Thứ Sáu, 21 tháng 6, 2013

SILEX (1)





Khó có thể biết nhân cách được hình thành lúc nào và kết thúc khi nào trong vòng đời một con người. "Nhân chi sơ" là "bản thiện" hay "bản ác" thực chất cũng chỉ là kết luận mang tính chủ quan của Khổng và Mạnh, để từ quan điểm xuất phát luận đó, xã hội người lớn - xã hội trưởng thành - có đối cách thích hợp trong giáo dưỡng trẻ vị thành niên cũng như những quy định ràng buộc có tính luật pháp trong toàn thể cộng đồng một quốc gia.


Nhưng một nhìn nhận được mọi học giả nhất trí là phần lớn nhân cách bao gồm lý trí và tâm hồn của một con người hình thành và phát triển mạnh nhất trong những năm đầu đời và ở tuổi vị thành niên (khi mời các học giả duy tâm tạm ngồi chơi xơi nước). Và, qua nhiều thí nghiệm, khảo cứu, quan sát và phân tích, các nhà phân tâm học cũng thống nhất, giai đoạn tiểu học của trẻ vị thành niên mang yếu tố quyết định (giai đoạn nhận biết vật, việc... đồng thời hình thành và phát triển tư duy trừu tượng - logic). Thế nên đủ biết giáo dục tiểu học quan trọng cỡ nào trong mục tiêu ổn định, hài hòa và phát triển xã hội của một quốc gia.

Và quan điểm giáo dục rằng "Học là quá trình hình thành và hoàn thiện kỹ năng để thực hiện mục đích" (không sai) tuyệt nhiên không nên có chỗ trong Giaó dục (ít nhất) ở bậc tiểu học!

Sự xuống cấp mang xu hướng lụn bại của nền giáo dục Việt Nam đã được mổ sẻ từ rất lâu và rất nhiều. Có rất nhiều nguyên nhân, và hẳn Bộ sách giáo khoa độc quyền xuất bản, phát hành và bắt buộc trong toàn bộ hệ thống giáo dục không thể né, cũng là một tác nhân quan trọng.
Được biên soạn và áp dụng cách nay chục năm, dù cũng được chỉnh biên, sữa lỗi mấy lần, song nhìn chung, hiệu quả giáo dục theo bộ sách này đã hiển hiện qua quan sát nhân cách chung của lứa học sinh trung học, đại học hiện thời phản ánh qua kết quả thi cử và trong mọi quan hệ xã hội của họ.

Tham khảo và áp dụng từ những bộ sách giáo khoa tiên tiến từ Âu - Mỹ, Nhật Bản và cả Trung Quốc là tốt, song các nhà biên soạn hình như đã không quan tâm thấu đáo đến những điểm khác biệt, mà có thể đây lại là những điểm rất quyết định, tâm sinh lý trẻ Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào cuộc sống xã hội Việt Nam mang tính đặc thù, cả thượng tầng và hạ tầng kiến trúc xã hội. Chính điều này dẫn đến sự cẩu thả, rườm rà, thừa thiếu ... trong bộ sách giáo khoa tiểu học nói riêng và các bộ sách giáo khoa phổ thông nói chung.
Các biên soạn viên cũng sai lầm khi đưa vào giáo trình các mẹo toán (tinh nhanh ra kết quả) tràn lan khi chưa soạn những bài mang tính cơ bản, nền tảng có tính hệ thống và logic. Điều này dễ làm lệch lạc trong quá trình hình thành tư duy trừu tượng-logic học của con trẻ ở bậc sơ học.
Mà khi tư duy trừu tượng-logic lệch lạc thì các hành vi xã hội phi ngưỡng của trẻ vị thành niên tràn lan là hệ lụy tất yếu.

Một bộ sách giáo khoa tiểu học mới, tốt hơn... góp phần tích cực cho tương lai của VN đang là điều cực kỳ cấp thiết phải được làm ngay !




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét