Người dịch: Trong khi xã hội chúng ta đang phải đối diện với hàng loạt các vấn đề sôi động liên quan đến đời sống cá nhân và cộng đồng, xuất hiện trên các diễn đàn thông tin nhiều bài viết và những tranh luận xoay quanh khái niệm vị thế và trách nhiệm của người trí thức trong xã hội hiện nay. Dĩ nhiên xã hội không chỉ thuộc về những người được cho là trí thức – khái niệm còn phải xem lại – mà nó là của tất cả những thành viên sống và thuộc về nó. Nhưng dù vậy, vẫn tồn tại trong xã hội những nhóm “tinh hoa” có khả năng dẫn dắt hướng đi cho đám đông. Để thêm tính sinh động cho diễn đàn, chúng tôi dịch và giới thiệu bài viết của Pierre Berlan về giới trí thức Pháp thế kỷ XX.
Trí thức
Pierre BerlanThuật ngữ trí thức xuất phát từ tiếng La-tinh intellectualis (« cái liên quan đến trí tuệ, trí óc », gần với từ intellĭgĕre (« nhận thức được », « nắm bắt được », « hiểu biết được »).
Tính từ này trở thành danh từ dưới ngòi bút của Clémanceau trong thời điểm xảy ra vụ Dreyfus *. Với nhan đề « Tuyên ngôn của các trí thức », tờ báo L’Aurore (Bình minh) của ông công bố ngày 14 tháng 1 năm 1898 đoạn viết như sau : « Những người ký tên kháng nghị chống lại sự vi phạm pháp luật của bản án năm 1894 và phản đối những bí ẩn xung quanh vụ Esterhary, vẫn kiên trì yêu cầu xét lại ». Xuất hiện trong bản danh sách, đứng đầu có Émile Zola * và Anatole France *. Tiếp theo là Marcel Proust *, Gabriel Monod, Léon Blum, Lucien Herr… Danh từ này được Barrès sử dụng lại để chế nhạo các nhà văn, giáo sư và bác học theo phe Dreyfus.
Sau vụ Dreyfus, danh từ « nhà trí thức » được sử dụng rộng rãi để chỉ những người dấn thân trong lãnh vực chung bảo vệ các giá trị, đặc biệt trên các vấn đề tinh thần và chính trị, bằng cách dựa trên danh tiếng của mình.
Như vậy hình ảnh nhà trí thức hiện đại ra đời ở Pháp vào giai đoạn đầu thế kỷ XX. Từ đó, hình ảnh nhà trí thức đồng hành cùng những sự kiện quan trọng trong lịch sử đất nước. Họ đã ký những tuyên ngôn, những kiến nghị, công bố các tạp chí, tổ chức các cuộc biểu tình, tuần hành hay các uỷ ban bảo trợ. Mounier với tạp chí Esprit, Sartre * với les Temps modernes, Mauriac và tập sổ tay Bloc-notes de France-Observateur, mỗi người đều phân tích, đánh giá và nhận định các sự kiện. Các trí thức ủng hộ phái Cộng hoà Tây Ban Nha chống lại Franco*, họ chống lại liên minh phát xít của những năm 1930. Vichy và sự chiếm đóng của Đức đã làm xáo trộn các nền tảng, và một số người như Brasillach đã chọn hợp tác. Sau 1945, các trí thức nổi dậy chống lại các cuộc chiến tranh thực dân tại Đông Dương và Algéri. Họ lo ngại về sự đe dọa của vũ khí hạt nhân. Năm 1950, Frédéric Joliot-Curie *, Louis Aragon *, Simone Signoret *, Marcel Carné và nhiều người khác cùng ký bản kêu gọi Stockholm, kiến nghị phỏng theo cộng sản chống lại vũ khí hạt nhân. Sartre gắn bó với Đảng Cộng sản Pháp, trong khi đó Raymond Aron đả kích chủ nghĩa độc tài Staline. Năm 1951, Picasso * phác họa Massacre en Corée (Cuộc tàn sát ở Triều Tiên), bức họa được đặt hàng bởi Đảng Cộng sản Pháp nhằm mục đích tố giác chủ nghĩa Đế quốc Mỹ ở Châu Á. Ngay năm 1955, tạp chí Esprit đã tỏ ra phẫn nộ trước sự tra tấn của quân đội Pháp tại Algéri. Simone Beauvoir * dấn thân trong phong trào phụ nữ và liên kết vơí những thành viên hỗ trợ Mặt Trận giải phóng quốc gia (F.L.N). Năm 1961, họ ký tuyên ngôn 121 với mục đích chấm dứt chiến tranh Algéri. Căn hộ của Sartre bị Tổ chức quân đội mật phá nổ, Malraux bắt đầu phong trào dân chủ văn hóa bên cạnh tướng Charles de Gaulle *. Sự kiện tháng Năm 1968 diễn ra : Sartre biểu tình trước nhà máy Renault de Billancourt. Họ chống lại chiến tranh tại Việt Nam. Sau đó vào cuối những năm 1980, sự kiện sụp đổ của chủ nghĩa Cộng sản, xảy ra chiến tranh ở Bosnia, xuất hiện những người không giấy tờ tùy thân… danh sách dài thêm với những thông cáo phản kháng, những kiến nghị, những ủy ban và tụ họp. Chừng ấy những hoạt động và sự kiện đã góp phần và tham gia vào sự hình thành căn tính quốc gia trong suốt chiều dài của thế kỷ XX.
