Nguyễn Văn Tuấn
Một trăm lẻ tám trẻ em tử vong là một thảm trạng, và có thể nói rằng quy mô bệnh sởi ở Việt Nam đang ở mức độ “dịch”.
Nói “dịch sởi” là có chứng cứ
Theo thị sát thực tế của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, chỉ riêng 3 bệnh viện lớn ở Hà Nội đã có đến 108 trẻ tử vong vì bệnh sởi hay biến chứng từ bệnh sởi, và con số này cao hơn 4 lần con số của Bộ Y tế.
Dịch sởi ở Việt Nam không chỉ mới xảy ra trong tuần này, mà đã diễn tiến từ đầu năm nay trên nhiều tỉnh thành khắp nước. Chẳng hạn như ở TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Nhi Đồng I mỗi ngày tiếp nhận trung bình 30 ca bệnh sởi (trước đây là 20 ca/ ngày). Các bệnh viện khác trong thành phố cũng ghi nhận số ca bệnh gia tăng. Thật ra, bệnh sởi đã xuất hiện trên 59 tỉnh và thành phố[1].
Cần nói thêm rằng trước đó, năm 2008, số liệu của Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương ghi nhận trong 3 tháng (từ 12/2008 đến 3/2009) cả nước đã có 7.600 ca bệnh nghi sởi, và khoảng 57% trong số này có kết quả xét nghiệm dương tính sởi. Như vậy, bệnh sởi ở nước ta chưa được kiểm soát và khống chế có hiệu quả.
Số ca bệnh sởi năm nay dường như có xu hướng tăng cao vào tháng 2 - 4. Xu hướng này rất phù hợp với một kết quả nghiên cứu trước đây (2), mà theo đó, số ca bệnh (ghi nhận từ 10/2008 đến 1/2010) cũng đạt đỉnh vào tháng 2 - 4. Với xu hướng này, chúng ta có thể tiên đoán rằng số ca bệnh sởi sẽ giảm từ tháng Năm.
Số ca bệnh sởi ghi nhận từ 10/2008 đến 1/2010. Tổng số ca bệnh trong thời gian đó là 7.942, và tăng cao nhất vào tháng 2, kế tiếp là tháng 3 và tháng 4. Ở những tháng này, phần lớn ca bệnh là xuất phát từ các tỉnh phía Bắc (màu đỏ). Nguồn: tài liệu tham khảo (2). |
Nhưng con số tử vong mới là đáng báo động. Theo Bộ Y tế, chỉ riêng tại Bệnh viện Nhi Trung ương đã có 25 trẻ tử vong do bệnh sởi, và 78 ca khác tử vong do bệnh sởi và những biến chứng. Nhưng qua thị sát thực tế, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết con số tử vong là 108 (chứ không phải 25). Tuy nhiên, dù số ca tử vong là 25 hay 108, thì tình trạng này vẫn phải xem là một dịch bệnh nguy hiểm. Ở Úc, chỉ cần một vài ca bệnh sởi cũng đủ khiến cả hệ thống Y tế báo động và lên phương án phòng chống.
Nói “dịch sởi” là có chứng cứ. Cần nhắc rằng, trước đây bệnh SARS và cúm H1N1 cũng gây ra một số ca tử vong, nhưng vẫn chưa cao như bệnh sởi lần này. Tuy nhiên, lúc đó, cả SARS và H1N1 đều được xem là dịch, thậm chí “đại dịch”.
Giới dịch tễ học chia dịch bệnh thành 6 giai đoạn, và giai đoạn 5 được định nghĩa là khi virus lan truyền từ người sang người, và lan truyền sang ít nhất là 2 quốc gia trong một vùng. Theo các chuyên gia Việt Nam, dịch sởi lần này xảy ra ở phía Nam Trung Quốc và xâm nhập vào Việt Nam.
