế độ này không ai đánh mà tự chết. » 
Câu này không những đúng cho những người Đệ Tam quốc tế Cộng sản, mà đúng cho cả Marx, Engels, Lénine, Staline, Mao,  Pol Pot. 
Chúng ta đừng nghĩ những người có học cao mà không ngu dốt, càng có học cao, mà càng mù quáng, tin thái quá vào một chủ thuyết, thì không còn thấy đâu là sự thật, chân lý và khoa học (1). 
Bắt đầu bằng Marx, vì ông quá tin tưởng vào những điều ông viết; nhưng ngày hôm nay người ta thấy nó phản sự thật, phản khoa học.
Tiếp theo là đồ đệ của ông, ngoài việc mù quáng tin vào lý thuyết của Marx, lại được trao quyền lực và đã có sẵn vi trùng ghen tỵ là tư tưởng đấu tranh giai cấp và bạo động lịch sử, đã biến lý thuyết ông trở thành giáo điều, những ai chống lại đều phải loại bỏ, trở thành một sự lừa đảo, và hơn thế nữa trở thành quỉ, như ông Lê xuân Tá nói. 
Lénine thì được bộ Tham mưu Đức đưa từ Thụy sĩ về nước rồi cướp được quyền lực. Những người lãnh đạo đảng cộng sản Đông Âu thì được Đệ Tam Quốc Tế lúc đầu, sau đó là Liên sô trao quyền. Mao,  Kim nhật Thành, Pol Pot thì được Cộng sản Liên sô đưa về cướp chính quyền, trao quyền lực, và cấy vào vi trùng ghen tỵ là lý thuyết đấu tranh giai cấp. 
Vì lẽ đó mà nhân loại có những trang sử đẫm máu nhất vào thế kỷ 20, với 100 triệu người là nạn nhân của Đệ Tam Quốc Tế Cộng sản, được chia ra như sau :
- Liên sô, 20 triệu người chết.
- Tàu, 65 triệu người chết.
- Việt Nam, 1 triệu người chết.
- Bắc Hàn,   2 triệu.
- Căm bốt,   2 triệu.
- Đông Âu,  1 triệu.
-  Châu Mỹ La tinh, 150 000 người chết.
-  Phi châu, 1,7 triệu người chết.
-  A phú hãn, 1,5 triệu người.
-  Những phong trào cộng sản và những đảng cộng sản khác không nắm chính quyền, nhưng theo Đệ Tam, hàng chục ngàn người chết.
( Theo Stéphane Courtois, Nicolac Werth, Jean Louis Panné, Andrzej Paczkowski, Karel Bartosek, Jean Louis Margolin – Le Livre Noir du Communisme – Crimes, terreur, répression – trang 8 – Nhà xuất bản Laffont – Pháp – 1997).
Bởi vậy Quốc hội Âu châu đã biểu quyết đạo luật 1481 kết án cộng sản, tức Đệ Tam, là diệt chủng, và  ông Gorbatchev, cựu Tổng Bí thư Đảng Cộng sản của Liên sô trước đây, đã nói: « Tôi đã bỏ hơn nửa đời người phục vụ cho lý tưởng cộng sản ( tức Đệ Tam Quốc Tế Cộng sản – Lời của người viết bài này); nhưng ngày hôm nay tôi phải đau buồn mà nói rằng: Cộng sản chỉ biết tuyên truyền và nói láo ».
Dân tộc Nga và Đông Âu đã can đảm đứng lên lật qua trang sử đau thương của Đệ Tam Quốc Tế Cộng sản.
Dân tộc Tàu, Việt Nam, Bắc Hàn, Cu ba hãy can đảm vùng lên viết lại trang sử mới cho chính mình.
Paris ngày 11/09/2013
Chu chi Nam