Như vậy, trên bình diện thế giới, Pháp luôn được xem như miền đất tiêu biểu của giới trí thức. Hầu như không cần thiết phải nói đến các nhà trí thức Pháp tại Đức hay tại Mỹ. Là nhà trí thức có thể là một «trò chơi kiểu Pháp ». Điều đó còn phải xem lại, nhưng một lúc nào đó nó củng cố cho những kiểu nói : những « cuộc đấu gà » trên truyền hình Pháp, những tranh cãi muôn thuở, những phẫn nộ, những tuyên bố, tất cả những thứ đó khiến người nước ngoài nghĩ rằng người Pháp nói để chẳng diễn đạt gì cả, và có lẽ chỉ vì thích thú bàn luận. Dù thế nào đi chăng nữa, và dù cho những ảnh hưởng thực tế của các nhà trí thức Pháp, thì tính đặc thù của quốc gia hình lục lăng ngày nay có vẻ như đang bị đe dọa. Trọng lượng của giới trí thức Pháp hình như bị xói mòn. Với khoảng thời gian theo quy tắc, nó đang báo hiệu sự kết thúc của mình. Năm 2000, nhà sử học Pierre Nora, trong trang đầu của số ra mừng 20 năm tạp chí Le Débat (Bàn luận) đã đặt tựa đề cho bài viết là « Vĩnh biệt các trí thức ? ». Régis Debary cũng vậy, đã dự báo sự lâm chung sắp đến của giới trí thức. Người ta cho rằng các trí thức Pháp đã không thực hiện những điều đáng lẽ họ phải làm. Họ ứng phó không tốt, đi lầm đường và phản bội. Vì thế, họ sẽ biến mất. Vẫn tồn tại theo mỗi thời kỳ những cá thể tạo dấu ấn, nhưng giai điệu thì hình như vẫn thế. Các nhà trí thức không còn chỉ là một đám ranh mãnh, tự phụ, kiêu căng, bị lóa mắt và hay quên lú. Những người theo phe Dreayfus hôm qua và những kẻ lợi dụng hôm nay. Nền Cộng hòa mỹ văn có thể phải nhường chỗ cho một nền Cộng hòa biến chất, nơi mà người ta tranh giành nhau các miếng bánh ngọt.
Sự hủy diệt này, được nhận định sẽ đến, chưa bao giờ xảy ra. Từ khi mà tại nước Pháp các nhà văn can thiệp vào sự thật, công lý và chính trị, từ Voltaire đến Sartre, qua Zola, vẫn luôn có các nhà trí thức tiếp tục bảo vệ cho người yếu kém trước kẻ quyền lực, cho thiểu trước đa số, cho quyền con người trước sự tàn bạo, để đặt lý lẽ hay đạo đức phổ quát lên trên những lợi ích trước mắt của cộng đồng quốc gia.
Như một tựa đề bài báo mới đây của C. Prochasson[1] đã nhấn mạnh, các nhà trí thức Pháp, ở nhiều góc độ khác nhau, là hồn của quốc gia Pháp.
Pierre Berlan