Chúng ta biết rằng bệnh sởi là bệnh lây nhiễm nhanh hơn và nguy hiểm hơn SARS và cúm gia cầm. Do đó, trên phương diện “kĩ thuật” quy mô bệnh sởi ở Việt Nam có thể xem là “dịch”.
Muốn phòng bệnh phải có thông tin
Nhưng dùng danh từ gì để gọi quy mô bệnh cũng chỉ là hình thức và mang tính kĩ thuật; điều quan trọng hơn là đối phó với bệnh về lâu dài. Nhiều nghiên cứu kinh điển về bệnh sởi cho thấy đại đa số ca bệnh sởi đều do thiếu tiêm chủng lúc mới sinh. Ở những quần thể không được tiêm chủng, hầu hết trẻ đều mắc bệnh sởi trong những năm đầu đời.
Ở Việt Nam, theo thống kê của các giới chức Y tế, 80% bệnh nhân sởi chưa từng được tiêm phòng. Ngược lại, ở những nước tiên tiến, nơi mà trẻ mới sinh được tiêm chủng vaccine phòng chống sởi thì hầu như không có ca bệnh này. Do đó, tiêm vaccine là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất. Chương trình tiêm phòng sởi được đưa vào cộng đồng từ 1982, và cũng đạt được hiệu quả nhất định (xem biểu đồ dưới đây):
Biểu đồ thể hiện số ca bệnh sởi (thanh màu đỏ) ở Việt Nam từ năm 1974 đến 2009. Tiêm chủng vaccine phòng ngừa sởi (MCV) bắt đầu từ năm 1982 (đường màu xanh) và đến năm 2009 đạt gần 100%. Biểu đồ cho thấy khi tỉ lệ tiêm chủng tăng cao thì số ca bệnh sởi giảm đáng kể. Nguồn: tài liệu tham khảo (2). |
Theo báo cáo, cho đến nay đã có 93 - 97% trẻ được tiêm phòng (2). Nếu tỉ lệ tiêm chủng này là đúng, thì sự bùng phát bệnh sởi trong năm nay là một sự ngạc nhiên. Có thể con số 93-97% không đúng, nhưng cũng có thể hệ thống y tế dự phòng chưa hữu hiệu, hoặc một số ca sởi là do thiếu vitamin A (một trong những yếu tố nguy cơ của sởi).
Ai cũng biết phòng bệnh có hiệu quả hơn chữa bệnh. Phòng bệnh thì cần phải có thông tin về quy mô bệnh và biện pháp. Biết được quy mô, công chúng sẽ cảnh giác và thận trọng hơn. Biết được thông tin phòng bệnh, công chúng sẽ chủ động hơn từ cấp gia đình thay vì để các bệnh viện quá tải.
Khoảng 10 năm trước đây khi SARS bắt đầu nhen nhúm trở thành dịch bệnh, cả hệ thống chính trị vào cuộc để phòng bệnh. Nhưng hiện nay, trong khi hơn 100 trẻ tử vong vì sởi mà người ta vẫn tranh luận (và bao biện) về việc có nên công bố dịch bệnh! Tại sao có sự khác biệt về phản ứng trước dịch bệnh như thế?
Trong trường hợp bệnh SARS, phản ứng của Việt Nam có lẽ một phần do sự lưu ý và sức ép từ các cơ quan y tế quốc tế, nhưng dịch sởi lần này thì các tổ chức y tế quốc tế không có ý kiến (vì không liên quan đến họ) và Việt Nam đối phó có phần… khiêm tốn.
Hai cách đối phó với dịch bệnh ở hai thời điểm làm cho công chúng nghĩ rằng mức độ tình cảm với người Việt tuỳ thuộc vào tỉ lệ bệnh lây lan sang người nước ngoài. Dĩ nhiên, không ai muốn để con số tử vong vì bệnh sởi trở thành “chất liệu” cho câu nói nổi tiếng (được cho là) của Stalin, rằng một cái chết là một thảm trạng, nhưng nhiều cái chết là một con số thống kê.